Vào nội dung chính
PHÁP - VĂN HOÁ

Dù có lạm phát, người Pháp vẫn giữ truyền thống Bánh Vua

Tại Pháp, phong tục ăn Bánh Vua ''Galette des Rois'' luôn gắn liền với ngày Lễ Hiển Linh, năm nay rơi vào hôm 06/01/2024. Tuy không hẹn nhưng cả hai tờ báo Pháp Sud Ouest và Les Echos đồng quan tâm đến khía cạnh kinh tế của truyền thống này. Thật vậy, ngành làm Bánh Vua đem lại rất nhiều lợi nhuận. Tháng Giêng thường được xem là mùa bội thu đối với các nhà sản xuất bánh ngọt.

A picture taken on January 5, 2011 shows crowns and traditional "galette des rois" (King cakes) baked for the epiphany at a bakery in Paris. The King cake, with its broad bens or figurines, is tradit
Ảnh minh họa « Bánh Vua » chụp ngày 05/01/2011 tại một tiệm bánh ngọt tại Paris, Pháp. AFP - JACQUES DEMARTHON
Quảng cáo

Sau truyền thống bánh khúc gỗ (bánh bûche) nhân mùa Giáng Sinh, tháng Giêng là thời điểm thưởng thức Bánh Vua (tiếng Pháp gọi là ''Galette des Rois''). Theo truyền thống, đa số các gia đình ở Pháp thường quây quần lại với nhau, chia sẻ chiếc Bánh Vua nổi tiếng vào dịp Lễ Hiển Linh (Épiphanie). Theo ghi nhận của tờ báo Sud Ouest, phong tục ăn Bánh Vua không chỉ diễn ra trong dịp lễ mà thực ra kéo dài trong cả tháng Giêng. Hơn thế nữa, ngành công nghiệp bánh ngọt thường bắt đầu bày bán Bánh Vua tại các siêu thị từ giữa tháng 12 hàng năm. Chỉ có điều là các nhà sản xuất không muốn đề cao quá nhiều mặt hàng này trước kỳ nghỉ Noël, hầu tránh ''đụng hàng'' với loại bánh khúc gỗ (bánh bûche) vốn là sản phẩm truyền thống mùa Giáng Sinh. 

Bánh Vua thực sự ''lên ngôi'' sau lễ Giáng Sinh 

Ngay sau mùa Noël, Bánh Vua lúc ấy mới thực sự ''lên ngôi''. Trong các siêu thị, bánh được đặt ở phía trước các quầy hàng, sao cho dễ nhìn thấy từ xa. Theo báo Sud Ouest, ưu điểm của phong tục nhân ngày lễ Épiphanie là người tiêu dùng ở Pháp có thể tổ chức nhiều lần các buổi ăn bánh với nhau, kể cả với gia đình, bạn bè hoặc thậm chí trong công sở. Thêm vào đó, cũng như bánh bûche Giáng Sinh, người không theo đạo Chúa vẫn có thể dùng Bánh Vua, nhất là đối với các gia đình có con nhỏ, các em rất thích ''tiệc bánh'', ăn bánh để có dịp may giành lấy chiếc vương miện khi ăn trúng miếng bánh có ''hạt đậu tằm'', theo truyền thống được làm bằng sứ. Các chuyên gia trong ngành sản xuất bánh ngọt tận dụng mùa này để kinh doanh bán hàng. Năm ngoái, mặc dù giá cả tăng vọt do cuộc khủng hoảng năng lượng và tỷ lệ lạm phát khiến giá các thành phần chế biến như bơ và đường đều tăng cao, nhưng rốt cuộc người Pháp vẫn trung thành với ''Galette des Rois''. Lượng tiêu thụ Bánh Vua trên đà tăng lên chứ không hề suy giảm. 

Còn theo báo Les Echos, tuy không có số liệu thống kê chính thức, nhưng theo ước tính của giới chuyên gia về hàng tiêu dùng, có hơn 30 triệu chiếc bánh Galettes des Rois được bán tại Pháp mỗi năm. Trên thực tế, theo ông Didier Boudy, chủ tịch Nghiệp đoàn các nhà làm Bánh mì và Bánh ngọt (FEB), con số này chạm ngưỡng 60 triệu chiếc Bánh Vua, nếu nhìn ngành này một cách toàn diện. 

Theo các số liệu gần đây nhất của Liên đoàn quốc gia các công ty sản xuất bánh mì và bánh ngọt (CNBPF), nước Pháp hiện có khoảng 33.000 thợ làm bánh ở Pháp. Vào mùa Lễ Hiển Linh, mỗi người thợ làm trung bình 1.000 chiếc Bánh Vua. Bên cạnh 33 triệu Galettes des Rois của các tiệm bánh mì và bánh ngọt truyền thống, còn có giới sản xuất công nghiệp, họ làm khoảng 30 triệu chiếc bánh, để phục vụ cho các khách sạn nhà hàng hay các dây chuyền siêu thị. Theo ông Emmanuel Gripon, chủ tịch nghiệp đoàn thợ làm bánh ở vùng Nouvelle-Aquitaine, điểm trừ lớn nhất là một số thợ làm bánh không tuân thủ luật chơi chung, họ đặt mua loại bánh công nghiệp rồi đem bán lại ở tiệm như thể đó là bánh thủ công. 

Các thợ làm bánh cũng kiếm được nhiều tiền, khi loại bánh thủ công thường đắt hơn gấp mấy lần. Nói như vậy, thì giá trung bình của một chiếc Bánh Vua là bao nhiêu ? Về điểm này, theo báo Les Echos, chênh lệch giá cả giữa hai loại bánh công nghiệp và thủ công có thể cao đến gần gấp 15 lần. Các siêu thị ở Pháp vào mùa Épiphanie, lao vào một cuộc cạnh tranh dữ dội. Siêu thị Lidl bán bánh có hạnh nhân với giá 3,8 euro (một ổ bánh 420gram gồm 6 phần) trong khi Leclerc duy trì giá ở mức 3,5 euro. Các cửa hàng đồ đông lạnh Picard bán bánh với mức 6 euro. Theo ông Didier Boudy, giá thấp hay cao còn tùy thuộc vào công thức và các thành phần chế biến, chi phí sản xuất một chiếc Bánh Vua dao động từ 1,8 cho đến 4 euro, chưa bao gồm thuế TVA. 

Pháp : 60 triệu chiếc Bánh Vua được bán trong tháng Giêng 

Trong khi đó, các loại bánh bán ở tiệm sẽ cao hơn nhiều, từ 19 đến 24 euro một ổ 6 phần. Tại các tiệm bánh hạng sang, giả của một chiếc bánh (6 phần) có thể lên tới 60 euro. Ở đây dĩ nhiên, khó thể nào tính giá trung bình vì mỗi thợ làm bánh được quyền tự do áp dụng mức giá trên các mặt hàng của mình. Đầu năm 2023, mặc dù có tỷ lệ lạm phát cao, giá cả tăng vọt tới 9% trên nhiều mặt hàng, nhưng người Pháp vẫn mua nhiều Galette des Rois, có thể là do tâm lý mỗi năm chỉ có một lần. Còn năm nay, giá cả có vẻ ổn định hơn, phần lớn cũng vì giá bơ làm bánh đã giảm đáng kể so với năm ngoái. 

Cùng với những mẫu bánh khúc gỗ mùa Giáng Sinh và các loại sôcôla mùa Phục Sinh, Bánh Vua mùa lễ Hiển Linh là một trong những thời kỳ kinh doanh quan trọng nhất trong ngành. Theo Nghiệp đoàn các thợ làm bánh mì và bánh ngọt, mùa Épiphanie đem về cho các thợ thủ công khoảng 50% doanh thu, chỉ riêng trong tháng Giêng, tương đương với 15% doanh thu của toàn năm. Lợi nhuận của ngành làm bánh công nghiệp có lẽ còn cao hơn nữa. Bằng chứng về sự hấp dẫn của thị trường này, các thợ làm bánh làm gì thì làm, nhưng họ không thể nào bỏ lỡ cơ hội kinh doanh Bánh Vua, mỗi khi mùa lễ Hiển Linh lại về. 

Theo báo Les Echos, Bánh Vua có nhiều loại khác nhau, nhưng người tiêu dùng ở Pháp yêu thích nhất món bánh frangipane tức là nhân hạnh nhân, còn có các loại nhân khác làm với trái táo xay nhuyễn, hoặc trái lê hay nhân sôcôla không ăn khách bằng. Tùy theo vùng miền, cũng có vài điểm khác biệt : loại bánh có nhân hạnh nhân rất phổ biến ở miền bắc nước Pháp. Càng đi về phía nam, ngoài bánh nhân táo, còn có loại bánh Brioche des Rois, bánh xốp mềm không có nhân nhưng lại điểm mứt hoa quả, đa sắc nhờ có thêm nhiều loại trái cây sấy khô. 

Cuối cùng, theo báo Les Echos, trong những năm gần đây, đã xuất hiện những chiếc bánh Galettes des Rois cá nhân, bánh hình tròn nhưng chỉ dành cho một người ăn. Loại bánh này có lẽ phục vụ thành phần người tiêu dùng ở thành thị, nhưng lại không phát triển và phổ biến như mong đợi. Có lẽ cũng vì trong mắt của nhiều người Pháp, Bánh Vua chỉ thực sự có ý nghĩa khi họ cùng chia sẻ với nhau ổ bánh, đằng sau phong tục Galettes des Rois còn có những khoảnh khắc chung vui với bạn hữu, hạnh phúc bên gia đình. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.