Vào nội dung chính
VIỆT NAM - TỰ DO THÔNG TIN - MẠNG XÃ HỘI

Việt Nam sẽ buộc các mạng xã hội gỡ bỏ nội dung “bất hợp pháp” trong vòng 24 giờ

Hôm qua, 20/04/2022, hãng tin Reuters tiết lộ là Việt Nam đang chuẩn bị ra những quy định mới, buộc các công ty mạng xã hội phải gỡ bỏ những nội dung bị xem là “bất hợp pháp” trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Với những quy định mới này, như vậy là đảng Cộng Sản Việt Nam có thêm công cụ để trấn áp những hoạt động “chống Nhà nước”.

Ảnh minh họa : Truy cập mạng Facebook qua điện thoại di động. Ảnh chụp tại một quán cà phê ở Hà Nội, tháng 11/2020.
Ảnh minh họa : Truy cập mạng Facebook qua điện thoại di động. Ảnh chụp tại một quán cà phê ở Hà Nội, tháng 11/2020. © REUTERS/Kham/File Photo
Quảng cáo

Trích dẫn nguồn tin từ ba người nắm rõ tình hình, nhưng xin giấu tên vì đây là vấn đề nhạy cảm, Reuters cho biết những công ty nào không tuân thủ thời hạn 24 tiếng đồng hồ để gỡ bỏ các nội dung “bất hợp pháp”, thì các mạng xã hội của họ có thể sẽ bị cấm hoạt động ở Việt Nam. Các công ty mạng xã hội này còn được yêu cầu gỡ bỏ ngay lập tức các nội dung bị xem là gây phương hại cho an ninh quốc gia.

Theo các nguồn tin mà Reuters trích dẫn, hiện nay các mạng xã hội còn có vài ngày để đáp ứng các yêu cầu của chính quyền Việt Nam. Nay thời hạn này được rút xuống chỉ còn 24 tiếng. Các quy định mới, hiện chưa được công bố, theo dự kiến sẽ được thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành vào tháng tới và sẽ có hiệu lực kể từ tháng 7.

Các đại diện của tập đoàn Meta, sở hữu mạng Facebook và tập đoàn Alphabet, sở hữu YouTube và Google, cũng như tập đoàn Twitter, đều từ chối bình luận về thông tin nói trên. Riêng đại diện Việt Nam của mạng TikTok, mà sở hữu chủ là tập đoàn Trung Quốc ByteDance, thì nói với Reuters là họ sẽ tiếp tục tuân thủ các luật lệ của nước sở tại, nhằm bảo đảm cho TikTok là một “không gian an toàn”.

Reuters nhắc lại là phần lớn chính phủ các nước không có những luật buộc gỡ bỏ các nội dung trên các mạng xã hội, nhưng quy định mới của Việt Nam được đưa ra trong bối cảnh một số nước gia tăng trấn áp các nội dung trên mạng xã hội và điều này gây lo ngại cho các nhà hoạt động. Chính phủ Indonesia cũng đang chuẩn bị một quy định tương tự với thời hạn 24 tiếng đồng hồ đáp ứng yêu cầu của chính phủ. 

Việt Nam, quốc gia có 98 triệu dân, nằm trong số 10 thị trường hàng đầu của Facebook, với số người sử dụng mạng xã hội này được ước lượng là từ 60 đến 70 triệu người, theo các số liệu năm 2021 của Facebook. Thị trường Việt Nam mỗi năm mang lại 1 tỷ đôla thu nhập cho Facebook, cao hơn cả nhiều thị trường ở châu Âu. Còn YouTube thì có 60 triệu người sử dụng ở Việt Nam và TikTok thì có 20 triệu người, theo thẩm định năm 2021 của chính phủ. Mạng Twitter thì không phổ biến nhiều ở Việt Nam như các mạng xã hội kia. 

Đảng Cộng Sản Việt Nam vốn không dung thứ những chỉ trích, cho nên tòa án ở Việt Nam đã kết án tù nặng nề nhiều nhà bất đồng chính kiến và nhà hoạt động dám chỉ trích chính quyền trên các mạng Facebook và YouTube.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.