Vào nội dung chính
CHÂU Á

Bóng dáng Trung Quốc sẽ ám ảnh Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á

Ngày 30/10 tới đây, lãnh đạo 16 quốc gia trong khối Thượng đỉnh Đông Á sẽ họp lại tại Hà Nội để bàn về những vấn đề liên quan đến toàn khu vực. Hội nghị Thượng đỉnh lần này đặc biệt có hai khách mời là Hoa Kỳ và Nga, hai nước sẽ chính thức làm thành viên của khối kể từ năm 2011.

Người biểu tình bài Nhật ở Bắc Kinh đòi tẩy chay hàng Nhật (Reuters)
Người biểu tình bài Nhật ở Bắc Kinh đòi tẩy chay hàng Nhật (Reuters)
Quảng cáo

Ngoài mặt, hiển nhiên là các vị lãnh đạo sẽ vui vẻ bắt tay chào đón nhau, thế nhưng theo giới phân tích, bề ngoài đó sẽ không che giấu được tâm trạng quan ngại của khu vực trước các hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc nhằm áp đặt chủ quyền của họ trên các vùng biển đang tranh chấp với các láng giềng, từ biển Đông cho đến biển Hoa Đông. 

Vào tối hôm qua, 24/10/2011, đúng một tuần lễ trước khi Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á khai mạc, Bắc Kinh lại tung ra một tín hiệu cứng rắn hướng về Nhật Bản khi cho hai chiếc tàu ngư chính của mình tiến lại gần vùng quần đảo Senkaku / Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, hiện do Nhật Bản quản lý, nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền. 

Trong bối cảnh hai bên đang tìm cách giảm căng thẳng sau vụ tàu đánh cá Trung Quốc đâm vào tàu tuần duyên Nhật Bản thượng tuần tháng 9 vừa qua trong khu vực này, hành động có thể gọi là « khiêu khich » của Bắc Kinh vào tối qua có thể làm cho tình hình phức tạp thêm. Giới quan sát đã gắn liền sự kiện này với các cuộc biểu tình bài Nhật tại Trung Quốc trong vài tuần lễ nay để cho rằng Bắc Kinh vẫn tiếp tục thị uy với Tokyo để giành thế thượng phong trong cuộc tranh chấp ở vùng biển Hoa Đông. 

Không chỉ có hành động quyết đoán với Nhật Bản, Trung Quốc trong thời gian qua đã liên tục lấn lướt các nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền với họ trên vùng Biển Đông. Việt Nam là quốc gia phải chịu nhiều sức ép nhất từ phía Trung Quốc : ngư dân thì bị bắt giữ, đòi tiền phạt khi đến đánh bắt tại vùng Hoàng Sa, công việc hợp tác khai thác dầu khí với nước ngoài ở ngoài khơi thì bị ngăn trở nếu liên quan đến nhưng khu vực mà Trung Quốc cho là của họ…Ngay cả Hải quân Hoa Kỳ cũng nhiều lần vấp phải các hành động cản trở tự do lưu thông tại vùng Biển Đông, nơi mà 80% diện tích được Bắc Kinh tự nhận là thuộc quyền của họ. 

Trung Quốc không chịu thỏa hiệp trên vấn đề chủ quyền

Các hành động quyết đoán nhằm buộc các nước khác chấp nhận đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc rất nhiều và thường xuyên được nêu lên trong thời gian gần đây tại các hội nghị khu vực từ Diễn đàn An ninh Châu Á Thái Bình Dương ở Singapore, còn gọi là Đối thoại Shangi-La, cho đến Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN, Hội nghị các Bộ Trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng ADMM+. 

Điều này cho thấy là thái độ lấn lướt của Trung Quốc tiếp tục gây quan ngại cho Hoa Kỳ cũng như là cho hầu hết các láng giềng của Bắc Kinh. Trả lời phỏng vấn của hãng tin Pháp AFP, ông Ralph Cossa, chủ nhiệm ban Châu Á Thái Bình Dương tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington đã ghi nhận : « Sở dĩ thái độ quan ngại ở mức cao, đó là vì nhiều nước tin rằng họ đang thấy trước những gì mà Trung Quốc sẽ làm một khi quốc gia này vươn lên thành công. Chính điều đó khiến cho các quốc gia khác lo âu.» 

Chuyên gia Pavin Chachavalpongpun, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore đã giải thích rõ hơn về mối quan ngại của các quốc gia Đông Nam Á. Theo ông, các nước Đông Nam Á cho rằng « Trung Quốc sẽ không thỏa hiệp khi nói đến các vấn đề liên quan đến chủ quyền của họ », nhất là khi Bắc Kinh chủ trương giải quyết vấn đề chủ quyền một cách song phương với từng nước một, trong lúc ASEAN lại muốn liên kết với nhau thành một khối, cho phép họ có thêm trọng lượng trong đàm phán. 

Như trong những cuộc gặp gỡ cấp khu vực từ đầu năm đến nay, các chuyên gia được AFP trích dẫn đều cho rằng thái độ của Trung Quốc đối với toàn vùng tất yếu sẽ được đề cập đến tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á sắp diễn ra. Ông Damien Kingsbury, một chuyên gia Đông Nam Á tại Đại học Deakin của Úc nhận đinh : « Tất nhiên vấn đề Trung Quốc sẽ hiện diện rộng rãi trong hội nghị. Toàn bộ vùng Đông Nam Á đã phải gánh chịu thái độ quyết đoán của Trung Quốc ». 

Không chỉ riêng Đông Nam Á, vấn đề Trung Quốc cũng là mối quan tâm của Nhật Bản và Hoa Kỳ, và đại diện hai nước này cũng có mặt tại Hà Nội nhân Hội nghị sấp tới đây.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.