Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Trí tuệ nhân tạo, trợ thủ đắc lực cho ngành dược phẩm Pháp

Đăng ngày:

Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp dược phẩm, trong đó có ngành dược phẩm của Pháp, sử dụng ngày càng nhiều các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, và nhờ vậy đang đẩy nhanh tiến trình bào chế các loại thuốc mới. 

Logo của Sanofi. Tập đoàn dược phẩm của Pháp sử dụng ngày càng nhiều trí tuệ nhân tạo để rút ngắn thời gian tìm ra các loại thuốc mới.
Logo của Sanofi. Tập đoàn dược phẩm của Pháp sử dụng ngày càng nhiều trí tuệ nhân tạo để rút ngắn thời gian tìm ra các loại thuốc mới. AP - Jacques Brinon
Quảng cáo

Vào tháng 4 năm ngoái, Drugs for Neglected Diseases Initiative, một tổ chức phi chính phủ châu Âu, đã khởi động một dự án dùng trí tuệ nhân tạo để tìm thuốc trị bệnh sốt xuất huyết Dengue, trong khuôn khổ một đối tác với BenevolentAI, một công ty Anh Quốc chuyên phát triển các phân tử mới nhờ vào trí tuệ nhân tạo. 

Công ty khởi nghiệp đi tiên phong

Thật ra thì trước đó, vào đầu năm 2020, Exscientia, một công ty khởi nghiệp Scotland đã cùng với viện bào chế Sumitomo Dainippon của Nhật chế ra một phân tử đầu tiên hoàn toàn bằng trí tuệ nhân tạo.

Còn công ty công nghệ y tế Genetika+ của Israel, do chuyên gia về khoa học thần kinh Cohen Solal đồng sáng lập vào năm 2018, đã nghiên cứu việc kết hợp các công nghệ mới nhất về tế bào gốc với một ứng dụng trí tuệ nhân tạo để giúp xác định thuốc chống trầm cảm thích ứng tốt nhất với bệnh nhân, nhằm tránh các phản ứng phụ và để bảo đảm thuốc có tác dụng hiệu quả nhất có thể. 

Genetika+ hy vọng là nhu cầu về công nghệ của họ sẽ rất lớn, bởi vì theo Tổ chức Y tế Thế giới, trên toàn thế giới hiện có hơn 280 triệu người mắc chứng trầm cảm. Theo thẩm định có đến 2 phần 3 toa thuốc ban đầu kê cho các bệnh nhân trầm cảm là không có tác dụng gì, vì không thích ứng với bệnh nhân. 

Công ty khởi nghiệp của Pháp Iktos, được thành lập vào năm 2016, nay chỉ sử dụng trí tuệ nhân tạo để đối chiếu các khối dữ liệu y tế với một vận tốc mà không bộ não con người nào có thể đạt được. Theo lời Yann Gaston-Mathé, lãnh đạo công ty mà ông là người đồng sáng lập, trí tuệ nhân tạo được sử dụng để “khai thác các dữ liệu hiện có để chế tạo những phân tử mới tốt hơn và nhanh hơn”. Ê kíp của ông đã sử dụng một cơ sở dữ liệu của 100 triệu phân tử và từ cơ sở dữ liệu này họ đã “huấn luyện” một mô hình biết tự động tạo ra những phân tử mới. Iktos thậm chí còn lập một nền tảng nghiên cứu chế tạo phân tử bằng trí tuệ nhân tạo cho các công ty dược phẩm sử dụng dưới hình thức thuê bao. 

Một trong những công ty đầu tiên sử dụng nền tảng mang tên Saas của Iktos là Kissei, một hãng dược phẩm lớn của Nhật, đã được thành lập từ cách đây gần 75 năm. Nhờ đối tác ký với Iktos, Kissei sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian trong tiến trình khám phá và phát triển các loại thuốc mới.

Công ty Insilico Medicine tại Hồng Kông cũng đang sử dụng trí tuệ nhân tạo để đẩy nhanh việc phát hiện các loại thuốc mới. Ông Alex Zhavoronkov, đồng sáng lập viên và hiện là tổng giám đốc công ty, giải thích: “ Nền tảng trí tuệ nhân tạo của chúng tôi có thể xác định các loại thuốc có thể được tái sử dụng, bào chế các thuốc mới cho những mục tiêu phân tử (cible ) đã được biết, hay tìm ra mục tiêu phân tử mới và chế ra những phân tử mới."

Các đại tập đoàn nhập cuộc

Trong vài năm trở lại đây, các đại tập đoàn trong ngành dược phẩm cũng đã đầu tư ngày càng nhiều vào các ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Ví dụ như tập đoàn Mỹ Bristol-Myers Squibb vào năm 2021 đã ký thỏa thuận hợp tác với Exscientia, dự trù sẽ cấp tổng cộng hơn 1 tỷ đôla để sử dụng các dịch vụ của công ty này.

Các đại tập đoàn công nghệ số cũng nhập cuộc: Microsoft vào năm 2019 đã thông báo hợp tác với tập đoàn dược phẩm Novartis của Thụy Sĩ để đẩy nhanh việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong mỗi giai đoạn của tiến trình bào chế một loại thuốc mới. Thỏa thuận giữa hai tập đoàn này có thời hạn là 5 năm.

Tập đoàn dược phẩm Pháp Sanofi cũng đang đẩy mạnh việc sử dụng trí tuệ nhân tạo không chỉ trong khâu nghiên cứu mà cả trong khâu thương mại hóa. Trong bản thông cáo được công bố ngày 13/06/2023 nhân triển lãm VivaTech Paris 2023, ông Paul Hudson, tổng giám đốc Sanofi, cho biết tham vọng của họ là trở thành tập đoàn dược phẩm đầu tiên sử dụng trí tuệ nhân tạo ở quy mô lớn, trang bị cho các nhân viên của họ những công cụ và công nghệ giúp họ lấy những quyết định tốt nhất. 

Theo lời ông Hudson, trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu đã trợ giúp rất nhiều cho Sanofi trong các lĩnh vực như phát hiện các thuốc mới, cải thiện hiệu quả của các thử nghiệm lâm sàng, sản xuất và cung ứng thuốc và vac-xin. 

Trả lời phỏng vấn RFI tại triển lãm VivaTech, ông Emmanuel Frenehard, đặc trách các sản phẩm kỹ thuật số của tập đoàn Sanofi, cho biết thêm:

“ Trí tuệ nhân tạo đã được sử dụng từ lâu. Đúng là ChatGPT đã khiến người ta chú ý thêm đến cái được gọi là trí tuệ nhân tạo tạo sinh ( generative AI ), nhưng tập đoàn Sanofi đã sử dụng trí tuệ nhân tạo trong nhiều lĩnh vực. Nhiệm vụ của Sanofi là tìm ra phép màu của khoa học để cải thiện chất lượng sống của con người. Phép màu đó là những phân tử mới, những loại thuốc mới. 

Chúng tôi sử dụng large language model ( mô hình ngôn ngữ lớn ) trong trí tuệ nhân tạo tạo sinh để tìm ra những mục tiêu phân tử, chế ra những phân tử mới hiện chưa có. Con số các phân tử chưa được tìm ra nhiều hơn cả con số ngôi sao trong vũ trụ. 

Tiếp đến chúng tôi dùng trí tuệ nhân tạo để mô phỏng tác dụng của thuốc trên con người, trước khi thử nghiệm thật sự trên con người

Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong chuỗi cung ứng của Sanofi đã chứng minh khả năng của công nghệ này dự đoán được 80%, giúp cho các ê kíp thi hành các biện pháp để bảo đảm tính liên tục của chuỗi cung ứng.

Ngay cả trong việc thương mại hóa, trí tuệ nhân tạo được sử dụng để giúp các nhân viên quảng bá thuốc làm việc hiệu quả hơn, giúp các nhân viên y tế chữa trị bệnh nhân tốt hơn.”

Trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào nghiên cứu chế tạo, các tập đoàn dược phẩm như Sanofi cũng dựa vào những công ty khởi nghiệp, theo lời ông Emmanuel Frenehard: 

“Hãy tưởng tượng là ta tìm ra một phân tử mới. Chúng tôi làm việc với một công ty khởi nghiệp Pháp Mỹ mang tên Owkin. Đối với bốn loại ung thư, ta có thể thử nghiệm ảo để mô phỏng tác dụng của phân tử đó. Nếu phân tử chưa thật sự có hiệu quả, sự mô phỏng đó giúp chúng tôi nghiên cứu sâu hơn. Đó là một ví dụ cụ thể về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Đóng góp của Owkin là cung cấp cho các dữ liệu bệnh nhân ( dĩ nhiên đó là những bệnh nhân được giấu tên ), được thu thập từ các bệnh viện, từ các đối tác. Hai bên cùng đạt được những mô hình có thể cho kết quả tốt hoặc kết quả xấu, nhưng đó chỉ hoàn toàn là mô phỏng, để bảo đảm cho các thử nghiệm lâm sàng được thành công mỹ mãn. 

Tham vọng của chúng tôi là giảm phân nửa thời gian tìm ra một phân tử mới. Chúng tôi không chỉ mô phỏng tác dụng của một loại thuốc mới, mà còn dùng trí tuệ nhân tạo để tìm những mục tiêu phân tử mới, chẳng như có thể tìm ra một protein mới gần như là tức thì, trong khi một người phải mất rất nhiều ngày để tìm ra.

Chúng tôi muốn trở thành tập đoàn sinh-dược đi xa nhất trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo. Điều quan trọng là phải sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách có trách nhiệm, tức là một cách minh bạch, để chúng ta có thể tin tưởng vào nó, giúp tiết kiệm chi phí và giúp giảm bớt tác động đến môi trường. Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo không làm chúng tôi bất ngờ, vì chúng tôi đã sử dụng công nghệ này từ lâu.”

Như vậy phải chăng là sắp tới đây, trong các viện bào chế, sẽ không còn các nhân viên mặc áo blouse trắng cúi đầu vào kính hiển vi để chăm chú nghiên cứu những phân tử mới cho các loại thuốc mới, mà mọi thứ kể từ nay đều sẽ do trí tuệ nhân tạo đảm trách?

Không phải như thế, bởi vì hiện vẫn còn nhiều khó khăn lớn trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo cho việc bào chế thuốc, thứ nhất là việc tiếp cận các dữ liệu có thể khai thác được. Tiếp đến là phải tìm cho ra các chuyên gia tương lai, vừa giỏi về trí tuệ nhân tạo, vừa có kiến thức chuyên môn về dược phẩm học. 

Mặt khác, như giải thích của Calum Chace, một chuyên gia về trí tuệ nhân tạo, các tập đoàn dược phẩm có quy mô rất lớn và mọi thay đổi quan trọng về cách thức nghiên cứu và phát triển sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người trong nhiều ban. Vị chuyên gia này nhấn mạnh: “ Rất khó mà thuyết phục tất cả những người đó chấp nhận một phương pháp làm việc hoàn toàn mới”

Dầu sao thì máy móc sẽ không thể thay thế hoàn toàn nhân loại, nhất là trong một lĩnh vực hệ trọng đối với sức khỏe con người. Như giải thích của tiến sĩ Heba Sailem, chuyên gia về trí tuệ nhân tạo y sinh học, đại học King’s College, Luân Đôn, tiềm năng của trí tuệ nhân tạo trong ngành công nghiệp dược phẩm là rất lớn, nhưng ngành này không nên vội vã, mà phải thi hành các biện pháp nghiêm ngặt trước khi dựa vào kết quả dự báo do trí tuệ nhân tạo đưa ra.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.