Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Tân vương Charles III hiện đại hoá hoàng gia Anh hay làm lung lay vương quyền

Đăng ngày:

Kỷ nguyên Elizabeth II đóng lại sau 70 năm, cánh cửa đến triều đại của tân quốc vương Charles III mở ra. Lên ngôi ở tuổi 73, vị tân vương phải đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ, không chỉ bởi bối cảnh xã hội thay đổi và tình hình bất ổn của nền kinh tế tại Anh mà cả những bê bối khiến danh tiếng của Charles III bị tổn hại trong thời gian qua.  

Vua Charles III tại lễ rước linh cữu Nữ hoàng Elizabeth II, ở Edimbourg Scotland, 12/09/2022.
Vua Charles III tại lễ rước linh cữu Nữ hoàng Elizabeth II, ở Edimbourg Scotland, 12/09/2022. © AP/Andrew Milligan
Quảng cáo

Trong khi hàng trăm ngàn người tiếp tục khóc thương cho sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II trước điện Buckingham tại Luân Đôn, thần dân Anh Quốc cũng như công luận thế giới dần chuyển sự chú ý sang người thừa kế ngai vàng - vua Charles III. Sau 73 năm chuẩn bị, Charles III chính thức đăng quang vào Thứ Bảy, 10/09. Quốc ca Anh, từ nay trở thành “God Save The King” – “Xin chúa phù hộ quốc vương”, thay vì (God save the Queen). Triều đại Charles Đệ Tam được mở ra trong thời đại mà tương lai của cả vương quyền lẫn đất nước mà ông cai trị đều không vững chắc.   

Charles III không phải là diện mạo mới của hoàng gia Anh 

Nếu như cố Nữ hoàng đại diện cho sự ổn định cho cả xã hội Anh Quốc và 14 quốc gia khác mà bà trị vì, thì những di sản bà để lại cho Charles III khá phức tạp, theo The Conversation. Vị tân vương phải đối mặt với nhiều thách thức : làm sao có thể duy trì chế độ quân chủ ở thời hiện đại, giống như cách mà Elizabeth II đã làm sau Thế Chiến Thứ Hai. Nhà sử học Anna Whitelock, chuyên nghiên cứu về nền quân chủ tại đại học Luân Đôn, cho rằng Charles III sẽ không có nhiều nhiệt huyết với tư cách là một tân vương khi lên ngôi ở tuổi 70. Ông cũng không phản ánh, hay đại diện cho một diện mạo mới của nền quân chủ. Theo nhà sử học, dù công luận vẫn đổ lỗi cho ông về số phận bi thảm của công nương Diana, nhưng giới trẻ dần dần cũng sẽ quên đi. Bà nói thêm :  

Điều tốt nhất mà Charles có thể làm trong cương vị tân vương, đó là tính lãnh đạm và những cái nhún vai của ông ấy. Một điều chắc chắn là Charles III sẽ không thể nổi tiếng hay có sức ảnh hưởng như thân mẫu của mình”.  

Vị vua vận động hành lang ?   

Nếu như Elizabeth II cẩn thận, không đưa ra quan điểm chính trị thì Charles III khi còn là hoàng tử xứ Wales, lại thẳng thắn đưa ra ý kiến trong các cuộc tranh luận về kiến trúc, nông nghiệp, hay môi trường. Năm 2015, The Guardian đã công bố những lá thư của Charles, vận động chính phủ của Tony Blair về các vấn đề mà ông quan tâm. Theo ông Luc Bort, giảng viên danh dự về văn minh Anh tại đại học Paul Valéry ở Montpellier, trả lời trên RFI Pháp ngữ, việc Charles thiếu sự trung lập trong chính trị, có thể là một trở ngại lớn.  

“Tôi cho rằng ông ấy hiểu được là từ giờ phải học được cách giữ im lặng và phải làm được điều đó. Nhưng có lẽ Charles III sẽ gặp khó khăn trong các hồ sơ về môi trường (chủ đề mà ông đặc biệt quan tâm). Ví dụ như thủ tướng Liz Truss vừa thông qua văn bản cho phép sử dụng kỹ thuật khai thác mỏ bằng thuỷ lực. Chúng ta sẽ xem liệu ông ấy có đưa ra phát biểu công khai nào hay không. Nhưng điều này sẽ không được tiếp nhận tốt. Charles từ lâu đã được xem như là một nhà vận động hành lang trong nhiều lĩnh vực. Ông đã can thiệp vào các hồ sơ về chỉnh trang đô thị, để kiếm lợi cho câu lạc bộ golf của hoàng gia. Tuy nhiên, ông cũng có những hành động rất hào phóng, tích cực hoạt động trong các tổ chức từ thiện. Charles III đã từng ám chỉ muốn thay đổi chế độ quân chủ, theo hướng can thiệp nhiều hơn vào chính trị. Đó là những ý tưởng mà những người thân cận của ông đã loan truyền 15 năm trước. Liệu đó có phải chỉ là một quả bóng thăm dò hay không ? Tôi chưa có câu trả lời.”  

Theo Fabrice Rousselot, giám đốc ban biên tập của trang The Conversation ở Pháp, việc Charles III ít kín tiếng hơn cố Nữ hoàng về quan điểm chính trị, có thể đe dọa vai trò được quy định trong Hiến Pháp Anh : một vị quân vương trị vì nhưng không cai trị.  

Khối Thịnh Vượng Chung – quyền lực mềm của Anh Quốc dưới tay Charles III 

Elizabeth Đệ Nhị không chỉ là Nữ hoàng của Vương Quốc Anh mà cả 14 nước khác nữa, trong đó có Canada và New Zealand. Trong suốt thời gian trị vì, bà cũng đã chứng kiến nhiều nước rời khỏi bàn tay của vương quyền và trở thành một nước độc lập. Năm 2021, một năm trước khi Charles III kế vị, đảo Barbados đã trở thành nước cộng hoà độc lập. Vào đầu năm 2022, một số đảo ở vùng Caribe cũng đã bày tỏ mong muốn độc lập. 

Sự ra đi của nữ hoàng có thể là cơ hội cho một số quốc gia và lãnh thổ xem xét lại quan hệ với chế độ quân chủ Anh Quốc. Đây là một thách thức không nhỏ đối với tân vương : làm sao duy trì vương quyền bên ngoài lãnh thổ Anh Quốc cũng như mức độ ảnh hưởng trong khối Thịnh Vượng Chung - gồm hơn 50 nước, đa số từng là thuộc địa của Anh Quốc – công trình cả đời Nữ hoàng. Tác giả của cuốn “The Queenmột cuốn tự truyện của hoàng gia, ông Matthew Dennison nói về tương lai của các vương quốc thuộc khối Thịnh Vượng Chung, được Reuters trích dẫn:  

“Vào năm 2018, khối Thịnh Vượng Chung đã nhất trí để hoàng tử xứ Wales, tức vua Charles III hiện nay, kế nhiệm vị trí đứng đầu của Elizabeth II, mặc dù đây không phải là vị trí “mẹ truyền con nối”. Bởi lãnh đạo khối Thịnh Vượng Chung, trên thực tế, không được tự động truyền lại cho người nối dõi giống như trong hoàng gia Anh. Thế nhưng thoả thuận này đã được thực hiện. Tôi cho rằng vị vua mới cũng được đánh giá cao trong khối. Triều đại Elizabeth kết thúc, tân vương thừa kế 14 vương quốc thuộc Khối thịnh vượng chung. Tôi nghĩ rằng chúng ta cũng sẽ sớm biết liệu các nước này có quyết định ở lại với hoàng gia Anh, hay trở thành các nước cộng hòa độc lập trong Khối thịnh vượng chung. Theo tôi, quan điểm của Charles III về việc này đó là để cho họ tự quyết định số phận của họ, giống như đối với Bardados.”  

Chân dung cố nữ hoàng Anh Elizabeth II và thủ tướng Ghana Kwame Nkrumah ở Acca, 09/11/1961.
Chân dung cố nữ hoàng Anh Elizabeth II và thủ tướng Ghana Kwame Nkrumah ở Acca, 09/11/1961. AP

Triều đại mới với những rủi ro suy thoái kinh tế 

Trong vòng chưa đầy một tuần, người dân Anh Quốc có tân thủ tướng Liz Truss, có tân vương Charles III và chịu quốc tang nữ hoàng Elizabeth II. Một trang sử mới được mở ra, cho tân lãnh đạo về chính trị cũng như cho vị quân vương - biểu tượng quyền lực mềm của hoàng gia Anh. Trang sử đó sẽ được viết như thế nào khi mà Anh Quốc đang phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội. Có những thời điểm, lạm phát lên đến 10%, cao nhất từ năm 1981. Mối đe doạ suy thoái kinh tế rình rập.  

Ngoài những tác động của Brexit, Anh Quốc, cũng như nhiều nước trên thế giới, cũng đang phải chịu hậu quả từ cuộc chiến ở Ukraina. Giá nhiên liệu, giá nhà, giá thực phẩm tăng phi mã, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức mua của người dân. Phong trào không thanh toán tiền điện - “Dont pay” được phát động từ tháng 8 vẫn thu hút sự tham gia đông đảo của hàng trăm ngàn người Anh. Một phóng sự của tờ Le Parisien chỉ ra rằng nhiều người Anh lo ngại về tương lai của họ. Một số quan tâm đến hiện thực - sức mua giảm, không đủ tiền chi trả phí sinh hoạt hơn là đám tang của cố Nữ hoàng cũng như lễ đăng quang của Charles III. Những sự kiện này có thể phải chi đến hàng triệu bảng Anh. Theo nhà sử học Anna Whitelock, được AP trích dẫn, hiện tại tân vương vẫn được dân Anh đón nhận một cách nồng nhiệt, nhưng cũng cần phải chờ qua giai đoạn tang tóc này. Bà đặt câu hỏi :  

“Liệu lễ đăng quang của tân vương có được tổ chức một cách xa hoa hay không, vào thời điểm mà nước Anh đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Nếu vậy thì điều này sẽ trở thành một nỗi ám ảnh về đặc quyền của một người đàn ông da trắng trở thành vua. Các chi phí khổng lồ để tổ chức của buổi lễ, sẽ trở thành tiếng xấu của hoàng gia đối với công chúng ở Vương Quốc Anh. Điều này có lẽ sẽ làm lu mờ đi sự khởi đầu triều đại của tân vương.”  

Quân vương mới có hiện đại hóa chế độ quân chủ ? 

Charles III cũng là vị vua lên ngôi ở tuổi già nhất trong lịch sử hoàng gia Anh, 73 tuổi. Một câu hỏi khác được đặt ra là liệu ông chỉ là một vị vua chuyển tiếp triều đại, rồi sau đó thoái vị truyền ngôi cho hoàng tử xứ Wales – Wiliam, con trai cả của mình hay ông sẽ đảm nhận trách nhiệm, tiếp tục con đường hiện đại hoá chế độ quân chủ trong thời gian trị vì, ngắn hơn mẹ mình rất nhiều. Giảng viên về văn minh Anh Quốc Luc Bort, trả lời trên RFI Pháp ngữ :  

Hiện đại hoá chế độ quân chủ có thể được làm theo nhiều cách khác nhau. Tôi cho rằng Charles III có thể thu hút những thần dân còn nhiều nghi hoặc về khả năng của tân vương nếu ông xoá bỏ đi những đặc quyền của hoàng gia. Bởi vì hiện tại, cuộc sống hoàng tộc được chi trả bằng tiền thuế của người dân. Ngay cả những người rất quý mến nữ hoàng Elizabeth II cũng thấy đây là điều không đúng. Hiện đại hóa chế độ quân chủ cũng có nghĩa là đến gần hơn với cách sống của toàn bộ xã hội Anh. Tôi nghĩ Charles III sẽ giống như cố Nữ hoàng, muốn tránh thoái vị. Vì ông chú quá cố Edward, người thoái vị (nhường ngôi cho cha Elizabeth để theo đuổi tình yêu cá nhân) không phải là một kỷ niệm đẹp đối với cả hoàng tộc và cả người Anh.”  

Trách nhiệm đặt lên vai tân vương Charles Đệ Tam không nhỏ, làm sao để duy trì và không phá hỏng những di sản mà Nữ hoàng để lại. Trong khi Anh Quốc và 14 quốc gia khác công bố tân vương mới, thì phong trào #notmyking – không phải vua của tôi, bùng phát trên mạng xã hội Twitter, lên đến hơn 50 ngàn lượt chia sẻ. Mọi người dùng thẻ gắn này để phản đối triều đại mới. Nhiều ý kiến cho rằng, chế độ quân chủ nên kết thúc cùng với sự ra đi của Elizabeth II. 

Những người phản đối hoàng gia giơ biển "Not my king" trước cung điện Buckingham

Những người phản đối hoàng gia giơ biển "Not my king" trước cung điện Buckingham

Cho đến nay, vẫn chưa rõ thế nào là “thành công” đối với nền quân chủ Anh ở thế kỷ 21. Phải chăng là  ảnh hưởng, sự dung hoà, làm tấm gương tốt, hay chỉ đơn giản là làm sao để có thể tồn tại ?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.