Vào nội dung chính
PHÁP - VIỆT NAM - LỊCH SỬ

Điện Biên Phủ, trận chiến biểu tượng cho thất bại của Pháp ở Đông Dương

Hôm nay, 7/5/2014, tại thành phố Điện Biên, đông đảo các cựu chiến binh của chiến dịch Điện Biên Phủ cùng nhiều giới chức ngoại giao, chính trị long trọng kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử của Việt Nam, dẫn đến chấm dứt sự hiện diện của thực dân Pháp trên toàn Đông Dương.

Cựu chiến binh Việt Nam vào tham quan khu hầm chỉ huy của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ (Ảnh chụp ngày 06/05/2014)
Cựu chiến binh Việt Nam vào tham quan khu hầm chỉ huy của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ (Ảnh chụp ngày 06/05/2014) REUTERS/Kham
Quảng cáo

Trận chiến khốc liệt kéo dài gần hai tháng tại cứ điểm lòng chảo Điện Biên Phủ kết thúc khi hầm chỉ huy của tướng de Castries bị đánh chiếm ngày 7/5/1954, đó cũng là thời điểm mở đầu sự thất bại hoàn toàn của nước Pháp tại xứ thuộc địa Đông Dương.

Đạo diễn diện ảnh Pháp Pierre Schoendoerffer, từng là phóng viên chiến trường và bị bắt làm tù binh sau khi Điện Biên Phủ thất thủ đã kể lại trong hồi ký của mình về « 56 ngày và 56 đêm ầm ào và điên cuồng », rồi « bỗng nhiên bất ngờ im lặng kinh hoàng ».

Đến bây giờ sau 60 năm, Điện Biên Phủ vẫn luôn là biểu tượng thất bại của Pháp tại Đông Dương, đồng thời đó cũng là trận chiến ác đổ nhiều xương máu cuối cùng của quân đội Pháp.

Ngược lại thời gian, cuộc chiến tranh Đông Dương đã trải qua được 7 năm tính cho đến tháng Tư năm 1953, thời điểm mà quân đội Việt Minh mở cuộc tấn công sang hướng Lào. Tướng Henri Navarra, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương quyết định lập căn cứ Điện Biên Phủ để bảo vệ mặt trận Lào. Tháng 11 năm 1953, 3 nghìn lính dù được đổ bộ xuống khu lòng chảo Điện Biên lập cứ điểm, người Pháp cho xây dựng cả sân bay để tiếp viện cho căn cứ.

Bộ tham mưu quân Pháp tin tưởng các đơn vị của tướng Võ Nguyên Giáp sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác hậu cần, không thể đưa pháo hạng nặng vào gần, chứ chưa nói tấn công cứ điểm. Thế nhưng, quân đội Việt Minh đã làm được cái việc mà quân Pháp không ngờ tới. Việt Minh đã huy động hàng nghìn dân công, bộ đội bằng tất cả những phương tiện có trong tay, trong cả tháng trời, ngày đêm vận chuyển quân, khí tài và lương thực áp sát trận địa chuẩn bị cho một trận đánh lớn.

Cuối tháng Giêng năm 1954, Việt Nam đã tập trung được khoảng 40 nghìn quân bao quanh khu lòng chảo Điện Biên Phủ. Đến ngày 13/3/1954, 60 nghìn quân đội Việt Minh bắt đầu cuộc đọ sức trực diện với 12 nghìn lính Pháp đóng trong vùng lòng chảo khi họ bất ngờ mở cuộc tấn công với hoả lực lớn ngoài mọi dự liệu của quân đội Pháp.

Pháo binh Pháp trở nên bất lực trước pháo binh Việt Nam được nguỵ trang kín đáo kéo sát vào trận địa, từ trên những điểm cao thuận lợi nhất trút hoả lực xuống các cứ điểm của Pháp. Đường băng dã chiến Mường Thanh bị pháo kích khiến các máy bay Pháp không thể cất hay hạ cánh xuống Điện Biên Phủ. Cùng lúc đó, quân đội Việt Minh tiến dần lên bằng các đường công sự lần lượt chiếm lĩnh các điểm cao, đẩy quân Pháp vào thế bị phong toả dưới làn lửa đạn ngày đêm của pháo binh Việt Minh.

Trong suốt tháng Tư, các điểm trọng yếu của quân Pháp trong cứ điểm lần lượt rơi vào tay quân đội Việt Nam. Đến ngày 7/5/1954 thì điểm cuối cùng là hầm chỉ huy của tướng de Castrie bị chiếm, toàn bộ khu cứ điểm lòng chảo Điện Biên Phủ rơi vào tay Việt Minh.

Theo thống kê của phía Pháp, trận chiến Điện Biên Phủ đã lấy đi sinh mạng hơn 10 nghìn người Pháp : 1700 người chết trực tiếp trên chiến trường, 1400 người mất tích và 70% trong số 10 nghìn tù binh bỏ mạng trong trại giam những tháng sau khi cứ điểm thất thủ.

Đã 60 năm trôi qua, những nhân chứng của cuộc chiến cũng không còn nhiều, vết thương chiến tranh cũng đã lành dần. Điện Biên Phủ vẫn là một mốc lớn trong lịch sử chiến tranh của đội quân viễn chinh Pháp cho dù đó là một thất bại phải rút khỏi Đông Dương, mở màn cho sự sụp đổ dây chuyển trong hệ thống thuộc địa Pháp ở nhiều nơi khác trên thế giới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.