Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Liên hoan Tuy Xa Mà Gần : Cơ hội để “người Việt xem phim Việt ở Pháp”

Đăng ngày:

Sau mùa đầu tiên với nhiều kết quả tích cực, liên hoan phim Đông Dương “Si Loin Si Proche” – “Tuy Xa Mà Gần” trở lại với khán giả Pháp vào ngày 26-29 tháng Giêng, giới thiệu những bộ phim mới “độc” “lạ” của ba nước Lào, Cam Bốt và Việt Nam. Nhiều bộ phim chưa từng được công chiếu tại Pháp, tiêu biểu như Trịnh và Em và Trở lại Seoul – Retour à Seoul.  

Áp phích của liên hoan phim Đông Dương 'Tuy Xa Mà Gần ' - SI loin Si proche, ở trước lối vào trung tâm văn hóa La ferme du buisson, Ile De France, Pháp, ngày 16/01/2023
Áp phích của liên hoan phim Đông Dương 'Tuy Xa Mà Gần ' - SI loin Si proche, ở trước lối vào trung tâm văn hóa La ferme du buisson, Ile De France, Pháp, ngày 16/01/2023 © Chi Phuong
Quảng cáo

Liên hoan phim Tuy Xa Mà Gần là nơi gặp gỡ, hội tụ của điện ảnh ba nước Việt Nam, Lào và Cam Bốt, được tổ chức tại trung tâm văn hoá Noisiel ‘La Ferme du Buisson’, ngoại ô Paris, Pháp. Năm 2022, vào mùa đầu tiên của liên hoan phim, ban tổ chức đã ghi nhận hơn 2500 khán giả đến xem. Mùa thứ hai của liên hoan phim năm nay cũng diễn ra trong dịp Tết nguyên đán như năm ngoái, một cái hẹn cho những người thuộc cộng đồng Đông Dương cũ và những người quan tâm đến điện ảnh ‘tuy xa mà gần’ với nhiều điểm mới lạ hơn.   

RFI Tiếng Việt đã có dịp trao đổi với ban tổ chức liên hoan phim về mùa thứ hai này.   




Trước tiên, xin cảm ơn ông Nara Keo-Kosal giám đốc nghệ thuật của Tuy Xa Mà Gần và đồng tổ chức, giám đốc rạp chiếu phim, ông Dominique Toulat tại La Ferme du Buisson, đã dành thời gian trả lời RFI.

Là những người lên ý tưởng và xây dựng chương trình liên hoan phim, hai ông đánh giá thế nào về kết quả của mùa đầu tiên của Tuy Xa Mà Gần diễn ra vào tháng Giêng năm 2022 ?    

Dominique Toulat : Đối với chúng tôi, điều tuyệt vời nhất đó là khán giả đến xem không chỉ là những người có mối liên hệ cá nhân nào đó với 3 nước Việt Nam, Lào, Cam Bốt, mà còn cả những người không có liên hệ nào, họ đến khám phá những bộ phim từ xứ xa. Tôi thấy rất vui khi thấy nhiều người đến từ 10 giờ sáng và xem hết phim này đến phim khác, cho tới tối. Không chỉ vậy mà họ còn bao gồm nhiều thế hệ, già có trẻ có. Thực sự là lúc đó chúng tôi  rất phấn khởi khi mà tất cả mọi người nói với chúng tôi rằng “hẹn gặp lại vào năm sau nhé, và các ông chắc chắn là sẽ tổ chức liên hoan tiếp nhé !    

Nara Keo-Kosal : Tôi thì rất xúc động khi có nhiều người lặn lội đường xa đến để xem phim Việt – Lào – Cam Bốt. Có những người đến từ các vùng khác của nước Pháp hoặc từ nước ngoài.    

Các ông chuẩn bị mùa thứ hai của liên hoan ra sao ? Liệu chương trình cũng như quy cách tổ chức Tuy Xa Mà Gần đã rõ ràng hơn? Ban tổ chức có cảm thấy bớt căng thẳng hơn so với mùa đầu tiên hay không ?  

Dominique Toulat :  Chúng tôi rất háo hức, nhưng cũng khá căng thẳng vì mọi thứ trở nên cụ thể hơn. Nhưng chúng tôi cũng có cảm giác bị chậm trễ. (Bởi vì đến nay, chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm). Tại liên hoan năm nay, có rất nhiều phim chưa từng được công chiếu ở Pháp, thậm chí là lần đầu tiên ở châu Âu. Do vậy chúng tôi phải lo liệu làm phụ đề, dịch phụ đề sang tiếng Pháp và những công đoạn chuyển đổi phim mà nhà sản xuất cung cấp để chiếu ở rạp của chúng tôi. Trên thực tế, mỗi một mùa liên hoan đều sẽ có những điều mới mẻ, do vậy là một đợt căng thẳng mới. Khi mà mọi thứ đều diễn ra tốt đẹp thì chúng tôi lại bị một áp lực, đó là cần phải làm tốt hơn nữa.  

Nara Keo-Kosal: Thực ra vào mùa đầu tiên, chúng tôi không nhận thức được rõ về quy cách tổ chức liên hoan phim ra sao và chúng tôi cũng không căng thẳng lắm. Có thể chúng tôi sẽ bị căng thẳng vào năm nay, bởi vì chúng tôi biết rằng sẽ có cả ngàn người đến và như vậy thì những phim công chiếu ở đây phải hay và các chương trình cũng như hoạt động bên lề của liên hoan cũng phải thú vị. 

  

 

Có thể thấy rằng chương trình của liên hoan năm nay có thêm nhiều điểm mới lạ so với năm ngoái, như bàn tròn về 'sự hiện diện của các diễn viên gốc Á trong điện ảnh Pháp', hay cuộc gặp của tác giả sách Jeanne Truong với công chúng… Thêm vào đó, nhiều đạo diễn hay của các bộ phim được giới thiệu tại đây cũng sẽ có mặt, giao lưu với công chúng. Xin ban tổ chức cho biết thêm thông tin ?   

Dominique Toulat : Năm nay, có khoảng 15 người, đạo diễn, diễn viên hay nhà sản xuất được mời đến dự liên hoan. Đây quả là một điều tuyệt vời đối với chúng tôi. Năm ngoái, nhiều người không đến được vì lý do đại dịch. Chúng tôi rất vinh hạnh vì sự có mặt của đạo diễn Việt Nam Bùi Thạc Chuyên, cùng với phim Tro Tàn Rực Rỡ (Glorious Ashes). Bộ phim này đã giành giải Khinh Khí Cầu Vàng tại Liên hoan phim Ba Châu Lục vào năm ngoái. Đây là dịp để đạo diễn trao đổi với công chúng bởi chúng tôi thấy rằng điều này rất quan trọng. Đạo diễn Việt có thể thấy được cảm nhận và đánh giá trực tiếp của công chúng từ các nước khác. Họ thấy một bộ phim được thực hiện ở Việt Nam ra sao… Chúng tôi cũng đã giải thích cho các đạo diễn về điểm độc đáo của La Ferme du Buisson đó là sự hiện diện của những kiều bào Việt – Lào – Cam Bốt tại khu vực này. Hầu hết các đạo diễn cũng bày tỏ quan tâm vì đây cũng là một câu chuyện của đất nước họ, mối liên hệ giữa Việt Nam ở đây và Việt Nam ở đó. Văn hoá Việt vẫn tồn tại bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.  

 

Nếu như tại mùa đầu tiên, một trong những mục tiêu của ban tổ chức là tạo chỗ đứng cho những đạo diễn trẻ thì năm nay một số phim được giới thiệu là do các đạo diễn kỳ cựu thực hiện. Một số phim cũng đoạt giải và thậm chí có tên trong danh sách bình chọn của giải Oscar danh giá, như phim ‘Đứa trẻ trong sương’ của nữ đạo diễn Hà Lệ Diễm. Ngoài ra cũng có phim gây tranh cãi như Em và Trịnh. Phải chăng, ban tổ chức đã đưa ra các tiêu chí rõ ràng hơn trong việc chọn phim công chiếu tại liên hoan ?   

Nara Keo-Kosal: Thực ra, chúng tôi lựa chọn phim trên hết là dựa vào chất lượng của phim và đạo diễn chứ không liên quan gì đến việc phim đó có gây tranh cãi hay không. 

Dominique Toulat: Trên thực tế, liên hoan vẫn rất quan tâm đến sự sáng tạo của các đạo diễn mới nổi. Chúng tôi đã chọn công chiếu một số bộ phim vừa mới hoàn thiện vào năm nay, như phim Trở lại Soeul của đạo diễn trẻ người Pháp gốc Cam Bốt Davy Chou. Đó là những người mà chúng tôi muốn hỗ trợ và theo dõi thành quả nghệ thuật của họ. Về phim Tro tàn rực rỡ, vừa đoạt giải Khinh Khí Cầu Vàng, thực ra thì chúng tôi đã có thông tin và đã chọn trước khi phim này đoạt giải. Chúng tôi cũng đã khám phá ra phim tài liệu Đứa Trẻ Trong Sương, được công chiếu ở một liên hoan phim khác ở Pháp vào năm ngoái. Hiện giờ những bộ phim này đã được giải hay bầu chọn thì càng tốt. Điều mà chúng tôi mong muốn nhất đó là những bộ phim này có thể được công chiếu ở các rạp chiếu phim khác ở Pháp sau khi liên hoan phim của chúng tôi kết thúc, ví dụ như là phim Tro Tàn Rực Rỡ.   

Vào năm ngoái, một trong những mục tiêu của ban tổ chức Tuy Xa Mà Gần đó là giúp cho điện ảnh của 3 nước Đông Dương được biết đến rộng rãi, đặc biệt là tìm được nhà phát hành phim ở Pháp. Cho đến nay quá trình này đã được tiến hành ra sao ?    

Dominique Toulat: Trên thực tế, tôi đã liên lạc với nhiều nhà phát hành nhưng quả thật là điều này rất khó. Ví dụ như năm ngoái, chúng tôi giới thiệu phim Vị, chúng tôi đánh giá rất cao và hy vọng có thể được chiếu ở các nơi khác. Nhưng tình hình của các rạp tại Pháp dù có chút khởi sắc nhưng vẫn còn khá phức tạp sau đại dịch. Họ do dự và e ngại với những phim mới. Đây là điều mà chúng tôi hy vọng nhưng là công việc của nhà sản xuất phim. Điều mà chúng tôi có thể cho họ thấy đó là những phim đó có khán giả.  

Liên hoan phim Tuy Xa Mà Gần tôn vinh điện ảnh của 3 nước Việt Nam, Lào Cam Bốt, nhưng việc sản xuất phim của mỗi nước là khác nhau, liệu ban tổ chức có gặp phải khó khăn gì khi chọn phim công chiếu ?    

Nara Keo-Kosal: Theo tôi được biết, ở Việt Nam, chúng tôi có nhiều phim mới ra để lựa chọn hơn so với Cam Bốt hay Lào. Do đại dịch, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn vào năm nay, khi chọn lựa phim để công chiếu, sao cho số lượng phim đến từ 3 nước là ngang nhau.    

Dominique Toulat: Đúng là gần đây có nhiều phim mới cho ra mắt tại Việt Nam hơn là tại Lào và Cam Bốt và quy mô sản xuất phim giữa ba nước cũng khác nhau. Đó là một khó khăn. Ngoài ra chúng tôi cũng gặp khó khăn trong việc liên hệ với nhà sản xuất hoặc đạo diễn của một số phim mà chúng tôi quan tâm, hoặc khi liên lạc được thì họ trả lời quá chậm. Hơn nữa, tất cả các phim đều chưa có phụ đề tiếng Pháp nên chúng tôi phải lo phụ đề. Đây cũng là một hạn chế về số lượng phim mà chúng tôi có thể giới thiệu. Có một số phim mà chúng tôi cũng muốn công chiếu nhưng chúng tôi biết giới hạn của mình đến đâu, có thể làm phụ đề cho bao nhiêu phim.  

Đôi lúc, chúng tôi cũng lấy làm tiếc vì không thể giới thiệu một số phim hay triển lãm vào năm nay vì thời gian có hạn và chúng tôi phải lựa chọn. Nhưng tôi tin rằng chúng tôi đã chọn ra những phim với thể loại rất đa dạng, khoảng 30 phim ngắn và phim lẻ. Khi tổ chức liên hoan phim, chúng tôi không chú trọng đến việc mọi người sẽ yêu thích phim hay không, mà điều cốt yếu là mọi người quan tâm và đến xem phim tại liên hoan.  

Yếu tố ngôn ngữ và dịch thuật là một trong điểm độc đáo của liên hoan phim Đông Dương Tuy Xa Mà Gần ?  

Dominique Toulat : Đúng vậy, chúng tôi thấy rất quan trọng khi có thể tôn trọng các nền văn hoá và ngôn ngữ, mặc dù cá nhân tôi không nói bất cứ tiếng nào từ 3 nước này. Thế nhưng, tôi cho rằng rất quan trọng khi mọi người đến liên hoan phim, có thể nghe tiếng Pháp, tiếng Khmer, tiếng Việt. Đây thực sự là một điều tuyệ vời khi có được sự hoà quyện về ngôn ngữ. Chúng tôi cũng biết được rằng một số người đang sinh sống ở Pháp nhưng gặp khó khăn khi nói tiếng Pháp, do vậy họ sẽ thấy hài lòng khi có thể nghe lại tiếng mẹ đẻ của họ.   

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.