Vào nội dung chính
VIỆT NAM

Việt Nam giảm giá xăng dầu để kìm bớt lạm phát

Việt Nam đã cho giảm giá dầu diesel và dầu hỏa xuống khoảng 1,9% bắt đầu từ 11 giờ trưa vào hôm nay 10/10/2011, giờ Việt Nam. Hãng tin Bloomberg nhận định, đây là nỗ lực nhằm kìm hãm nạn lạm phát ở Việt Nam, vốn đang ở mức cao nhất châu Á.

Giá xăng dầu Việt Nam giảm xuống khoảng 1,9% (Reuters)
Giá xăng dầu Việt Nam giảm xuống khoảng 1,9% (Reuters) Reuters
Quảng cáo

Thông cáo của Bộ Tài chính Việt Nam cho biết, giá dầu diesel từ 20.800 đồng/lít xuống còn 20.400 đồng/lít, giá dầu hỏa từ 20.500 đồng/lít còn 20.200 đồng/lít, còn giá bán lẻ xăng và dầu ma-zút vẫn được giữ nguyên. Việc giảm giá này căn cứ trên diễn biến giá xăng dầu thế giới, và sau khi Bộ Tài chính đã kiểm tra lại giá đăng ký của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, có sự đồng ý của Bộ Công thương. 

Bloomberg trích lời ông Nguyễn Duy Phong, một nhà phân tích của công ty chứng khoán ACB nhận xét, việc giảm giá này sẽ góp phần làm giảm đi áp lực của lạm phát, vì giúp giá thành vận chuyển giảm đi, và như vậy giá thực phẩm cũng như hàng hóa nói chung cũng sẽ hạ bớt. Dầu diesel thường được các công ty vận tải Việt Nam sử dụng, trong khi dầu hỏa hầu hết được dùng trong các nhà máy và hộ gia đình. 

Hồi tháng 6, Ngân hàng Thế giới đã cho rằng tình trạng vật giá gia tăng ở Việt Nam là « không thể chịu đựng nổi », và kêu gọi các nhà hoạch định chính sách duy trì các biện pháp siết chặt tiền tệ cho đến khi lạm phát xuống dưới mức 10%. Giá tiêu dùng trong tháng 9 đã tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái, và tỉ lệ lạm phát của Việt Nam hiện thuộc loại nhanh nhất trong số 17 nền kinh tế châu Á Thái Bình Dương được Bloomberg ghi nhận. 

Hôm qua (9/10/3011), Trung Quốc đã cho giảm giá nhiên liệu lần đầu tiên kể từ đầu năm nay. Còn Việt Nam hồi tháng 8 cũng đã cho giảm giá các sản phẩm xăng dầu khoảng 2,3%.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.