Vào nội dung chính
CAM BỐT - LAO ĐỘNG

Hàng chục ngàn công nhân Cam Bốt dự định tổng đình công vào thứ hai tới

Tại Cam Bốt, hơn 80 ngàn công nhân ngành may mặc chuẩn bị đình công suốt tuần lễ tới. Theo thông báo của Nghiệp đoàn Liên hiệp Công Nhân, cuộc đấu tranh này sẽ ảnh hưởng đến 80 nhà máy trên toàn quốc với mục tiêu đòi tăng lương từ 60 đô la lên 93 đô la mỗi tháng. Yêu sách này gặp sự phản đối của giới chủ, đa số là người Trung Quốc.

Một người bán hàng rong đang đợi khách trong đêm, tại thủ đô Phnompenh (10/09/2010)
Một người bán hàng rong đang đợi khách trong đêm, tại thủ đô Phnompenh (10/09/2010) REUTERS/Chor Sokunthea
Quảng cáo

Quy mô dự kiến của cuộc đình công

Tại Phnom Penh hôm nay, đại diện lực lượng công nhân thông báo họ sẽ tổ chức cuộc đình công lớn vào thứ hai tuần sau và kéo dài trong năm ngày. Lần này Nghiệp đoàn nói họ quy tụ được trên 80.000 công nhân đồng lòng tham gia đòi tăng lương cải tiến đời sống. Trường hợp tổng đình công diễn ra theo đúng dự định sẽ làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của 1/6 các xưởng may mặc trên toàn quốc.

Trong cuộc họp, công nhân đã bỏ phiếu chọn giải pháp đình công mặc dù Hiệp Hội Các Nhà Sản Xuất Hàng May Mặc bảo đảm sẽ có thêm các cuộc thương lượng vào tháng 11 và năm tới. Ông Ath Thun, Chủ Tịch Liên Hiệp Liên Đoàn Dân Chủ Công Nhân May Mặc Cam Bốt nói : đây là quyết định đồng thuận tiếp theo phiên họp ngày thứ tư (08/09/2010).

Kế hoạch tổng đình công này là hệ quả tất nhiên sau thời gian dài giằng co giữa đại diện công nhân và phía chủ về việc ấn định mức lương tối thiểu cho công nhân. Hợp đồng về lương do chính quyền và phía chủ đưa ra là 61 đô la/tháng.

Mục tiêu của cuộc đấu tranh của công nhân dệt may lần này

Đây không phải là lần đầu và cũng chưa có con số chính xác công nhân đã tổ chức bao nhiêu cuộc đình công để bày tỏ nguyện vọng thiết thực của họ và gia đình. Mục tiêu chính yếu của cuộc tổng đình công lần nay là đòi phía chủ phải đồng ý tăng mức lương lên tối thiểu là trên 90 đô la/tháng. Nếu được như vậy thì mới tạm đủ sống để đeo đuổi công việc lao động trong các xí nghiệp may mặc.

Từ ngày Cam Bốt được quyền thành lập các nghiệp đoàn bảo vệ quyền lợi công nhân, tại Phnom Penh thường xảy ra các cuộc đình công. Có khi cuộc đình công vừa mới khởi sự thì bị cảnh sát giải tán ngay. Có khi chỉ mới đưa ra thông báo sẽ đình công thì Tòa Đô Chính Phnom Penh lại thông báo cần ổn định trật tự công cộng, tránh cảnh kẹt xe trên đường phố nên cấm tụ tập đình công. Một quang cảnh không khó thấy là đội hình có vũ trang của quân cảnh, cảnh sát được dàn ra dọc theo tuyến đường mà công nhân nói họ sẽ tổ chức đình công, vì thế gây tâm lý lo lắng cho dân cư ở khu vực này.

Một sự kiện mà nhiều công nhân cũng như dân cư Phnom Penh chưa quên, đó là vụ ám sát người lãnh đạo Công Đoàn Cam Bốt ngày 22/1/2004, là ông Chea Vichea, vì ông đã kêu gọi công nhân phải can đảm đứng lên đòi hỏi quyền lợi cho chính mình.

Ông Chea Vichea bị bắn vào đầu và ngực khi đang đứng đọc báo buổi sáng sớm ở sát góc tường một ngôi chùa nổi tiếng trong thủ đô. Nơi ông bị bắn sau đó có số dân chúng thường đến thắp nhang tưởng nhớ. Tuy nhiên về sau chính quyền lại cho làm một cầu tiêu công cộng ngay chỗ ông chết để người dân khỏi cúng bái tưởng nhớ. Hiện nay, cái cầu tiêu công cộng này đã bị tháo bỏ.

Điều kiện làm việc và lương bổng của công nhân may mặc

Theo ông Ath Thun hiện là Chủ  tịch Liên Hiệp Công Nhân nói số tiền lương 61 đô la không đủ sống, vì sinh hoạt thường nhật của công nhân đa số là nữ từ quê lên làm việc nên phải thuê mướn nhà trọ, còn tiền mua gạo và thức ăn. Ông Ath Thun nói : đồng lương tối thiểu phải là 93 đô la.

Nhiều nhà trọ bình dân được cất lên để đáp ứng nhu cầu trú ngụ của công nhân xa quê. Tiền nhà trọ ít nhất là trên 10 đô la, nhiều công nhân phải thuê phòng ở chung để giảm bớt tiền chi phí và mong ra còn dư chút đỉnh gởi về quê giúp gia đình, sau khi ăn uống tiết kiệm mỗi ngày, hàng tháng, nhưng vẫn phải lao động đôi khi quá giờ để có thêm tiền.

Hiện nay đa số nhà máy tập trung tại khu vực Chôm Chao cách Phnom Penh khoảng 20 km về hướng Tây, nhiều chủ nhân là người Trung Quốc, sinh sống trong khu vực riêng gần nhà máy.

Ông Ken Loo, Tổng thư ký Hiệp Hội Các Nhà Sản Xuất Hàng May Mặc Cam Bốt cho biết : cuộc tổng đình công sẽ ảnh hưởng đến công nghiệp may mặc, vì đòi hỏi của công nhân không đúng theo luật pháp. Ông cũng cho rằng, đòi được số lương 93 đô la/tháng là không thể được. Khu vực hàng may mặc được coi là ngành xuất cảng chủ lực của Cam Bốt, năm 2008, doanh thu đạt đến 3,1 tỷ đô la, năm 2009 rớt xuống còn 2,69 tỷ đô la. Hiện có khoảng 300 công ty thuê mướn 300.000 công nhân.

Mức thu nhập không đủ sống tại Cam Bốt là nguyên nhân của đình công

Nhiều người Việt Nam qua Phnom Penh thăm viếng thân nhân đều nói, giá cả tại Phnom Penh cao hơn ở Sài Gòn. Hiện nay 1.000 Riel ăn hơn 4.000 đồng Việt Nam. Thực tế cuộc sống tại Phnom Penh nếu với 2 đô la một ngày thì rất chật vật cho một cá nhân. Với 3 đô la một ngày thì công nhân có thể sống được, nhưng trong lâu dài thì chỉ làm mướn suốt đời chứ không thể mua được một căn nhà nhỏ để gia đình trú ngụ.

Hiện chưa có giải pháp cất nhà cho công nhân thuê với giá rẻ và tương đối có tiện nghi để họ bớt phần cực nhọc. Giới chủ thường chỉ ngó vào số lượng hàng xuất khẩu và không muốn tăng lương cho công nhân vì sợ hao tốn túi tiền.

Việc đòi tăng lương đã xảy ra từ nhiều năm trước nhưng vẫn không đạt được thỏa thuận giữa chủ và thợ. Thật ra vì quyền lợi bản thân và tập thể, và chính vì nhu cầu đời sống hàng ngày nên công nhân tổ chức đình công, bởi vì nếu kéo dài đồng lương 61 đô la/ tháng thì chỉ đi làm để sống tạm qua ngày. Giới chủ nước ngoài biết tâm lý công nhân cần công việc để giúp gia đình và không dám bỏ việc nên không chịu tăng lương, còn đình công thì khó thực hiện vì chính quyền không ủng hộ đình công.

Phạm Phan/Phnom Penh/RFI
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.