Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Life for Paris: Sáu năm hàn gắn vết thương khủng bố 13/11

Đăng ngày:

Đêm tang thương 13/11/2015 ở Paris trở lại trong tâm trí người dân Pháp với 130 người thiệt mạng và 350 người bị thương. Một phiên tòa chưa từng có bắt đầu ngày 08/09/2021, dự kiến kéo dài 9 tháng, để xét xử Salah Abdeslam, người sống sót duy nhất của nhóm khủng bố và 13 đồng phạm có mặt và 6 bị cáo xử vắng mặt vì được cho là « đã chết ».

Hoa được cài trên vết đạn ở nhà hàng Le Petit Cambodge, Paris, Pháp, ngày 15/11/2015.
Hoa được cài trên vết đạn ở nhà hàng Le Petit Cambodge, Paris, Pháp, ngày 15/11/2015. AP - Peter Dejong
Quảng cáo

Đêm kinh hoàng bắt đầu từ 21 giờ 16 với ba vụ tấn công tự sát ở sân vận động Stade de France, phía bắc Paris, trong lúc tổng thống Pháp François Hollande cùng nhiều quan chức chính phủ đến cổ vũ trận bóng đá hữu nghị Pháp - Đức. Gần như cùng lúc, vào 21 giờ 24 ở trung tâm Paris, khách hàng ở quán bar Le Carillon, nhà hàng Le Petit Cambodge, Casa Nostra, La Belle Equipe lần lượt gục xuống dưới làn đạn xối xả của ba kẻ khủng bố. Nhưng điều tồi tệ nhất bắt đầu từ lúc 21 giờ 47 bên trong nhà hát Bataclan đến 0 giờ 22 ngày 14/11.

Ám ảnh hậu khủng bố

Phát biểu ngay trong đêm xảy ra loạt khủng bố, tổng thống François Hollande nghẹn ngào nói đến « sự kinh hoàng », « có vài chục người chết và rất nhiều người bị thương ». Rất nhiều nạn nhân khủng bố, hiện là thành viên hội Life for Paris - bên nguyên, ra tòa làm chứng. Life for Paris ra đời ngày 01/12/2015, hoạt động theo quy chế hiệp hội tại Pháp từ ngày 13/01/2016 và được Fondation de France hỗ trợ một phần tài chính.

Life for Paris hiện là hiệp hội lớn nhất có 750 thành viên khởi đầu là một nhóm kín trên Facebook để những người thoát chết, thân nhân người quá cố, có thể tìm nguồn động viên an ủi mà chỉ có những người trong cuộc mới hiểu hết được « địa ngục » mà họ phải đương đầu. Mục đích của hội là « phục hồi cho những người sống sót », theo Caroline Langlade, cựu chủ tịch hội và may mắn thoát chết ở Bataclan.

Ngoài nạn nhân trực tiếp và gia đình nạn nhân loạt khủng bố, Life for Paris còn có nhiều thành viên là những người dân sống ở quận 10 và 11, gần những điểm bị tấn công đã giúp các nạn nhân trú ẩn, sơ cứu cho họ, cũng như nhiều cảnh sát, lính cứu hỏa đầu tiên tới trợ giúp ở hiện trường.

Chín mươi người chết trong nhà hát Bataclan tối 13/11/2015, « nằm la liệt » trong khu sân khấu ở giữa, theo lời kể với AFP của Stéphane Toutlouyan và David Fritz Goepinger. Cả hai nằm trong nhóm 12 con tin bị hai kẻ thánh chiến còn lại trong Bataclan bắt theo dõi trên ban công, nếu làm sai sẽ bị « bắn vào đầu và ném qua cửa sổ ». Nhờ phép mầu, họ sống sót và ra làm chứng tại phiên xử với hy vọng bức ảnh chụp hành lang nơi tính mạng của họ như « ngàn cân treo sợi tóc » được đưa ra trong phiên xử.

Arthur Dénouveaux, hiện là chủ tịch hội Life for Paris, may mắn hơn, thoát được ra ngoài khoảng 10 phút sau những tràng liên thanh AK đầu tiên và cũng giúp ban nhạc Eagles of Death Metal thoát thân. 29 tuổi vào thời điểm khủng bố, Arthur Dénouveaux mất gần một năm để điều trị tâm lý. Sau những lúc « dằn vặt » vì thoát chết là mong muốn « sống có ý nghĩa ». Khi trả lời nhà báo Gleize Pauline của RFI Arthur Dénouveaux cho rằng phiên tòa là dịp để những nạn nhân được chia sẻ và hiểu những gì đã xảy ra :

« Sau một vụ khủng bố, đối với nạn nhân có rất nhiều cột mốc, như dịp kỉ niệm lần thứ nhất, bồi thường cho các nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân và dĩ nhiên là phiên xét xử cũng nằm trong số này. Điều đầu tiên mà tôi trông đợi là phiên tòa diễn ra tốt đẹp và phải có những bản án được tuyên để có thể nói rằng pháp luật đã được áp dụng đối với khủng bố.

Điều mong muốn tiếp theo, căn cứ vào những gì được thấy ở phiên xử hồi tháng 01/2020, là tường thuật của các nhà báo về những ngày xét xử, về nỗi đau của các nạn nhân, những chuyện đã xảy ra, ý kiến của các chuyên gia. Đã từng có rất nhiều « fake news » (tin giả) về các vụ khủng bố ngày 13/11, kiểu như tra tấn ở Bataclan… Tôi hy vọng là phiên xét xử sẽ đặt lại sự thật về đúng vị trí ».

Những người sống sót sau vụ khủng bố không còn là chính mình như trước. Tình trạng căng thẳng hậu chấn thương rất phổ biến, dẫn đến một số trường hợp mắc bệnh về tim mạch nhưng chỉ mới phát tác gần đây. Life for Paris là nơi để nhiều nạn nhân lập nhóm trao đổi, tâm sự những khó khăn, sợ hãi dù muốn được « sống như bình thường ». Rất nhiều người không dám ngồi uống cà phê ở vỉa hè hay xem ca nhạc. Vì thế, hội thường tổ chức các nhóm đi chơi chung để giúp các thành viên vượt qua lo lắng. Ngoài ra, hội còn giúp các thành viên làm thủ tục hành chính về bảo hiểm, bồi thường, lập hồ sơ nguyên đơn, tìm luật sư chuẩn bị cho phiên tòa.

Đối với chủ tịch hội Life for Paris, phiên tòa đánh dấu một cột mốc quan trọng cho cuộc sống « hậu khủng bố » :

« Tôi đợi phiên tòa này ngay từ đầu, nhưng cũng cảm thấy rất lạ khi biết ngày xử cụ thể. Sự kiện này khiến mọi chuyện thật hơn và là một mốc quan trọng vì đánh dấu các chặng trong việc xây dựng lại cuộc sống hậu khủng bố.

Khi tôi biết được chính xác ngày xử án, cứ như kiểu một phần nạn nhân trong tôi đã chấm dứt và thấy khá nhẹ nhõm. Nhưng sau đó lại là cảm giác đan xen lẫn lộn : Liệu phiên tòa diễn ra tốt đẹp không, vai trò của tôi như thế nào, liệu tôi có bỏ lỡ điều gì không và bạn bè, người thân của tôi sẽ phản ứng như thế nào và dĩ nhiên là liệu có gây ra tranh luận không ».

Phiên tòa khép lại một chương đau lòng

Khoảng 300 luật sư, trên tổng số hơn 330 luật sư, bảo vệ bên nguyên gồm 1.765 người từ 20 quốc tịch. Phiên tòa kéo dài ít nhất 140 ngày, dự kiến đến 25/05/2022. Rất nhiều nạn nhân không ra làm chứng vì sợ, nhất là phải đối mặt với những kẻ khủng bố. Còn những người dũng cảm ra trước tòa sẽ sống lại những thời khắc « địa ngục » mà họ vùi được phần nào trong suốt 6 năm qua.

Sẽ có rất nhiều cảm xúc tại phiên tòa, có thể xen lẫn những nhận định chủ quan của một số nhân chứng mà « tư pháp phải phân tách rạch ròi nếu không muốn đánh mất những nguyên tắc tạo nên Nhà nước pháp quyền », theo cảnh báo của hai luật sư Olivia Ronen và Martin Vettes, bào chữa cho kẻ khủng bố sống sót duy nhất Salah Abdeslam.

Hội Life for Paris giúp rất nhiều về tinh thần cho những thành viên ra làm chứng, giúp họ chuẩn bị những gì muốn thuật lại trước tòa. Arthur Dénouveaux cho rằng những người ra làm chứng có quyền được buồn, được khóc nhưng không nên để cảm xúc quá trào dâng trong phiên tòa. Với tư cách một nạn nhân kiêm chủ tịch hội Life for Paris, Arthur Dénouveaux hy vọng là các nhân chứng thuật lại sự việc một cách trung lập nhất, khách quan nhất mà không bị áp lực từ truyền thông.

« Tôi không muốn làm chưởng lý, quan tòa hay luật sư và tôi cũng không muốn phiên tòa phải chìm trong xúc động mà cần làm theo cách « tôi là một lá bài có ích ». Sẽ có những điều mà tôi sẽ không nói kể cả khi họ hỏi, như tôi muốn các bị cáo chịu bản án như thế nào, hay liệu tôi muốn nhắn nhủ gì đến những kẻ khủng bố không… Thành thực mà nói, đó không phải là vai trò của tôi. Tôi chẳng có gì để nói với những người đó với tư cách là một nạn nhân hay đại diện hội. Thực ra, không phải tôi không muốn nói mà là tôi không có những câu trả lời cho những câu hỏi đó.

Tương tự, nhưng đây là về phía cá nhân, tôi cũng không muốn đi sâu vào chi tiết những ký ức của tôi về Bataclan. Nếu tư pháp thấy có ích, tôi nghĩ là họ có nhiều cách để tìm được sự thật, qua những lời chứng hay những đoạn ghi âm, hình ảnh mà họ có… Tôi chỉ mong muốn rằng những nạn nhận được coi là « con người », chứ không phải chỉ là những người hơi « kì quặc » trải qua những chuyện chưa từng có ».

Quỹ bảo lãnh nạn nhân khủng bố và những tội hình sự khác (Fonds de garantie des victimes de terrorisme et autres infractions pénales, FGTI) hỗ trợ cho gần 2.700 người liên quan đến loạt khủng bố thánh chiến ngày 13/11/2015 về phục hồi thể chất, tâm lý và kinh tế. Khoảng 139,4 triệu euro đã được Quỹ chuyển đến cho 1.629 hồ sơ (trên tổng số 2.593 hồ sơ : 709 người thân của người qua đời trong loạt khủng bố, 589 người bị thương và người thân và 1.259 nạn nhân bị chấn thương tâm lý). Arthur Dénouveaux, chủ tịch hội Life for Paris, giải thích :

« Quá trình hồi phục mang tính rất cá nhân. Tôi được điều trị tâm lý gần một năm. và từ đó mọi chuyện có thay đổi. Dĩ nhiên là cuộc sống « trước đó » có tác động đến cuộc sống cá nhân, tôi phải ngừng nhiều dự án riêng và sự kiện đó cũng ảnh hưởng đến công việc của tôi. Nhưng mọi chuyện dần ổn định theo thời gian và bây giờ tôi gần giống như con người trước đây của mình.

Tuy nhiên, đối với tôi, việc không có con dấu chính thức khép lại những gì đã xảy ra lại là điều không chấp nhận được, phải có những bản án. Và điều đó cứ luẩn quẩn trong đầu tôi. Vì thế phiên tòa này sẽ khép lại hoàn toàn một loạt quá trình như phục hồi cá nhân, rồi điều trị tâm lý, bồi thường... Phiên tòa này như khép lại một trang trong câu chuyện của riêng tôi, cũng như với tư cách là chủ tịch của hội Life for Paris. Phiên tòa cũng có thể là bước đầu để đóng cửa hiệp hội. Dù sao đây cũng là một thời điểm quan trọng ».

Niềm an ủi cho những nỗi đau mà họ trải qua là ngày 11/03 hàng năm giờ trở thành ngày tưởng niệm quốc gia các nạn nhân khủng bố. Một bảo tàng tưởng niệm khủng bố (Musée mémorial du terrorisme) được tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo thành lập ngày 11/03/2020 và dự kiến khánh thành năm 2027 ở Suresnes, ngoại ô Paris.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.