Vào nội dung chính
Việt Nam - Môi Trường

Đập Thủy điện Hòa Bình tiến gần đến ''mực nước chết"

Theo hãng AFP, cho dù đã có những cơn mưa giông tại miền Bắc trong những ngày gần đây, mực nước ở nhà máy thủy điện Hòa Bình đang tiến gần đến "điểm chết". Sự kiện này lại xẩy ra trong khi nhu cầu điện tại Việt Nam vẫn đang rất cao.

Khi đi vào hoạt động, nhà máy thủy điện Sơn La (ảnh trên đây, chụp ngày 27/5/2010)  sẽ có công suất lớn hơn công trình Hòa Bình
Khi đi vào hoạt động, nhà máy thủy điện Sơn La (ảnh trên đây, chụp ngày 27/5/2010) sẽ có công suất lớn hơn công trình Hòa Bình REUTERS/Kham
Quảng cáo

Nạn hạn hán hoành hành tại Việt Nam từ mấy tháng qua, cũng như nhiều nước Đông Nam Á khác. Nhưng do Việt Nam tăng trưởng rất nhanh, trong khi hơn một phần ba lượng điện năng là do thủy điện cung cấp, nên nhiều tỉnh thành đã phải chịu đựng tình trạng cúp điện liên tục.

Một số báo chí cho biết đây là đợt hạn hán tệ hại nhất từ một thế kỷ qua, còn ông Bùi Đức Long, một người có trách nhiệm của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho AFP biết đây là tình trạng chưa từng thấy từ nhiều thập kỷ.

Tại nhà máy thủy điện Hòa Bình, sản lượng điện ban đầu được hạn chế nhằm duy trì mực nước hồ chứa ở cao trình bình thường là 117 mét. Ông Nguyễn Khắc Thục, phó giám đốc nhà máy cho biết, sau đó sẽ xả nước để tưới các cánh đồng. Cách đây hai tuần, mực nước hồ chứa là 83 mét nhưng đến hôm qua chỉ còn 81 mét rưỡi, trong khi mức chết là 80 mét.

Ông Thục giải thích : « Khi xuống dưới mức chết này, thì sản xuất của nhà máy phải được hạn chế tối đa. Ở dưới « mức chết » còn có « mức cấm » là 75 mét, với cao trình này thì nhà máy phải ngưng hoạt động hoàn toàn. »

Nhà máy thủy điện Hòa Bình, được xây dựng từ năm 1979 với sự giúp đỡ của Liên Xô thời đó, sắp tới sẽ bị một nhà máy lớn hơn qua mặt, đó là tổ hợp thủy điện Sơn La cũng ở thượng nguồn sông Đà. Nhưng thủy điện Hòa Bình với công suất 1.920 megawatt hiện vẫn đóng vai trò chủ lực, cung cấp hơn 40% điện năng cho miền Bắc và trên 15% lượng điện toàn quốc.

Nạn thiếu điện đang lan rộng trên cả nước từ đầu năm cho đến nay. Theo ông Quản Đức Hải ở Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, Việt Nam đang thiếu khoảng 2 tỉ kilowatt/ giờ. Tình trạng này càng trầm trọng hơn khi nhu cầu của các đơn vị sản xuất và các hộ gia đình, vốn ngày càng nhiều máy móc gia dụng hơn nhờ kinh tế phát triển, đang tăng lên. Với tỉ lệ tăng trưởng chưa bao giờ dưới mức 5% từ 10 năm qua, nhu cầu về điện của Việt Nam mỗi năm tăng gần 15%.

Do đặc tính thất thường của thủy điện, nên thường khó thỏa mãn nhu cầu này. Việc Trung Quốc xây các đập thủy điện trên thượng nguồn cũng đang bị các nước trong khu vực lên án là làm tăng thêm hiện tượng thiếu nước.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang tìm kiếm các nguồn năng lượng khác. Hà Nội muốn dành ưu tiên cho nguyên tử năng, nhưng không được nhiều người tán đồng. Một số muốn thúc đẩy các nguồn năng lượng tái tạo, tố cáo cái giá khổng lồ phải trả và các rủi ro trong việc xử lý chất thải hạt nhân, vì các quy định trong lãnh vực này hãy còn phôi thai.

Trước mắt, Tập đoàn Điện Lực Việt Nam dự trù từ đây đến giữa tháng 6 phải cúp điện khoảng 10 đến 15% lượng điện; và hy vọng tình hình sẽ khá hơn kể từ ngày 20/6 khi mùa mưa bắt đầu, mực nước hồ thủy điện được nâng lên.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.