Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Noël : Những món quà “cũ người mới ta” trong kinh tế tuần hoàn

Đăng ngày:

Mùa Giáng Sinh 2022 khá đặc biệt tại Pháp, lạm phát khiến vật giá leo thang và người dân được kêu gọi tiết kiệm năng lượng. Rất nhiều ý tưởng được đưa ra để thích nghi với tình hình mới mà vẫn giữ ấm không khí Noel. Hầu hết các thành phố dùng bóng đèn tiết kiệm năng lượng trang trí cây thông. Nhiều gia đình vẫn tiếp tục truyền thống trang trí sân vườn trước nhà, nhưng giảm thời gian chiếu sáng. Và ngày “đổi đồ chơi” được nhân rộng trên khắp nước Pháp ngay từ giữa tháng 11.

Góc "Sách" trong ngày đổi đồ ở thành phố Cachan, ngoại ô Paris, Pháp, ngày 10/12/2022.
Góc "Sách" trong ngày đổi đồ ở thành phố Cachan, ngoại ô Paris, Pháp, ngày 10/12/2022. © RFI / Thu Hằng
Quảng cáo

Thành phố Cachan, ngoại ô phía nam Paris dành ngày thứ Bẩy 10/12 để trao đổi đồ - Troc de jouets. Không ngại cái rét 0°C, rất nhiều gia đình đã đến tham gia, cho thấy thành công của sự kiện. Bà Nathalie Michaut, phụ trách Nghiên cứu - thực hiện Cảnh quan và Phát triển bền vững, thành phố Cachan, giải thích với RFI Tiếng Việt :

« Nguyên tắc là mang đồ chơi đến góp, mỗi món đồ chơi đổi một phiếu và lấy phiếu đó đổi một món đồ khác. Chúng tôi chấp nhận cả xe trượt trottinette, đồ cải trang, thậm chí cả một chiếc ghế cao nữa. Mục đích là tái sử dụng, cho tất cả các món đồ đó vòng đời thứ hai. Ngoài ra, vào thời điểm tương đối khó khăn như hiện nay, chúng tôi cũng muốn giúp đỡ những người gặp khó khăn. Tất cả những món đồ còn lại cuối ngày không có người lấy sẽ được gửi cho các hiệp hội, như cửa hàng tương ái của hội Emmaüs, hoặc hội Mine và các trung tâm văn hóa xã hội. Vì thế không có phí phạm, tất cả các món đồ đều tìm được vòng đời thứ hai.

Chúng tôi có một ngày thu thập đồ vào thứ Tư trước đó để chuẩn bị cho ngày đổi đồ hôm nay, như có thể thấy những chiếc bàn đầy đồ ở đằng kia. Hôm nay, cũng có rất rất nhiều người mang đồ đến. Giờ là buổi trưa và vẫn còn rất nhiều đồ trên bàn. Điều tuyệt vời là kho đồ liên tục được thay đổi trong ngày. Kể cả đến cuối ngày vẫn còn có rất nhiều lựa chọn ».

“Cũ người mới ta”

Một phụ nữ đi cùng với hai người con tuổi thiếu niên đang chăm chú nhìn những món đồ chơi và sách bày trên bàn. Cậu bé không tìm được món đồ nào ưng ý, nhưng cùng mẹ và em gái, đã chọn được vài món quà cho người thân :

« Tôi mang đến 10 món đồ sáng nay, toàn là đồ chơi, người mẹ cho biết. Hai con của tôi đã 14 và 12 tuổi, nên chúng tôi có những đồ chơi tầm 5-6 tuổi mà các cháu không dùng nữa, hoặc cũng có 2, 3 đồ chơi chúng tôi có trùng nhau ở nhà.

Sáng nay tôi đã đổi lấy 2 hay 3 món đồ thì phải, một trò chơi sudoku hài hước có thể làm quà cho một cậu của các cháu. Chúng tôi cũng thấy nhiều đồ bảo vệ cho chơi roller và một trò chơi tập thể. Giờ thì chúng tôi đang xem cuốn sách này. Đây là một cuốn sách ảnh song ngữ tiếng Anh - Nhật. Vì bố của các cháu nói tiếng Nhật khá sõi, có thể chúng tôi sẽ lấy cuốn này. Sẽ rất thú vị khi học những từ tiếng Nhật này ! Giờ chúng tôi vẫn chưa xem hết. Tôi không nghĩ sẽ tìm được những món đồ chơi cho các cháu cỡ tuổi con tôi, nhưng dù sao vẫn có thể tìm được nhiều món quà khác »

Một góc đồ chơi trong ngày đổi đồ ở thành phố Cachan, ngoại ô Paris, Pháp, ngày 10/12/2022.
Một góc đồ chơi trong ngày đổi đồ ở thành phố Cachan, ngoại ô Paris, Pháp, ngày 10/12/2022. © RFI / Thu Hằng

Lạm phát gia tăng nên đồ chơi cũng bị tăng giá, trung bình hơn 6% và thường là những “hy sinh” đầu tiên đối với một số người tiêu dùng. Một số người có thể tìm thấy những đồ chơi có giá trị lớn trong những sự kiện như vậy, để thay đổi kho đồ chơi của con nhỏ hoặc để làm quà. Điều quan trọng là tất cả đồ chơi tìm được chủ mới, tiếp tục “sứ mệnh” trong một gia đình mới.

« Đây là lần thứ hai trong năm nay, chúng tôi tổ chức đổi đồ chơi. Lần trước là vào Ngày các Hiệp hội dịp năm học mới với tinh thần thực tiễn tiện lợi. Trẻ con lớn nhanh, bộ đồng phục võ thuật thành quá ngắn, các em cần bộ lớn hơn. Nguyên tắc là như thế, đổi một bộ đồng phục lấy một bộ khác. Hoặc các em đổi môn thể thao thì có thể đổi một bộ đồng phục judo lấy một bộ đồ bơi chẳng hạn, hoặc dụng cụ cưỡi ngựa hay những đồ khác ».

Ngoài những sự kiện được địa phương đứng ra tổ chức, một số thương hiệu siêu thị lớn (Leclerc) mở cửa hàng đồ đã qua sử dụng. Nhiều trang web đổi đồ cũng được lập làm trung gian giữa hai bên. Nhiều cửa hàng ký gửi cũng nhận thấy xu hướng mua đồ đã qua sử dụng làm quà gia tăng. Bà Nathalie Michaut, cùng các tình nguyện viên, hài lòng về thành công của những sự kiện kiểu này. Thành phố Cachan có ý định mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác.

« Hiện giờ, sự kiện trao đổi đồ chơi do thành phố tổ chức và chỉ diễn ra một ngày, để có thể huy động đủ tình nguyện viên cho ngày này. Nhưng nếu có quy mô lớn hơn thì có thể chúng tôi sẽ kéo dài vài ngày, ví dụ hồi tháng 10, các tình nguyện viên đã tổ chức bốn ngày trao đổi quần áo. Ý tưởng được đưa ra và ngày càng nhiều người hưởng ứng. Năm ngoái (2021) có 300 đồ chơi được mang đến, thì năm nay có ít nhất 500-600 món đồ và vẫn chưa hết ngày. 500 món đồ được mang đến, nhưng có những người mang đến 5 hoặc 10 món đồ. Chúng tôi nhận được rất nhiều đề nghị khác về nhiều chủ đề khác nhau mà người dân thành phố quan tâm. Vì thế sẽ còn có nhiều buổi trao đổi đồ về những chủ đề khác ».

Một Giáng Sinh không rác thải - “Noel zéro déchet”

Ngoài ý nghĩa kinh tế, vật chất, ngày đổi đồ còn nhằm mục đích chống lãng phí, giảm rác thải, đặc biệt là vào dịp lễ cuối năm. Thành phố Cachan có thể trông cậy vào hai hiệp hội tổ chức hướng dẫn tái chế tại chỗ.

« Trong ngày còn có chương trình hoạt động do Nhà Môi trường và hội Accorderie (mạng lưới trao đổi dịch vụ giữa người dân cùng khu phố) phụ trách. Một chương trình theo chủ đề “Sửa chữa Giáng Sinh” nhằm mục đích không có rác thải vào Giáng Sinh. Chương trình thứ hai là hướng dẫn dùng vải gói quà, theo nghệ thuật Furoshiki của Nhật Bản. Trước đó, chúng tôi đã thu gom ga trải giường, các loại vải, khăn trải bàn để có thể bọc quà mà mọi người đổi trong ngày hôm nay.

Đây là tất cả vải mà chúng tôi đã thu được, có đủ mầu sắc rất đẹp. Các cụ bà ở đây giúp bọc món quà đổi ở phòng bên kia hoặc hướng dẫn cách làm. Điều thú vị ở đây là vừa có quà được gói độc đáo, vừa biết được thêm là có thể tận dụng vải và tránh sử dụng giấy gói quà dùng một lần »

Bà Brigitte Andrieux, hội l’Accorderie thành phố Cachan, cùng với một tình nguyện viên khác đang tận tình hướng dẫn một phụ nữ cách gói quà theo Furoshiki. Bên cạnh tờ giấy giải thích nghệ thuật lâu đời này là những gói quà được bọc theo nhiều kiểu khác nhau, rất đẹp và độc đáo.

« Đây là gian nghệ thuật gói quà Furoshiki, bà Brigitte Andrieux giải thích. Furoshiki là một loại hình nghệ thuật Nhật Bản có từ đầu thế kỷ thứ 8, lúc đầu chỉ có những tu sĩ sử dụng vải bọc quần áo và đồ quý giá, sau này trở thành nghệ thuật bọc và tặng quà.

Loại hình nghệ thuật truyền thống này dùng vải rất tốt và in hình rất đẹp. Có những kiểu gói quà cho đám cưới hoặc cho những sự kiện truyền thống. Thường ở Nhật Bản, khi người ta tặng một món quà, món quà đó có thể không có giá trị lớn, nhưng việc bọc nó trong một tấm vải đẹp đã mang lại giá trị cho tặng phẩm. Vì thế, hoặc người Nhật để lại tấm vải muốn tặng, hoặc họ lấy lại tấm vải bọc quà vì đôi khi chúng có giá trị rất lớn.

Furoshiki có thể bọc sách, bọc chai, hoặc bất kỳ món đồ nào. Có rất nhiều cách bọc khác nhau, như hình bông hoa này chẳng hạn, rất dễ chịu, rất vui mắt và hơn hết là tránh mua những cuộn giấy, rồi dùng xong vứt đi ».

Bà Brigitte Andieux và một thành viên hội Accorderie, thành phố Cachan (ngoại ô Paris) hướng dẫn cách dùng vải bọc quà Giáng Sinh theo nghệ thuật Furoshiki của Nhật Bản, ngày 10/12/2022.
Bà Brigitte Andieux và một thành viên hội Accorderie, thành phố Cachan (ngoại ô Paris) hướng dẫn cách dùng vải bọc quà Giáng Sinh theo nghệ thuật Furoshiki của Nhật Bản, ngày 10/12/2022. © RFI / Thu Hằng

Bà Brigitte Andrieux cho biết đã theo một khóa học hai tiếng ở Paris. Theo bà, không quá khó để nắm được nghệ thuật này. Không chỉ dùng vải gói quà tặng, bà thường xuyên đi chợ với một mảnh vải trong tay, sau vài động tác thắt nút, đã hóa thành chiếc nải gọn nhẹ và chắc chắn. Việc này có ý nghĩa rất lớn để bảo vệ môi trường, tránh lãng phí :

« Việc này rất quan trọng, chúng ta thấy mô hình kinh tế tuần hoàn ngày càng xuất hiện nhiều. Việc đó cho phép tái sử dụng vải, bất kể mầu gì, chỉ cần là vải bông, và tránh được việc mua các cuộn giấy rồi vất vào sọt rác sau mùa lễ. Cách bọc quà này cũng rất hay cho bất kỳ ai có vải ở nhà, chỉ cần cắt thành những miếng hình vuông, sau đó là (ủi) vải cho phẳng phiu để món quà tặng trông đẹp mắt.

Những người đến đây tùy thích dùng loại vải mà họ muốn có sẵn ở đây. Những tình nguyện viên chúng tôi mang đến rất nhiều, vừa cho phép chúng tôi dùng để gói quà, vừa để cho họ thoải mái sử dụng và cũng giúp họ hiểu được rằng có thể làm khác thay vì sử dụng giấy bọc quà »

Không chỉ có những người có đồ mang đổi mới được tham gia sự kiện, nhiều người, như người dân ở xã Marmoutier, tỉnh Hạ sông Rhin, miền đông Pháp chẳng hạn, có thể đóng góp bằng bánh quy Bredele đặc trưng Giáng Sinh của vùng Alsace, hoặc bánh kẹo cho trẻ em. Theo hội GYM Marmoutier tổ chức sự kiện, mục đích chính là tạo không khí Giáng Sinh đầm ấm, tương ái giữa các gia đình và khuyến khích tái sử dụng đồ dùng. Những món đồ chơi còn lại cuối ngày có thể được tặng cho các hiệp hội hoặc gửi lại cho chính chủ.

Khái niệm trao đổi và cách tiêu dùng này ngày càng thu hút đông đảo người dân Pháp vì vừa tiết kiệm, giúp cân đối ngân sách, vừa bảo vệ môi trường. Các gia đình có thể loại bỏ được những đồ dùng không cần thiết mà không cảm thấy áy náy vì lãng phí mà lại có được món đồ họ cần. Người mua thì có thể tìm được niềm vui với số tiền rất nhỏ. Một người mẹ trẻ, khi trả lời đài truyền hình France 3 ngày 22/11, cho rằng “Không có gì phải xấu hổ khi sử dụng hoặc mua đồ đã qua sử dụng làm quà”.

Băng rôn cổ động tái sử dụng đồ dùng, thành phố Cachan, ngoại ô Paris, Pháp, ngày 10/12/2022.
Băng rôn cổ động tái sử dụng đồ dùng, thành phố Cachan, ngoại ô Paris, Pháp, ngày 10/12/2022. © RFI / Thu Hằng

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.