Vào nội dung chính
VIỆT NAM - CHÍNH TRỊ

Đảng CS Việt Nam khai mạc Đại hội XI với lời kêu gọi đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế

Hôm nay, tại Hà Nội, đảng CS Việt Nam đã khai mạc Đại hội lần thứ 11. Tổng bí thư mãn nhiệm thừa nhận « kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp ». Lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam khóa X kêu gọi đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế.

Phiên khai mạc đại hội XI của đảng CS Việt Nam tại Hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc gia (12/01/2011)
Phiên khai mạc đại hội XI của đảng CS Việt Nam tại Hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc gia (12/01/2011) REUTERS/Kham
Quảng cáo

Hôm nay, tại Hà Nội, đảng Cộng sản Việt Nam đã khai mạc Đại hội toàn quốc lần thứ XI, với sự tham dự của 1377 đại biểu. Sau bài phát biểu khai mạc Đại hội của chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, tổng bí thư Nông Đức Mạnh đọc báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa X.

Tổng bí thư mãn nhiệm nhận định là « kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp …các cân đối vĩ mô chưa thật vững chắc; chế độ phân phối còn nhiều bất hợp lý ».

Ông chỉ trích « những hạn chế, yếu kém trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo », « tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tội phạm, tệ nạn xã hội, suy thoái đạo đức, lối sống... chưa được ngăn chặn, đẩy lùi ». Thậm chí, ông Nông Đức Mạnh thừa nhận « còn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định chính trị-xã hội ».

Lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam khóa X kêu gọi « đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh, bền vững ».

Trong 8 ngày làm việc, Đại hội XI sẽ thảo luận và thông qua một số văn kiện như Cương lĩnh xây dựng đất nước, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa X… Đại hội XI cũng sẽ bầu ra một Ban Chấp hành Trung ương mới, dự kiến có 175 ủy viên chính thức. Về Bộ chính trị, có thể có 17 ứng viên.

Theo số liệu chính thức, đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay có 3,6 triệu đảng viên. Trong Báo cáo Chính trị, ông Nông Đức Mạnh kêu gọi đảng Cộng sản Việt Nam « tiếp tục thực hiện chủ trương đảng viên làm kinh tế tư nhân; thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng ».

Bình luận của báo chí quốc tế về Đại hội 11 đảng CS Việt Nam

Về những bình luận của báo chí quốc tế liên quan đến Đại hội Đảng, hãng tin AP ghi nhận là mặc dù những khẩu hiệu, hình cờ đỏ búa liềm được treo khắp nơi ỏ Hà nội, nhưng đa số người dân Việt Nam không quan tâm đến sự kiện này, vì họ phải lo vật lộn với lạm phát, với giá thực phẩm leo thang.

Tờ nhật báo Mỹ Christian Science Monitor ghi nhận : Đại hội Đảng khai mạc giữa lúc mọi người đang đặt vấn đề về khả năng của Đảng quản lý một trong những nền kinh tế tăng nhanh nhất châu Á, sau vụ tập đoàn Vinashin không trả được món nợ 60 triệu đôla vào tháng trước. Đại hội diễn ra trong bối cảnh tiền đồng mất giá đã khiến lạm phát tăng vọt ở Việt Nam, nhưng tờ báo trích lời một nhà kinh tế Việt Nam cho biết, cảm nhận chung của các nhà đầu tư trong nước là chính phủ vẫn quan tâm đến việc đạt mức tăng trưởng cao, hơn là chống lạm phát.

Theo tờ Christian Science Monitor, mặc dù vụ Vinashin gây tác hại cho khả năng vay tín dụng quốc tế của Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương đảng CS Việt Nam chắc sẽ không từ bỏ mô hình công nghiệp hóa với khu vực Nhà nước nắm vai trò chủ đạo. Các tài liệu trình Đại hội cho thấy là giới lãnh đạo Việt Nam sẽ điều chỉnh chút ít, chứ sẽ không xét lại một cách nghiêm chỉnh chính sách hiện hành. Cũng như Đảng sẽ không xét lại hệ thống chính trị độc đảng, vốn vẫn hạn chế mọi tranh luận công khai.

Về phần đài truyền hình Ảrập Aljazeera thì nhận định rằng các lãnh đạo Đảng cam kết sẽ đối đầu với những thách đố phía trước, nhưng nhiều người tỏ vẻ bi quan, không tin rằng Đại hội sẽ làm được điều gì. Theo thông tín viên của đài này, vấn đề tối hậu được đặt ra là Việt Nam có sẽ đạt được những mục tiêu dài hạn đã đề ra hay không, trong đó có mục tiêu trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại vào năm 2020, với mức tăng trưởng bình quân hàng năm 7%. Nhưng những thách đố về kinh tế rất to lớn. Các nhà phân tích tài chính ở Việt Nam nhấn mạnh rằng cần phải cải tổ toàn diện để đưa đất nước tiến về phía trước. 

Hãng tin Bloomberg News trích lời giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Việt Nam, thuộc Học viện Quốc phòng Úc ở Canberra, nhận định rằng, vai trò của ông Nguyễn Tấn Dũng tại Đại hội là dấu hiệu chứng tỏ cho các đại biểu là ông đã nắm lại vị trí của mình. Các đại biểu trong tuần này sẽ quyết định xem ông Nguyễn Tấn Dũng có được bầu lại vào Bộ Chính trị hay không. Trong trường hợp đó, ông Dũng coi như sẽ tiếp tục được chọn làm thủ tướng khi Quốc hội khóa mới nhóm họp vào tháng 5.

Ông Dũng đã bị chỉ trích nặng nề trên vấn đề quản lý tập đoàn Vinashin, hiện đang mắc món nợ lên tới 4,4 tỷ đôla. Trong bài phát biểu hôm nay, ông Trương Tấn Sang, thường trực Ban bí thư, người được cho là sẽ trở thành tân chủ tịch Nước, nhìn nhận là kết quả hoạt động của một số tập đoàn Nhà nước còn thấp so với tiềm năng của những tập đoàn này. Tuy không nhắc đến tên Vinashin, ông Sang nói rằng « có tập đoàn đang bên bờ vực phá sản, gây nhiều thiệt hại kinh tế và bất bình trong dư luận. ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.