Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Pháp : Thực hư "hồ sơ S" và mối đe dọa tấn công khủng bố

Đăng ngày:

Cũng giống như sau mỗi lần nước Pháp bị vụ tấn công khủng bố, vụ một thanh niên Hồi Giáo cực đoan, có tên trong "hồ sơ S" ( fichier S ), dùng dao đâm chết một thầy giáo hôm 13/10/2023 tại Arras, lại làm dấy lên tranh cãi về "hồ sơ S". Nói đến "hồ sơ S", nhiều người liên tưởng đến mối nguy hiểm tấn công, khủng bố. Chính phủ Pháp bị chỉ trích là đã để những người nguy hiểm đó « nhởn nhơ » ngoài xã hội, để rồi có cơ hội tấn công.

Người dân tập hợp trước nhà thờ Arras, miền bắc nước Pháp, tưởng nhớ nhà giáo Dominique Bernard, bị một thanh niên Hồi Giáo cực đoan sát hại ngay trước cửa trường hôm 13/10/2023.
Người dân tập hợp trước nhà thờ Arras, miền bắc nước Pháp, tưởng nhớ nhà giáo Dominique Bernard, bị một thanh niên Hồi Giáo cực đoan sát hại ngay trước cửa trường hôm 13/10/2023. AFP - FRANCOIS LO PRESTI
Quảng cáo

Chữ S là viết tắt của Sécurité de l’Etat - An ninh Nhà nước, thế nhưng thực hư của "hồ sơ S", hay những người bị đánh dấu S, bị gắn thẻ S cụ thể là như thế nào ? Trên đài RFI Pháp ngữ ngày 17/10/2023, luật sư, tiến sĩ về luật công Nathalie Cettina, chuyên gia về các vấn đề chống khủng bố, và cũng là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu về Tình báo Pháp (CF2R), giải thích :

« Chiến lược đã được áp dụng trong cuộc chiến chống khủng bố kể từ năm 2015 chủ yếu coi trọng mở rộng việc giám sát người dân theo các hồ sơ, danh sách. Các cá nhân có nguy cơ gây vấn đề được đưa tên vào hồ sơ chuyên biệt. Mọi người thường nói đến hồ sơ, nhưng có lẽ chúng ta cần nói rõ thế này : Có một hồ sơ liên quan đến những người bị tìm hiểu vì các lý do tư pháp hoặc hành chính.

Hồ sơ này gồm 21 danh sách khác nhau, trong đó có danh sách S liên quan đến an ninh nhà nước. Danh sách S đặc biệt liên quan đến những người bị nghi ngờ là đã trở nên cực đoan. Nhưng không chỉ có vậy. Trên thực tế, trong danh sách có cả các nhà tranh đấu mang tính bạo lực, những người Black Bloc (tức là Hội Áo Đen thường có hành vi bạo lực, đập phá, gây bạo loạn trong các cuộc biểu tình) hay các cổ động viên hung hăng, quá khích (Hooligan). Nhóm đối tượng này rất rộng. Tổng cộng, danh sách S gồm khoảng 30.000 người. Và một nửa trong số đó liên quan đến vấn đề cực đoan hóa ».  

Cũng trên đài RFI Pháp ngữ ngày 17/10, nhà báo điều tra độc lập Vincent Nouzille, tác giả cuốn sách « Mặt trái của quyền lực - Điều tra về sự chệch hướng của bộ Nội Vụ và cảnh sát » (NXB Flammarion, 11/10/2023), giải thích thêm :

« Hồ sơ về những người bị tìm hiểu là như thế này : Chẳng hạn khi cảnh sát, hiến binh kiểm tra quý vị trên đường hoặc khi quý vị đi qua biên giới, họ sẽ kiểm tra danh tính của quý vị trên máy tính bảng của họ (…) Nếu quý vị có liên quan thì máy sẽ phát một tín hiệu ánh sáng nhỏ. Ví dụ nếu người bị kiểm tra là trẻ vị thành niên đang trốn chạy thì ký hiệu danh sách M sẽ hiện lên màn hình. Nếu đó là người nước ngoài đang bị quản thúc tại gia thì sẽ hiện lên một mã khác. Có khoảng 20 mã như vậy, trong đó có mã S. Thực ra thì đó không phải là một tệp S như tên gọi, mà thật ra là một hồ sơ rất lớn về nhiều người.

Đây là một loại danh sách, hồ sơ rất lớn mang tính báo hiệu và chỉ được dùng để báo hiệu và tìm hiểu thông tin của một số người nhất định. Xin nhắc lại là trong toàn bộ hồ sơ về những người bị tìm hiểu, có tên của hơn 500.000 người. Trong số 500.000 người đó, có 30.000 người có tên trong hồ sơ S. Những người có tên trong "hồ sơ S" không phải đều liên quan đến khủng bố và cực đoan hóa.

Có tên trong "hồ sơ S" cũng không phải là dấu hiệu cho thấy họ là người nguy hiểm. Có thể thấy tên một người nào đó trong "hồ sơ S", nhưng cũng có thể các thành viên trong gia đình người đó, mẹ của người đó hay những người gặp gỡ, có mối liên hệ, hay bạn học của người đó cũng được đưa tên vào "hồ sơ S". Và việc bị xếp vào "hồ sơ S" không có nghĩa là họ đã cực đoan hóa, mà cũng chẳng có nghĩa là họ là những người nguy hiểm ».

Người nguy hiểm cần được theo dõi sát sao ?

Hồ sơ S thường gồm thông tin về họ tên, ảnh, lý do bị đưa vào hồ sơ S, cách hành xử của cảnh sát hiến binh khi gặp đối tượng. Trên trang mạng nghiên cứu The Conversation ngày 23/10/2023, Yoann Nabat, giảng viên - nhà nghiên cứu về luật tư và tội phạm học, Đại học Bordeaux của Pháp, cho biết có 11 loại hồ sơ S, được phân loại, đánh số theo thứ tự từ S1 đến S11. Cách phân loại nói trên không hề liên quan đến lý do đối tượng bị theo dõi, hay mức độ nguy hiểm của họ, bởi không phải ai có tên trong hồ sơ S đều là người nguy hiểm, và ngược lại không phải tất cả thủ phạm các vụ tấn công khủng bố hoặc những người bị nghi có âm mưu khủng bố đều bị gắn thẻ S. 

Cách phân loại 11 hồ sơ S nói trên ứng với cách hành xử mà cảnh sát, hiến binh được hướng dẫn thực hiện khi kiểm tra đối tượng có liên quan. Nhìn chung thì cảnh sát, hiến binh khi kiểm tra giao thông được khuyến cáo là nếu gặp đối tượng có tên trong hồ sơ S thì không « đánh động », bởi không phải ai bị gắn thẻ S cũng được thông báo về điều đó. Tùy từng trường hợp, cảnh sát, hiến binh có thể nhận chỉ dẫn bắt ngay đối tượng, hay không làm gì hết, hoặc đơn giản là chỉ báo cáo để cơ quan tình báo biết được đối tượng đã xuất hiện ở những đâu. 

Nhà báo điều tra độc lập Vincent Nouzille cũng lưu ý "hồ sơ S" không phải là công cụ nhằm chủ động theo dõi, giám sát tích cực những đối tượng nguy hiểm :

« Hồ sơ S được lập trên cơ sở thông tin tình báo do các cơ quan tình báo cung cấp. Có thể nói đến Tổng cục An ninh Nội địa Pháp DGSI, Cơ quan Trung ương về Tình báo Lãnh thổ SCRT, nay đổi thành Tổng cục Tình báo Lãnh thổ Quốc gia. Ngoài ra, còn có Sở Cảnh sát Paris và lực lượng Hiến binh. Tất cả các cơ quan nói trên cung cấp thông tin để xếp một người vào hồ sơ S, chẳng bị nghi ngờ có liên hệ với một người thuộc lực lượng thánh chiến Hồi Giáo đã được cơ quan an ninh ghi nhận, một người đến nhà tù thăm một người bạn thời thơ ấu đang bị cầm tù, hay người bị tòa kết án, chẳng hạn do có hành vi khủng bố …

Rõ ràng là những người này bị đưa vào "hồ sơ S", nhưng điều này không có nghĩa là họ là người nguy hiểm, mà chỉ có nghĩa là tên của họ bị đưa vào hồ sơ S và về cơ bản là họ bị theo dõi từ xa. Nhưng đó là cách theo dõi, giám sát theo kiểu hoàn toàn thụ động. Những hồ sơ này chẳng để làm gì, mà chỉ là nêu thông tin và truyền tải thông tin. Đó thực sự là một công cụ làm việc của các cơ quan tình báo, và chỉ có vậy thôi. Thế nên, chúng ta không thể nói rằng họ không bị theo dõi, giám sát. Nhưng đó chỉ là theo dõi giám sát một cách thụ động ».

Do không phải là người nguy hiểm nên về mặt pháp lý, không thể bắt giữ, trục xuất họ dễ dàng như nhiều người đòi hỏi. Nhà báo điều tra độc lập Vincent Nouzille nhấn mạnh :

« Có tên trong "hồ sơ S" không có nghĩa là người đó đã cực đoan hóa, nguy hiểm hay đã phạm tội, vì thế ta chỉ có thể câu lưu những người bị nghi ngờ là có hành vi phạm pháp, phạm tội nhẹ, hoặc tệ hơn là phạm tội ác. Thế nên, không thể sử dụng "hồ sơ S" vào bất cứ việc gì. Hồ sơ S chỉ được dùng để phục vụ các cơ quan tình báo thu thập thông tin tình báo cho chính họ.

Nếu muốn đánh giá về mức độ nguy hiểm của một ai đó, thì cơ quan tình báo đưa ra yêu cầu cụ thể, chẳng hạn như đặt máy nghe lén, định vị, cài mã nhận diện. Đây là những biện pháp ít nhiều mang tính xâm phạm vào cuộc sống của người khác, được gọi là các kỹ thuật tình báo. Khi đó, hoạt động tình báo mang tính chủ động. Cơ quan tình báo yêu cầu theo dõi người này, người kia, nghe lén, định vị họ … Chẳng hạn, hồi năm 2022 có khoảng 6.000-7000 người là đối tượng bị cơ quan tình báo chủ động theo dõi, giám sát thông qua kỹ thuật tình báo.

Đó là trường hợp của thanh niên Hồi Giáo thánh chiến trong vụ khủng bố vừa qua ở Arras. Người này vừa nằm trong "hồ sơ S", vừa là đối tượng bị cơ quan tình báo chủ động theo dõi từ ít lâu nay, đơn giản là bởi vì có một vài dấu hiệu, manh mối cho thấy thanh niên này có thể đã cực đoan hóa một cách đột ngột, hoặc có nguy cơ sẽ ra tay hành động ».

Dù có tên trong "hồ sơ S" không có nghĩa là người đó phạm tội, bị kết án …, nhưng chắc chắn điều này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống của người có liên quan. Nhà nghiên cứu về luật tư và tội phạm học Yoann Nabat, cho biết là trên nguyên tắc, các nhà điều tra hành chính đều có quyền truy cập hồ sơ S và có thể bác bỏ quyết định tuyển dụng người này vào một cơ quan Nhà nước hay một công ty tư nhân trong lĩnh vực an ninh. Người có tên trong hồ sơ S cũng có thể bị từ chối cấp hộ chiếu Pháp hay một số loại giấy phép, chẳng hạn giấy phép sử dụng vũ khí …

Hồ sơ S trong hệ thống FPR khác với FSPRT

Những hồ sơ S như đã trình bày ở trên thuộc hệ thống FPR (Fichier des personnes recherchées), hồ sơ về những người mà các cơ quan tình báo Pháp tìm hiểu. Theo chuyên mục Những người giải mã ( Les Décodeurs ) của báo Le Monde ngày 16/10/2023, FPR đã có từ năm 1969 và nay gồm 21 loại hồ sơ khác nhau được đặt tên theo bảng chữ cái : IT (hồ sơ về những người bị cấm trên lãnh thổ Pháp), V (hồ sơ về những người trốn tù), T (hồ sơ về những người nợ tiền Nhà nước), TE (hồ sơ về những người bị cấm nhập cảnh vào Pháp), E (người nước ngoài sống bất hợp pháp tại Pháp), J và PJ (hồ sơ về những người bị tư pháp hay cảnh sát truy tìm) …

Một người có thể có tên trong nhiều hồ sơ S khác nhau, thế nhưng các hồ sơ thuộc hệ thống FPR, nhất là hồ sơ S (An ninh Nhà nước), chỉ mang tính tạm thời. Nếu đối tượng có liên quan không có hành vi phạm pháp thì hồ sơ sẽ bị xóa sau 2 năm, nhưng hồ sơ về người đó cũng có thể được khôi phục bất cứ khi nào nếu họ vi phạm.

Có một hệ thống khác là FSPRT (le fichier de traitement des signalements pour la prévention de la radicalisation à caractère terroriste), liên quan đến việc xử lý các báo cáo nhằm ngăn chặn sự cực đoan hóa mang tính khủng bố. Theo Le Monde, hệ thống theo dõi, giám sát FSPRT được lập từ năm 2015, sau một vụ tấn công khủng bố hồi năm 2015. Khác với hồ sơ S của FPR, hệ thống FSPRT thuộc diện bí mật - quốc phòng, bao gồm nhiều thông tin, như về nơi cư trú, nghề nghiệp, dấu hiệu cực đoan … của những người cực đoan hóa và hiện đang cư trú tại Pháp.

Một điểm khác nữa là hệ thống FSPRT cho phép giám sát vĩnh viễn những người bị các cơ quan địa phương, cơ quan tình báo và thậm chí cả các cá nhân báo cáo. Những người bị xếp vào danh sách FSPRT được chia thành 6 nhóm, căn cứ vào mức độ cực đoan hóa của đối tượng và mức độ giám sát của lực lượng an ninh. Theo số liệu bộ trưởng Nội Vụ Gérald Darmanin công bố hôm 16/10, có hơn 20.100 người có tên trong hệ thống theo dõi, giám sát FSPRT, trong đó có 5.100 người đang có liên hệ với thánh chiến Hồi giáo và 1.411 người là người nước ngoài sống bất hợp pháp tại Pháp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.