Vào nội dung chính
HRW - VIỆT NAM - NHÂN QUYỀN

HRW: Úc cần chấm dứt ‘‘im lặng’’ trước thực trạng nhân quyền ở Việt Nam

Chính quyền Úc cần gắn việc tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam với sự phát triển của quan hệ Úc – Việt Nam. Trên đây là kêu gọi của tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch (HRW), đưa ra trước thềm cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Úc lần thứ 18 tại Hà Nội, từ ngày 24 đến ngày 25/04/2023.

Ảnh ghép 12 nhà hoạt động nhân quyền và blogger Việt Nam hiện đang bị giam giữ. Ảnh do HRW công bố năm 2023.
Ảnh ghép 12 nhà hoạt động nhân quyền và blogger Việt Nam hiện đang bị giam giữ. Ảnh do HRW công bố năm 2023. © https://www.hrw.org/asia/australia
Quảng cáo

Bà Daniela Gavshon, giám đốc chi nhánh của Human Rights Watch tại Úc, hôm nay, 20/04/2023, cho biết: “Chính phủ Úc nên ngừng phớt lờ thành tích tồi tệ của Việt Nam và sử dụng dịp đối thoại nhân quyền để bắt đầu một cuộc thảo luận nghiêm túc và có ý nghĩa về các cải cách nhân quyền’’. Hồi tháng 3, HRW đã gửi một văn bản đến bộ Ngoại Giao và bộ Thương Mại Úc thúc giục chính phủ tập trung vào ba ưu tiên về nhân quyền ở Việt Nam. Trong văn bản này, HRW cũng nhấn mạnh việc thủ tướng Úc, Anthony Albanese, ‘‘đã không hề công khai đề cập về hồ sơ nhân quyền yếu kém của chính quyền Việt Nam’’ trong các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Việt Nam cuối năm 2022.

Giám đốc HRW tại Úc khẳng định: ‘‘Điều cực kỳ quan trọng đối với Úc là gây áp lực để trả tự do cho các tù nhân chính trị… và thông báo với chính quyền Việt Nam là sẽ không thể có các hoạt động kinh doanh như bình thường, cho đến khi ông Châu Văn Khảm và những người khác được trả tự do.” 

Trả tự do cho tù nhân chính trị, các nhà báo công dân, các blogger tranh đấu cho nhân quyền, các nhà hoạt động là quan tâm trước hết của HRW. Ngoài trường hợp công dân Úc gốc Việt, Châu Văn Khảm, bị giam giữ tùy tiện từ 4 năm nay, HRW nêu rõ trường hợp những nhà tranh đấu nổi tiếng đang bị giam giữ như các ông bà Lê Văn Dũng, Lê Mạnh Hà, Đinh Văn Hải, Bùi Văn Thuận, Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm, Trương Văn Dũng và Nguyễn Lân Thắng.

Theo HRW, từ năm 2022 đến đầu năm 2023, chính quyền Việt Nam đã mở rộng phạm vi đàn áp sang giới hoạt động thuộc các tổ chức phi chính phủ, được chính quyền Việt Nam công nhận, trong đó có nhà báo Mai Phan Lợi, luật gia - nhà hoạt động môi trường Đặng Đình Bách, nhà hoạt động môi trường Ngụy Thị Khanh, bị phạt tù với cáo buộc ‘‘trốn thuế’’. Cuối năm 2022, công an Việt Nam bắt giữ ông Hoàng Ngọc Giao, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD), và tiếp theo đó là ông Nguyễn Sơn Lộ (Minh Đường), nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển (SENA), bị bắt vào tháng 2/2023.

Theo giám đốc chi nhánh của Human Rights Watch tại Úc, nhiều điều luật hiện tại của Việt Nam trái với luật pháp nhân quyền quốc tế, đặc biệt là về ‘‘quyền tự do ngôn luận, quyền không bị giam giữ tùy tiện và quyền được xét xử công bằng”. Giám đốc chi nhánh của Human Rights Watch tại Úc nhấn mạnh: Úc nên kêu gọi Việt Nam sửa hoặc bãi bỏ một số điều khoản trong bộ Luật Hình Sự và kể cả trong Hiến Pháp, thường được chính quyền sử dụng để khép tội người bất đồng chính kiến. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.