Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Chiến tranh Đông Dương :Chính sách tuyên truyền của Việt Nam dưới góc nhìn nghệ thuật ?

Đăng ngày:

Sau nhiều tác phẩm nói về chiến tranh, tác giả người Pháp gốc Việt Marcelino Trương Lực cho ra mắt độc giả Pháp cuốn « 40 người lính và 12 khẩu súng - 40 hommes et 12 fusils », đưa ra một góc nhìn khác về chiến tranh tuyên truyền.  

Ảnh bìa của cuốn sách "40 hommes et 12 fusils" - 40 người lính và 12 khẩu súng của Marcelino Trương Lực, do nhà xuất bản Denoel Graphic phát hành.
Ảnh bìa của cuốn sách "40 hommes et 12 fusils" - 40 người lính và 12 khẩu súng của Marcelino Trương Lực, do nhà xuất bản Denoel Graphic phát hành. © Denoel Graphic/ Marcelino Truong Luc
Quảng cáo

Chiến tranh Đông Dương vốn là đề tài được nhiều tác giả khai thác trong văn học hay nghệ thuật từ nhiều thập niên qua. Từ những câu chuyện viễn tưởng, tự truyện hay các thước phim tài liệu, mỗi tác giả chọn một khía cạnh khác nhau để khai thác.

Cuốn truyện tranh « 40 người lính và 12 khẩu súng » của Marcelino Trương Lực lấy bối cảnh đầu những năm 1950, tập trung vào khía cạnh tuyên truyền của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (Việt Minh), kể lại cuộc chiến dưới con mắt của một nghệ sỹ tên Minh, xuất thân từ một gia đình trưởng giả, đứng về phe quân đội Pháp. Từ một người dửng dưng trước cuộc chiến, với mơ ước theo học trường Mỹ Thuật Paris (École Nationale Supérieure des Beaux-Arts Paris), nhân vật Minh đã vô tình bị đẩy vào cuộc chiến. Những tưởng có thể thoát khỏi cảnh bom rơi đạn lạc, hoãn lệnh nhập ngũ vào quân đội của Liên bang Đông Dương, chàng hoạ sỹ trẻ lại phải đứng trước lựa chọn giữa cái chết hoặc tham gia vào quân đội của Việt Minh. Sau đó là những lần chuyển cảnh ấn tượng, nhân vật Minh từ một phòng tranh ở Hà Nội, đi huấn luyện ở Trung Quốc, rồi sau đó gia nhập tiểu ban tuyên truyền của Việt Minh. Không chỉ đặc sắc về nội dung mà còn hình thức, cuốn truyện thuật lại những cảnh sau hậu trường của trận Điện Biên Phủ, một trong những thất bại lớn nhất của Pháp ở Đông Dương, khiến Pháp rút quân khỏi Việt Nam. Với nét vẽ độc đáo, tác giả tái hiện lại khung cảnh giản dị có phần chân thực trong từng khung cảnh của cuốn truyện tranh giả tưởng dài hơn 300 trang.   

Marcelino Trương Lực sinh ra trong một gia đình trí thức, mẹ là người Pháp và bố là Trương Bửu Khánh, từng là một nhà ngoại giao và thông dịch viên của tổng thống Việt Nam Cộng Hoà Ngô Đình Diệm. Ông đã từng sinh sống ở nhiều nơi và hiện định cư tại Pháp. RFI đã có dịp trao đổi với hoạ sỹ Marcelino Trương Lực tác giả của cuốn « 40 người lính  và 12 khẩu súng», về cảm hứng sáng tác cũng như quá trình tạo ra cuốn truyện tranh này.    

Xin cảm ơn ông Trương Lực đã dành thời gian chia sẻ với quý thính giả của RFI Tiếng Việt. 

Trước tiên, về tựa sách 40 người lính và 12 khẩu súng, đây là tên thường gọi để chỉ một tiểu ban chuyên vẽ tranh truyên truyền của Việt Minh. Tại sao ông lại quyết định khai thác khía cạnh này trong chiến tranh Đông Dương ?   

Marcelino Trương Lực : Chiến tranh tuyên truyền hay chiến tranh tâm lý là một khía cạnh trong chiến tranh mà chúng ta ít nói đến trong các cuốn tiểu thuyết của Pháp, nhưng tôi lại rất quan tâm đến đề tài này. Tôi nghĩ rằng, nếu tôi ở trong cuộc chiến này thì có lẽ tôi cũng có thể được yêu cầu tham gia vẽ tranh tuyên truyền. Hơn nữa, tuyên truyền còn là một điểm độc đáo của Việt Nam, bởi phe Cộng Sản họ có chính sách tuyên truyền rất giỏi. Điều làm tôi ngạc nhiên đó là các nghệ sỹ Việt Nam khi phải vẽ truyền tải thông điệp tuyên truyền nào đó, họ vẫn giữ được phong cách riêng. Theo tôi, tuyên truyền của Việt Nam so với Trung Quốc hay Liên Xô, có vẻ nhẹ nhàng hơn và có một đặc tính riêng mặc dù cũng cũng vẫn bị ảnh hưởng từ hai luồng tư tưởng này.  

Cuốn truyện tranh được thực hiện như thế nào ? Cảm hứng sáng tác của ông đến từ đâu ?   

Marcelino Trương Lực :Quá trình vẽ và viết lời thoại cho cuốn truyện , tôi nghĩ tất cả kéo dài 4 hoặc 5 năm. Nhưng công đoạn tìm kiếm tư liệu, tôi nghĩ rằng lâu hơn rất nhiều. Từ thời niên thiếu, tôi đã quan tâm nhiều đến chiến tranh. Lần quay trở về Việt Nam những năm 1990 đã giúp tôi rất nhiều. Tôi đã gặp nhiều họ hàng cũng như những người cùng thế hệ với cha tôi. Trong số họ, có rất nhiều người đã trải qua chiến tranh Đông Dương. Một số ở lại Việt nam và chọn đứng về phe cách mạng. Tôi đã được giới thiệu đến gặp nhà sử học Đào Thế Hùng, con của Đào Duy Anh, một nhà văn hoá, nho gia lớn của Việt Nam. Ông Hùng đã giúp tôi rất nhiều trong việc tìm kiếm tư liệu về chiến tranh Đông Dương. Ông cũng kể lại cho tôi những câu chuyện thời chiến. Họ là một trong những nguồn cảm hứng để viết ra cuốn truyện này. Tôi cũng đã có dịp gặp ông Đặng Văn Việt hay tướng Trần Độ, hay ông Đỗ Ca Sơn. Ông Sơn và ông Hùng đã từng chiến đấu trong trận Điện Biên Phủ, còn ông Việt đã từng đến Trung Quốc để nhận đào tạo lãnh đạo của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tất cả những người này đã mang lại cho tôi rất nhiều thông tin.   

Trong cuốn truyện, nhân vật chính Minh đã đến chiến tuyến ở Điện Biên Phủ, và gặp vô số tướng lĩnh khác nhau, chàng hoạ sỹ trẻ cũng được điều sang Trung Quốc đào tạo. Phải chăng những người mà ông vừa kể ở trên và câu chuyện của họ đã được đưa vào cuốn truyện của ông và vì sao ?  

Marcelino Trương Lực :  Đúng vậy, ông Đào Thế Hùng xuất hiện trong vai một chỉ huy trong trận Điện Biên Phủ 1954, thuộc một đơn vị trong Đại đoàn pháo binh 351. Đơn vị của ông gồm bộ đội, thường dân và những tình nguyện viên, ngày đêm túc trực để bảo đảm rằng các chuyến xe chở đạn dược tiếp tế có thể đi qua, đèo Pha Đin – một tuyến đường quan trong đến Điện Biên Phủ, dù bị bom bắn phá. Tôi đã tái hiện lại cảnh này trong truyện tranh của tôi.    

Ông Đào Thế Hùng, nhà sử học, cựu chiến binh trong trận Điện Biên Phủ năm 1954.
Ông Đào Thế Hùng, nhà sử học, cựu chiến binh trong trận Điện Biên Phủ năm 1954. © Hình ảnh do tác giả cung cấp

Đây là không phải là tác phẩm đầu tiên của ông về chiến tranh và là cuốn truyện tranh thứ hai, sau cuốn 'Une si jolie petite guerre - Một cuộc chiến tranh rất xinh đẹp nhỏ bé'. Tại sao chiến tranh lại là nguồn sáng tác chủ yếu  của ông ?     

Marcelino Trương Lực :Không phải là tôi quan tâm đến chiến tranh mà trên hết là ngữ cảnh và những câu chuyện xảy ra xung quanh. Khi nghiên cứu về một cuộc chiến tranh, chúng ta có thể học thêm rất nhiều về dân tộc đó, bởi mỗi một dân tộc có một đặc tính riêng, trong cách chiến đấu. Đó là cả một nền văn hoá. Điều mà tôi đặc biệt quan tâm đến chiến tranh trên hết đó là lịch sử. Trong cuốn truyện, tôi đã vẽ một vài cảnh về trận giao tranh trên chiến tuyến ở Điện Biên Phủ. Tôi chỉ vẽ những thứ mà nhân vật của tôi nhìn thấy và không vẻ toàn cảnh trận chiến. Tôi không thấy hứng thú chút nào khi phải vẽ những cảnh người lính bắn súng nhưng đó là điều cần phải làm (khi vẽ truyện về chiến tranh). Nói thực là tôi thích những cảnh phong cảnh hơn nhưng dẫu sao cũng phải nói về lịch sử. Chiến tranh Đông Dương và chiến tranh Việt Nam là chủ đề tôi rất quan tâm. Tuổi thơ của tôi đã bị đánh dấu bởi chiến tranh. Tôi rời khỏi Việt Nam khi 6 tuổi, nhưng lúc đó tôi là một cậu bé rất nhạy cảm và hiểu rất nhiều thứ. Bạn bè tôi thường ngạc nhiên khi thấy tôi bị ám ảnh về chiến tranh.    

Có lẽ với cuốn truyện này, tôi lật sang một trang mới, tôi có thể sáng tác những thứ khác ít thảm thương hơn là viết, vẽ về chiến tranh. Tôi cũng nhận thức được rằng chiến tranh gây đau khổ cho mọi người. Vì vậy mà nhân vật chính trong chuyện của tôi đã bị cưa mất một chân. Bởi vì khi đọc truyện tranh về chiến tranh không phải là để cười mà chiến tranh để lại những vết thương, nỗi đau và có thể nhìn thấy được. 

Marcelino Trương Lực, họa sỹ, tác giả của cuốn truyện tranh "40 hommes et 12 fusils".
Marcelino Trương Lực, họa sỹ, tác giả của cuốn truyện tranh "40 hommes et 12 fusils". © Hình ảnh do tác giả cung cấp

   

 

Nhân vật Minh cũng là một hoạ sỹ, cũng xuất thân từ một gia đình trí thức, dường như chúng ta có thể nhìn thấy chính ông ở trong đó ?  

Marcelino Trương Lực :Tôi nghĩ rằng các hoạ sỹ hay tác giả truyện tranh thường có khuynh hướng tự vẽ chính mình. Không phải là vì chúng tôi quá yêu bản thân và thích ngắm mình trong gương cả ngày, mà bởi vì rất khó có thể vẽ cùng một nhân vật trong suốt hàng chục trang giấy, và bên cạnh đó cũng có nhiều nhân vật khác nữa. Khi mà chúng tôi lựa chọn là một trong những nhân vật đó thì sẽ bớt đi một vấn đề. Tôi nghĩ rằng những người viết truyện thường bác bỏ rằng họ ở trong cuốn truyện giả tưởng của họ vì e ngại. Nhưng theo tôi, tất cả chúng tôi đều ở trong những câu chữ mà chúng tôi viết. Để kể câu chuyện này. Tôi đã cố gắng tưởng tượng ra cảnh mình sẽ làm gì, phản ứng ra sao trong trường hợp mà nhân vật phải đối mặt. Điều này đã giúp tôi rất nhiều. Tôi đã đến Điện Biện Phủ để chuẩn bị cho cuốn truyện này. Tôi sinh năm 1957 và trận chiến đó tôi vẫn chưa sinh ra, nhưng theo tôi, đó là cách để hoá thân mình vào trong nhân vật.   

Thông điệp mà ông muốn truyền tải qua cuốn truyện tranh này là gì?  

Marcelino Trương Lực :Tôi muốn thoát khỏi những khuôn sáo nhất định, những gì mà chúng ta đọc trong tiểu thuyết hay các cuốn truyện khác của Pháp về chiến tranh, với những câu sáo rỗng, đó là coi tất cả người Việt Nam ở phe Hồ Chí Minh là những người cuồng tín, độc ác, hung bạo, dối trá. Dĩ nhiên là cũng có những người như vậy nhưng không phải phần lớn. Theo tôi, điều này cũng tương tự như phe Pháp, cũng có những người xấu và không phải ai cũng vậy. Tôi muốn cho mọi người thấy diện mạo rất con người của người Việt mặc dù họ phải chịu tác động lớn về mặt tư tưởng, bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa Mao Trạch Đông, với một bầu không khí tranh đấu giai cấp rất mạnh mẽ (trí thức – bần nông; giàu – nghèo) đối với những người kháng chiến trong thời gian đầu. Tôi muốn độc giả Pháp hiểu được rằng cuộc chiến không đơn giản. Chủ nghĩa anh hùng là không thể chối bỏ đối với quân đội Việt Minh nhưng cần phải cẩn thận vì liệu chủ nghĩa anh hùng của một dân tộc có thể dẫn đến việc chấp nhận một hệ tư tưởng nào đó hay không. Tôi không nghĩ vậy. Trong Đệ Nhị Thế Chiến, người Đức đã chiến đấu với một chủ nghĩa anh hùng phục vụ cho tư tưởng phát xít, một tư tưởng không thể chấp nhận được. Những công dân Liên Xô đã chiến đấu với một lòng dũng cảm đáng kinh ngạc và sự sy sinh to lớn nhưng liệu điều này có thể khiến chế độ của Staline được chấp nhận hay không. Tôi không cho là vậy. Vì thế nên cần phải phân biệt giữa chủ nghĩa anh hùng của dân tộc thường là có thật và những hệ tư tưởng, đôi khi ẩn giấu đằng sau là độc lập, tự do, công lý và công bằng xã hội. Tôi đồng ý với cách nhìn này nhưng có một điểm mà tôi không đồng ý đó là khi người ta nói rằng bình đẳng có thể đạt được nhờ vào cuộc đấu tranh giai cấp bạo lực.   

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.