Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Fukushima : Một lần nữa lòng dũng cảm của người Nhật bị thách thức

Đăng ngày:

Theo Cơ quan an toàn hạt nhân Nhật bản, hôm nay 17/03/2011, tình hình ổn định tại 3 trong số 6 lò phản ứng hạt nhân tại trung tâm Fukushima 1. Tình trạng của lò số 4 rất nguy hiểm, do vỏ bọc bê tông bị nứt và nước trong hồ đã cạn. Vào lúc dầu sôi lửa bỏng này, mối quan ngại cốt lõi vẫn là, liệu có ngăn chận được một thảm họa nổ hạt nhân như Tchernobyl hay không ? 

REUTERS/Damir Sagolj
REUTERS/Damir Sagolj
Quảng cáo

Tập đoàn điện lực Tokyo Tepco đã sử dụng đến biện pháp cuối cùng là dùng trực thăng thả nước biển cứu lò số 3 và số 4. Tepco đang câu điện để phục hồi hệ thống làm nguội của lò số 1 và số 2. Lò số 5 và 6 đã được cung cấp điện.

Tepco dự trù phải sử dụng acide borique để hút phóng xạ. Một máy bay Pháp chở 95 tấn hóa chất này đã cất cánh vào sáng nay. Theo chuyên gia Pháp, Đặng Đình Cung, thì không còn hy vọng cứu các các lò hạt nhân bị cháy, nhưng chắc chắn ''không thể xảy ra một vụ Tchernobyl''.

Trả lời các câu hỏi của RFI, kỹ sư năng lượng Đặng Đình Cung từ Paris giải thích :

05:18

Giáo sư Đặng Đình Cung (Paris)

Chính quyền Nhật Bản đã quyết định sơ tán dân cư trong vòng 30 km xung quanh nhà máy. Đây là quyết định hay nhất, chứng tỏ tinh thần trách nhiệm đối với dân cao. Theo những đo đạc trên thân thể những người ở trong vùng thì chỉ thấy vài người bị nhiễm phóng xạ bên ngoài, và rất nhẹ. Nhiễm ngoại thì chỉ cần tắm rửa và thay quần áo là xong. Nếu nhiễm nội, nghĩa là chất phóng xạ đã thấm vào cơ thể, thì nguy hiểm hơn, những viên iode uống vào chỉ ngăn chặn được một phần của tác hại. Nhưng, cho tới hôm nay chưa thấy cảnh ai bị nhiễm nội cả.

Đối với chủ đầu tư Tepco, thì chuyện đã rồi : bốn bộ máy sẽ vĩnh viễn không còn sử dụng được nữa. Việc làm bây giờ là làm sao thải những chất phóng xạ ra ngoài trời theo một quy trình thích ứng. Quy trình này là hướng chùm hơi nước lên phía trên, càng cao bao nhiêu càng tốt để phân tán phóng xạ trên một diện tích càng rộng càng tốt. Hai bộ máy còn lại thì không biết ra sao, nhưng vẫn phải tiếp tục làm nguội lò phản ứng, cũng như hồ chứa nhiên liệu đã đốt.

Lượng phóng xạ mỗi lần thải ra có vẻ không đáng lo ngại mấy. Có lẽ, nhờ những lò phản ứng vẫn toàn vẹn. Khi mới thải khí từ lò phản ứng thì cường độ phóng xạ cao, nhưng sau vài phút thì giảm xuống thấp vì những vật liệu phóng xạ đã được pha loãng trên cao. Ngoài ra, hình như gió thổi về phía biển chứ không thổi về phía những nơi có dân cư.

Trong cuộc phỏng vấn của RFI hôm thứ Hai, tôi có trình bày những kịch bản mà các chuyên gia Pháp đã dàn dựng trước, phòng hờ khi tai nạn lò hơi hạt nhân thực sự xẩy ra. Những kịch bản đó tồi tệ, nhưng các đội cấp cứu vẫn nắm thế chủ động ở mỗi giai đoạn của tai nạn. Đặc biệt, lúc nào cũng vẫn có những máy bơm áp suất cao đổ nước làm nguội vào lò phản ứng. Ở Pháp, có những kho thiết bị thay thế được quản lý tập trung và sẵn sàng được mang đến nơi có tai nạn, nếu ở hiện trường có thiết bị hỏng hóc. Tôi cứ đinh ninh là những lò phản ứng ở Fukushima tiếp tục được làm nguội bằng những máy bơm không bị hỏng hay đã được thay thế. Hôm nay Tepco mới lo việc câu điện đến Fukushima để chạy những máy bơm làm nguội là một tin làm tôi ngạc nhiên. Hóa ra Tepco đã không bố trí gì để đối phó khi một thiết bị ở nhà máy hỏng hóc và bây giờ họ đã mất thế chủ động rồi. Điều mà tôi không biết là những máy bơm tại chỗ có còn dùng được hay không ? Nếu không dùng được, thì phải xin các cường quốc hạt nhân khác cho mượn và cấp tốc chở đến hiện trường.

Vào lúc kiều dân nước ngoài rời Nhật bản hàng loạt, dân Nhật tuy lo ngại nhưng vẫn không mất bình tĩnh. Đứng trước những thảm họa liên tục chưa kết thúc, tinh thần dũng cảm của người dân Phù Tang một lần nữa được thế giới ca ngợi.

Tinh thần này đã từng được đại sứ Pháp tại Nhật vào năm 1923 ghi nhận trong quyển sách « Le désastre japonais », khi Yokohama bị tàn phá 100%, không một căn nhà nào tồn tại sau trận động đất ngày 1/9/1923. Trong quyển sách « Thảm nạn Nhật Bản », nhà văn kiêm đại sứ Paul Claudel thuật lại : ''từng cá nhân kẻ góp chút gạo, kẻ đem chiếc xuồng'', ngay từ ngày đầu đã xây dựng lại thành phố như thế nào.

Nhà khoa học xã hội Pháp Jean-François Sabouret từng làm việc tại Kobe, lúc xảy ra động đất năm 1995, nhận định trên báo cộng sản Pháp L’Humanité : "từng bước nước Nhật sẽ phục hồi sau ba đại họa động đất, sóng thần và hạt nhân hiện nay".

Thông tín viên Đỗ Thông Minh có một số thông tin và câu chuyện cảm động do một cảnh sát Nhật gốc Việt thuật lại xin chia sẻ với thính giả trong bài tường thuật sau đây :

12:52

Thông tín viên Đỗ Thông Minh (Tokyo)

 

 

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.