Vào nội dung chính
VĂN HÓA - CHIẾN TRANH UKRAINA

Putin xâm lược Ukraina, văn hóa nghệ thuật Nga bị vạ lây

Hôm qua, 02/03/2022, Liên Hoan Phim Cannes (Pháp) và Venise (Ý) cùng nhất trí là sẽ cấm cửa các đoàn đại biểu chính thức của Nga và bất kỳ ai có liên hệ với chính phủ Nga. Vào cuối tuần trước, ban tổ chức giải ca khúc truyền hình châu Âu Eurovision cũng loan báo loại đại diện Nga ra khỏi cuộc tranh tài năm nay… Có thể nói là cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina của tổng thống Nga Vladimir Putin đang tác hại nặng nề đến lãnh vực văn hóa.

Ảnh tư liệu ngày 22/09/2016: Nhạc trưởng Nga Valery Gergiev (P) và tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin, Matxcơva, Nga.
Ảnh tư liệu ngày 22/09/2016: Nhạc trưởng Nga Valery Gergiev (P) và tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin, Matxcơva, Nga. POOL/AFP/File
Quảng cáo

Ngoài việc đại diện chính quyền Putin bị tẩy chay tại các sự kiện văn hóa lớn ở phương Tây, một loạt nghệ sĩ Nga “thân Putin” cũng không còn được phép hoạt động tại nhiều nước Âu-Mỹ, trong lúc nhiều nghệ sĩ phương Tây cũng hủy bỏ các sự kiện dự trù tại Nga. Ngay trên đất Nga, nhiều nghệ sĩ cũng tự động dừng hoạt động để phản đối cuộc chiến mà Matxcơva phát động.

Cannes, Venise và Hollywood đứng dậy chống Putin

Trong một tuyên bố ngày 02/03 trên trang web của mình, ban tổ chức Liên hoan phim Cannes đã lên án hành động chiến tranh mà giới lãnh đạo nước Nga đang tiến hành tại Ukraina, bày tỏ tình đoàn kết với người dân Ukraina, đồng thời cho biết sẽ “không chào đón các phái đoàn chính thức đến từ Nga, hoặc chấp nhận sự hiện diện của bất kỳ ai có liên hệ với chính phủ Nga”.

Theo ban tổ chức Liên Hoan Cannes, lệnh cấm nhắm vào Nga chỉ được giải tỏa một khi cuộc chiến chấm dứt “theo các điều kiện phù hợp được người Ukraina chấp nhận”.

Cùng ngày, tổ chức Biennale de Venise, định chế nghệ thuật phụ trách Liên Hoan Phim Venise, cũng ra thông báo ủng hộ Ukraina trong cuộc chiến chống lại Nga, cho biết sẽ cấm các đoàn đại biểu chính phủ Nga, nhưng không ngăn các nhà làm phim độc lập của Nga đến dự Liên Hoan.

Cannes, Venise và Berlin là ba liên hoan điện ảnh quan trọng và sáng giá nhất trên thế giới hiện nay.

Không chỉ có các Liên Hoan Phim tẩy chay chế độ Putin, mà nhiều hãng phát hành phim, đặc biệt là các hãng phim Hollywood, cũng có phản ứng tương tự. Từ một tuần lễ nay, từ Disney, Warner Bros, cho đến Pramount, Sony, Universal…, tất cả đều loan báo quyết định rút các bộ phim của mình ra khỏi các màn ảnh tại Nga.

Nga bị loại khỏi giải ca nhạc Eurovision

Không chỉ trong điện ảnh, việc Putin gây chiến tại Ukraina còn tác hại đến các lãnh vực nghệ thuật khác, với những quyết định tẩy chay càng lúc càng triệt để, mà rõ nhất là trong lãnh vực âm nhạc.

Phản ứng dữ dội nhất và mang tính biểu tượng rõ nhất đến từ ban tổ chức giải ca khúc truyền hình Eurovison: Ứng viên Nga bị cấm tham gia cuộc thi được hàng trăm triệu người trên thế giới theo dõi, dự trù diễn ra vào tháng Năm tới đây tại thành phố Torino ở Ý.

Sau khi chần chừ không đáp ứng lời kêu gọi cấm Nga do Ukraina đưa ra, trước phải sự phản đối của các nước khác, trong đó có Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan, ngày 26/02 vừa qua, Liên Minh Phát Thanh Truyền Hình Châu Âu, định chế tổ chức giải Eurovision, đã cấm Nga tham gia năm nay sau những hành động gây chiến tại Ukraina.

Nhạc trưởng thân Putin bị sa thải

Còn trong lãnh vực nhạc cổ điển, sự kiện gây chấn động nhất chính là quyết định ngày 01/03 vừa qua của Dàn Nhạc Giao Hưởng Munich tại Đức, sa thải ông Valery Gergiev, nhạc trưởng người Nga và là một người thân cận với Putin, vốn đã từ chối lên án cuộc tấn công của Nga vào Ukraina. Không những thế, các buổi hòa nhạc với vị nhạc trưởng rất nổi tiếng này ở nhiều nơi khác cũng bị hủy bỏ, từ Hamburg, Baden-Baden (Đức), cho đến Milano (Ý), Vienna (Áo), Lucerne (Thụy Sĩ).

Phải nói là ông Gergiev là một người hết mực trung thành với Putin, luôn luôn ủng hộ mọi quyết định của lãnh đạo Nga. Trong cuộc xung đột năm 2008 ở Gruzia, ông đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ quan điểm của chính phủ Nga, Năm 2012, ông đã vận động cho Putin tái đắc cử trong một clip quảng cáo. Về Ukraina, ngay từ năm 2014, ông đã biện minh cho việc Putin sáp nhập Crimée và ký tên vào một bức thư ngỏ ủng hộ việc này.

Một nghệ sĩ nổi tiếng khác là nữ danh ca opéra Anna Netrebko, người Áo gốc Nga, cũng rất thân cận với Điện Kremlin, mới đây đã tuyên bố tạm dừng các buổi diễn của mình trước sức ép đòi cô có thái độ dứt khoát đối với cuộc chiến tranh Ukraina.

Từ chức và "bãi công" tại Nga để phản đối chiến tranh

Làn sóng từ chức hay “bãi công” để phản đối chiến tranh cũng diễn ra tại Nga, đặc biệt trong giới văn nghệ sĩ trong nước.

Theo ghi nhận của báo Le Monde ngày 28/02, ông Laurent Hilaire, giám đốc người Pháp của đoàn múa ba lê Nhà Hát Nhạc Kịch Hàn Lâm Stanislavski ở Matxcơva, hôm 27/02 đã thông báo ông sẽ rời khỏi định chế này “vì tình hình địa chính trị”. Cựu diễn viên ngôi sao của Nhà Hát Opera Paris cho biết ông rất buồn khi phải quyết định như vậy, “nhưng bối cảnh không còn cho phép tôi bình tĩnh làm việc nữa.”

Trong giới văn nghệ sĩ Nga, phong trào chống cuộc xâm lược mà chính tổng thống của họ khởi động cũng lan rộng. Theo báo Le Monde, bất chấp nguy cơ bị đàn áp, nhiều nghệ sĩ Nga đã lên tiếng công khai phản đối chiến tranh.

“Không thể làm việc và nhận lương từ một sát thủ"

Hôm 25/02 chẳng hạn, bà Elena Kovalskaia, giám đốc trung tâm văn hóa Vsevolod Meyerhold ở Matxcơca, đã thông báo từ chức trong một bài đăng trên Facebook, cho rằng: “Không thể làm việc cho một sát thủ và nhận lương từ ông ta”. Nối gót theo Elena Kovalskaia là Mindaugas Karbauskis, giám đốc Nhà Hát Mayakovsky, một sân khấu lớn khác của Matxcơca.

Về phần mình, ca sĩ nhạc rap rất nổi tiếng ở Saint Petersbourg là Oxxxymiron đã hủy bỏ các buổi trình diễn sắp tới của anh ở Matxcơca  và tại chính thành phố của mình để phản đối “tội ác” xâm lược Ukraina. Nhóm hip-hop Nga Kasta cũng chống lại một “cuộc tấn công quân sự vô cớ”.

Kiến nghị "phản chiến" của văn nghệ sĩ Nga được hơn 2.000 chữ ký

Đối với ca sĩ nhạc rock kỳ cựu từ thời Liên Xô Yuri Shevchuk, trưởng nhóm ca khúc DDT, “không ai có thể chấp nhận [tình huống này], ngay cả các ngôi sao nhạc pop (…) vốn rất sợ mất hợp đồng biểu diễn và thù lao của họ”.

Theo ghi nhận của Le Monde, một bản kiến ​​nghị lưu hành trong giới văn nghệ sĩ Nga đòi chấm dứt chiến tranh đã thu thập được hơn 2.000 chữ ký, một điều chưa từng thấy tại Nga

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.