Vào nội dung chính
VIỆT NAM - LỊCH SỮ

Báo Pháp : Điện Biên Phủ vừa là chiến thắng vừa là chiến bại

Hôm nay 07/05/2014 đánh dấu tròn 60 năm quân Pháp bại trận trên chiến trường Điện Biên Phủ, nhưng sự kiện trọng đại đó không được báo giới Pháp hay chính phủ đề cập đến. Riêng chỉ có hai tờ báo lớn Le Monde và Le Figaro, đã dành hẳn một trang báo phản ảnh những tâm tư khác nhau từ hai phía về trận chiến lịch sử này.

Cựu chiến binh Việt Nam tới dự lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 07/05/2014.
Cựu chiến binh Việt Nam tới dự lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 07/05/2014. REUTERS/Kham
Quảng cáo

Điện Biên Phủ : Trận chiến chống quên lãng

Đối với nhật báo Le Monde, trận chiến oanh liệt năm nào vẫn chưa hoàn toàn kết thúc trên mặt trận tư tưởng. Đã 60 năm trôi qua, nhiều cựu quân nhân « Việt Minh » vẫn tiếp tục « chiến đấu để chống sự quên lãng », như hàng tựa nhận định của bài viết. Họ muốn Điện Biên Phủ, khu « lòng chảo » sôi bỏng năm nào, vẫn phải được giữ nguyên trạng và trở thành một địa điểm tưởng niệm, một bảo tàng sống về một trong những chiến công oai hùng nhất trong lịch sử hiện đại Việt Nam.

Vào ngày này cách đây 60 năm, ngày 07 tháng Năm năm 1954, sau 57 ngày đêm chiến đấu kịch liệt, với một sự khốc liệt hiếm có giữa quân viễn chinh Pháp và bộ đội Việt Minh, cuối cùng căn cứ kiên cố nhất cũng đã rơi vào tay các đội quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trận chiến Điện Biên Phủ kết thúc cũng đặt dấu chấm hết cho chủ nghĩa thực dân tại Đông Dương.

Đối với người Pháp, Điện Biên Phủ, từ chỉ có ba âm tiết, nhưng lại giống như là ba cú tát về một sự bại trận mang tính biểu tượng rất cao. Sử gia Pháp Jean-Pierre Rioux nhận xét : « Đây là cuộc chiến duy nhất mà một đạo quân Châu Âu dàn trận và bị thua trong suốt lịch sử phi thực dân hóa ». Chính chiến thắng của quân ông Hồ Chí Minh đã tạo được sức ép trên bàn hội nghị Genève, buộc Thủ tướng Mendès France lúc bấy giờ phải đặt bút ký vào Hiệp định vào ngày 21/07/1954. Cuộc bại trận đó cũng để lại hậu quả nặng nề về nhân lực cho nước Pháp, 3420 binh sĩ bỏ mạng trên chiến trường và 5300 người bị thương. Con số này có thể còn cao hơn theo phía Việt Nam.

60 năm sau trở lại Điện Biên Phủ, quang cảnh tại đây vẫn gây một ấn tượng mạnh cho tác giả. Ấn tượng thứ nhất là về địa hình của khu « lòng chảo » - thuật ngữ do giới « quân nhân » lúc ấy đặt cho. Đối với Bruno Philip, nơi này giống như là một bể tắm lớn hơn là « lòng chảo », vốn được bao bọc bởi những triền núi xung quanh, tạo thành một vùng thung lũng rộng lớn.

Ấn tượng thứ hai, đó là thị trấn này giờ đây lại không gợi nhắc chút gì về một thung lũng của những năm 1950. Nhiều cựu chiến binh Viêt Minh năm xưa tỏ ra rất bất mãn về hiện tượng đô thị hóa tại đây, vì đã che khuất các đồi bao quanh căn cứ. Điểm lý thú là các đồi đó đều được lính Pháp lúc bấy giờ đặt cho những cái tên rất duyên dáng của phụ nữ như Eliane, Beatrice, Gabrielle, Huguette v.v…

Ngày nay, chính quyền Việt Nam vẫn giữ lại một số điểm trọng yếu mang tính biểu tượng cao như đài chỉ huy Eliane 2 của tướng De Castries. Tại đây người tham quan còn thấy tàn tích của một chiếc xe tăng theo kiểu Mỹ M24 Chaffee. Tham quan các chiến hào đó cũng người xem hiểu rõ được chiến thuật của Việt Minh ra sao, thấy được quyết tâm không ngơi nghỉ của bộ đội trong trận chiến, điều đã dẫn đến sự thành công.

« Điện Biên Phủ, trận bại đó còn là một thông điệp hy vọng »

Về phía người Pháp, họ nghĩ gì về cuộc chiến này ? Báo Le Figaro đã có bài phỏng vấn ông Philippe de Maleissye, chuyên gia nghiên cứu về Điện Biên Phủ, nhân dịp ông ra mắt tác phẩm « Thung lũng bị mất » (La vallée perdue) do nhà xuất bản Indo Edition phát hành. Ông cho rằng đối với Pháp, Điện Biên Phủ là một trận chiến có thắng mà cũng có thua.

Theo giải thích của ông Maleissye, sở dĩ quân Pháp bại trận tại Điện Biên Phủ là do khinh địch. Khi quyết định chọn khu « lòng chảo » để bày thế trận, không ai dám nghĩ rằng Việt Minh lại có thể kéo được pháo lên trên sườn núi cao và có đủ pháo để tấn công . Ông nhìn nhận rằng đó chính là một sai lầm chiến lược.

Một lý do khác dẫn đến sự thất bại đó là mục đích của cuộc chiến không rõ ràng. Tướng Navarre thời đó từng thổ lộ rằng ông ưu tiên về một « giải pháp chính trị » nhưng lại không nêu rõ cụ thể về giải pháp này. Một khi Điện Biên Phủ bị mất, người ta đã lên án ông là viên chỉ huy bất tài. Thế nhưng, 15 năm sau trận chiến, trong Hồi ức của mình, tướng Giáp cho rằng sự chọn lựa này là một giải pháp không phải là tồi.

Mặt khác, vị chuyên gia này còn cho rằng trong trận chiến đó quân Pháp cũng đã đạt được hai mục tiêu đề ra : Ngăn chận sự xâm nhập từ phía bắc Lào, và một phần bẻ gãy quân chủ lực của Việt Minh.

Tuy nhiên, trong con mắt vị chuyên gia này, trận chiến Điện Biên Phủ còn chứa đựng nhiều thông điệp rất cần thiết mà giới trẻ Pháp ngày nay vẫn còn thiếu : Tình đồng đội và niềm tin. Cuộc chiến đó thể hiện rất rõ tình đồng đội gắn bó giữa các binh sĩ gốc Pháp và các lính viễn chinh gốc Việt, Phi…. Nó minh chứng khả năng cùng nhau trải qua nghịch cảnh. Bên cạnh tình đồng đội, còn phải có niềm tin giữa các cấp bậc, điều mà xã hội Pháp ngày nay đang thiếu vắng. Niềm tin đó cần phải được thực thi trên cả hai chiều.

Cuối cùng, điều làm cho ông Maleissye bận tâm nhất khi viết quyển sách « Thung lũng bị mất » là danh dự của những con người bị lãng quên trong trận chiến này. Đối với ông, bất kể những người lính đó có xuất xứ từ đâu Việt, Phi … đều là những anh hùng. Trong số đó còn phải kể đến nhiều phụ nữ từ nhiều thành phần xã hội khác nhau (vào thời điểm thất trận, trên chiến trường có nhiều phụ nữ, vốn là gái mãi dâm, tình nguyện làm y tá hay đầu bếp cho quân đội Pháp), những người đã kiên quyết ở lại. Những người này cuối cùng cũng đã bị quân đội Việt Minh thủ tiêu. Đó là chưa kể đến số phận của những người bị bắt làm tù binh.

Ukraina sẽ mất một phần lãnh thổ phía đông ?

Nhìn sang Châu Âu, báo chí Pháp vẫn tiếp tục theo dõi các biến động tại Ukraina. Báo Le Monde có bài phỏng vấn Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier với hàng tựa « Nước Đức kêu gọi một hội nghị Geneve thứ hai về Ukraina ». Theo Ngoại trưởng Đức, cần phải tìm ra một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng tại đây và « không nên để Putin trở thành một đối thủ ».

Báo Le Figao quan tâm đến số phận hàng chục các con tin vẫn còn nằm trong tay các phe thân Nga trong bài viết « Nỗi khổ của những kẻ mất tích tại Slaviansk ». Những người này bị phe thân Nga cáo buộc làm gián điệp. Nhưng theo tờ báo, tội của những người đó là dám công khai bày tỏ chính kiến ủng hộ chính quyền Kiev trên mạng Facebook.

Một số con tin vừa được thả ra đã tố cáo phe thân Nga đối xử thô bạo, hành hạ hay đe dọa tính mạng , theo như lời thuật của một quan chức thuộc Tổ chức Giám sát Nhân quyền Human Rights Watch. Le Figaro quan ngại cho an ninh của thường dân vô tội tại đây do cảnh sát hầu như vắng mặt hoàn toàn.

Nhật báo Công giáo La Croix lo sợ rằng « tại Ukraina, vùng Donbass đang tiến về nền tự trị ». Các lực lượng thân Nga hiện đang kiểm soát một phần lãnh thổ phía đông Ukraina bằng mọi giá muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự quyết tương lai của khu vực, trong khi cho đến giờ Kiev vẫn chưa thể nào lấy lại được quyền kiểm soát.

Tại Cuba, « Thay đổi, giờ là chưa phải lúc »

Đất nước Cuba tại Châu Mỹ đang có những biến chuyển mới về kinh tế và xã hội. Kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo đất nước vào năm 2008, Raul Castro đã từng bước đưa ra nhiều chính sách cải cách để vực dậy nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, theo phân tích của tác giả Cecile Chambraud, trên báo Le Monde, « Tại Cuba, thay đổi, nhưng chưa phải là lúc này ».

Tác giả khẳng định, « cải cách, nhưng mất quyền kiểm soát thì không ». Luật đầu tư mới vừa được công bố hồi tháng Tư rồi phản ảnh rất rõ nét nỗi ám ảnh trên của chính quyền La Habana.

Đạo luật một mặt cho phép các doanh nghiệp hay người nước ngoài, kể cả người Cuba ở hải ngoại, được phép đầu tư trong nước, nhưng lại cấm người dân trên đảo quốc. Động cơ chính của sự cấm đoán này là người Cuba bản xứ chưa đủ tiềm lực về tài chính để đáp ứng nhhu cầu to lớn của nền kinh tế. Còn nếu có, chiếu theo quy định về hoạt động kinh tế, điều đó có thể là những người này gian lận. Đối với một nhà ly khai, điều luật này phản dân tộc. « Kiểu biện pháp này là nhằm duy trì quyền kiểm soát của Nhà nước lên xã hội. Chính quyền không cho phép người dân Cuba được làm giàu một cách độc lập với Nhà nước ».

Hơn nữa, đạo luật đầu tư mới này còn quy định rõ việc tuyển dụng người phải do chính phủ đảm nhận, thông qua các cơ quan tuyển dụng của nhà nước. Đạo luật còn quy định việc chi trả lương cho người lao động tại các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng phải do nhà nước phụ trách. Doanh nghiệp rót tiền cho Nhà nước. Cơ quan chuyên trách sẽ có phân phát lại một phần lương và giữ lại phần hơn cho mình. Như vậy, Nhà nước giữ vai trò trung gian cần thiết giữa các công dân và các nguồn lợi.

Tác giả còn quan sát thấy rằng có bước thụt lùi trong nhiều mặt tiến bộ đạt được trước đây trong đời sống xã hội : đóng cửa các rạp chiếu bóng tư nhân vào cuối năm 2013, đánh thuế cao vào mặt hàng xe ô-tô khiến người dân không thể với tới, dù nay đã được nhà nước cho phép tự do mua bán xe, nhiều ngành nghề vẫn bị cấm hoạt động tư như luật sư, kiến trúc sư, bác sĩ hay kỹ sư.

Nỗi ám ảnh kiểm soát mọi mặt còn thể hiện trong việc tiếp cận Internet. Người dân không được quyền có Internet tại gia, mà phải đến truy cập tại các trung tâm do nhà nước quản lý.

Dù vậy, nhiều nhà ly khai cũng nhìn nhận đã có nhiều tiến bộ, nhất là việc cho phép người dân được tự do xuất cảnh nếu có đủ điều kiện. Dù việc bắt bớ giam cầm có hạn chế bớt và án giam cũng giảm nhẹ nhiều, nhưng hành động sách nhiễu các tiếng nói đối lập vẫn còn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.