Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Pháp và Chiến tranh Đông Dương : “Lối thoát danh dự” hay “ô nhục”

Đăng ngày:

Sau một loạt các sáng tác dựa trên những ghi chép lịch sử, quán quân Goncourt, giải thưởng văn học danh giá nhất của Pháp Eric Vuillard trở lại với cuốn Une sortie honorable - Lối thoát danh dự - khai thác những góc khuất của chiến tranh Đông Dương và sự khởi đầu của quá trình phi thực dân hóa muộn màng, khiến hàng triệu người chết. 

Eric Vuillard, tác giả cuốn Une sortie honorable - Lối thoát danh dự (nhà xuất bản Acts Sud).
Eric Vuillard, tác giả cuốn Une sortie honorable - Lối thoát danh dự (nhà xuất bản Acts Sud). © JL Bertini
Quảng cáo

Mở đầu bằng chuyến thị sát của thanh tra lao động trong các đồn điền cao su ở Việt Nam, Eric Vuillard đưa người đọc quay trở lại những năm 1920 dưới thời Pháp thuộc ở Đông Dương. Tác giả mô tả những sai sót và sự mù quáng của giai cấp thống trị Pháp thời bấy giờ, của các chính trị gia, quân đội, hay cả Ngân hàng Đông Dương. Tất cả như xâu chuỗi lại, dẫn đến sự thất bại của Pháp tại Việt Nam, Lào, Cam Bốt, đánh dấu thời kỳ lụi tàn của chính sách thuộc địa của Pháp.

Câu hỏi mà tác giả đặt ra là làm sao Pháp có thể vẫn ngẩng cao đầu mà thoát khỏi cuộc chiến (1946-1954), nhất là sau thất bại thảm hại ở Điện Biên Phủ ? Hay trong cuộc chiến giữa Mỹ và Việt Nam (1955 - 1975), khiến gần 4 triệu người Việt Nam và 400 000 lính Mỹ và Pháp thiệt mạng. “Con số này ngang bằng với số thương vong của quân đội Pháp và Đức trong Đệ Nhất Thế Chiến”. Với những sự kiện, dẫn chứng hội thoại trong những bối cảnh khác nhau, người đọc dường như tự tìm câu trả lời cho mình.   

Mùa xuân năm 1953, khi vừa mới nhậm chức tổng tư lệnh lực lượng Pháp ở Đông Dương, tướng Henri Navare được chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (président du conseil) René Mayer triệu kiến ở điện Matignon. Trong cuộc họp, René Mayer chỉ ra những dấu hiệu cho thấy “không còn hy vọng gì vào cuộc chiến ở Đông Dương” và dường như Pháp đã thất bại, chính vì vậy cần phải tìm ra một “lối thoát danh dự”. Đó cũng là tiêu đề của cuốn sách dài gần 200 trang của quán quân giải văn học Goncourt năm 2017 (qua tác phẩm l’Orde du jour). Eric Vuillard giải thích về tiêu đề này trên đài France Culture  :  

“Tiêu đề của tác phẩm xuất phát từ một yếu tố ngôn ngữ, một cách nói được ưa chuộng vào những năm 1950 trong giới chính trị. Đó là phải tìm một lối thoát danh dự. Đó cũng là điều mà René Mayer yêu cầu tổng tư lệnh Henri Navarre. Thực ra, đây là một cách nói dối. Lối thoát danh dự là gì, là gây chiến tranh để rồi phải kết thúc nó. Một phần nào đó, lối thoát danh dự phải chăng có nghĩa là chiếm đoạt lại Đông Dương trước khi ngừng chiến ? Chúng ta có thể thấy câu nói này đầy mâu thuẫn. Nói đúng ra để nêu ra những kẻ chịu trách nhiệm. Có một câu mà Mauriac đã từng viết đó là “khi ta càng tiến gần quyền lực thì ta lại càng cảm thấy phải gánh trách nhiệm”.   

Vị đắng của lịch sử

“Lối thoát danh dự” không phải là một cuốn tiểu thuyết, cũng không phải câu chuyện hư cấu mà đúng hơn là Eric Vuillard kể lại lịch sử theo cách của một nhà văn. Tác giả đã dành 10 năm để thu thập tài liệu, tra cứu các sự kiện, bối cảnh của lịch sử xoay quanh các nhân vật, từ những công nhân tại đồn điền cao su, đến những người lính khinh địch và phạm lỗi hay các nhà tài chính biết chớp thời cơ để rút lui… Từ những cảnh trong Quốc Hội hay đến trường quay của đài truyền hình Mỹ nơi mà tác giả tạo dựng lại hình ảnh vị tổng tư lệnh lực lượng Đông Dương “bẽ bàng” trước khán giả Mỹ khi “ấp úng” kêu gọi sự giúp đỡ từ Washington, nhưng lại muốn bảo vệ lòng tự tôn dân tộc Pháp.   

Lối hành văn của Vuillard pha trộn giữa phẫn nộ và mỉa mai, nhưng đôi khi lại buông thả, để cho người đọc tự cảm nhận vị đắng của lịch sử. Mỗi câu chuyện trong từng giai đoạn được xây dựng một cách hoàn hảo. Đôi khi, người đọc có cảm giác lối hành văn này có vẻ gay gắt với những kẻ nắm quyền qua việc mô tả tướng Lattre de Tassigny như một cây “bắp cải kém cỏi” hay chế giễu một nghị sỹ “mặt mày như kẻ làm đài phát thanh”, tác giả cũng sử dụng lối gián tiếp để giễu cợt các tướng lĩnh qua việc trích câu nói của tướng Navarre : “Chỉ có những kẻ ngu xuẩn mới không thay đổi ý kiến”, khi nói đến quyết định ngừng bắn, hay nói cách khác là thất bại thảm hại của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ. 

Thế nhưng, vẫn văn phong đó, lại được sử dụng để bảo vệ những mảnh đời nhỏ bé, những người lính bị lãng quên của quân đội Pháp, bỏ mạng ở Đông Dương, trớ trêu thay, lại là những người lính đến từ châu Phi, hay những công nhân xấu số ở đồn điền cao su bị ép buộc lao động khổ sai. Chia sẻ với RFI Tiếng Pháp về cuốn sách, Eric Vuillard cho biết :  

“Thực ra trong cuốn sách, tôi không kể một câu chuyện về lịch sử mà tôi cố gắng hiểu lịch sử, qua cách kể đơn giản. Tôi cho rằng tôi không thể viết một cuốn sách về chiến tranh Đông Dương mà không hiểu được các lý do sâu xa của chiến tranh. Không thể phủ nhận rằng đó là hành động xâm lược nhằm chiếm lĩnh lãnh thổ, nhưng sự xâm chiếm là gì, nhất là đối với một đất nước bị xâm chiếm, và nước Pháp cư xử ra sao ở Đông Dương. Tôi vô tình tìm thấy những tư liệu mô tả chi tiết về giai đoạn này. Những cuộc hội thoại được trích trong sách không phải do tôi tự sáng tác mà là tôi tìm thấy.

Đó là những cuộc hội thoại, những từ ngữ mà thanh tra lao động Đông Dương Delamarre mô tả, ghi chép lại. Ông ta mô tả với những từ ngữ chứa đựng sự lo lắng, chi tiết hai ngày làm việc của mình tại hai đồn điền cao su khác nhau. Đó không chỉ là lao động cưỡng bức mà còn là nô lệ . Ví dụ những công nhân Việt Nam phải ký hợp đồng với chủ đồn điền và không được phép rời khỏi nơi đó. Những ai tự ý bỏ trốn bị coi như là đào ngũ, họ bị tra tấn cùm beo, nếu muốn rời khỏi đồn điền tìm lối thoát, cứu lấy mạng mình nhưng bị bắt lại, bước vào cửa tử.”   

"Đông Dương - thất bại đau đớn của lịch sử Pháp"

Trong cuốn sách, Vuillard dùng những từ ngữ thể hiện rõ quyền uy trong quan hệ giữa chủ - tớ, hay đánh giá thể hiện sự “vô trách nhiệm” của thanh tra lao động Delamarre khi nhìn thấy công nhân bị đeo xiềng xích vì bỏ trốn : “May thay họ vẫn chưa bị cắt xẻo”.   

Trong một lần tình cờ, tác giả phát hiện cuốn sách hướng dẫn sử dụng tiếng Việt được viết cho khách du lịch từ năm 1923. Đa số là những câu dịch sang tiếng Pháp ngắn gọn như : “đợi tôi ! chở tôi ra ga ! đóng cốp xe lại !"...Tất cả đều là những câu mệnh lệnh và không hề tuân thủ quy tắc nói lịch sự như trong tiếng Pháp. Chính cách nói mà Vuillard cho là “thiếu lịch sự”, không văn minh được dịch ra cho người Pháp ở xứ thuộc địa sử dụng, khác xa với cách giao tiếp tại Pháp, khiến tác giả muốn đào sâu, tìm hiểu về những gì thực sự diễn ra ở Đông Dương - “một trong thất bại đau đớn nhất mà lịch sử Pháp muốn cho vào quên lãng”, chiếm một chỗ không đáng kể trong sách giáo khoa lịch sử của đất nước hình lục giác. 

Tác giả cho rằng : “Chúng ta có thể thấy một hình thức độc tài, bạo lực vì không có bất cứ một từ biểu thị lịch sự như trong tiếng Pháp. Tôi cho rằng những từ ngữ này đã giúp tôi tạo một loại âm nhạc hay tập hợp tất cả các phương pháp để nhìn lại lịch sử về thuộc địa theo một cách khác.”   

"Nói là ô nhục vẫn còn quá nhẹ"  

Ông lựa chọn khép lại những trang sử Đông Dương qua việc Mỹ rút quân khỏi Sài Gòn. Bằng những câu văn ngắn gọn, vài ba chữ và nghệ thuật dùng dấu ngắt câu, tác giả tạo âm điệu hối hả, mô tả khung cảnh binh lính, thường dân chạy loạn, cố lên máy bay, chen chúc lên những con tàu rời khỏi Việt Nam. “Trong vòng 30 năm, 4 triệu tấn bom trút xuống một đất nước nhỏ bé như Việt Nam (…), và mãi đến năm 1945 mới tuyên bố độc lập, mà bản tuyên ngôn lại dựa trên những tuyên bố về quyền con người của Pháp”. Một lần nữa, tác giả dùng ngòi bút mỉa mai, dường như bày tỏ thái độ lố bịch cho Pháp và Mỹ, nếu không muốn nói là thảm thương. “30 năm, để rồi phải chứng kiến cảnh như vậy, có lẽ nói là ô nhục vẫn còn quá nhẹ nhàng".

Trong một video giới thiệu về cuốn sách do nhà xuất bản Actes Sud thực hiện, tác giả bình luận về chương cuối cùng của cuốn sách như sau :   

“Tôi kết thúc cuốn sách này vào hè năm 2020, đó cũng là lúc mà Kabul sụp đổ, cánh nhà báo, nhà bình luận đã nhanh chóng gắn sự kiện này với hình ảnh Sài Gòn sụp đổ năm 1975. Đó cũng là tiêu đề trong chương cuối cùng của cuốn sách. Tôi thấy rằng, dĩ nhiên đầu tiên là phải tránh lỗi sử dụng sai ngày tháng, không nên đặt phép so sánh quá nhanh như vậy. Tuy nhiên, dẫu sao thì vẫn có một vài điểm tương đồng giữa hai thời điểm lịch sử của hai quốc gia.

Quá trình viết ra cuốn sách này giúp tôi hiểu rõ hơn câu hỏi tại sao, dù là ở Afghanistan hay Mali hay bất cứ nơi nào, về bản chất, chế độ mà chúng ta gọi là thuộc địa, cách đô hộ này vẫn tiếp diễn dưới một hình thức nào đó khác. Trong bất kỳ trường hợp nào, ảnh hưởng của chúng ta đối với thế giới hay sự thống trị và sự bất đối xứng mà các nước lớn áp đặt trên quy mô toàn cầu, dù ở Mali hay Afghanistan, tôi có cảm giác là chúng ta luôn kiếm tìm trong vô vọng một lối thoát danh dự nào đó.” 

Năm tháng thuộc địa không mấy vinh quang

Une sortie honorableLối thoát danh dự ra mắt hiệu sách ở Pháp từ đầu tháng 1/2022. Eric Vuillard đã nhận được không ít đánh giá, cả tích cực lẫn tiêu cực, từ giới truyền thông Pháp khi đề cập đến một chủ đề “nhạy cảm” - một thất bại chiến tranh ô nhục của chính phủ Pháp.

Nếu như nhật báo công giáo La Croix ca ngợi lối văn phong lôi cuốn của tác giả, phá vỡ hoài niệm về những năm tháng tươi đẹp của Pháp dưới chế độ thuộc địa không mấy vinh quang, thì tờ báo thiên hữu Le Figaro chỉ trích cách tiếp cận của Vuillard, tố cáo việc ông loại bỏ “những khía cạnh lịch sử mà ông không thích”.   

“Lối thoát danh dự” tiếp nối phong cách sáng tác riêng của Eric Vuillard, xuất phát từ những ghi chép lịch sử, mà từ đó ông vẽ ra một bức tranh toàn cảnh về một giai đoạn, sự kiện lịch sử nào đó. Ngòi bút của ông luồn lách trong suy nghĩ của những nhân vật lịch sử, được tái hiện một cách sinh động, khéo léo. Trong các cuốn sách tiêu biểu của ông, phải kể đến cuốn Conquistadors nói về sự sụp đổ của đế quốc Inca (đế quốc lớn nhất ở châu Mỹ thời kỳ tiền Comumbus), hay sự kiện chiếm ngục Bastille - một sự kiện quan trọng của Cách mạng Pháp được kể lại trong tác phẩm 14 juillet. Chiến tranh thế giới thứ nhất với cuốn La bataille d’occident. Và phải kể đến cuốn l’Orde du jour, nói về những năm tháng đầu tiên của Đức Quốc Xã, tác phẩm đã mang lại cho Eric Vuillard giải thưởng văn học danh giá nhất của Pháp vào năm 2017.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.