Vào nội dung chính
VIỆT NAM

Thăng Long sau nghìn năm thăng trầm của lịch sử

Sự kiện Việt Nam tổ chức đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội một cách linh đình đã thu hút làng báo Pháp. Tuần san Le Monde dành hẳn sáu trang phản ánh sự kiện này với chủ đề: « Hà Nội, giấc mơ thiên niên kỷ ». Bài viết cho biết sau những thăng trầm của lịch sử, Hà Nội bắt đầu phát triển vượt bậc từ 20 năm nay.

REUTERS/Kham
Quảng cáo

Theo tác giả bài báo, chính phủ Việt Nam chọn ngày 01/10 để tổ chức đại lễ bởi đó chính là ngày quân đội Việt Minh tiến vào thành phố qua cầu Paul Doumer (cầu Long Biên ngày nay) sau khi quân viễn chinh Pháp ra đi.

Tác giả cũng lược lại lịch sử chống ngoại xâm của Hà Nội từ thời Lý Công Uẩn đến nay với những điểm nhấn như ba lần chiến thắng Nguyên Mông. Rồi năm 1802, vua Gia Long lập đô ở Huế. Sau đó, người Pháp đến. Năm 1885, Trung Quốc ký hiệp ước Thiên Tân công nhận quyền bảo hộ của Pháp đối với Việt Nam. Paul Doumer thành lập phủ Toàn quyền Đông Dương với Hà Nội là thủ phủ.

Hà Nội hiện tại đầy nguyến rũ trong sương buổi sáng bên hồ Hoàn Kiếm, với những con đường rợp bóng cây, những ngõ dân cư đông đúc, những công trình kiến trúc và công viên. Hồ Gươm là trung tâm thu hút của khu phố cổ, với hàng chục ngôi chùa, đình, đền. Khu phố cổ luôn là điểm thu hút du khách đến khám phá những « kho báu » bình yên, xa những tiếng ồn ào của xe cộ nơi phố thị.

Phần phía nam Hà Nội, người Pháp đã kiến thiết một thành phố hiện đại với những công trình còn hiện hữu như nhà hát Lớn, phủ toàn quyền ( hiện tại là phủ chủ tịch), bưu điện, bệnh viện, ngân hàng, khách sạn, thư viện…Dọc theo các đại lộ được xây dựng thời Pháp, là công viên và các khu biệt thư xinh xắn.

Tác giả nhận định Việt Nam đã khéo léo khi biết tiếp nhận và bảo tồn di sản này. Tuy vậy, Hà Nội đã được « việt hóa » theo thời gian. Khu phố cổ 36 phố phường luôn thu hút nhiều du khách đến tham quan, mua sắm. Chính sách mở cửa của chính phủ và sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam từ những năm 1990 đã làm cho Hà Nội trở thành một thành phố rực rỡ sắc màu.

Cũng liên quan đến Hà Nội, Le Monde có bài ghi lại cảm nhận về người Hà Nội của sử gia Đào Hùng, phó Tổng biên tập Tạp chí Xưa và Nay thuộc Hội Sử học Việt Nam.

Theo ông Đào Hùng, diện mạo của thành phố Hà Nội được phác họa chỉ từ cuối thế kỷ 19, người dân tìm về định cư, vì ở đấy các hoạt động giao thương với người Pháp phát triển. Trước thời Pháp thuộc, các công trình xây dựng rất hiếm. Quốc Tử Giám, Chùa Một Cột, biểu tượng của Hà Nội, dù được xây dựng từ thế kỷ 11, nhưng đã được tu bổ nhiều lần.

Liên quan đến dân cư, ông Đào Hùng cho biết : Người Hà Nội gốc rất ít, mà chủ yếu là người tỉnh khác nhập cư. Người Hà Thành có những đặc trưng riêng về giọng nói, cách nói, tâm hồn và lối sống. Thế nhưng, với sự mở rộng địa giới thủ đô hiện tại, « tâm hồn này đã biến mất ».

Ông Đào Hùng cũng lo lắng về hiện tượng sau : trong khi ở miền Nam, người Sài Gòn, dù không phải là dân thành phố gốc, nhưng họ rất hãnh diện khi được trở thành « dân Sài Gòn », trong khi đó, người Hà Nội thì không như vậy, họ không hãnh diện khi trở thành « người Hà Nội », mà trước hết họ luôn tự hào về tỉnh gốc của mình. Hà Nội thực tế là một thành phố của những công chức, nơi mà các doanh nhân phục vụ cho các công ty quốc doanh. Ở đấy tinh thần kinh doanh và lĩnh vực tư nhân trỗi dậy rất khó khăn.

Với chính sách đổi mới từ năm 1986, các nhà đầu tư và khách du lịch ngoại quốc bắt đầu tìm đến Việt Nam. Năm 1994, Hoa Kỳ tháo bỏ cấm vận. Sự kiện này ảnh hưởng tích cực đến phát triển kinh tế Việt Nam. Sài Gòn và 13 tỉnh lân cận trở thành đầu tàu kinh tế. Theo ông Đào Hùng, từ khi đổi mới, Sài Gòn có nhiều của cải, quy tụ được nhiều văn nghệ sỹ. Trong khi đó, Hà Nội, trung tâm chính trị của cả nước, đã mất đi sự đọc tôn về tri thức và sáng tạo.

Trung Quốc : Thẩm Quyến tiếp tục là chiếc nôi cải cách

Trong lễ kỷ niệm 30 thành lập khu kinh tế Thẩm Quyến, thủ tướng Ôn Gia Bảo tuyên bố phải tiến hành cải tổ hệ thống chính trị ở Trung Quốc. Tuần báo Le Courrier International giới thiệu bài viết « Thẩm Quyến, tiếp tục là chiếc nôi cải cách » của bà Hồ Thư Lập, nguyên tổng biên tập tạp chí Tài Kinh, ủng hộ quan điểm trên của ông Ôn Gia Bảo.

Sau 30 năm tiến hành cải cách kinh tế, năm nay, Trung Quốc vừa qua mặt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới. Thế nhưng, tác giả cho rằng cải cách chính trị và cải cách kinh tế luôn lệ thuộc lẫn nhau . Ngay như vị kiến trúc sư của công cuộc cải tổ kinh tế Trung Quốc là ông Đặng Tiểu Bình cũng từng khẳng định: « Thành công cuối cùng của mọi cải cách của chúng ta phụ thuộc vào việc cải tổ hệ thống chính trị ».

Thế nhưng, với những thành tựu kinh tế thu được, giới lãnh đạo có thể cho rằng không cần phải cải cách chính trị, bởi Trung Quốc vẫn phát triển đấy thôi. Bà Hồ cho rằng, lý luận như vậy là không dựa vào thực tế khách quan về sự không đồng bộ giữa phát triển kinh tế và hệ thống chính trị.

Sỡ dĩ cải cách chính trị chậm như thế, trước tiên là vì người ta lo ngại nếu tiến hành không khéo sẽ gây ra những xáo trộn xã hội. Sự lo lắng này, theo bà Hồ, là có thể thông cảm được và cần được xem xét cẩn trọng. Thế nhưng, nếu mãi chần chừ, thì công cuộc ải cách lại càng lê thê và sẽ lại xuất hiện những yếu tố bất ổn mới. Bà nhắc lại việc trước kia khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách kinh tế cũng vấp phải phản ứng dữ dội, nhưng kết quả là hiện tại kinh tế Trung Quốc rất phát triển. Quan trọng là các nhà chính trị phải có can đảm và đủ sáng suốt để sự đồng thuận xã hội đủ mạnh.

Phát biểu hôm 26/08 ở đặc khu kinh tế Thẩm Quyến, thủ tướng Ôn Gia Bảo đã nêu lên nhiệm vụ chính của công cuộc cải cách chính trị ở Trung Quốc: « Phải bảo vệ quyền dân chủ và lợi ích chính đáng của người dân ; Phải tập hợp được tối đa dân chúng trong việc tham gia điều hành quốc sự trên cơ sơ tôn trọng luật pháp ; phải tạo điều kiện tối ưu cho người dân được phê bình, kiểm soát chính phủ, có thể đấu tranh chống tham nhũng; phải xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng, sao cho mọi người được sống trong cảm giác an toàn và tin tưởng vào sự phát triển của đất nước ».

Theo bà Hồ, bốn điểm trọng yếu này có thể được xem là « lối vào » của công cuộc cải tổ chính trị. Thế nhưng, nhận ra tính cần thiết là dễ, nhưng hành động là khó. Như vậy, điều tối quan trọng hiện tại là các biện pháp phải nhanh chóng được tiến hành.

Philippines tiếp tục bị chia rẽ trên vấn đề li hôn

Tuần san Courrier International cũng quan tâm đến một quốc gia Châu Á khác là Philippines. Với tựa đề : « Vấn đề li hôn tiếp tục gây chia rẽ », bài viết cho biết một dự luật về li hôn đang được trình quốc hội trước sự phản đối của Giáo hội Công giáo.

Tác giả kể về trường hợp một cô gái 30 tuổi, đã ly thân chồng và đệ đơn xin ly hôn ra tòa án từ hai năm nay. Nhưng hiện tại vẫn chưa được xét xử. Theo thống kê, tòa án Manila bác đến 95%. đơn ly hôn. Trong khi chờ đợi, cô gái này không được phép sống chung với người khác, nếu vi phạm sẽ bị phạt 6 năm tù giam.

Hiện tại một dự luật cho phép li hôn đang được quốc hội xem xét. Vấn đề này đang là đề tài thời sự nóng bỏng ở Philippin. Theo dự báo, dự luật sẽ gặp nhiều chông gai dù có nhiều đại biểu quốc hội ủng hộ và dù tỷ lệ nữ đại biểu trong quốc hội ngày càng đông.

Theo tác giả, từ 30 năm nay, nhiều đại biểu quốc hội đã muốn hợp thức hóa vấn đề li hôn. Nhưng, trong một đất nước có đến 85% người theo Công Giáo, dưới ảnh hưởng quá mạnh của Giáo hội, các nỗ lực đã lần lượt thất bại.

Hiện tại, các thủ tục cho việc « hủy bỏ hôn nhân » ở Phlippin rất nhiêu khê và phức tạp. Để li thân thì dễ hơn. Nhưng « li thân » không có nghĩa là « hủy hôn ». Trong thời gian li thân, cả hai vợ chồng không được sống với người khác, nếu không sẽ bị tù. Vì thế, nhiều người đã chọn cách sống chung mà không đăng ký kết hôn và làm lễ ở nhà thờ, hoặc họ tìm cách ra nước ngoài sinh sống và kết hôn. Trên giấy tờ, tỷ lệ kết hôn đã giảm đi đáng kể. Trong tình hình đó, dự luật cho phép li hôn, dù bị Giáo Hội và phe bảo thủ phản đối, sẽ khuyến khích mọi người kết hôn hợp pháp.

Hoa Kỳ : Obama thiếu "thân thiện với kinh tế"

Cuối cùng trong mục điểm tuần báo hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu cùng quý vị bài viết « Obama bị đánh giá thấp về khả năng điều hành kinh tế » đăng trên tạp chí Challenges. Bài viết cho biết giới doanh nhân Hoa Kỳ cho rằng tổng thống Obama quan tâm đến các vấn đề xã hội nhiều hơn kinh tế.

Theo thống kê, trong 4 người Mỹ, có đến 3 người cho rằng tổng thống Obama là người « đối kháng kinh tế ». Tác giả đánh giá ông Obama không có được tài thu phục nhân tâm trong điều hành kinh tế như ông Bill Clinton. Thật ra, chương trình hành động của ông Obama ngay từ đầu đã ưu tiên cho việc bảo vệ những người nghèo khổ nhất trong xã hội.

Trong tình hình đó, làm sao ông Obama tìm lại được sự tín nhiệm khi tham gia tranh cử năm 2008 ? Có người cho rằng tổng thống Obama nên thay cố vấn kinh tế là ông Lawrence Summers bằng một đại diện của giới doanh nhân.

Còn việc cấp bách trước mắt là chính phủ cần nhanh chóng minh bạch chính sách kinh tế. Làm sao một doanh nghiệp có thể tuyển dụng khi chưa biết mức cụ thể của bảo hiểm y tế được quy định theo chính sách mới ? Làm sao một doanh nhân dám quyết định đầu tư khi chưa biết mức thuế mới như thế nào ?

Tác giả kết luận : « Đó là những vấn đề mà giới doanh nhân đang chờ giải pháp từ phía chính phủ. Và đây cũng chính là lúc mà tổng thống Obama cần tỏ thái độ gọi là « thân thiện với kinh tế ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.