Vào nội dung chính
VIỆT NAM

Việt Nam: quan hệ giữa nhà nước và giáo hội Công giáo vẫn khó khăn

Nhật báo công giáo La Croix số ra ngày hôm nay trong bài viết mang tựa đề « Tại Việt Nam, quan hệ giữa nhà nước và giáo hội vẫn khó khăn », đã nhận định, những cảnh báo của Ủy ban Công lý và Hòa bình trong vụ xử 6 giáo dân Cồn Dầu tuần rồi đã không được tòa án quan tâm.

Nhà thờ giáo xứ Cồn Dầu (DR)
Nhà thờ giáo xứ Cồn Dầu (DR)
Quảng cáo

Theo tác giả bài báo, thì bản án vừa qua khiến người ta nghĩ rằng chính quyền muốn tỏ ra cứng rắn trước giáo hội. Hai giáo dân đã bị kết án 12 và 9 tháng tù, bốn người còn lại lãnh án treo. Họ bị quy tội vào ngày 4/5 đã tổ chức đưa tang đến một nghĩa trang Công giáo đã bị nhà nước quy hoạch, đám tang này sau đó đã biến thành một cuộc xung đột với công an. Từ đầu năm, người dân Cồn Dầu đã phản đối lại dự án « khu du lịch sinh thái » mà chính quyền thành phố Đà Nẵng muốn áp đặt. Và trong cuộc xung đột về đất đai này, giáo hội Công giáo là tổ chức duy nhất đã lên tiếng bênh vực quyền lợi của những người chủ đất thấp cổ bé miệng.

Tờ báo nhận xét, ba tuần lễ trước khi phiên tòa diễn ra, trong phiên họp toàn thể, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã có thể thành lập « Ủy ban Công lý và Hòa bình », mà trước đây chưa hề hiện diện, do sự phản kháng của chính quyền. Ủy ban do Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục địa phận Vinh đứng đầu, đã đề nghị hoãn lại phiên tòa do vi phạm thủ tục tố tụng.

Régis Anouilh, Tổng biên tập trang Giáo hội châu Á, thông tấn xã của Hội truyền giáo nước ngoài tại Paris ghi nhận : « Ủy ban đã có quan điểm rất rõ ràng và kiên quyết ». Sự kiên quyết này đã làm an tâm các giáo dân Việt Nam, vốn rất lo âu khi cựu Tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt phải ra đi hồi tháng ba, và Phó Tổng giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn lên thay.

Cũng theo ông Régis Anouilh, nếu tòa án làm ngơ trước yêu cầu của Ủy ban Công lý và Hòa bình, thì đó là do chính quyền đã cảm thấy bị mất mặt qua vụ khoảng bốn chục giáo dân Cồn Dầu – trong số khoảng 500 người đi dự đám tang – đã chạy sang Thái Lan xin tị nạn chính trị ; và họ có được sự ủng hộ của quốc tế. Ông nhận xét, trong khi Việt Nam nay là một nước có thể làm ăn khấm khá, thì vẫn có những người Việt muốn được sống tự do ở nơi khác hơn.

Quan hệ Pháp-Trung : Lợi ích kinh tế trên hết

Nhật báo cánh tả Libération chú ý đến chuyến viếng thăm Paris ngày mai của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, mà theo tờ báo, trước đó đã có những hoạt động vận động hậu trường rất dữ dội về chính trị và kinh tế. Libération chạy tựa lớn trên trang nhẩt : « Trung Quốc đã khuẩt phục được ông Sarkozy như thế nào ? ».

Trong bài xã luận mang tựa đề « Cách mạng văn hóa », tờ báo nhận định, sẽ không có những câu hỏi tế nhị dành cho Chủ tịch Trung Quốc trong dịp này. Hai bên sẽ chỉ bàn về các hợp đồng, hợp tác, lò phản ứng nguyên tử, máy bay Airbus…mà không nhắc gì đến giải Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba, Đạt Lai Lạt Ma, Tây Tạng và các nhà ly khai. Tờ báo mỉa mai, Tổng thống Sarkozy đã làm cuộc « cách mạng văn hóa » của mình. Tuy đã cùng phu nhân đã tham gia chiến dịch giúp người phụ nữ Iran Sakineh thoát khỏi hình phạt ném đá, ông Sarkozy lại không hề lên tiếng chúc mừng khi nhà ly khai ôn hòa Lưu Hiểu Ba được trao giải Nobel.

Theo Libération, phe thực dụng thân Trung Quốc đã chiến thắng. Ông Hồ Cẩm Đào còn được gọi là « Ông hai ngàn tỉ đô la » - tức số ngoại tệ dự trữ khổng lồ đã giúp Trung Quốc có được ảnh hưởng chưa từng thấy lên nền kinh tế thế giới. Không chỉ có phe hữu và giới kinh doanh, mà cánh tả cũng thế, khiến phương Tây nhắm mắt làm ngơ trước tệ nạn tham nhũng và làm hàng giả. Từ hai năm qua, các nhà vận động hành lang, chính khách và các ông chủ Pháp thân Bắc Kinh đã qua lại như con thoi để hâm nóng quan hệ Pháp – Trung, sẵn sàng làm cho những tiếng nói chỉ trích về nhân quyền rơi vào im lặng. Và trong thời điểm chỉ còn một tuần nữa, Pháp sẽ giữ chức chủ tịch nhóm G20, Paris không hề muốn làm phật lòng Bắc Kinh.

Pháp sẽ trải thảm đỏ đón ông Hồ Cẩm Đào với đầy đủ các nghi lễ long trọng nhất. Paris hy vọng bán được cho Bắc Kinh khoảng trăm chiếc máy bay Airbus, giành được hợp đồng xây dựng giai đoạn 3 và 4 một nhà máy điện nguyên tử, mà theo Les Echos, tập đoàn Areva sẽ chính thức ký hợp đồng cung ứng 20 ngàn tấn uranium trị giá 3 tỉ đô la.

Ai có thể đối chọi lại với Trung Quốc ?

Trong phần phỏng vấn, nhà nghiên cứu François Godemet chuyên về Trung Quốc học cho rằng, Bắc Kinh dường như là bịt tai trước những lời chỉ trích của quốc tế. Trung Quốc ngày nay mạnh hơn Trung Quốc hai mươi năm trước, và lại càng cảm thấy cao ngạo khi các nước dân chủ phương Tây bị yếu đi do khủng hoảng.
Thay vì áp đặt trật tự mới, Bắc Kinh đã khôn ngoan lợi dụng những lợi thế của trật tự hiện hữu. Từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001, Trung Quốc là nước hưởng lợi nhiều nhất trong công cuộc toàn cầu hóa. Theo ông Godemet, Trung Quốc vẫn duy trì được các quyền lợi của một nước đang phát triển, trong khi đang là cường quốc kinh tế đứng thứ nhì thế giới, và sẽ bám lấy các lợi thế này cho đến chừng nào các nước đối tác phản đối kịch liệt mới thôi.

Trả lời câu hỏi, những quốc gia nào có khả năng chống chọi lại với Trung Quốc, nhà nghiên cứu François Godemet nhận định, đó là các nước láng giềng ; những nước có nguy cơ bị Trung Quốc đẩy mạnh các tranh chấp biên giới để chứng minh vị thế siêu cường khu vực. Theo ông François Godemet, Bắc Triều Tiên và Việt Nam tuy là đồng minh nhưng vẫn có khả năng phản kháng. Nhật Bản thì chưa rõ, vì lợi ích kinh tế với Trung Quốc quá lớn. Chỉ có Hoa Kỳ là đối thủ thực sự, là quốc gia duy nhất có thể đối chọi lại với Trung Quốc, với điều kiện hợp tác với các đồng minh khác ở châu Á như Úc, Nhật hay Ấn Độ.

Cũng liên quan đến Trung Quốc, nhật báo cộng sản L’Humanité chú ý đến cuộc điều tra dân số đại quy mô tiến hành từ đầu tuần, với sáu triệu nhân viên tham gia. Lần đầu tiên, người dân Trung Quốc sẽ được thống kê theo nơi cư ngụ thực tế, chứ không phải theo địa chỉ đăng ký hộ khẩu thường trú. Tờ báo nói thêm, một trong những thử thách lớn của quốc gia khổng lồ này, là biết được « dân số cơ động », gồm những người nhập cư.

Tổng thống Obama : Đối đầu hay đối thoại ?

Nhìn sang nước Mỹ, nhận định về kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Tổng thống, đa số các báo đều có chung nhận xét là, cho dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng sau khi bị mất đa số ở Hạ viện vào tay phe Cộng Hòa lần này, ông Obama sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.
Theo nhật báo cánh hữu Le Figaro, thì Tổng thống Barack Obama sẽ phải lựa chọn một trong hai thái độ, hoặc vẫn giữ vững lập trường, hoặc hợp tác với các đối thủ. Tờ báo gọi đó là chọn lựa giữa « phương pháp Trumann » và « phương pháp Clinton », hai vị tổng thống tiền nhiệm cũng là nạn nhân của cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ.

Tổng thống phe Dân Chủ Trumann trước đây đã chọn cách đối đầu với phe Cộng Hòa, điều hành đất nước bằng các sắc lệnh. Chiến thuật này sau đó đã được hai vị tổng thống phe Cộng Hòa là các ông Ronald Reagan và George Bush nối gót – một người với thế mạnh là nhân tố của công cuộc phát triển, người kia là tổng chỉ huy cuộc chiến Irak.

Ngược lại, cựu tổng thống Dân Chủ Bill Clinton sau khi mất rất nhiều ghế ở Quốc hội, đã dùng chính sách tạm dịch là « tay ba». Ông khôn khéo hợp tác với phe đối thủ, chọn ra những đề nghị có thể chấp nhận được nơi họ. Nhưng theo nhận xét của Le Figaro, ông Obama không có được sự mềm mỏng này.

Bên cạnh đó là những chủ đề gai góc, như việc cải cách hệ thống bảo hiểm y tế, phương cách giảm thâm hụt ngân sách liên bang – phe Cộng Hòa muốn cắt giảm 100 tỉ đô la chi tiêu nhưng không muốn tăng thuế, còn ông Obama muốn đánh thuế cao hơn đối với những người có thu nhập trên 250 ngàn đô la một năm. Le Figaro nói thêm, khi ông Bill Clinton cũng lâm vào tình cảnh tương tự trước đây, ông vẫn có những lợi thế to lớn so với ông Barack Obama bây giờ. Đó là tình hình kinh tế sáng sủa, tỉ lệ thất nghiệp thấp, và thặng dư ngân sách. Còn « ứng viên của sự đổi thay », Barack Obama không có cái may mắn đó, nhưng ông bị buộc sẽ phải thay đổi.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.