Vào nội dung chính
VIỆT NAM - CHÍNH TRỊ

Gian lận tài chính trong ngành bất động sản: Việt Nam kéo dài chiến dịch chống tham nhũng

Công an Việt Nam hôm Chủ Nhật 19/11/2023 công bố kết quả các cuộc điều tra về những bê bối tài chính trong lĩnh vực bất động sản, với thiệt hại được ước tính chiếm đến hơn 3% tổng sản phẩm nội địa GDP của Việt Nam. Trước tình trạng này, tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cam kết kéo dài chiến dịch chống tham nhũng. 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13, Hà Nội, Việt Nam, ngày 26/01/2021.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13, Hà Nội, Việt Nam, ngày 26/01/2021. Via REUTERS - VNA
Quảng cáo

Hãng tin Anh Reuters, trích dẫn truyền thông nhà nước Việt Nam, cho biết ông Nguyễn Phú Trọng hôm qua, 22/11/2023, cam kết sẽ thúc đẩy « nhanh hơn và hiệu quả hơn » chiến dịch chống tham nhũng, đồng thời khẳng định « tiếp tục lâu dài » cuộc chiến này. 

Tuyên bố này của lãnh đạo Việt Nam đưa ra sau khi công an Việt Nam công bố kết quả cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng về hai vụ bê bối tài chính, lần đầu tiên được tiết lộ về những gian lận, với tổng thiệt hại được ước tính 12,8 tỷ đô la, tức 3,2% GDP của Việt Nam. 

Trong hai vụ án bị điều tra, vụ bê bối lớn nhất liên quan đến bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn bất động sản Vạn Thịnh Phát Holdings Group. Bà cùng với đồng phạm bị cáo buộc biển thủ 304 nghìn tỷ đồng (tương đương với khoảng 12,54 tỷ đô la) từ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn. 

Vụ bắt giữ nữ doanh nhân này hồi tháng 10/2022 đã gây xáo động thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp trong nước. Theo Reuters, việc kéo dài chiến dịch « Đốt Lò », có phần nào giống Trung Quốc, đang gây những tác động tiêu cực cho nền kinh tế Việt Nam. 

Theo nhận định từ J.P. Morgan Research, quy mô của vụ bê bối này có thể dẫn đến việc thực thi các quy định tài chính chặt chẽ hơn, khiến chi phí sẽ cao hơn đối với bên đi vay, và như vậy có khả năng làm chậm tăng trưởng. Tháng 9/2023, Ngân hàng Phát triển châu Á đã cảnh báo nguy cơ khủng hoảng từ lĩnh vực địa ốc lan sang ngành ngân hàng, vào lúc tỷ lệ nợ xấu đang tăng lên. 

Hôm qua, cơ quan thẩm định tài chính Mỹ Moody’s cho biết các nhà kinh doanh bất động sản niêm yết ở Việt Nam hiện phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc trả các khoản nợ lớn, trong khi lợi nhuận sụt giảm và nguồn dự trữ tiền mặt đã bị giảm xuống đến mức thấp nhất trong hơn năm năm qua.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.