Vào nội dung chính
VIỆT NAM - PHÁP

Tổng thống Pháp chiêu đãi GS Ngô Bảo Châu và 10 nhà toán học hàng đầu

Vừa qua, ngành toán học Pháp lại được vinh danh với việc hai nhà khoa học Ngô Bảo Châu và Cédric Villani được tặng giải thưởng Fields, một giải thưởng danh giá được xem là giải Nobel trong toán học. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và thủ tướng Francois Fillon đã chính thức gửi lời cảm ơn đến hai vị giáo sư trẻ này. Hôm nay, tổng thống Sarkozy sẽ dùng bửa ăn trưa với họ cùng hơn mười nhà toán học lừng danh khác.

GS Ngô Bảo Châu đoạt giải Nobel toán học (Reuters)
GS Ngô Bảo Châu đoạt giải Nobel toán học (Reuters)
Quảng cáo

Liên quan đến sự kiện này, Le Figaro có bài : «Những lý do khiến Pháp mạnh về toán học ». Bài viết phân tích thực trạng và tương lai của nền toán học Pháp. Tờ báo nhận định : hôm nay, qua việc ăn trưa với hơn mười nhà toán học hàng đầu, tổng thống Nicolas Sarkozy và bộ trưởng phụ trách Giáo dục đại học và Nghiên cứu, bà Valérie Pécresse, muốn chào mừng sự lớn mạnh của nền toán học Pháp. Hiện tại, trên tổng số 52 huy chương Fields được phát ra từ năm 1936, thì có đến 11 chiếc được thưởng cho các nhà toán học Pháp. Trong 4 người được vinh danh năm nay, có hai người mang quốc tịch Pháp. Thêm nữa là vừa rồi, cũng tại Hội nghị Toán học Quốc tế ở Ấn Độ, nhà toán học người Pháp Yves Meyer cũng được trao giải Gauss, một giải thưởng danh giá trong lĩnh vực toán học ứng dụng.

Bàn về « sức mạnh » của nền toán học Pháp, tác giả cho rằng nước Pháp có một truyền thống lịch sử lâu đời trong nghiên cứu toán học, từ các nhà khoa học trứ danh của « thế kỷ Ánh sáng » như Monge, Fourier và d’Alembert. Sức mạnh toán học này còn nhờ vào việc hệ thống tuyển chọn và đào tạo ở Pháp được tổ chức có hiệu quả, nhất là hệ thống các « lớp dự bị chuyên ban khoa học » và hệ thống các trường đại học sư phạm.

Giải Fields 2010 Cédric Villani cũng công nhận : « Hệ thống giáo dục của Pháp có hiệu quả tốt phần lớn là nhờ có các lớp dự bị ». Thế nhưng, nguyên nhân mà các nhà khoa học đánh giá cao nhất, đó là sự hiện diện của Trung Tâm Nghiên cứu khoa học Quốc Gia (CNRS). Trung tâm này cho phép nghiên cứu sinh trẻ được tuyển vào các vị trí ổn định. Giám đốc của Tổ chức Nghiên cứu Toán học Paris, giáo sư Jean-Yves Chemin nhận định : « Ở CNRS, các nhà khoa học trẻ có thể chuyên tâm vào nghiên cứu. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà tất cả những người Pháp nhận giải Fields đều từng có thời gian làm việc ở đó ».

Tờ báo cho biết, chỉ riêng Paris đã thu hút được khoảng 1000 nhà toán học. Như vậy, Paris là nơi tập trung đông nhà toán học nhất thế giới. Ở Hoa Kỳ, một cuộc hội thảo về toán tổ chức trong các trường đại học danh tiếng cũng chỉ thu hút được 10 người đến tham dự, còn ở Paris số người tham dự tối thiểu cho những hội thảo như vậy cũng phải lên đến 50. Với môi trường khoa học « trong lành », nước Pháp như « mảnh đất lành » để các nhà khoa học các nước tìm đến.

Tuy vậy, một câu hỏi đặt ra là liệu thế hệ tương lai sẽ còn được hưởng những điều kiện thuận lợi trong nghiên cứu không ? Tất cả các nhà nghiên cứu đều cho rằng từ 15 năm nay, trong các trường cấp ba ở Pháp, số giờ học dành cho môn toán đã giảm rất nhiều. Như vậy, các học sinh sẽ yếu hơn và hiểu biết ít hơn về toán. Còn đối với bậc đào tạo tiến sỹ thì tình hình khả quan hơn, Giáo sư Jean-Yves Chemin hân hoan: « Các nghiên cứu sinh của chúng ta có trình độ tuyệt vời ».

Thị trường châu Á thu hút các tập đoàn đa quốc gia

Phụ trang kinh tế của tờ Le Monde hôm nay thông tin : « Các nước đang trỗi dậy trở thành « trọng tâm » thu hút các tập đoàn đa quốc gia ». Từ vài tháng nay, hiện tượng chuyển dịch trọng tâm địa kinh tế về phía các nền kinh tế mới nỗi đã được tăng tốc. Tập đoàn ngân Hàng HSBC của Anh vừa dời trụ sở từ Luân Đôn sang Hồng Kông. Trong 4 giám đốc vừa được bổ nhiệm của tập đoàn sản xuất ô tô PSA của Pháp, có một người được phân công làm việc ở Thượng Hải. Còn cựu giám đốc về chương trình và chiến lược của PSA sẽ chịu trách nhiệm về các hoạt động của tập đoàn ở Châu Á, và có thể từ gốc nhìn Châu Á, ông này sẽ đề ra chiến lược phát triển toàn cầu cho tập đoàn.

Hai tập đoàn năng lượng Pháp là Bosch và Schneider Electric đang soạn thảo « chiến lược carbon toàn cầu » từ Trung Quốc (Bosch hoạt động ở Nam Kinh và Schneider Electric ở Bắc Kinh). Trung Quốc đã có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực năng lượng : Năm 2009, Trung Quốc là quốc gia chi nhiều nhất cho phát triển công nghệ sử dụng năng lượng có hiệu quả, với mức đầu tư lên đến 35 tỷ đô la. Nước kế sau là Hàn Quốc, với mức đầu tư cho 5 năm tới là 85 tỷ đô la.

Cũng từ năm 2009, Trung Quốc đã chính thức qua mặt Mỹ để trở thành thị trường ô tô lớn nhất thế giới, với 13.6 triệu chiếc được tiêu thụ. Giải thích hiện tượng này, Le Monde cho rằng : Các tập đoàn kinh tế Châu Á hoạt động khắp nơi trên thế giới, vì thế các tập đoàn phương tây phải đuổi theo họ, và cuộc rượt đuổi bắt đầu từ thị trường Châu Á. Như tập đoàn HSBC, từ Hồng Kông, cũng đang nhắm đến thị trường Indônêsia, Việt Nam, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kì, Colombia và đặc biệt là Hy Lạp, nơi có nhiều nhà đầu tư Trung Quốc và Ấn Độ. Tập đoàn sản xuất ô tô General Motors Hoa Kỳ cũng đang tái lập chiến lược “xe hơi sạch » ở Thượng Hải.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.