Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Pháp : Cường quốc điện hạt nhân nhưng chậm tiến về điện gió ngoài khơi

Đăng ngày:

Là nước có vùng biển lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, với sức gió ngoài khơi có thể lên tới 170km/giờ, nhưng hiện giờ tại châu Âu, Pháp vẫn bị xem là chậm tiến về phong điện ngoài khơi. Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng, tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 10/02/2022 thông báo mục tiêu muộn nhất đến năm 2050 Pháp phải có 50 trang trại điện gió ngoài khơi.

(Ảnh minh họa) - Các tuabin điện gió ngoài khơi Aberdeen, đông bắc Scotland, ngày 29/04/2022.
(Ảnh minh họa) - Các tuabin điện gió ngoài khơi Aberdeen, đông bắc Scotland, ngày 29/04/2022. AFP - ANDY BUCHANAN
Quảng cáo

Trong khi châu Âu hiện đã có khoảng 5.000 tuabin điện gió nổi ngoài khơi, nước Pháp mới chỉ có 1 tuabin điện gió nổi ngoài khơi với mục đích thử nghiệm, phục vụ nghiên cứu. Nguồn tài nguyên gió vô tận vùng biển khơi mênh mông của nước Pháp dường như vẫn chưa được khai thác. Ngày 24/02/2022, RFI Tiếng Việt có cuộc trao đổi với Sylvain Roche, giảng viên - nghiên cứu gia về chuyển đổi năng lượng, hợp tác với Đại học Sciences Po Bordeaux.

RFI : Với 3.500km đường bờ biển, với sức gió thổi khá đều đặn, nhưng nước Pháp lại mới chỉ có một tuabin điện gió nổi trong giai đoạn thử nghiệm. Là cường quốc điện hạt nhân, Pháp bị xem là chậm phát triển về công nghệ phong điện ngoài khơi, cả điện gió ngoài khơi thông thường và điện gió nổi ngoài khơi ? Ông có thể giải thích cụ thể ?

Sylvain Roche : Khi nói về sự chậm trễ, chúng ta phải xem là so với nước nào và so với điều gì. Quả thực là về công nghệ này, nước Pháp đã bị chậm so với các nước Bắc Âu, đặc biệt là Anh Quốc, Đan Mạch và Đức. Còn chậm so với cái gì ? Đặc biệt là so với các mục tiêu của Pháp về các cam kết khí hậu của châu Âu, cả về quy định năm 2001 và năm 2009, theo đó Pháp buộc phải phát triển năng lượng tái tạo. Đúng là hiện nay Pháp là « học sinh yếu kém » của châu Âu, bởi Pháp đã không tôn trọng các cam kết đưa ra hồi năm 2009 về phát triển năng lượng tái tạo. 

Quả thật là có một sự mâu thuẫn giữa các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có là gió, vùng ven biển và thực tế hiện nay của Pháp về điện gió. Pháp hiện giờ mới chỉ có một tuabin gió nổi ngoài khơi vùng biển Croisic, mà đây cũng chỉ là tuabin gió nổi ngoài khơi đang trong giai đoạn thử nghiệm. Những lý do về sự chậm trễ thì tôi có thể nói suốt nhiều tiếng đồng hồ và đây cũng có thể là chủ đề của một luận án tiến sĩ, nhưng nói một cách khát quát thì tôi xin nêu lên 4 yếu tố : 

Thứ nhất, Pháp đã bỏ lỡ giai đoạn tìm hiểu về tuabin điện gió có bệ đỡ gắn dưới đáy biển trong những năm 2000. Hồi đầu những năm 2000, thực sự là Pháp đã có nỗ lực để vươn lên trên thị trường mới nổi này. Hồi năm 2003, 2004 đã có một cuộc gọi thầu đầu tiên. Người ta thường quên mất cuộc gọi thầu này mà nói là lần gọi thầu đầu tiên ở Pháp là vào năm 2011, nhưng thực ra là đã có từ năm 2003 và do bộ trưởng Công Nghiệp khi đó khởi động. Mục tiêu của cuộc gọi thầu này thực sự là để tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy công nghệ đầy hứa hẹn này và trên hết là để kích thích sự hội nhập kỹ thuật-xã hội. 

Tuabin gió 105 megawatt đầu tiên này theo dự án được đặt ở Veulettes-sur-Mer nhưng cuối cùng dự án đã không được triển khai, nên chúng tôi cũng không có được những kinh nghiệm về tác động đối với đa dạng sinh học cũng như về mặt xã hội, mà phải đợi đến đầu những năm 2010, trong khi tất cả các nước khác đã bắt đầu có những nhà máy nhỏ theo công nghệ này từ những năm 1990 - 2000, với những cánh đồng điện gió nhỏ cho phép họ tìm hiểu tốt hơn về công nghệ này.  

Yếu tố thứ hai tôi muốn nói là Pháp đã không trang bị được cho mình các công cụ hành động công nhất quán và hiệu quả, hồi năm 2003 đã tổ chức gọi thầu nhưng lại đặt các công nghệ không có cùng mức độ phát triển vào thế cạnh tranh, một bên là năng lượng tái tạo và bên kia là năng lượng hóa thạch và năng lượng hạt nhân, và các loại năng lượng tái tạo cũng bị đặt vào thế cạnh tranh lẫn nhau. Để ngành năng lượng đã phát triển cao với năng lượng mới nổi vào cuộc cạnh tranh là không hợp lẽ tự nhiên cho lắm, và chiến lược tồi tệ này đã dẫn đến việc điện gió ngoài khơi bị chỉ trích mạnh về giá cả. Như vậy là việc tổ chức đấu thầu không phải là một công cụ hữu ích để kích thích lĩnh vực này.

Nhà nước cũng đã ý thức rất muộn về việc có những vấn đề với điện gió ngoài khơi, cho dù đã có các cảnh báo từ những năm 2000, đặc biệt là với báo cáo về sự phản đối gia tăng ở Boulogne và Dunkerque về điện gió ngoài khơi. Và cuối cùng, từ những năm 2000 Pháp đã thực sự mong muốn hoạch định các hoạt động trên biển nhằm dung hòa các hoạt động truyền thống và các hoạt động mới nổi như sản xuất năng lượng, thế nhưng đến vài năm gần đây mới có các văn kiện chiến lược, tức là phải mất 20 năm, và trong khi đó các đối tác nước ngoài của Pháp đã tiến rất nhanh. 

Yếu tố thứ ba là về năng lượng hạt nhân, thực sự chúng ta có một vướng mắc mang tính thể chế của riêng nước Pháp, do nước Pháp đã có điện hạt nhân, nên nói đúng ra là các cơ quan công quyền như khiên cưỡng phát triển điện gió ngoài khơi hơn là thực sự lựa chọn công nghệ này. Nước Anh hay Hà Lan, do không phát triển năng lượng hạt nhân như Pháp, nên họ chuyển ngay sang phát triển điện gió ngoài khơi, đơn giản là vì các nước này cần đóng cửa các nhà máy điện than và thay thế ngành lọc dầu đang giảm sút. Đây là hai yếu tố khác biệt giữa các nước này và Pháp. Pháp không có, hoặc chỉ có rất ít nhà máy điện than và cũng không có các giàn khoan dầu ngoài biển.  

Và yếu tố cuối cùng, có thể là yếu tố quan trọng nhất, là điện gió ngoài khơi đã không được coi là một đổi mới mang tính đột phá, trong khi trên thực tế, nó thực sự là một đổi mới đột phá, bởi đây là một sự chuyển đổi kép : không chỉ là sự chuyển đổi năng lượng - từ hệ thống sản sinh carbon sang hệ thống phi carbon dựa vào năng lượng tái tạo, mà còn là một quá trình chuyển đổi về biển, đưa sản xuất năng lượng đến các vùng biển, đây cũng là chuyển đổi công nghiệp. Do đó, nó là một quá trình chuyển đổi kép, chứ không chỉ đơn giản là dịch chuyển các tua bin điện gió từ đất liền ra ngoài khơi như ban đầu người ta hình dung hồi những năm 2000.

RFI : Nhìn ra thế giới, hiện nay, nước nào đi đầu về phong điện ngoài khơi ?

Sylvain Roche : Trên thế giới, hiện giờ có 2 quốc gia đứng đầu về điện gió ngoài khơi : nước đã tiến rất nhanh trong những năm gần đây là Trung Quốc, với công suất hơn 11 gigawatt (GW) phong điện ngoài khơi. Điều đáng quan tâm Trung Quốc đã giải quyết được vấn đề địa lý, công nghệ điện gió nổi ngoài khơi hiện đang được phát triển ở Trung Quốc có khả năng chống chịu được gió mạnh và giông bão. Việc phát triển các nhà máy điện gió nổi ngoài khơi là một công nghệ cần thiết đối với các nước phương Đông do hạn chế về tài nguyên đất, là một giải pháp thay thế cho điện gió trong đất liền do thiếu không gian.

Như vậy, Trung Quốc là nước đi đầu ở châu Á, còn ở châu Âu thì kể từ giữa những năm 2000 Vương quốc Anh đã thực sự là nước dẫn đầu về công nghệ này, với hơn 10GW điện gió ngoài khơi. Điều đáng quân tâm là ở Anh Quốc có một sự đồng thuận chính trị thực sự từ thời thủ tướng Tony Blair, đầu những năm 2000, để đưa Anh Quốc thành nước đi đầu châu Âu về công nghệ này. Gần đây, đã một cuộc gọi thầu lớn ở Scotland (Ecosse) để phát triển 25GW phong điện ngoài khơi, con số này là vô cùng lớn.

Anh Quốc đã rất mong muốn phát triển công nghệ này. Điều này có thể được giải thích bằng 2 yếu tố như tôi đã nói ở phần đầu : Anh Quốc phải tìm ra một giải pháp thanh thế nhanh chóng để bù đắp nhanh chóng cho việc đóng cửa các nhà máy điện than. Nghị định thư Kyoto năm 1997 thực sự đã có tác dụng thúc đẩy nước Anh phi carbon hóa nền kinh tế, đặc biệt là đóng cửa các nhà máy điện than để tìm giải pháp thay thế bằng năng lượng tái tạo. Ở Anh, phong điện ngoài khơi thực sự được coi là đòn bẩy tăng trưởng mới thay cho dầu khí, một ngành đang suy thoái.

Và cuối cùng, việc chuyển đổi sang điện gió ngoài khơi không chỉ là quá trình chuyển đổi công nghệ, nó còn là quá trình chuyển đổi văn hóa, chuyển đổi chính trị - xã hội, thực sự là một quá trình chuyển đổi mang tính hệ thống, một mô hình mới để hướng lĩnh vực khai thác năng lượng ra vùng biển. Vào đầu những năm 2000, nước Anh đã có các quy định để có thể nhanh chóng triển khai các dự án.

RFI : Ông có thể nói rõ hơn về phong điện nổi ngoài khơi ? Đâu là những ưu điểm của công nghệ này ?

Sylvain Roche : Thế hệ tuabin gió ngoài khơi đầu tiên có trụ đỡ neo dưới đáy biển, còn các tuabin điện gió nổi ngoài khơi được kết nối với nhau bằng dây cáp, là thế hệ điện gió ngoài khơi thứ 2. Tuabin điện gió ngoài khơi có trụ đỡ dưới đáy biển (loại thông thường) là một công nghệ đã phát triển mạnh, nhà máy phong điện ngoài khơi đầu tiên được khánh thành vào năm 1991 tại Đan Mạch, nhờ đó người ta đã biết nhiều về tác động đối với đa dạng sinh học và nền kinh tế, trong khi đó phong điện nổi ngoài khơi là một công nghệ khá mới, hiện mới chỉ có rất ít nhà máy điện gió nổi ngoài khơi ở châu Âu.

Do đó, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giảm thiểu tác động của các nhà máy điện gió nổi ngoài khơi trong tương lai đối với đa dạng sinh học và môi trường, liệu các dự án thí điểm đầu tiên ở Pháp có được sự khai phá không ? Theo tôi, 4 trang trại tuabin gió nổi thí điểm dự kiến xây dựng ở 3 nhà máy ở vùng biển Địa Trung Hải là rất quan trọng. Đây là những nhà máy nhỏ không vượt quá 30MW và theo dự kiến sẽ được khánh thành sớm nhất là vào năm 2024. Chúng tôi đang rất mong chờ các nhà máy điện gió nổi ngoài khơi đầu tiên này ở Pháp. 

Và tôi muốn nói rằng phong điện nổi ngoài khơi nổi vẫn là một công nghệ có không ít ưu điểm, nếu so với công nghệ điện gió trên bờ và phong điện ngoài khơi có trụ đỡ cố định dưới đáy biển. Trước hết là về trực quan, nơi lắp đặt các tuabin điện gió nằm xa hơn ngoài khơi, nên sẽ hạn chế được những tác động có thể có về trực quan, cảnh quan, và cũng ở xa ngoài hơn khơi nên hệ số tải điện tốt hơn, hiệu quả hơn, tạo ra nhiều năng lượng hơn so với các tuabin điện gió có bệ đỡ dưới đáy biển. Và cuối cùng, do máy móc không được đặt dưới đáy biển nên có lẽ tác động đến đa dạng sinh học sẽ ít hơn so với các tuabin điện gió có bệ đỡ đóng cố định vào đáy biển.

Yếu tố kinh tế, thương mại cũng rất quan trọng. Đây là một lĩnh vực mới nổi với tiềm năng năng lượng cao và tiềm năng thị trường lớn. Do đó, các công ty Pháp cũng có khả năng khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực và tạo được các nhà vô địch quốc gia về công nghệ này. Như vậy là vừa có ưu điểm về đa dạng sinh học, vừa có những lợi thế kinh tế, thương mại không thể phủ nhận ». 

RFI : Vậy đâu là những thách thức cần giải quyết ?

Sylvain Roche : Không có năng lượng thần kỳ, ở đây chúng ta phải thoát ra khỏi tư tưởng chỉ dựa vào giải pháp công nghệ duy nhất. Xin nhắc lại là trong lĩnh vực năng lượng, mỗi công nghệ đều có ưu điểm và nhược điểm, như vậy tất cả các công nghệ hiện nay đều tốt và cần thiết để hướng tới mục tiêu phi carbon vào năm 2050. Ưu điểm chính: khả năng tải điện cao hơn so với điện gió trên bờ, các trang trại tuabin điện gió nổi có thể dễ được chấp nhận hơn bởi tác động cảnh quan sẽ ít được trông thấy hơn so với các cánh đồng điện gió trên bờ, cũng như các tuabin điện gió ngoài khơi có trụ đỡ gắn vào đáy biển.

Về chi phí, điện gió ngoài khơi hiện nay hoàn toàn có khả năng cạnh tranh trên thị trường năng lượng so với các loại năng lượng mà quá trình sản xuất thải nhiều carbon và năng lượng hạt nhân. Nhưng có những thách thức cần được giải quyết : đây là năng lượng có tính gián đoạn, nên cần được khắc phục bằng cải tiến công nghệ lưu trữ, chẳng hạn công nghệ hydrogène mà các ngư dân sử dụng trong tương lai. Quả thực là chúng ta cần thực sự tìm hiểu về hội nhập kỹ thuật-xã hội, tổ chức đối thoại nhằm cố gắng làm sao để dự án thực sự gắn với địa phương, để có cách tiếp cận phù hợp với địa phương nhất có thể, mang lại hiệu quả cho lĩnh vực đánh bắt cá, các ngành nghề dưới nước, lĩnh vực di sản, vốn có thể đã bị các dự án này gây ảnh hưởng.

Về khía cạnh biểu tượng của điện gió, tôi xin nói là phong điện ngoài khơi đòi hỏi một sự thay đổi quan trọng trong cách tiếp nhận, theo tôi là nó chưa thực sự được chấp nhận ở Pháp, vì vậy câu hỏi đặt ra là cách chúng ta nhìn nhận công nghệ này, thay đổi cách nhìn và để công nghệ này dễ được chấp nhận hơn.

Và cuối cùng, vấn đề rất có thể sẽ được giải quyết trong vài năm tới là vấn đề tái chế. Hiện nay, 90% tuabin điện gió có thể tái chế nhưng vẫn còn những vấn đề về cánh quạt. Tuy nhiên, các nhà công nghiệp cũng đã đạt được những tiến bộ, cải tiến công nghệ. 

RFI : Trở lại với nước Pháp, đâu là mục tiêu của chính phủ về phong điện nổi ngoài khơi trong những năm tới đây ? Theo ông, đâu là những thách thức lớn nhất đối với Pháp để phát triển điện gió ngoài khơi ?

Sylvain Roche : Trong chương trình phát triển năng lượng trải dài nhiều năm, Pháp đặt mục tiêu đến năm 2028 đạt 5,2 - 6,2GW điện gió ngoài khơi. Đây là một mục tiêu hoàn toàn có thể đạt được, trong hội nghị về kinh tế biển vào tháng 12/2019, tổng thống Emmanuel Macron đã nói muốn từ năm 2024 Pháp sẽ có thêm mỗi năm 1 gigawatt điện gió ngoài khơi, tức là đến năm 2050 chúng ta sẽ có thể đạt 40 gigawatt điện gió ngoài khơi.

Đây là một mục tiêu có vẻ tham vọng, nhưng nếu Nhà nước đầu tư tiền và thực sự trang bị các phương tiện hành động hiệu quả, tôi nghĩ rằng mục tiêu này có thể đạt được và thậm chí chúng ta còn có thể vượt chỉ tiêu. Châu Âu đang đặt mục tiêu đạt công suất 50GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 và 300GW vào năm 2050, các mục tiêu của Pháp như vậy cũng phù hợp với chỉ tiêu Liên Âu đề ra.

RFI Tiếng Việt chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Sylvain Roche đã tham gia chương trình !

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.