Vào nội dung chính
VIỆT NAM

Bảy dân oan Việt Nam bị kết án từ 2 năm đến 8 năm tù giam

Bảy người dân tranh đấu đòi lại đất bị cưỡng chiếm và quyền tự do tôn giáo, bị xử tại tỉnh Bến Tre vào ngày hôm nay 30/05/2011 với tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền”. Mục sư Dương Kim Khải lãnh bản án 6 năm tù giam và 5 năm quản chế. Người bị án nặng nhất là bà Trần Thị Thúy bị án 8 năm tù giam và 5 năm quản chế.

Thành phố Bến Tre và sông Cổ Chiên (DR)
Thành phố Bến Tre và sông Cổ Chiên (DR)
Quảng cáo

Đảng Việt Tân cho biết trong số 7 dân oan có ba người là thành viên của tổ chức. Trong một bức thư gởi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, 5 dân biểu Hoa Kỳ kêu gọi trả tự do tức khắc cho 7 dân oan. 

Theo bản tin của AFP từ Hà Nội thì vào sáng nay 30/05/2011, bảy người dân Việt Nam người thì do tranh đấu đòi lại đất đai bị quan chức chính quyền cưỡng chiếm , người thì đòi tự do tôn giáo đã bị ra tòa án tỉnh Bến Tre.

Trong số bảy bị cáo, ba người là thành viên đảng Việt Tân, một tổ chức chính trị đối kháng có trụ sở chính tại Hoa Kỳ, bị đảng Cộng sản Việt Nam xem là tổ chức “khủng bố”.

Đảng Việt Tân xác nhận các bị cáo đều là những người tranh đấu ôn hòa trong đó có mục sư Tin lành Dương Kim Khải,bản thân là một dân oan trước khi thành mục sư. Ông là người hết lòng hỗ trợ cho nhiều dân oan ở Bến Tre, Cần Thơ đòi lại đất đai bị cưỡng chiếm.

Nhóm 7 dân oan này bị bắt trong tháng 7 và tháng 11 năm ngoái. Họ bị quy tội theo điều 79 đạo luật hình sự, liên hệ với đảng Việt Tân “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”.

Theo phóng viên Trịnh Anh của đài Chân Trời Mới tường thuật vào 20 giờ đêm hôm nay, phiên tòa kết thúc vào lúc 19 giờ 30 với những bản án nặng nề.

Bà Trần Thị Thúy khiếu kiện đất nhà bị cán bộ huyện Tam Nông cưỡng chiếm từ năm 1992 bị án nặng nhất với 8 năm tù giam và 5 năm quản chế.

Ông Phạm văn Thông bị 7 năm tù giam và 5 năm quản chế. Mục sư Dương Kim Khải 6 năm tù và 5 năm quản chế. Ông Cao Văn Tỉnh bị 5 năm tù giam và 4 năm quản chế. Bà Phạm Ngọc Hoa, ông Nguyễn Thành Tâm, ông Nguyễn Chí Thành mỗi người bị 2 năm tù và 3 năm quản chế.

Hãng tin AFP nhận định nạn tranh chấp nhà đất giữ dân và chính quyền, tình trạng bồi thường không xứng đáng là nguồn cội đưa đến những cuộc biểu tình phản kháng tại Việt Nam.

Tổ chức Ân Xá Quốc Tế cho biết thêm là từ khi chính quyền tung chiến dịch tăng cường trấn áp các tiếng nói khác biệt vào năm 2009, đã có nhiều chục nhà phản biện ôn hòa gồm luật sư, nhà báo độc lập đã bị kết án tù.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.