Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Giả thuyết mới về vụ Truyền hình Trung Quốc ngụy tạo phóng sự bằng cảnh phim Mỹ

Cuối tháng Giêng 2011 vừa qua, đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV bị lật tẩy là đã dùng hình ảnh lấy từ một bộ phim Mỹ, nhưng trình bày như là cảnh thật quay được khi làm phóng sự về không quân Trung Quốc. Đó là một cảnh trong Top Gun một bộ phim Mỹ nổi tiếng. 

Hình ảnh của Truyền hình Trung Quốc bị đem ra so sánh với cảnh phim Top Gun
Hình ảnh của Truyền hình Trung Quốc bị đem ra so sánh với cảnh phim Top Gun Nguồn: Internet
Quảng cáo

Từ lúc vụ gian lận bị phát hiện, câu hỏi đặt ra là làm sao một định chế truyền thông nhà nước tầm cỡ như CCTV lại có thể trắng trợn, thậm chí ngô nghê, khi đánh cắp hình từ một bộ phim nổi tiếng thế giới như Top Gun, đã có biết bao người xem qua, thậm chí xem đi xem lại cho đến thuộc lòng từng cảnh một.

Ngày 8/2 vừa qua, tờ Wall Street Journal, một trong những tờ báo đầu tiên phanh phui vụ việc, đã bước đầu tìm ra một lời giải thích : đài CCTV không trực tiếp quay cóp, mà dùng lại một đoạn phim của một phía thứ ba, và chính phía này mới là thủ phạm ‘’đánh cắp phim Mỹ’’. Tuy nhiên, theo giới phân tích, kể cả khi giả thuyết trên được xác minh là có thực, điều đó vẫn không xóa bỏ thực tế là CCTV đã ngụy tạo phóng sự.

Vụ tai tiếng này khởi sự từ hạ tuần tháng giêng. Ngày 23/01, đài này đã phát đi một bài phóng sự về hoạt động tập huấn của một phi đội chiến đấu cơ J-10 của không quân Trung Quốc, đặt căn cứ tại miền Nam. Trong phim có cảnh một chiếc J-10 bắn ra một tên lửa phá tan một chiếc máy bay địch. Cảnh này với chiếc phi cơ địch nổ tung coi rất hoành tráng, như muốn cho thấy kỹ thuật siêu đẳng của không quân Trung Quốc

Rủi thay, cư dân mạng Trung Quốc ngay sau đó đã chỉ ra rằng cảnh chiếc tên lửa làm nổ tung máy bay địch lại giống y hệt cảnh trận không chiến cuối cùng trong phim Top Gun, hoàn thành từ năm 1986, với nam diễn viên Tom Cruise thủ vai chính. Trong đoạn phim Top Gun, Tom Cruise trên một chiến đấu cơ F-14 đã phóng tên lửa phá hủy một chiếc F-5.

Một blogger Trung Quốc đã đăng tải song song hình ảnh từ bản tin của CCTV và từ bộ phim Top Gun cho thấy ảnh trong hai phim khác nhau lại hoàn toàn giống nhau. Một blogger khác ghi nhận là hình thù, hướng bay của các mảnh vỡ, và khói tỏa ra sau vụ nổ giống hệt nhau trong hai bản phim. Blogger này đã mỉa mai : "CCTV là vua quay cóp".

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, sau khi bị lật tẩy, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đã vội vàng xóa bỏ clip phóng sự đó trên trang web của họ, còn chính quyền thì ngăn chặn không cho truy cập vào các bài viết và hình ảnh liên quan đến vụ việc. CCTV cũng từ chối trả lời báo chí nước ngoài.

Thái độ im hơi lặng tiếng của đài Truyền hình Trung Quốc lại càng khẳng định mối nghi ngờ là chính họ đã thực hiện trò ‘’đạo phim’’. Tuy nhiên hồi đầu tuần này, nhật báo Mỹ Wall Street Journal, trong mục thông tin về Trung Quốc China Real Time Report, đã đưa ra một giả thuyết khác : CCTV có thể là không trực tiếp lấy hình ảnh từ phim Top Gun, mà lại dùng hình ảnh trích từ phim video quảng cáo cho loại chiến đấu cơ J-10 mà không quân Trung Quốc đang sử dụng.

Đoạn video này do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc China Aviation Industry Corporation, gọi tắt là AVIC, thực hiện. AVIC là hãng chế tạo ra chiếc J-10. Video quảng cáo cho chiến đấu cơ J-10 đã được nhiều website Trung Quốc đăng tải vào đầu năm 2007 với ghi chú là đoạn phim đã được công bố nhân một cuộc họp báo ngày 05/01 cùng năm.

Theo một độc giả của Wall Street Journal, ngoài đoạn phim bị phát hiện rất giống với phim Top Gun, phóng sự của CCTV cũng chứa đựng một số cảnh khác trong phim video quảng cáo cho chiếc J-10. Khi được hỏi về vấn đề này, một phát ngôn viên của đài truyền hình CCTV cho biết là không có người để trả lời, viện lẽ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Còn tập đoàn AVIC thì xác nhận đã làm ra đoạn video quảng cáo cho chiến đấu cơ J-10 vào năm 2006, nhưng bác bỏ cáo buộc là họ đã dựa vào phim ảnh Hollywood để tô điểm thêm cho phần quảng cáo của mình.

Ông Đinh Trí Dũng, Giám đốc Giao tế của AVIC tuyên bố : "Chúng tôi không thể và không cần làm một điều như vậy. Phi cơ J-10 là một thành tựu mà chúng tôi rất tự hào, tại sao chúng tôi lại phải cần đến cảnh trong phim 'Top Gun' cơ chứ ?" Nhân vật này xác nhận là ông không biết chuyện CCTV sử dụng đoạn video của AVIC, nhưng cho rằng : "Tôi nghĩ là một số cư dân mạng hơi quá thích phim Top Gun và luôn luôn gắn tất cả những cái hay, cái đẹp với phim đó. Họ nghĩ rằng phải Mỹ mới đẹp."

Câu hỏi mà giới quan sát đặt ra vào lúc này CCTV đã lấy hình ảnh trực tiếp từ Top Gun, hay là từ phim video quảng cáo chiếc J-10 của AVIC, một sản phẩm cũng đánh cắp hình ảnh từ bộ phim Mỹ ? Trong cả hai trường hợp, việc làm của CCTV đều đồng nghĩa với hành động đánh lừa khán giả.

 

Dẫu sao, vì CCTV là một trong những phương tiện tuyên truyền chính của Bắc Kinh, các nhà phân tích cho rằng bài phóng sự là một nỗ lực của Trung Quốc nhằm tô điểm hình ảnh, mà cụ thể là lực lượng không quân của họ. Có điều, theo giới quan sát, để phục vụ mục tiêu phô trương thanh thế, Bắc Kinh không ngần ngại ngụy tạo thực tế, và lần này không phải là lần đầu tiên. Một trong những ví dụ điển hình là loạt sự kiện nhân lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh vào tháng 8 năm 2008.

Trước hết là cảnh bắn pháo hoa huy hoàng chung quanh thành phố Bắc Kinh nhân đêm khai mạc Thế vận hội đã được truyền đi khắp thế giới cho hàng triệu khán giả chứng kiến. Tưởng là cảnh thực, thế nhưng, người ta đã phát hiện ra là chính quyền Bắc Kinh không ngần ngại làm giả nhiều cảnh bằng hình ảnh kỹ thuật số 3 chiều, lồng ghép khéo léo vào cảnh thật khiến cho người xem bị lầm.

Khi bị lật tẩy, các quan chức Trung Quốc đã biện bạch là với bầu trời Bắc Kinh đầy sương khói, làm sao có thể cho thấy màn pháo hoa thành công được. Theo các nhà báo phương tây có mặt tại chỗ vào khi ấy, ngay cả những người ngồi tại sân vận động quốc gia dự lễ khai mạc cũng bị lừa khi xem cảnh pháo hoa giả tạo trên màn hình vĩ đại đặt trong sân.

Trò đánh lừa thứ hai là cảnh cô bé ca sĩ tí hon được vinh dự lên hát trong lễ khai mạc. Mọi người đều ngây ngất trước giọng ca thiên phú này, ngờ đâu cô bé Lâm Diệu Khả chỉ hát « nhái » trên sân khấu, còn người hát thật là một bé gái khác, tên Dương Bái Nghi, phải ở trong hậu trường vì ngoại hình xấu xí.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.