Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - NHẬT BẢN

Bắc Kinh ngưng đối thoại ngoại giao với Tokyo sau vụ va chạm trên biển

Để trả đũa quyết định của Nhật kéo dài thời gian tạm giam thuyền trưởng tàu Ngư chính của Trung Quốc, Bắc Kinh tuyên bố dời cuộc họp song phương về biển Hoa Đông được dự trù vào giữa tháng 9 này. Thông cáo của bộ Ngoại giao Trung Quốc, được đưa ra đêm hôm qua, thứ sáu 10 tháng 9 năm 2010, là phản ứng mới nhất của Bắc Kinh sau gần một tuần lễ leo thang tranh cãi giữa đôi bên.

Tàu tuần tiễu Trung Quốc tại vùng biển cách đảo Okinawa 280 km về phía tây bắc. Ảnh chụp từ một tàu tuần duyên Nhật Bản (11/09/2010)
Tàu tuần tiễu Trung Quốc tại vùng biển cách đảo Okinawa 280 km về phía tây bắc. Ảnh chụp từ một tàu tuần duyên Nhật Bản (11/09/2010) REUTERS/Japan Coast Guard/Handout
Quảng cáo

Chiều tối hôm qua, Trung Quốc ra thông báo « quyết định dời vòng hai đợt thảo luận về biển Hoa Đông dự trù vào giữa tháng 9 ». Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du nhấn mạnh : « phía Nhật đã xem thường những lời phản đối chính thức của Trung Quốc và tiếp tục thi hành thủ tục tư pháp đối với thuyền trưởng của Trung Quốc ». Viên chức này đe dọa : « Nhật gieo gió sẽ gặt lấy bão ».

Sau vụ đụng chạm giữa một tàu đánh cá Trung Quốc với hai tuần dương hạm Nhật Bản tại vùng đảo hai bên tranh chấp mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Nhật gọi là Senkaku hôm thứ ba, hải quân Nhật đã bắt chiếc tàu của Trung Quốc và đến thứ năm thì trao viên thuyền trưởng này cho tư pháp quyết định. Tòa án Nhật lập tức cho phép kéo dài thời gian tạm giam đến 10 ngày.

Cũng trong ngày hôm qua, bộ Quốc phòng Nhật tỏ ý lo ngại trước những hoạt động càng ngày càng nhiều của hải quân Trung Quốc trong vùng biển sát hải phận Nhật Bản.

Tại Bắc Kinh, đại sứ Nhật bị triệu mời đến lần thứ ba trong khi báo chí do đảng cộng sản kiểm soát gợi ý là vụ bắt giam thuyền trưởng sẽ tạo ra phản ứng giận dữ trong dân chúng. Còn thái độ cứng rắn của chính quyền Trung Quốc được báo chí giải thích là để tránh bị dân công kích là yếu mềm.

Theo hãng Reuters, thì hôm nay lực lượng công an Trung Quốc xuất hiện đông đảo hơn trước sứ quán Nhật nhưng không thấy có dấu hiệu chuẩn bị biểu tình phản đối.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde phân tích :

Đây là lần thứ ba trong tuần mà đại sứ Nhật Uichiro Niwa nhận được một lệnh triệu tập như vậy. Không cần phải tham khảo các cẩm nang về chiến lược ngoại giao để hiểu được rằng mức độ phản đối của Bắc Kinh đã tăng lên một nấc.

Sau thứ trưởng Ngoại giao hôm thứ ba, sau trợ lý bộ trưởng Ngoại giao hôm thứ tư, bây giờ đến lượt Ngoại trưởng Trung Quốc triệu tập đại sứ Nhật Bản. « Chính phủ Trung Quốc hết sức kiên quyết trong việc bảo vệ chủ quyền trên các đảo Điếu Ngư, cũng như các quyền lợi của công dân Trung Quốc », đây là thông điệp của bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì, được đăng tải trên trang điện tử của bộ này.

Câu hỏi đặt ra là : phải chăng vùng biển phía Đông Trung Quốc giờ đây đã trở thành cái mà các nhà ngoại giao gọi là « vùng lợi ích cốt tử » của Trung Quốc, giống như hai khu vực Tây Tạng và Đài Loan ?

Nhìn chung, thế cục chiến lược, năng lượng và chính trị nội bộ của Trung Quốc khẳng định rằng Bắc Kinh có ý định duy trì ưu thế về hàng hải tại khu vực này. Con tàu đánh cá Trung Quốc, bị bắt giữ trong sự cố hôm thứ ba vừa qua (07/09/2010), về mặt chính thức, là một tàu của chính quyền có nhiệm vụ tuần tra « để bảo vệ sinh mạng và tài sản của những người đánh cá Trung Quốc ».

Các tranh chấp xung quanh quần đảo Điếu Ngư, theo cách gọi của Trung Quốc, hay Senkakun, theo cách gọi của Nhật Bản, bắt đầu nảy sinh từ cách đây hơn 30 năm, nhưng căng thẳng giữa hai phía giảm đi rõ rệt kể từ năm 2003. Trong khi đó, năm 2009, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Nhật Bản.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.