Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Pháp : Các bể nhân tạo trữ nước hút từ mạch ngầm và nguy cơ gây căng thẳng xã hội

Đăng ngày:

Thiếu mưa, đất đai khô cằn, mực nước ở các sông ngòi và hồ chứa trong tháng 02/2023 đã xuống dưới mức thấp nhất trong cả nước, giới nông dân Pháp lo sợ « một năm đen tối » cho nông nghiệp. Khoảng 1 tháng rưỡi sau khi chính quyền ghi nhận mùa đông khô hạn kỷ lục, bất thường, ngày 30/03/2023, đích thân tổng thống Pháp Emmanuel Macron công bố « Kế hoạch về nước ».

Người biểu tình phản đối việc xây các bể trữ nước nhân tạo ở Sainte-Soline, tỉnh Deux-Sèvres, vùng Nouvelle-Aquitaine, miền tây nam Pháp, ngày 25/03/2023.
Người biểu tình phản đối việc xây các bể trữ nước nhân tạo ở Sainte-Soline, tỉnh Deux-Sèvres, vùng Nouvelle-Aquitaine, miền tây nam Pháp, ngày 25/03/2023. REUTERS - YVES HERMAN
Quảng cáo

Theo Le Monde ngày 31/03, lượng nước có thể khai thác ở Pháp trong hai thập kỷ qua đã giảm 14% so với thập niên trước đó và đến năm 2050 sẽ còn giảm tới 30-40% so với hiện nay. Trong khi đó, Libération cùng ngày trích dẫnThẩm Kế Viện, cho biết lượng nước tiêu thụ tại Pháp đặc biệt tăng mạnh từ năm 2017. Mục tiêu trước mắt của « Kế koạch về nước » của chính quyền Pháp là để chuẩn bị đối phó với nạn khô hạn rất có thể xảy ra ngay vào mùa hè 2023, nhưng về lâu dài là để quy hoạch, cải thiện việc quản lý và sử dụng nước từ nay đến năm 2030

Trong 53 biện pháp được nêu lên trong « Kế hoạch về nước » mà tổng thống Pháp Macron công bố, ngoài việc kêu gọi sử dụng nước « điều độ » như từng vận động đối với việc sử dụng điện trong thời gian qua, thúc đẩy tái sử dụng nước thải (mà nước Pháp đang tiến chậm hơn nhiều nước láng giềng châu Âu), khắc dụng những rò rỉ trong hệ thống đường ống cấp nước (vốn gây lãng phí 20% lượng nước sạch tại Pháp, theo Libération ngày 31/03), áp dụng biểu giá nước lũy tiến, chuyển đổi mô hình nông nghiệp … có một biện pháp gây nhiều tranh cãi liên quan đến việc xây dựng, khai thác các « méga-bassine » - bể trữ nước khổng lồ, chủ yếuhút nước từ các mạch nước ngầm.

Lấy nhân tạo để đối phó với tự nhiên ?

Thực ra, « méga-bassine » không phải là mới tại Pháp mà đã có ở nhiều địa phương. Cụ thể, đó là những bể chứa nhân tạo, lộ thiên, được đào giữa các cánh đồng, trải rộng trên nhiều hectare, có thể có diện tích bằng hàng chục sân bóng cộng lại, chủ yếu bơm hút nước từ các mạnh nước ngầm nằm sâu dưới lòng đất hoặc từ các dòng chảy trong tự nhiên và chỉ bơm hút vào mùa đông, rồi dành để tưới tiêu, phục vụ nông nghiệp địa phương trong mùa hè, vào thời kỳ khô hạn. Về thể tích, theo trang mạng của đài France Info ngày 29/10/2022, có những « méga-bassine » có thể chứa được hơn 400.000m3 nước, tương đương với 160 bể bơi Olympic. Những bể trữ nước nhân tạo lớn hơn thậm chí có thể có trữ lượng lên đến 650.000m3 (260 bể bơi Olympic).  

Trang mạng của đài France Info hôm 27/03 cho biết mặc dù không có con số chính thức được công bố, nhưng trang thông tin của chính phủ Pháp về chính sách công nêu lên con số khoảng 100 dự án xây bể trữ nước « méga-bassine ». Tuy nhiên, theo thống kê của một số hiệp hội như « Bassines non merci » « Le Soulèvement de la Terre » thì con số này trên thực tế lên tới gần 300.

Báo chí Pháp thời gian qua đặc biệt nói nhiều đến các bể khổng lồ được đào để trữ nước tưới tiêu phục vụ nông nghiệp ở xã Sainte-Soline, tỉnh Deux-Sèvres, vùng Nouvelle-Aquitaine, miền tây nam Pháp. Từ Sainte-Soline, hôm 02/11/2022, nhà báo Baptiste Coulon gửi về bài phóng sự :

« Hàng rào và camera giám sát, các biện pháp an ninh được đặt ở mức cao nhất ở lối vào khu trữ nước. Thierry Boudaud là người đứng đầu hợp tác xã này. Ông nói : « Chúng ta đang đứng trước 1 trong 16 bể trữ nước mà hợp tác xã nước đã xây dựng ». Với nạn khô hạn, năng suất nông nghiệp trong năm 2022 đã giảm 2/3.

Bể trữ nước này chứa được 240.000m3. Đối với ông Thierry Boudaud, bể trữ nước là giải pháp tốt nhất để thích nghi với nạn biến đổi khí hậu. Ông nói tiếp : « Tầng nước ngầm được bổ sung rất nhanh nhờ nguồn nước mưa trong mùa đông. Các mạch nước ngầm cũng kết nối với các dòng sông. Khi nước ở các nguồn này dư thừa, thay vì để nước đổ ra biển thì chúng tôi hút nước về bể chứa ». Nước được hút trong giai đoạn từ tháng 11 đến tháng 03 năm sau. Kết quả là, theo ông Thierry Boudaud khẳng định, vào mùa hè (mùa nóng, khan hiếm nước), họ không cần bơm nước về nữa và như vật là các tầng nước ngầm vẫn được bảo vệ trong mùa hè.

Ông Samuel Baudouin là 1 trong 12 nhà nông có quyền bơm hút nước từ hồ trữ nước này về sử dụng. Ông chia sẻ : « Bể trữ nước này cho phép chúng tôi tự chủ về nguồn nước để nuôi đàn gia súc và duy trì được toàn bộ các hoạt động ». Nếu không có bể trữ nước này, theo ông Samuel Baudouin : « Chúng tôi sẽ phải bán gia súc đi, chúng tôi sẽ không còn là người chăn nuôi dê nữa. Đàn dê sẽ được chuyển đến nơi khác hoặc đến lò mổ ».

Tuy nhiên, ông Benoit Jaunet của Liên đoàn Nông dân (Confédération Paysanne) lưu ý là mùa đông cũng đang ngày càng khô. Ông nói : « Các tầng nước ngầm đã không thể được tích nạp đủ nước, chúng tôi đã chứng kiến điều đó hồi mùa đông năm ngoái. Các bể trữ này không phải là được đổ đầy nhờ nguồn nước mưa lũ mà là nước được bơm hút từ sâu dưới lòng đất, nguồn nước vốn dĩ được tích trữ tự nhiên ở các tầng nước ngầm ».

Liệu có phải đó là do nước mưa không ngấm nhiều vào trong lòng đất nữa ? Ông Benoit Jaunet giải thích : « Nước mưa ngấm vào đất ngày càng ít, bởi nhiều loại đất ngày càng không có khả năng thấm hút. Do đó, điều chúng ta cần làm là phát triển khả năng trữ nước của các tầng ngầm chứ không phải là khả năng tích trữ nước ở ngoài các tầng nước ngầm ».

Điều các nhà tranh đấu lo ngại là các bể trữ nước này sẽ khiến nạn khô hạn thêm nghiêm trọng và làm rối loạn vòng tuần hoàn nước, tức là phương pháp xây bể trữ nước giống như một phương thuốc có hại hơn cả chính căn bệnh. Theo ông Benoit Jaunet, bể trữ nước là một liệu pháp tức thời cho nạn khan hiếm nước, nhưng không phải là một dự án cho tương lai và thách thức thực sự là ở chỗ chúng ta phải suy nghĩ lại về mô hình nông nghiệp.

Ông Benoit Jaunet nói : « Chừng nào chúng ta vẫn chưa điều chỉnh lại hoạt động theo khả năng sản xuất tự nhiên của đất, tức là không cần đến phải tưới tiêu, thì tình trạng này sẽ tiếp diễn. Tôi là người chăn nuôi bò, đã hứng chịu nạn khô hạn, nhưng đàn gia súc của tôi không chết đói và chúng cũng sẽ không chết đói trong mùa đông tới. Nhưng đổi lại, tôi đã thay đổi phương thức làm nông nghiệp để thích nghi với điều kiện đất đai và biến đổi khí hậu ».

Ông Benoit Biteau, dân biểu châu Âu của đảng môi trường sinh thái đã trình bày chi tiết về cách thức mới để bảo vệ, duy trì mực nước ngầm : « Nếu chúng ta muốn sau này có thể sử dụng nước để tưới tiêu phục vụ nông nghiệp, trước hết chúng ta cần khôi phục lại vòng tuần hoàn của nước, các vùng nước mưa lũ có thể ngấm được vào lòng đất, những đồng cỏ ẩm ướt, bờ giậu, cây cối, sao cho nước có thể thấm hút xuống tận tầng nước ngầm sâu. Và khi nước ngấm vào tận các mạch nước ngầm sâu rồi thì khi đó chúng ta mới có thể sử dụng để đáp ứng mọi nhu cầu ».

Các bể trữ nước được Nhà nước tài trợ 70%, trong khi hoạt động tưới tiêu chỉ phục vụ cho 7% diện tích đất nông nghiệp ở Pháp, những vùng sản xuất nhiều nhất. Điều này bổ sung cho lập luận của những người phản đối các bể trữ nước ».

Mặc dù các bể trữ này được phủ nhựa và xử lý chống thấm, để nước không ngấm ngược trở lại vào lòng đất, thế nhưng theo một số chuyên gia thủy lợi thì còn nhiều bất cập. Trên trang web, tổ chức GreenPeace liệt kê hàng loạt hạn chế của các bể trữ nước khổng lồ mà cả chính phủ Pháp và các nhà công nghiệp thực phẩm lớn đều ca ngợi là giải pháp chống khô hạn hiệu quả cho mùa hè. Chẳng hạn, việc trữ nước nhân tạo như vậy vô tình đã biến nước từ nguồn chảy tự nhiên thành nước tù đọng, khiến nước biến chất do các loài vi tảo, vi khuẩn sinh sôi phát triển và nước cũng bốc hơi tự nhiên.

GreenPeace trích dẫn chuyên gia về nước và hệ thống thủy lợi, Christian Amblard, giám đốc nghiên cứu danh dự của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), theo đó mức độ nước bốc hơi ở những bể chứa là khoảng 20-60%. Đó là chưa kể đến việc con người tác động đến tầng nước ngầm như vậy chắc chắn gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và hệ cân bằng sinh thái.  

Nước có thể làm « bùng lửa » xã hội ?

Về mặt xã hội, theo báo La Croix hôm 28/02, những người phản đối việc xây các bể trữ khổng lồ cho rằng các « méga-bassine » chỉ có lợi cho các nhà công nghiệp trồng trọt vốn sử dụng rất nhiều nước, nhất là ngành trồng ngũ cốc phục vụ chăn nuôi gia súc, còn phần thiệt thòi thì vẫn là các nông dân nhỏ lẻ phải gánh chịu. Tại Sainte- Soline, các cuộc biểu tình, hoạt động tranh đấu liên tục diễn ra, nhất là trong giới nông dân và các nhà đấu tranh môi trường sinh thái. Xô xát bạo động cũng thường xuyên xảy ra từ nhiều tháng nay.

Chủ đề xây các méga-bassine, bể chứa khổng lồ để trữ nước hút từ tầng nước ngầm càng gây xôn xao công luận, nhất là sau vụ biểu tình hôm 25/03 tại Sainte-Soline, có 200 người đã bị thương, trong đó có 40 người chịu thương tích nặng,chủ yếu do trúng lựu đạn hơi cay và đạn cao su. Về phía các lực lượng an ninh, cũng có khoảng 50 người bị thương. Lực lượng an ninh bị chỉ trích đã sử dụng 4.000 lựu đạn hơi cay và đạn cao su (LBD), vốn bị xếp vào danh sách « vũ khí chiến tranh »

Điều khiến công luận Pháp căng thẳng hơn nữa là, theo ghi âm của báo Le Monde và trang mạng Mediapart, lực lượng an ninh đã cản trở nhân viên cứu hộ người bị thương. Vụ việc đã kéo theo nhiều cuộc biểu tình phản ánh sự bất mãn của một nhóm dân chúng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và biến đổi khí hậu, trong khi phong trào biểu tình, đình công quy mô toàn quốc chống dự án cải tổ chế độ hưu trí của chính quyền Macron vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Theo báo Le Monde ngày 31/03, tổng thống Macron đã nêu lên con số 2.000 xã, thị trấn, thành phố trong cả nước đã phải gặp vấn đề về nguồn nước trong năm 2022, trong đó có 340 xã, thành phố phải nhờ đến biện pháp tiếp viện nước bằng xe bồn và 200 xã, thị trấn cần được tiếp viện nước uống đóng chai. Trong bối cảnh đó, những khó khăn về việc tiếp cận nguồn nước với những giải pháp cấp bách còn gây nhiều tranh cãi, phản ứng trái chiều có thể sẽ là nguồn gây thêm những căng thẳng, bất ổn xã hội tại Pháp, như chuyện xảy ra ở Sainte-Soline, khi chỉ còn 2-3 tháng nữa là đến mùa hè, giai đoạn khan hiếm nước mà nhu cầu thì tăng cao. Dòng nước mát lành cũng có thể làm « bùng lên ngọn lửa » giận dữ trong một xã hội đang « nóng ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.