Vào nội dung chính
VIỆT NAM

Việt Nam tiếp tục bị lên án vì những vi phạm nhân quyền

Chỉ trong tháng này, ba bản báo cáo của các tổ chức quốc tế đã một lần nữa chỉ trích Việt Nam tiếp tục vi phạm nhân quyền, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận. Theo Phóng Viên Không Biên Giới, " trong bối cảnh chuẩn bị Đại hội Đảng đầu năm 2011, phe bảo thủ đã mở chiến dịch đàn áp giới nhà báo tự do, blogger, nhà văn ly khai".

Người truy cập mạng tại các quán cà phê internet ở Sài Gòn (AFP / Hoang Đình Nam)
Người truy cập mạng tại các quán cà phê internet ở Sài Gòn (AFP / Hoang Đình Nam)
Quảng cáo

Trong bản báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền thế giới trong năm 2009 , công bố hôm nay, tổ chức Ân xá Quốc tế đã nhấn mạnh rằng, tại Việt Nam quyền tự do ngôn luận tiếp tục bị kiểm soát chặt chẽ, cả trong báo in, phát thanh truyền hình, lẫn Internet. Bản báo cáo nhắc lại là từ tháng 5/2009, đã bắt đầu một đợt bắt bớ mới nhắm vào các luật sư độc lập, các blogger và các nhà hoạt động dân chủ chỉ trích chính phủ. Chính quyền khẳng định đã phá vỡ một âm mưu « gây phương hại an ninh quốc gia », có liên hệ đến 27 người. Họ bị truy tố chiếu theo điều khoản 27 bộ luật hình sự vì bị coi là có « âm mưu lật đổ chính quyền ».

Một trong số những người này đã bị tuyên án 5 năm rưỡi tù giam trong tháng 12 và trước cuối năm 2009, ít nhất 4 người khác đã bị giam chờ xét xử. Ân Xá quốc tế đặc biệt nêu trường hợp của luật sư Lê Công Định, không chỉ đã bị bắt, mà còn bị rút giấy phép hành nghề. Do chỉ đề cập đến tình hình năm 2009, nên báo cáo của Ân xá Quốc tế không nói đến vụ xử Lê Công Định và ba người khác là Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long và Trần Huỳnh Duy Thức. Bốn người này đã bị tuyên án từ 5 đến 16 năm tù trong phiên xử sơ thẩm vào tháng giêng. Các bản án này đã được giữ nguyên trong phiên xử phúc thẩm ngày 11/5 vừa qua, trừ ông Lê Thăng Long được giảm từ 5 xuống còn 3 năm tù. 

Trong bản báo cáo, Ân Xá quốc tế cũng nhắc lại là tính đến cuối năm ngoái, ít nhất 31 tù chính trị vẫn còn bị giam giữ ở Việt Nam, trong đó có hai sư Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài và linh mục Nguyễn Văn Lý. ( Lê Thị Công Nhân thì nay đã mãn hạn tù và đang thi hành án quản chế. Cha Nguyễn Văn Lý thì tạm thời được tự do để về Huế chữa bệnh ). Ân xá Quốc tế còn đề cập đến vụ xử chín nhà bất đồng chính kiến ở Hà Nội và Hải Phòng, trong đó có nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa. Họ đã bị tuyên án từ 3 đến 6 năm tù với tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam » 

Về số phận các tù chính trị Việt Nam, trong bản báo cáo ra ngày 20/5 vừa qua, tổ chức Human Rights Watch đã từng bày tỏ mối quan ngại về trường hợp của ba nhà hoạt động trẻ bị bắt vào tháng 2 năm nay và bị biệt giam từ đó cho đến nay, đó là Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đỗ Thị Minh Hạnh, chuyên hoạt động bảo vệ người lao động và dân oan., Theo Human Rights Watch, chính quyền Việt Nam có thể sử dụng các biện pháp tra tấn tàn nhẫn để buộc ba thanh niên này nhận tội. 

Chỉ vài ngày sau, hôm qua, Human Rights Watch lại ra thêm một báo cáo mới đặc biệt đề cập đến những vụ tấn công vào các nhà bất đồng chính kiến trên mạng. Bản báo cáo đã liệt kê một danh sách rất dài những blogger, những nhà bất đồng chính kiến bị sách nhiễu, bắt bớ và giam cầm trong sáu tháng qua, từ vụ blogger Tạ Phong Tần bị câu lưu trong tám tiếng đồng hồ ngày 9/5, vụ nhà bất đồng chính kiến Hà Sĩ Phu bị cắt điện thoại và Internet từ ngày 8/5, cho đến những vụ đánh phá các trang mạng như Bauxite Việt Nam, talawas v.v. . . 

Về vấn đề tự do ngôn luận ở Việt Nam, trong danh sách 40 nhà lãnh đạo chống tự do báo chí do tổ chức Phóng viên không biên giới công bố nhân ngày tự do báo chí quốc tế 3/5 vừa qua, có tên của tổng bí thư Đảng Nông Đức Mạnh. Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới nhận định rằng " trong bối cảnh chuẩn bị Đại hội Đảng vào đầu năm 2011, ông Nông Đức Mạnh, đứng đầu phe bảo thủ trong đảng đã mở chiến dịch đàn áp giới nhà báo tự do, blogger, nhà văn ly khai. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.