Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - XÃ HỘI

Trung Quốc dùng các tôn giáo để kiểm soát xã hội

Nhật báo La Croix ngày 26/06/2010 có loạt bài về các tôn giáo tại Trung Quốc. Bài «Phật giáo nở rộ tại Trung Quốc» do đặc phái viên La Croix gửi về từ Liêu Ninh, một tỉnh miền đông bắc Trung Quốc. Một bài khác có tựa đề «Tại Hàng Châu, các xứ đạo Tin Lành không ngớt người lui tới», nói về sự phát triển của đạo Tin Lành tại tỉnh này trong thời gian gần đây. Đặc biệt đáng chú ý, dưới tựa đề « Chính quyền Trung Quốc sử dụng các tôn giáo như công cụ kiểm soát », là bài phỏng vấn giáo sư Lý Thiên Cương, một chuyên gia về lịch sử Công giáo tại đại học Phục Đán, Thượng Hải.

Tín đồ Thiên Chúa Giáo tham dự thánh lễ Giáng Sinh trong một nhà thờ ở Hợp Phì, tỉnh An Huy. Ảnh chụp năm 2008.
Tín đồ Thiên Chúa Giáo tham dự thánh lễ Giáng Sinh trong một nhà thờ ở Hợp Phì, tỉnh An Huy. Ảnh chụp năm 2008. AFP
Quảng cáo

Giáo sư Lý Thiên Cương giải thích sự thức tỉnh tâm linh hiện nay tại Trung Quốc cần được hiểu như là một cuộc truy cầu hạnh phúc, bị các hoạt động chạy theo việc làm giàu từ ba mươi năm bóp nghẹt. Nhà sử học tôn giáo Trung Quốc này nhận xét: quan điểm truyền thống của chính quyền Bắc Kinh, nhìn nhận tôn giáo như một hoạt động mê tín dị đoan và lừa mị con người, trên thực tế đã biến mất. Mặc dù, chúng ta vẫn có thể tìm thấy trong các phát ngôn chính thức một vài phần sót lại của hệ tư tưởng cũ kỹ này.

Theo ông, hiện nay, chính quyền Trung Quốc sử dụng các tôn giáo như các công cụ để kiểm soát xã hội nhằm bảo vệ một sự ổn định. Giáo sư Lý Thiên Cương cho rằng cần phải tách biệt đạo của chúa Giê Su với lĩnh vực chính trị nhà nước, tách biệt giữa đời sống riêng tư và đời sống công cộng, mà chế độ cộng sản vẫn luôn luôn không chấp nhận sự phân biệt này.

Theo ông, năm tôn giáo chính thức tại Trung Quốc, đạo Phật, đạo Lão, đạo Hồi, đạo Tin Lành và đạo Công giáo, vẫn nằm dưới sự kiểm soát chính trị và chế độ hiện nay vẫn trực tiếp yêu cầu các nhà lãnh đạo tôn giáo nên được đào tạo tốt, niềm nở và có sức thu hút hơn, nhằm làm cho các tín đồ tin tưởng họ và đặc biệt là lắng nghe họ. Chính quyền Bắc Kinh đã nhìn thấy mặt tích cực của các tôn giáo trong việc phục vụ xã hội.

Về sự nở rộ của đạo Tin Lành tại Trung Quốc, ông Lý Thiên Cương thể hiện sự lo ngại, bởi vì, theo ông, không phải là các nhà truyền giáo đã mang lại sự phát triển này, mà chính là những người Trung Quốc. Đây là một điểm rất đặc biệt. Những người Trung Quốc tự tập hợp tìm hiểu Kinh thánh với nhau trong các cộng đồng rất nhỏ của họ.

Các lo ngại của ông là, những người nghèo hướng đến Giáo hội, mà phủ nhận chính phủ, điều đó sẽ là nguồn gốc của các xung đột trong tương lai. Ông muốn chính quyền chú ý đến các hoạt động truyền giáo mới này, và mong muốn chính quyền quản lý các vấn đề mà ông gọi là « hoàn toàn mang tính nội bộ của Trung Quốc » để tránh sự ra đời của các phong trào cực đoan, có tính giáo phái, động chạm trực tiếp đến chế độ.

Khi La Croix đặt câu hỏi, liệu có thể dùng hình ảnh này để nói về các tín đồ Công giáo hoạt động ngoài vòng pháp luật không, giáo sư Lý Thiên Cương cho biết các hoạt động đó không gây nguy hiểm cho chế độ. Mặc dù, số lượng những người này rất đông, nhưng chính quyền Bắc Kinh đã nắm được những người công giáo trên phương diện tôn giáo và vì vậy không coi họ như là những người đối lập. Ông Lý Thiên Cương cho biết, Giáo hội Công giáo có tổ chức rõ ràng và, trong con mắt của chế độ, những người Trung Quốc theo Công giáo rất có kỷ luật, hàng ngũ giáo hội ngầm tỏ ra tuân phục. Điều này hoàn toàn khác với đạo Tin Lành, vốn có tổ chức rất lỏng.

Về đạo Phật, ông Lý Thiên Cương nhận định, số lượng những người theo tôn giáo đứng thứ hai tại Trung Quốc sau Lão giáo này, phát triển nhanh hơn người theo đạo Thiên chúa. Nhờ ở các thực hành rất đơn giản, Phật giáo thu hút được tín đồ dễ dàng, thêm vào đó, các tu viện, chùa chiền nhận được nhiều nguồn đầu tư, thu hút được nhiều khách du lịch.

Giáo sư sử học Công giáo Trung Quốc nhận định, các giá trị tâm linh bị quên lãng do cuộc chạy đua làm giàu trong ba mươi năm gần đây, được ông Đặng Tiểu Bình khuyến khích. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người đi theo tôn giáo, để tìm kiểm chỗ dựa cho tâm hồn. Ông hy vọng, phong trào này ngày càng phát triển và xã hội sẽ đi theo hướng dần dần trở nên nhân bản hơn.

Một tác phẩm điêu khắc tại Triển lãm Thượng Hải làm Bắc Kinh không thích

Cũng tại Trung Quốc, Le Figaro chú ý đến nhà trưng bày của Pháp tại Triển lãm Toàn cầu Thượng Hải. Tổng cộng đến nay đã có 3 triệu khách vào. Ngày 19 /6, dưới trời nóng đến 31 độ C, có đến 420 nghìn người đã kiên nhẫn đợi để được vào thăm. Dự kiến sẽ có 10 triệu khách cho đế khi triển lãm bế mạc vào tháng 10.

Tuy nhiên, theo đặc phái viên của Le Figaro, những gì được trưng bày ở đây đều thuộc về một nước Pháp đã khá xưa, của dòng điện ảnh mới thập kỷ 1960-1970, của hình ảnh tháp Effeil bất tử, của các bức tranh từ Bảo tàng Orsay.

Mới mẻ nhất tại nhà triển lãm Pháp là các tác phẩm nghệ thuật của bốn nghệ sĩ đoạt giải Marcel Duchamps năm 2009, thì lại không được mở ra cho các khách thăm quan chiêm ngưỡng. Đặc biệt bức tượng một chiếc đầu khổng lồ gắn vòng gai nhọn, miệng nhai các đồng tiền nhân dân tệ của nghệ sĩ Damien Deroubaix, khiến nhà cầm quyền Bắc Kinh rất tức giận. Chỉ có rất ít khách mời đặc biệt được vào xem gian triển lãm các tác phẩm nghệ thuật đương đại này.

Miến Điện tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân

Liên quan đến Miến Điện, nhật báo Le Figaro có bài « Tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân của Miến Điện đã lộ rõ ». Sau năm năm điều tra, Đài Phát thanh Dân chủ Miến Điện (DVB), một kênh phát thanh của lực lượng đối lập có trụ sở ở Oslo đã tiết lộ những tham vọng của một trong những chế độ độc tài nhất hành tinh. Các bằng chứng của nhiều sỹ quan quân đội cấp cao của Miến Điện, và hàng ngàn bức ảnh về trang thiết bị, hình mẫu, kế hoạch, hình vẽ và nhiều tài liệu khác cho phép lần đầu tiên khẳng định được rằng các tướng lĩnh nước này đang muốn sản xuất tên lửa và làm giàu uranium. « Họ muốn sản xuất bom, đó là mục tiêu chính của họ », Sai Thein Win, một trung úy mới đào ngũ, đã tiết lộ với DVB như vậy.

Nhà máy Myaing nằm ẩn trong vùng rừng núi, được trang bị bởi hai công ty Đức. Nhà máy này sẽ được sử dụng cho việc hoàn thiện các tên lửa tầm xa. Ở phía bắc của nhà máy, ngôi làng Thabeikkyin là trụ sở Tổng hành dinh của một tiểu đoàn hạt nhân.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ trên, cựu giám đốc của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế, ông Robert Kelley, cho rằng Miến Điện thật sự đã tiến hành một chương trình hạt nhân, nhưng theo ông, còn lâu họ mới có thể có được bom nguyên tử. Theo ông, các lãnh đạo nước này đã tốn tiền vô ích đối với một nước kém phát triển như Miến Điện. Vì tiếp cận một công nghệ hiện đại, phức tạp và đắt đỏ, như việc phân tách đồng vị bằng laser là một công nghệ mà ngay cả Pháp, Mỹ và Nga còn chưa đạt tới.

Thật ra, Le Figaro cho biết, trở thành một cường quốc hạt nhân trước năm 2025 là một tham vọng của tướng tổng tư lệnh Than Shwe, bởi ông này luôn bị ám ảnh bị Mỹ tấn công. Aung Lyunn Thut, một cựu sỹ quan tình báo đào ngũ năm 2005 nói : « Than Shwe luôn ngưỡng mộ Bắc Triều Tiên dám đương đầu với Mỹ và ông cũng mơ ước một ngày kia cũng được diệu võ giương oai ».

Tài liệu không thể khẳng định là Bình Nhưỡng có chuyển giao công nghệ hạt nhân cho Miến Điện hay không, nhưng chứng minh được rằng hợp tác giữa hai bên đang tiến triển, như hàng loạt chuyến đi lại của tàu Kang Nam 1 của Bắc Triều Tiên giữa nước này và cảng Thilawa của Miến Điện. Tàu này bị cho là chở những mảnh lắp ghép tên lửa đạn đạo. Rồi các chuyến thăm bí mật của đại diện Tập đoàn Namchongang Trading của Bắc Triều Tiên, bị cho là ngầm bán công nghệ hạt nhân cho Miến Điện.

Tháng 11/2008, tướng Thura Shwe, tổng tham mưu trưởng liên binh chủng của Miến Điện đã bí mật tới Bình Nhưỡng và đã được tham quan những cơ sở dưới lòng đất của Bắc Triều Tiên bao gồm nhà máy hoàn chỉnh tên lửa, kho dự trữ và nhà chứa máy bay.

Còn về tiền đầu tư, thì sĩ quan đào ngũ kể trên cho biết là các tướng lĩnh lao vào các dự án hạt nhân nhờ tiền có được từ khu mỏ dầu Yadana do tập đoàn dầu hỏa Total của Pháp khai thác. Từ năm 2000, tức năm bắt đầu khai thác, đến năm 2008, Miến Điện đã kiếm được 4,83 tỷ đô la từ khai thác dầu.

Tuy nhiên, nhà báo Khin Maung Win, thành viên của cuộc điều tra, cho rằng : “ngoại trừ tham vọng tự đại của nhà độc tài Miến Điện, thì những vụ đào ngũ cho thấy hiện tại có nhiều lo lắng và thịnh nộ trong quân đội trước những lãng phí tài chính này ». 

Hệ quả tai quái của tín dụng carbon

Trong lĩnh vực môi trường, nhật báo Le Monde ghi nhận, theo nhiều tổ chức bảo vệ môi trường, việc giảm được phân nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính thông qua các chương trình của LHQ tài trợ cho các nước phía Nam trong khuôn khổ Cơ chế phát triển sạch (MDF), có thể chỉ là giả tạo. Nhất là đã giúp cho ngành công nghiệp hóa chất kiếm được những khoản tiền tài trợ khổng lồ. Tệ hại hơn nữa, phương pháp mà Liên Hiệp Quốc đưa ra đang làm tăng lượng khí thải thay vì làm giảm. Như vậy, các cơ chế này đã gián tiếp gây hại đến tầng ô-zôn.

Trong khi đó ngày 25/06, Ủy ban Phương pháp luận của ban thư ký Hiệp ước khung về Biến đổi khí hậu của LHQ sẽ cho ý kiến về vấn đề này. Việc cơ quan hành pháp của MDF có thể sửa đổi mọi thứ trong cuộc họp từ ngày 26 đến ngày 30 tháng bảy tới đây, đã gây cho các thị trường nhiều lo lắng.

Và đây là mấu chốt của vấn đề : chất HFC23, một loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính được thải ra trong quá trình sản suất khí làm lạnh HCFC22, rất cần cho ngành công nghệ lạnh. Mức độc hại của loại khí thải này gấp 11.700 lần so với khí CO2. Vì thế, xây dựng các cơ sở hạ tầng công nghiệp để thu dẫn và tiêu hủy loại khí thải này đã nhanh chóng trở thành ưu tiên hàng đầu của MDF. Tổng số chất HFC23 được thải ra tương đương với nửa tỷ tấn CO2 quy đổi.

Ông Lambert Schneider, cựu thành viên Ủy ban Phương pháp luận thuộc Hiệp ước khung về biến đổi khí hậu của LHQ phân tích:  Khi được MDF tài trợ như vậy, thì HFC23 từ chỗ là một sản phẩm phụ bỗng nhiên trở thành sản phẩm chính, bởi các nhà công nghiệp sẽ tùy vào mức được hỗ trợ tín dụng để quyết định lượng khí sẽ thải ra. Như vậy các nhà công nghiệp đã tăng mức sản xuất và cố ý giữ ở mức cao tỷ lệ lượng khí thải HFC23. Và trên thực tế, vì các nhà công nghiệp nhận được nguồn tài trợ tín dụng carbon, cho nên họ đã thải ra một lượng lớn khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đáng lẽ có thể đã tránh được.

Phải chăng là vấn đề đã hoàn toàn bế tắc ? Trong khi chờ đợi những quy định mới, thì các tổ chức phi chính phủ đã trình lên Ủy ban kế hoạch hiệp ước khung về biến đổi khí hậu của LHQ đề xuất giảm 90% tín dụng carbon. Việc này đã gây lo lắng cho các thị trường, và biểu hiện là, giá của các khoản tín dụng carbon này trên thị trường đã bắt đầu tăng vọt từ vài hôm nay.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.