Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Hungary, « người bạn tốt nhất » của Trung Quốc trong lòng Liên Hiệp Châu Âu

Đăng ngày:

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có chuyến công du Hungary 3 ngày, từ ngày 08-10/05/2024, được đôi bên gọi là"chuyến thăm lịch sử". Chương trình nghị sự và các thông tin về chuyến công du được giữ kín đến phút cuối, an ninh Budapest được thắt chặt cao độ, xuất hiện một lực lượng người Hoa đông đảo trên đường phố thủ đô... là những nét có thể quan sát được.

Thủ tướng Viktor Orban (P) tiếp đón chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viên tại sân bay Liszt Ferenc Budapest, ngày 08/05/2024.
Thủ tướng Viktor Orban (P) tiếp đón chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viên tại sân bay Liszt Ferenc Budapest, ngày 08/05/2024. AFP - VIVIEN CHER BENKO
Quảng cáo

Bắc Kinh tính gì khi chọn quốc gia Đông Trung Âu là điểm đến trong chuyến công du châu Âu đầu tiên từ năm 2019, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu đang trở nên căng thẳng trong nhiều lĩnh vực thương mại, công nghệ cũng như là trong nhiều hồ sơ quốc tế lớn?

Về phần Budapest, mối quan hệ giữa chính quyền Hungary với Liên Hiệp Châu Âu cũng đã trở nên lạnh nhạt. Chính phủ thủ tướng Orban Viktor bị cáo buộc vi phạm các nguyên tắc nhà nước pháp quyền, dẫn đến việc Liên Âu phong tỏa nguồn trợ cấp tài chính. Thái độ thân Nga và thân Trung Quốc của chính phủ thủ tướng Orban gây chia rẽ khối 27 nước trong nhiều hồ sơ lớn, nhất là trong việc hỗ trợ cho Ukraina chống quân xâm lược Nga. Thủ tướng Viktor Orban được gì khi trải thảm đỏ đón ông Tập Cận Bình ?

RFI Tiếng Việt mời quý vị theo dõi phần giải thích từ thông tín viên Hoàng Nguyễn từ Budapest.

---------- ********** ----------

RFI Tiếng Việt : Phải chăng Trung Quốc cũng muốn trông cậy vào Hungary để tránh bị áp thuế nhập khẩu các mặt hàng năng lượng sạch trong bối cảnh Liên Âu mở điều tra về chính sách trợ giá của Trung Quốc?

TTV Hoàng Nguyễn : Nhằm tới thị trường Liên Âu là mục tiêu của Bắc Kinh, và Hungary, quốc gia đang gặp khó khăn về kinh tế do nguồn tài chính của EU bị chặn, có thể là bàn đạp cho việc này. Một chuyên gia về Trung Quốc là ông Matura Tamás, trả lời phỏng vấn với hãng AP, cho rằng "chính phủ Hungary là người bạn thực sự cuối cùng của Trung Quốc trong toàn bộ EU".

Theo vị phó giáo sư tại Đại học Kinh tế Corvinus (Budapest), tình thế của Trung Quốc ở Liên Âu là rất khó khăn và do đó, Bắc Kinh cần một quốc gia thuộc lãnh thổ EU và thân thiện với hệ thống chính trị Trung Quốc, để có thể thiết lập "căn cứ" của mình, với mục tiêu hàng đầu là tránh mức thuế cao mà Liên Âu có thể áp dụng với các mặt hàng năng lượng sạch.

Trước mắt, Bắc Kinh đang phải đối đầu với nhiều thử thách ở Liên Âu, bên cạnh việc Ủy ban Châu Âu mở điều tra vào năm 2023 để khảo sát tác động bóp méo thị trường của việc nhà nước Trung Quốc hỗ trợ sản xuất ô tô điện. Điều tra có thể kết thúc bằng việc áp dụng thuế bảo hộ vào mùa hè này. Một số biện pháp đã được EU đề xuất tiến hành nhằm:

- Chống lại việc các nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời và tua-bin gió của Trung Quốc khởi đầu với mức giá thấp đáng ngờ trong các cuộc đấu thầu ở châu Âu,

- Chống lại các nhà sản xuất thiết bị y tế, các công ty đường sắt có liên quan trong việc xây dựng tuyến đường sắt Budapest-Beograd, "công trình thế kỷ" đầy bê bối tại Hungary và Serbia,

Ủy Ban Châu Âu đang xem xét tăng thuế đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc từ mức 10% hiện tại để bảo vệ thị trường sản xuất ô tô châu Âu mà Đức, nền kinh tế lớn nhất trong khối 27 thành viên, là trụ cột. Tháng 12/2023, Hungary đã thông báo Trung Quốc sẽ mở nhà máy sản xuất ô tô điện châu Âu đầu tiên ở miền Nam nước này.

Theo tuyên bố, đó sẽ là dự án của một trong những nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới của Trung Quốc, có thể làm đảo lộn khả năng cạnh tranh về ô tô của Lục Địa Già. Sự trỗi dậy của ngành công nghiệp xe hơi Trung Quốc ở Hungary cũng có thể góp phần làm gia tăng những chỉ trích chính trị của Berlin đối với Budapest trong thời gian gần đây.

Khi chọn Hungary và Serbia để đến thăm, hai nước này có những lợi điểm gì cho chiến lược đối phó Liên Âu của Trung Quốc?

TTV Hoàng Nguyễn : Trước hết, dễ thấy Serbia là quốc gia châu Âu thân Trung Quốc nhất, và Hungary là thành viên Liên Âu gần gũi nhất với Trung Quốc về nhiều mặt với chính sách "Hướng Đông" được nội các cánh hữu của thủ tướng Orbán Viktor theo đuổi gần 15 năm nay. Cả hai nước đều là địa điểm của nhiều dự án của Trung Quốc, được thực hiện bằng nguồn tín dụng Trung Quốc.

Xét về tỷ trọng tương đối của các khoản đầu tư của Trung Quốc, Serbia và Hungary đã trở thành những quốc gia nổi bật ở châu Âu, đặc biệt là ở Serbia, vai trò của Trung Quốc ngày càng quan trọng trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng. Hai nước đồng minh này còn mang tính chiến lược trong nỗ lực đối phó Liên Âu của Trung Nam Hải.

Chuyến công du của ông Tập Cận Bình tới Serbia nhằm đúng kỷ niệm 25 năm cuộc chiến do khối NATO phát động đối với Nam Tư (cũ) để ngăn chặn cuộc chiến tranh Kosovo của chế độ Slobodan Milošević và sự tiêu diệt người Albania ở Kosovo. Còn nhớ, trong khuôn khổ đó, vào ngày 7/5/1999, đại sứ quán Trung Quốc cũng bị đánh bom khiến 3 người tử vong.

Chủ tịch Trung Quốc đã tham gia lễ kỷ niệm 25 năm vụ đánh bom này cùng tổng thống Serbia Aleksandar Vučić ở Beograd, với phát biểu rằng đây là một sự kiện mà Bắc Kinh "không bao giờ quên". Đây cũng là sự kiện khiến Trung Quốc và Serbia "xích lại gần nhau" hơn bao giờ hết, và tới giờ, Trung Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất của Serbia.

Bên cạnh đó, vai trò của Hungary gần như không cần phải giải thích. Do cơ sở công nghiệp và công nghệ tại Hungary ở mức khá thấp, đối với chính phủ Hungary, vốn của Trung Quốc hay Đức đều được, miễn là có lợi và nước này không mấy quan tâm đến cái gọi là "đoàn kết chính trị của Liên Âu", thậm chí có lúc còn phản đối dữ dội.

Với quan điểm "một Châu Âu của các quốc gia dân tộc", nội các Orbán Viktor rất có lợi cho những lợi ích của Trung Quốc. Chưa nói đến chuyện hiện tại các nguồn tài trợ của EU cho Hungary bị đình chỉ bởi những cáo buộc về tình trạng tham nhũng và vi phạm nhà nước pháp quyền, Trung Quốc sẵn sàng lấp đầy những khoảng trống trong ngân sách Hungary.

Thủ tướng Orbán Viktor không giấu giếm lý do khiến ông ưu tiên đầu tư Trung Quốc: ông tin rằng kinh tế phương Tây đang suy thoái, trong khi Trung Quốc đang trên đà phát triển. Trong phát biểu gần đây tại một hội nghị ở Budapest, ông đã vạch ra tầm nhìn về một "nền kinh tế toàn cầu tổ chức trên cơ sở nguyên tắc cùng có lợi, không mang màu sắc ý thức hệ".

Đổi lại, thủ tướng Orbán Viktor có ý đồ gì và được gì khi trải thảm đỏ đón Tập Cận Bình? Ông muốn thách thức Liên Âu và NATO vào lúc Budapest căng thẳng quan hệ với hai định chế này?

TTV Hoàng Nguyễn : Cho dù sau 20 năm mới có một vị nguyên thủ quốc gia Trung Quốc công du Hungary, nhưng đây là gần gặp gỡ thứ 7 của ông Orbán Viktor với lãnh đạo họ Tập. Những biểu hiện phản đối Trung Quốc trong các hồ sơ nhân quyền bị bóp nghẹt từ trứng nước, sự hiện diện đông đảo của các tình nguyện viên tòa đại sứ Trung Quốc cho thấy ảnh hưởng của nước này tại Hungary.

Truyền thông và các nhà bình luận Hungary cho rằng, nếu trước nay đã có nhiều ý kiến phàn nàn về sự hiện diện "quá mức" của Trung Quốc tại Hungary, thì thực ra mọi thứ mới là khởi đầu, và bây giờ mới là thực sự! "Chúng ta đã ngồi lên toa tàu hỏa Trung Quốc", theo cách nói của truyền thông Hungary về mối quan hệ mật thiết nhiều mặt của hai đồng minh này.

Trước hết là về kinh tế và thương mại, dễ thấy là thủ tướng Orbán Viktor chờ đợi gì khi "trải thảm đỏ" đón lãnh đạo họ Tập. Trong nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế vài năm gần đây, Hungary đã tập trung chính sách vào việc hỗ trợ sản xuất ô tô điện và công nghệ bình điện, trên thực tế là đặt hy vọng vào các nhà máy xe hơi và pin điện chủ yếu của Trung Quốc, Đức và Hàn Quốc.

Theo nội các Orbán Viktor, đây là điều tốt cho Hungary, vì nước này giữ được những việc làm trong lĩnh vực ô tô khi chuyển đổi sang điện, và có thể đóng vai trò là cầu nối giữa phương Tây và phương Đông, và cũng tốt cho Trung Quốc khi một quốc gia EU cởi mở đón nhận đầu tư Trung Quốc, khi quan hệ thương mại của nước này với Mỹ và EU ngày càng trở nên băng giá.

Mặt khác, nếu các doanh nghiệp xuất khẩu lớn của Trung Quốc có nhà máy ở EU, thì việc ngăn chặn sự mở rộng của các sản phẩm Trung Quốc sang Châu Âu trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan sẽ khó khăn hơn nhiều, vì chúng đã được sản xuất "trong nội địa". Thị trường Châu Âu sẽ rộng mở với Trung Quốc, ít nhất là trong lĩnh vực phát triển xe điện và bình điện.

Đó là chưa kể đến việc Trung Quốc sẵn sàng phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng của Hungary bằng nguồn tín dụng của mình trong khuôn khổ chương trình "Nhất đới - Nhất lộ" ("Một vành đai - Một con đường"). Cần nhắc đến "dự án thế kỷ" - tuyến đường sắt Budapest - Beograd được quyết định từ 2015 - mà phải mất vài trăm năm Hungary mới có thể hoàn vốn.

Viễn cảnh những nhà máy được thực hiện với vốn đầu tư Trung Quốc lớn chưa từng có tại Hungary đang được vạch ra, và dường như chính quyền Budapest không lo ngại sự lệ thuộc, trở thành "thuộc địa" của Trung Quốc. Ngoại trưởng Szijjártó Péter không ngần ngại tuyên bố, "hợp tác với Trung Quốc về cơ bản quyết định nền kinh tế của các nước Châu Âu”.

Chiến lược này của thủ tướng Orbán Viktor có làm hại gì đến chính sách "giảm rủi ro" của Liên Âu đối với Trung Quốc?

TTV Hoàng Nguyễn : Không có những quan hệ mật thiết này đi nữa, thì từ nhiều năm nay Hungary vốn dĩ đã bị coi là "con ngựa gỗ thành Troy" với chính sách thân Trung Quốc và Nga. Trong hầu hết các hồ sơ, dường như nội các Orbán Viktor đều tìm được cách đi ngược lại với số đông các thành viên Liên Âu. Nước này có vẻ không ngần ngại những khi "còn lại một mình" ở EU.

Tuy nhiên, Liên Âu có thể làm gì trước hiểm họa Trung Quốc, trước hết là trên địa hạt thương mại, là nơi mà dù có những xung khắc, đôi bên vẫn "không thể thiếu nhau"? Cùng lắm, nếu chiến tranh thương mại trở nên tồi tệ hoặc nếu EU coi chúng là một rủi ro an ninh, Liên Âu có thể đưa ra một số biện pháp trừng phạt đối với các nhà máy Trung Quốc và sản phẩm tại đó.

Tất nhiên về lâu dài không thể loại trừ những điều này, nhưng ở thời điểm hiệ nay, có vẻ như EU và Trung Quốc đang quá phụ thuộc vào nhau (cả hai đều là thị trường xuất khẩu và là nguồn nhập khẩu rất lớn của bên kia), nên khó đi vào cuộc chiến kinh tế kiểu "ăn miếng trả miếng". Quan hệ Hung - Trung có lẽ không gặp phải mạo hiểm đáng kể từ Liên Âu xét từ góc độ này.

Mặc cho những quan ngại về rủi ro trong mối quan hệ với Trung Quốc, ngay trước khi đặt chân tới Budapest, lãnh đạo họ Tập đã tuyên bố gia hạn việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân 10 nước Liên Âu - trong đó có Hungary - cho đến cuối năm 2025. Đổi lại, Hungary xét đơn xin visa kinh doanh của Trung Quốc vào nước này trong vòng 48h, thay vì 15 ngày theo thông lệ.

Những động thái trên diễn ra "trên tinh thần hợp tác tốt đẹp, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau" theo cách diễn đạt của đôi bên. Ông Tập Cận Bình, trong bài viết đăng trên nhật báo thân chính phủ "Dân tộc Hungary" (Magyar Nemzet),  ví tình hữu nghị Hung - Trung giống như loại rượu Tokaj "vương tửu, tửu vương" nổi tiếng của Hungary: thơm, ngọt, đậm đà và để lâu.

Hãy chờ xem tương lai sẽ đi đến đâu trong ván bài này, mà cả đôi bên đều biết rõ điều mình muốn, và dường như tự tin vào khả năng không thể sai lầm của mình!

RFI Tiếng Việt xin cảm ơn thông tín viên Hoàng Nguyễn từ Budapest !

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.