Vào nội dung chính
VIỆT NAM

Một nhóm nhân sĩ kiện đài phát thanh và truyền hình Hà Nội

Trong lá đơn đề ngày 5/9/2011 gởi Tòa án Nhân dân quận Đống Đa, Hà Nội, 10 nhân sĩ trí thức đã kiện Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội. Đứng nguyên đơn là các nhà trí thức Nguyên Ngọc, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Văn Khải, Ngô Đức Thọ, Vũ Ngọc Tiến, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Quang A, Lê Dũng, Nguyễn Đăng Quang và Nguyễn Xuân Diện.

Những người biểu tình phản đối Trung Quốc  bị xem là "những tấm bia che chắn cho các thế lực thù địch (DR)
Những người biểu tình phản đối Trung Quốc bị xem là "những tấm bia che chắn cho các thế lực thù địch (DR)
Quảng cáo

Theo lá đơn kiện này, hai buổi phát sóng ngày 21 và 22/8 của Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội đã có những nội dung « vu khống, xuyên tạc, xúc phạm », những người biểu tình phản đối Trung Quốc, trong đó có các vị nhân sĩ nói trên. 

Cụ thể, những người biểu tình bị xem là những « tấm bia che chắn cho các thế lực thù địch phản động » hoặc là những người « bị các thế lực phản động trong nước và ngoài nước kích động », thậm chí bị coi là « chà đạp lên tình cảm yêu nước chân chính của người dân thủ đô ». Kèm theo các lời bình nói trên là bức ảnh minh học chụp các ông Nguyên Ngọc, Nguyễn Huệ Chi và Nguyễn Văn Khải. Theo các nhân sĩ trí thức đứng nguyên đơn, như vậy là Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội đã vi phạm Luật báo chí và Bộ Luật dân sự Việt Nam. 

Trong đơn kiện, các nhân sĩ trí thức nhắc lại là ngày 26/8 họ đã yêu cầu Đài PT-TH Hà Nội đăng phản ứng phát biểu của họ về những nội dung nói trên, cũng như xin lỗi và cải chính, nhưng đài này đã không thực hiện yêu cầu đó. Cho nên họ làm đơn kiện này để yêu cầu xử lý về mặt pháp luật Đài PT-TH Hà Nội và nhóm phóng viên liên quan, dựa trên Luật báo chí và Bộ Luật dân sự Việt Nam. 

Về phần ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, cũng vừa cho công bố một bức thư ngỏ đề ngày hôm nay, 6/9/2011 gởi các lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam để chất vấn về hai việc : Thứ nhất là bắt bớ, đàn áp những người biểu tình phản đối Trung Quốc, bôi xấu, chụp mũ họ là « phản động ». Thứ hai là việc thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh gần đây đã cam kết với Trung Quốc sẽ « kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam ». 

Trong thư ngỏ, ông Lê Hiếu Đằng đặt câu hỏi là hai sự việc nói trên có phải là chủ trương của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam hay không ? Nếu không thì phải có biện pháp để xử lý những người đã lạm quyền, có những hành động và tuyên bố như trên. 

Việc ngăn chận các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc diễn ra trước chuyến viếng thăm Việt Nam của Uỷ viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc, bắt đầu hôm qua và kéo dài đến ngày 9/9. Theo Tân Hoa Xã, trong chuyến viếng thăm lần này, ông Đới Bỉnh Quốc sẽ đồng chủ trì cuộc họp lần thứ năm của Uỷ ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc cùng với Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.

Chuyến viếng thăm của ông Đới Bỉnh Quốc diễn ra trong bối cảnh giữa hai nước còn căng thẳng do vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, nhưng trả lời phỏng vấn Tân Hoa Xã hôm qua, đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh, Nguyễn Văn Thơ khẳng định là quan hệ Việt- Trung vẫn nồng ấm. 

Về tôn giáo, trong chuyến đi Việt Nam lần thứ ba, đại diện không thường trú của Giáo hoàng, Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli đã lần đầu tiên đến thăm Tổng giáo phận Huế và Giáo tỉnh Huế. Đức cha Girelli đã đặt chân đến sân bay Phú Bài Huế ngày 3/9 và đã mở chuyến thăm mục vụ ở Tổng giám phận Huế cho đến ngày Chủ nhật 4/9, trước khi đi thăm các giáo phận khác thuộc Giáo tỉnh Huế đó là Đà Nẵng, Quy Nhơn, Kon Tum, Ban Mê Thuột và Nha Trang, cho đến ngày 16/9.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.