Vào nội dung chính
VIỆT NAM - KINH TẾ

Những yếu tố đáng ngại trong cơn sốt vàng tại Việt Nam

Trên thế giới, nếu có một nơi hiếm hoi mà đô la Mỹ vẫn lên giá trong lúc này, thì đó là tại Việt Nam dù giá đồng bạc xanh đã sụt so với hầu hết các ngoại tệ. Nhưng cũng tại Việt Nam, đồng bạc xanh của Mỹ còn thua một thứ quý kim là vàng. Trong những ngày này, giá vàng tại Việt Nam vượt kỷ lục thế giới là hơn 1.400 đô la một troy ounce, tức là gần 46 đô la một gram, và đã có lúc gây hoảng loạn khiến chính quyền phải lúng túng đối phó. Nhiều nhà kinh tế trong nước đã giải thích về hiện tượng này, RFI xin phỏng vấn thêm chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại Hoa Kỳ.

Một cửa hàng bán vàng tại Hà Nội, ngày 11/10/2009.
Một cửa hàng bán vàng tại Hà Nội, ngày 11/10/2009. Ảnh: Reuters
Quảng cáo

Xin chào chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa, tuần qua, có lúc giá vàng lên tới 38 triệu đồng một lạng rồi lại tụt sau khi có lệnh cho phép nhập khẩu, rồi lại tăng, và nay lại sụt. Theo anh, những nguyên nhân gì khiến giá vàng chao đảo như vậy, và tại sao lại vào lúc này?

Nhiều người giải thích rằng đấy là hậu quả của hiện tượng "đầu cơ", tôi xin đồng ý một phần, mà chỉ một phần thôi, vì đầu cơ chỉ là hậu quả không là nguyên nhân.

Thuần về kinh tế - và bỏ bên ngoài hàm ý đạo đức - thì đầu cơ là nghiệp vụ đầu tư nhắm đạt mức lời cao về ngắn hạn mà chịu rủi ro thật lớn. Thế thì vì sao có người đầu cơ vàng mà chuyện đầu cơ lại gây biến động ở tầm mức quốc gia khiến chính quyền lật đật mở hạn ngạch nhập khẩu vàng trong hai tuần và còn tính việc nâng thuế suất 20% trên vàng xuất khẩu để hạ nhiệt cơn sốt? Vấn đề ở đây thưa anh là niềm tin, và cả chuyện... nhân duyên.

Hãy nói về cái nhân trước. Khi có tài sản mà muốn giữ cho tài sản đó khỏi mất giá thì ta tồn trữ dưới dạng nào? Yêu cầu phòng thủ tiêu cực khiến ta chọn lối tồn trữ an toàn nhất, là ít rủi ro mất giá, mà cũng lưu hoạt nhất, là có thể chuyển ra tiền mặt tương đối nhanh và rẻ. Nếu tích cực hơn, ta có thể nghĩ đến nhu cầu kiếm lời và tích trữ tài sản dưới dạng nào có triển vọng tăng giá trong tương lai. Đầu cơ vì vậy mới dễ đi tới tích trữ.

Cũng vẫn về cái nhân, Việt Nam hiện có ba loại phương tiện tồn trữ tài sản phổ biến nhất là đồng bạc Việt Nam, Mỹ kim hay vàng. Trong ba loại đó thì loại nào có giá trị an toàn, lưu hoạt và sinh lời? Câu trả lời là... bất cứ gì miễn rằng không phải là đồng bạc! Vì vậy, đừng oán người dân là dại dột mua vàng hoặc tích trữ đô la!

Đó là về nhân, còn cái duyên thì vì sao cơn sốt lại bùng nổ vào lúc này ?

Hãy nói về duyên nợ Việt Nam đã. Cuối tháng 10, để chặn đầu cơ vàng, Ngân hàng Trung ương ra Thông tư 22 có mục tiêu hạn chế việc ngân hàng thương mại huy động và cho vay vàng do thân chủ ký thác. Kết quả trái ngược là càng khuyến khích tích trữ.

Bây giờ đến yếu tố thời cơ hay duyên nợ thế giới. Vài ngày sau Thông tư 22, thứ tư, 03/11, Ngân hàng Trung ương Mỹ công bố việc bơm ra 600 tỷ đô la trong tám tháng tới để kích thích kinh tế. Nếu theo dõi, ta đã biết quyết định này từ tháng 08/2010, dù chưa rõ là bao nhiêu. Khi quyết định được công bố thì Mỹ kim tuột giá làm giá vàng trên thế giới phải tăng.

Thứ hai là vì đô la sụt giá làm nội tệ nhiều nước lên giá, họ can thiệp vào thị trường ngoại hối, cụ thể là mua vào Mỹ kim và bán nội tệ ra cho đồng bạc khỏi tăng giá. Đã thế, bất ổn tại Hy Lạp chưa lui thì lại đến núi nợ xấu Ireland và khủng hoảng chính trị manh nha tại Ý, thành viên kinh tế thứ ba của khối Euro sau Đức và Pháp. Euro vì vậy sẽ mất giá thì cái gì tăng? Sau cùng, nguy cơ lạm phát tại Trung Quốc đã rõ rệt khiến Bắc Kinh sẽ nâng lãi suất và dự trữ pháp định ngân hàng để hạ nhiệt kinh tế. Ngần ấy yếu tố quốc tế đầy bất trắc khiến người ta kiếm vàng để thủ thân. Và càng ít thông tin thì càng tích trữ.

Như vậy, vấn đề ở đây là niềm tin. Và nhiều người tin vào vàng nên đổ tiền mua vàng khi thấy vàng lên giá và còn có thể lên nữa. Anh nhận định thế nào về vai trò của vàng tại Việt Nam ?

Xưa nay, Á châu bị động loạn quá nhiều nên vàng là phương tiện tồn trữ tài sản phổ biến. Vàng còn là phương tiện giao hoán tức là trao đổi. Ngày xưa, dân trong Nam có muốn vượt biên thì cũng tính giá biểu mua chuộc công an bằng bao nhiêu cây vàng. Ngày nay, người ta cũng tính giá nhà giá đất là bao nhiêu cây vàng. Sự kiện ấy cho thấy trình độ của xứ sở khi người ta thiếu phương tiện hiện đại hơn để thay thế, giả dụ như cổ phiếu, trái phiếu, dầu thô hay thương phẩm, v.v...

Từ vụ suy trầm toàn cầu năm năm 2008-2009 nối liền với khủng hoảng tài chính tại Mỹ hay ngoại hối tại Âu châu, ta thấy vàng lên giá vùn vụt trong khi Mỹ kim và đồng Euro đều sụt. So với các loại ngoại tệ đó, vàng trở thành phương tiện phòng thủ có giá trị và thực tế thì được yết giá bằng đô la nên Mỹ kim mất giá chừng nào thì vàng lên giá chừng đó. Nhưng khi đầu cơ vào vàng, người ta cũng bị rủi ro nhiều nhất vì những thăng trầm rất mạnh là chuyện sẽ thấy.

Anh nhắc đến Mỹ kim và Euro, tức là ta ra khỏi khuôn khổ của Việt Nam. Vì sao Mỹ kim sụt giá trên thế giới mà riêng tại Việt Nam thì vẫn lên giá ?

Vì những yếu kém nội tại của Việt Nam khi bị nhập siêu nặng, lạm phát cao mà đồng bạc vẫn được ràng giá giả tạo vào Mỹ kim và Mỹ kim vẫn là phương tiên giao hoán phổ biến. Nếu xét kỹ thì ta cần thấy ra ba loại "tỷ giá chéo" giữa vàng, đô la và đồng bạc, trong đó tỷ giá chính thức quá cao của đồng bạc so với đô la, ít ra là 15%, có thể giải thích phần nào vì sao giá vàng tại Việt Nam tính bằng đô la còn cao hơn giá vàng trên thế giới.

Yếu tố chính thì vẫn là vì lạm phát. Cơn sốt Mỹ kim hay là vàng tại Việt Nam thực tế liên quan đến niềm tin không có của người dân vào sự ổn định của giá cả. Người ta chờ đợi là cuối năm nay, lạm phát tại Việt Nam sẽ lên tới hai số, tức là 10% trở lên, và để tài sản khỏi mất giá thì càng tìm cách lưu trữ bằng vàng hay đô la.

Những biện pháp chống đỡ nhất thời chỉ giải quyết triệu chứng và càng gây phản tác dụng khi vật giá thiếu ổn định. Nguy hại nhất là khi dân chúng thấy dự trữ quý kim và ngoại tệ của nhà nước thật ra không đủ sức chặn cơn sóng dữ so với lượng vàng lưu hành trong dân. Và những thông tin đầy mâu thuẫn của giới chức nhà nước không giúp gì cho niềm tin đang bị sói mòn.

Giá vàng tác động thế nào đến đời sống người dân ?

Ta nên sợ vòng xoáy trôn ốc đi xuống. Vì ảnh hưởng quá lớn của vàng trong sinh hoạt, khi vàng lên giá vì mối lo lạm phát thì hiện tượng lên giá đó lại càng gây bất ổn vật giá và càng để thổi bùng lạm phát! Và tác động sẽ vận hành từ dưới lên: người không có tiền để trữ vàng thi bị thiệt nhất. Còn đầu cơ vàng mà bị lỗ thì cũng là quy luật bình thường.

Xin cảm ơn chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa.
 

07:48

Chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa - California - 14/11/2010

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.