Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Pháp, Hungary, Serbia : Ba điểm đến, ba mục tiêu của Tập Cận Bình

Đăng ngày:

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ ngày 05/05 đến ngày 10/05/2024 sẽ đi thăm ba nước châu Âu Pháp, Hungary và Serbia. Đây là chuyến công du  châu Âu đầu tiên của ông kể từ sau đại dịch Covid-19 và sẽ được Hoa Kỳ theo dõi chặt chẽ nhằm phát hiện bất kỳ chỉ dấu nào báo hiệu một sự suy giảm ủng hộ đối với chính sách đối ngoại quan trọng của Washington.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) và tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong khu vườn dinh thự của tỉnh trưởng Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 07/04/2023.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) và tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong khu vườn dinh thự của tỉnh trưởng Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 07/04/2023. AP - Jacques Witt
Quảng cáo

Theo lịch trình, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp Nhà nước hai ngày 06 và 07/05/2024 tại Pháp nhằm đánh dấu 60 năm thiết lập quan hệ song phương giữa Paris và Bắc Kinh, trước khi đến Serbia và kết thúc chuyến công du châu Âu tại Hungary từ ngày 08 đến ngày 10/05/2024.

Liên Hiệp Châu Âu trong vòng xoáy căng thẳng Mỹ - Trung

Thông cáo của điện Elysée nêu rõ « ác cuộc khủng hoảng quốc tế như chiến tranh Ukraina và tình hình Trung Đông, hồ sơ thương mại, hợp tác khoa học, văn hóa và thể thao cũng như những hành động chung để đối phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học và tình hình tài chính các nước dễ tổn thương nhất » sẽ là những chủ đề trọng tâm trong cuộc thảo luận giữa đôi bên.

Chuyến thăm Pháp của ông Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng đáng kể. Cuộc đọ sức trong lĩnh vực công nghệ mà gần đây nhất liên quan đến Tik Tok, là một bước leo thang mới trong cuộc cạnh tranh gay gắt giành thế bá quyền giữa hai ông khổng lồ trên thế giới.

Lãnh đạo Trung Quốc đến châu Âu vào một thời điểm nhạy cảm : Hoa Kỳ bước vào một giai đoạn bầu cử mà kết quả vẫn bất định, Ấn Độ trong mùa bỏ phiếu bầu mới Quốc Hội kéo dài nhiều tuần, trong khi Châu Âu, vừa phải tập trung các nỗ lực cho Ukraina, vừa phải chuẩn bị cho cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu vào tháng Sáu tới đây.

Một bối cảnh bất lợi cho Pháp và châu Âu, nhưng đó lại là một cơ hội cho Trung Quốc khẳng định quyết tâm thể hiện như là một cường quốc dấn thân, « nguồn lực cho hòa bình, ổn định và tiến bộ trên thế giới » theo như phát biểu của ngoại trưởng Vương Nghị hồi đầu tháng Ba, trước đối thủ Hoa Kỳ, hiện đang « bị sa lầy » trong hai cuộc xung đột quy mô lớn.

Thăm Paris, Bắc Kinh ve vãn, lôi kéo Liên Âu tránh xa Washington

Trung Quốc tìm cách nối lại quan hệ với Châu Âu, muốn tận dụng nỗi lo lắng của khối 27 nước liên quan đến bầu cử tổng thống Mỹ để bảo đảm rằng châu Âu khẳng định rõ ràng hơn và cụ thể hơn quyền « tự chủ chiến lược » thường xuyên được nói đến nhưng chưa được thực hiện đầy đủ trong nhãn quan của Bắc Kinh.

Theo South China Morning Post, quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu những năm gần đây đã trở nên căng thẳng do mất cân bằng cán cân  thương mại. Liên Âu tỏ ra bất mãn trước những khó khăn tiếp cận thị trường Trung Quốc. 

Khối 27 nước gần đây còn cho mở điều tra về cáo buộc Bắc Kinh ưu đãi cho các công ty Trung Quốc trong việc mua sắm thiết bị y tế, cũng như những nghi ngờ trợ giá cho các dòng sản phẩm phục vụ cho chuyển đổi năng lượng như tua bin gió, pin năng lượng mặt trời…, hay vấn đề xe ô tô điện do Trung Quốc sản xuất để có lợi thế giành các hợp đồng ở EU hay thâm nhập thị trường EU.

Những động thái mà theo phân tích Agatha Kratz, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc, với đài France Culture, cho thấy « có nhiều sự liên kết giữa mối quan tâm của Mỹ và các quan tâm của châu Âu, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Chúng ta đã thấy là châu Âu đưa ra rất nhiều công cụ, sáng kiến nhằm giải tỏa những lo ngại này. »

Vài ngày trước chuyến công du đến Paris của ông Tập Cận Bình, ngoại trưởng Vương Nghị trong cuộc điện đàm với người đồng cấp nói rằng Bắc Kinh « hy vọng phía Pháp sẽ thúc đẩy Liên Hiệp Châu Âu theo đuổi chính sách tích cực và thực dụng hơn đối với Trung Quốc ». Sự việc cho thấy Bắc Kinh hy vọng là không cuộc điều tra nào trong số này sẽ dẫn đến sự tách rời về kinh tế hay ngăn chặn công nghệ của Trung Quốc, một con đường mà Hoa Kỳ đang đeo đuổi.

Pháp : Quân cờ « hữu ích »

Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc thúc giục các nước châu Âu phát huy quyền tự chủ và trong chiến lược này, Pháp rõ ràng là một quân cờ hấp dẫn. Đảng Cộng sản Trung Quốc xem Pháp là một quốc gia « có tầm nhìn tương tự » như Trung Quốc.

AP nhắc lại, đến thăm Trung Quốc hồi tháng 4/2023, tổng thống Emmanuel Macron từng kêu gọi khối 27 nước nên áp dụng quyền tự chủ chiến lược và không trở thành « chư hầu » trong cuộc xung đột Mỹ - Trung. Tổng thống Pháp còn khiến Mỹ lo lắng khi tuyên bố Paris sẽ không mù quáng đi theo Washington tham gia các cuộc khủng hoảng mà họ không liên quan, ám chỉ rõ ràng đến yêu cầu thống nhất Đài Loan của Trung Quốc.

Nhưng nhà Trung Quốc học Alice Ekman, trả lời phỏng vấn báo Pháp L’Opinion ngày 14/03/2024, lưu ý Liên Âu chớ mất cảnh giác trước chiến dịch ve vãn của Trung Quốc : « Giọng điệu hòa dịu hơn, nhưng lập trường không thay đổi và vẫn đối lập nhau trên nhiều hồ sơ lớn, trên hết là hồ sơ Ukraina ».

Theo bà, Liên Hiệp Châu Âu có thể vẫn là đối tác thương mại hàng đầu, nhưng vì những lý do ý thức hệ và thực tiễn địa chính trị, Trung Quốc vẫn xem Nga như là một đối tác ưu tiên và tự nhiên. Quyết định chọn đến thăm Hungary và Serbia, hai nước chủ trương thân Nga, là một thông điệp rõ ràng : Chớ có kỳ vọng vào Bắc Kinh, thông qua mối quan hệ cá nhân giữa ông Tập Cận Bình và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin, để gây áp lực với Matxcơva nhằm giải quyết xung đột tại Ukraina !

François Chimits, kinh tế gia thuộc Trung tâm tư vấn Mercator, Viện Nghiên cứu về Trung Quốc, trên làn sóng France Culture, nhìn nhận Pháp và Liên Âu chỉ là một phần tử trong phương trình lớn : « Đối diện với tình thế này, Trung Quốc muốn tìm cách "bắt cá hai tay", nghĩa là vẫn duy trì đối tác chiến lược với Nga, nhưng đồng thời vẫn gìn giữ lối vào rộng mở, cũng như những trao đổi kinh tế năng động với Liên Hiệp Châu Âu. Theo tôi, điều này có thể giải thích cho việc tăng cường quan hệ ngoại giao song phương Pháp – Trung từ 4-5 năm qua. »

Cũng theo ông François Chimits, trong triển vọng bầu cử châu Âu và tổng thống Mỹ, « Trung Quốc muốn tìm kiếm khả năng thắt chặt hơn các mối quan hệ với châu Âu nhằm tránh cho việc khối này siết chặt mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương hơn là với Trung Quốc ».

Hungary : « Đối tác » chiến lược

Để có thể giữ chân Liên Âu, Bắc Kinh có thể trông cậy vào hai đối tác : Hungary – thành viên Liên Hiệp Châu Âu và NATO – Liên Minh Bắc Đại Tây Dương và Serbia, quốc gia vùng Balkan, có lập trường khá thân Nga.

Vào tháng 7/2024, Hungary dưới sự lãnh đạo của thủ tướng Victor Orban sẽ đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên của khối 27 nước châu Âu. Cũng theo South China Morning Post, vài ngày trước khi ông Tập lên đường đến Paris, ngoại trưởng Vương Nghị trong cuộc gặp với người đồng cấp Hungary Peter Szijjarto tại Bắc Kinh cũng đưa ra một thông điệp tương tự như với ngoại trưởng Pháp.

Khi ca tụng Hungary là « một quốc gia châu Âu có ảnh hưởng độc đáo, áp dụng chính sách độc lập », lãnh đạo ngành ngoại giao Trung Quốc bày tỏ hy vọng « Hungary sẽ tăng cường hợp tác chiến lược Trung Quốc – EU », khuyến khích khối 27 nước có « quan điểm hợp lý và thân thiện về sự phát triển của Trung Quốc » và theo đuổi « chính sách Trung Quốc tích cực và thực dụng hơn ».

Đáp lời, ngoại trưởng Hungary cho biết chính phủ Budapest phản đối việc « tách rời » khỏi Trung Quốc, một đối tác của sự « lựa chọn đúng đắn », đồng thời khẳng định Trung Quốc là một nước lớn có ảnh hưởng toàn cầu, và kêu gọi « thắt chặt » hơn quan hệ Hungary – Trung Quốc cũng như Liên Âu – Trung Quốc, trong bối cảnh quốc tế hỗn loạn.

Nếu như Pháp kỳ vọng nhân chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc có thể gia tăng đầu tư tại Pháp, nhất là trong lĩnh vực xe ô tô điện, thì chính  Hungary là nơi tập trung nhiều nhất đầu tư của Trung Quốc. Không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, quan hệ Trung – Hung còn được tăng cường cả trong vấn đề an ninh. Tháng 2/2024, Budapest công bố thỏa thuận an ninh mới với Trung Quốc, theo đó, cảnh sát Trung Quốc có thể tuần tra ở nước này.

Theo François Chimits, mối quan hệ đặc biệt này có thể gây ra nhiều rủi ro chính trị trên phương diện tầm ảnh hưởng và khả năng ra quyết định độc lập của châu Âu : « Bởi vì trong tất cả các vấn đề về quan hệ quốc tế, Liên Hiệp Châu Âu vận hành với sự nhất trí cho đến hiện tại. Đương nhiên, Hungary – với tư cách là một trong 27 nước thành viên – một mình có thể ngăn chặn rất nhiều quyết định. »

Đây chính là những gì đã diễn ra gần đây cho Thụy Điển. Chính phủ thủ tướng Orban đã trì hoãn việc quốc gia Bắc Âu này gia nhập khối NATO trong nhiều tháng. Với Trung Quốc, chính việc mở rộng khối liên minh quân sự này đã kích động ông Putin xâm chiếm Ukraina.

NATO, chất xúc tác cho mối quan hệ Beograd – Bắc Kinh

Cuối cùng liên quan đến Serbia, từ nhiều thập niên qua, Bắc Kinh đã xây dựng một mối quan hệ bền chặt, bao gồm cả việc chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không một cách bí mật cho nước Cộng hòa Nam Tư cũ vào năm 2022.

Theo dự đoán, nguyên thủ quốc gia Trung Quốc có khả năng đến Beograd vùng Balkan này vào ngày 7/5. Ngày này có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đúng kỷ niệm 25 năm vụ NATO ném bom trúng đại sứ quán Trung Quốc làm thiệt mạng ba nhà báo Trung Quốc. Tòa đại sứ năm xưa nay đã được biến thành một trung tâm văn hóa Trung Quốc rộng lớn và được coi là lớn nhất châu Âu, nhưng vẫn chưa được khai trương chính thức. Nhiều suy đoán cho rằng giới chức Trung Quốc và Serbia chờ chuyến thăm của ông Tập để đánh dấu sự kiện.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đầu tư rất nhiều tại quốc gia vùng Balkan, xây dựng cơ sở hạ tầng và nhất là trong lĩnh vực khai thác mỏ. Theo một phóng sự của kênh truyền hình ARTE hồi tháng 12/2022, Trung Quốc tập trung khai thác chủ yếu vàng và đồng, những khoáng sản dồi dào ở vùng phía đông Serbia. Quốc gia này cũng là cửa ngõ để Trung Quốc tiến vào thị trường châu Âu. Bắc Kinh, Budapest và Beograd hiện đang đàm phán về việc xây dựng một tuyến đường sắt nối Budapest – Beograd trị giá 1,9 tỷ đô la do Trung Quốc tài trợ.

Tóm lại, theo Alice Ekman, nhà Trung Quốc học Viện Nghiên cứu An ninh của Liên Hiệp Châu Âu, nền ngoại giao Trung Quốc sẽ tiếp tục khéo léo trải thảm đỏ đón tiếp Pháp và những nước châu Âu nào mà Trung Quốc có thể xem là những nước phương Tây hữu ích trong ngắn hạn, để khoét sâu thêm nữa những bất đồng trong lòng phe phương Tây.

Cụ thể, nếu như chuyến thăm Paris là cơ hội để Bắc Kinh tập trung vào mối quan hệ rộng lớn hơn với châu Âu, thì các điểm dừng Hungary và Serbia cho phép Trung Quốc khẳng định rằng ảnh hưởng của mình ở Đông và Trung Âu vẫn còn nguyên vẹn !

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.