Vào nội dung chính
BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN

Một người tỵ nạn Bắc Triều Tiên kiện chính quyền Hàn Quốc

Nguyên đơn là ông Lee Kwang Su, đã đến Hàn Quốc vào năm 2006. Trong các cuộc thẩm vấn khi mới đến, ông đã nhiều lần yêu cầu đừng tiết lộ danh tánh của ông, sợ rằng người thân của ông ở Bắc Triều Tiên bị trừng phạt trả đũa. Tuy nhiên, danh tánh ông vẫn bị tiết lộ cho báo chí và hậu quả là người trong gia đình ông đã biến mất.

Một nữ công an gác trại tù tại tỉnh Chongsong, nằm gần biên giới với Trung Quốc.( Ảnh chụp ngày 8/5/2011)
Một nữ công an gác trại tù tại tỉnh Chongsong, nằm gần biên giới với Trung Quốc.( Ảnh chụp ngày 8/5/2011) REUTERS/Jacky Chen
Quảng cáo

Theo hãng tin Hàn Quốc Yonghap vào hôm nay, 18/05/2011, ông Lee Kwang Su đã cho biết là thân nhân của ông đã bị giam giữ trong một nhà tù ở Bắc Triều Tiên và họ có thể bị kết án tử hình.

Hiện nay, ông Lee cư ngụ tại Hoa Kỳ. Ông đã từng kiện chính quyền Seoul vào năm 2008, đòi bồi thường thiệt hại hơn 1 tỷ won (1 triệu đô la).

Tháng 10 năm 2010, một toà án Hàn Quốc đã ra phán quyết bồi thường cho ông 35 triệu won, vì công nhận là chính quyền đã bất cẩn, để lộ thông tin về ông. Tuy nhiên, toà án này xác định là không có chứng cứ về số phận thân nhân của ông ở Bắc Triều Tiên.

Ông Lee kháng cáo để được bồi thường cao hơn. Phán quyết dự kiến sẽ được đưa ra vào ngày thứ Năm, 19/05/2011.

Theo hãng tin AFP, ông Lee đã cập bến Hàn Quốc cách đây 5 năm, cùng với vợ và hai người con trên một chiếc thuyền nhỏ. Theo lời khai của ông thì ông muốn đến Nhật Bản và xin tỵ nạn ở Đại sứ quán Mỹ. Nhưng do thời tiết xấu chiếc tàu, bị dạt về phiá Hàn Quốc.

Một tổ chức Tin Lành Hàn Quốc chở viện trợ qua Bắc Triều Tiên

Vào hôm nay, một đoàn xe vận tải của Tổ chức Tin lành Hàn Quốc (KNCC) chở hơn 170 tấn bột mì trị giá 100 triệu won đã rời thành phố biên giới Trung Quốc Đan Đông đi đến Bắc Triều Tiên. KNCC đã thực hiện việc này, bất chấp lệnh cấm của chính phủ Seoul.

Bộ Thống Nhất Bán đảo tại Hàn Quốc cho biết là sẽ có biện pháp đối với tổ chức Tin lành nói trên vì họ không có quyền tiếp xúc với người Bắc Triều Tiên và gởi hàng trợ giúp như thế.

Đối với tổ chức KNCC, đó là hàng trợ giúp nhân đạo, hoàn toàn không có tính chất chính trị. Tổ chức này xác định sẽ tiếp tục gởi hàng viện trợ dù không được phép.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.