Vào nội dung chính
CHÂU Á

Châu Á, tương lai của ngành hàng không thế giới

Tại buổi khai mạc triển lãm hàng không quốc tế 2011 ở Le Bourget (Pháp), đã xảy ra một việc bất ngờ : Do bị hỏng cánh trong một vụ va chạm tại sân bay, nên hãng hàng không Airbus đã không thể sử dụng chiếc A380 của mình để bay trình diễn trước công chúng.

Phi cơ Airbus A380 của hãng Air France (P.Delafosse / AF)
Phi cơ Airbus A380 của hãng Air France (P.Delafosse / AF)
Quảng cáo

Thay vào đó, hãng Airbus đã cho thử chiếc phi cơ A380 vừa xuất xưởng, nhưng chiếc này đã được bán cho hãng Korean Air của Hàn Quốc, vì thế cũng là A380 nhưng lại mang màu sắc và biểu tượng của hãng hàng không thuộc một nước Châu Á là Hàn Quốc. Qua vụ việc, Le Monde có cái nhìn tổng thể hơn với bài viết : « Tương lai của ngành chế tạo máy bay thế giới đang dịch chuyển về Châu Á ».

Một dấu hiệu khác mà Le Monde nêu ra, đó là ngay hôm trước đó, tập đoàn thương mại hàng không Comac của Trung Quốc đã khánh thành văn phòng đại diện ở Paris. Cách đây một năm, hãng này cũng đã mở văn phòng đại diện tại Hoa K ỳ. Những hoạt động trên nằm trong khuôn khổ của chính sách chuẩn bị tung ra thị trường máy bay C919. Đây là máy bay dân dụng cỡ lớn đầu tiên do Trung Quốc sản xuất theo công nghệ phương Tây với mục tiêu là cạnh tranh với A320 của Airbus và 737 của Boeing.

Lãnh đạo hãng Comac cho biết, việc chính thức đưa C919 ra thị trường được dự kiến vào năm 2016. Năm nay hãng này hy vọng có thêm đơn đặt hàng mới. Tờ báo cũng nhắc lại, tại triển lãm Chu Hải 2010 (Expo Zhuhai), Comac đã tậu được hơn trăm đơn đặt hàng.

Le Monde cũng thông tin về hai hợp đồng quan trọng khác của Comac. Hợp đồng đầu tiên được ký với hãng Safran (Pháp) về việc thành lập tại Thượng Hải một liên doanh sản xuất hệ thống dây dẫn cho C919 và cho thị trường hàng không vùng Châu Á Thái Bình Dương. Hợp đồng thứ hai là với hãng CFM, một liên doanh giữa tập đoàn Pháp Safran và tập đoàn Mỹ General Electric. Theo đó, CFM sẽ là hãng nước ngoài duy nhất cung cấp động cơ phản lực cho máy bay.

Năm 2010, tập đoàn hàng không Avic Trung Quốc cũng đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Safran. Trong khuôn khổ đó, hai hãng này cũng vừa ký hai thỏa thuận hợp tác mới trong lĩnh vực phát triển động cơ thế hệ mới dùng cho trực thăng hạng nặng phục vụ thị trường Trung Quốc và thế giới, và hợp tác trong lĩnh vực trang bị kỹ thuật điện tử hàng không cho trực thăng và ngành hàng không nói chung.

Mỹ sẽ sát cánh cùng Hàn Quốc chống Bắc Triều Tiên

« Căng thẳng gia tăng tại bán đảo Triều tiên », đó là tựa đề bái viết đăng trên báo La Croix , phản ánh quan hệ căng thẳng giữa hai miền nam bắc. Vừa qua, binh sỹ miền nam đã bắn nhằm máy bay chở khách của hãng Asiana (Hàn Quốc) do lầm tưởng là chiến đấu cơ của Bắc Triều Tiên. Theo La Croix , vụ việc cho thấy sự căng thẳng của các binh sỹ Hàn Quốc và bầu không khí ngày càng ngột ngạt giữa « hai anh em nhà Tri ều Tiên đang trong thế kẻ thù ».

Chỉ sau vài tháng yên bình, Bình Nhưỡng vừa rồi đã lên giọng với Seoul khi tuyên bố sẽ từ bỏ mọi đàm phán về hạt nhân với miền nam. Tờ báo nhắc lại, căng thẳng bắt đầu trở nên dữ dội sau một loạt rắc rối tại vùng biên giới giữa hai nước hồi năm rồi, trong đó có vụ miền Bắc nã pháo vào một đảo của miền nam. Đến mức mà tổng thống Hàn Quốc đã cho phép binh sỹ của mình được nổ súng khi thấy có nghi ngờ tấn công từ miền bắc mà không cần đợi lệnh của chính quyền trung ương.

Tuần này, Seoul cũng bày tỏ quan ngại sẽ có hành động gây hấn mới từ miền Bắc, và cho biết, quân đội miền Nam đang theo dõi sát sao hành động của quân đội miền Bắc và đang sẳn sàng chiến đấu.

Về phần mình, với tư cách là đồng minh chiến lược của Hàn Quốc, Hoa Kỳ cũng cảm thấy quan ngại. Hiện tại có 29 000 binh sỹ Mỹ đồn trú tại nước này. Tư lệnh quân đội Mỹ tại Hàn Quốc đã lên tiếng thể hiện quyết tâm của nước Mỹ : « Chính quyền Kim Jong-il đã có thái độ leo thang nhằm đạt được điều mình muốn, tôi tin rằng, liên minh Mỹ-Hàn được chuẩn bị tốt để đương đầu với mọi thách thức ».

Quân đội Hàn Quốc đang chuẩn bị triển khai trực thăng chiến đấu trên hòn đảo lớn nhất gần vùng ranh giới tranh chấp với Bắc Triều Tiên. Trong bối cảnh căng thẳng tột cùng đó, La Croix kết luận : chiến tranh lạnh vẫn còn chưa kết thúc.

Ban Ki-moon bị phê phán không xông xáo trên các hồ sơ nhân quyền

Ông Ban Ki Moon vừa chính thức tái đắc cử nhiệm kỳ 2 trên cương vị tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ). Liên quan đến công việc mà ông này đảm nhiệm từ năm năm qua, lời khen cũng lắm, lời chê cũng nhiều. Le Monde phân tích sự việc qua bài viết « Bảng tổng kết nhạt nhẻo cho nhiệm kỳ đầu của ông Ban Ki-moon ».

Ông được cả 15 thành viên Hội đồng Bảo an ủng hộ tái nhiệm. Le Monde đánh giá, ông Ban Ki-moon thường bị phê bình về phong cách e dè, thậm chí lu mờ, và sự thiếu khả năng thu hút đám đông so với người tiền nhiệm là ông Kofi Annan. Thế nhưng, ông Ban lại được sự ủng hộ nồng nhiệt của các cường quốc phương Tây trong Hội đồng bảo an. Pháp thì ca ngợi « kinh nghiệm vững chãi và sự quyết đoán » của ông. Mỹ thì cho rằng, dưới sự lãnh đạo của ông, « LHQ đã giữ một vai trò rất quan trọng trong việc đối phó với khủng hoảng và khó khăn trên toàn thế giới ».

Tuy nhiên, Le Monde cho biết, đa phần các nhà ngoại giao, chuyên gia phân tích ngoại giao cho rằng, những lời ca ngợi trên không đúng với thực tế. Với họ, bảng tống kết nhiệm kỳ đầu của ông Ban Ki-moon là tiêu cực. Ông bị phê phán gay gắt nhất trong việc đã « giữ im lặng » trước những hành động vi phạm nhân quyền, đặc biệt là của Trung Qu ốc.

Trong báo cáo thường niên hồi đầu năm, Tổ chức Quan sát nhân quyền quốc tế (Human Rights Wach ) đã có thái độ không tương thích đối với các chế độ đàn áp thường dân. Chẳng hạn như, ông này không hề có lời chúc mừng giải Nobel hòa bình 2010 Lưu Hiểu Ba, thậm chí cũng không hề phản đối việc chính quyền Bắc Kinh bắt giam nhân vật này.

Một quan chức tại LHQ tóm lược các hành động can thiệp của ông Ban bằng những từ mĩa mai « quá ít và quá trễ ». Ông này cũng đề cập đến cái gọi là « ngoại giao hậu đài » thời Ban Ki-moon. Gốc nhìn này, theo Le Monde, được thể hiện qua việc vị tổng thư ký LHQ thiết lập quan hệ với một vài nhà lãnh đạo bị thế giới phê phán,thay vì lên án họ. Chẳng hạn như việc ông Ban đến thăm Sri Lanka và Miến Điện. Hành động này, theo báo chí, đã vô tình công nhận tính hợp pháp của những người đang nắm quyền ở các nước này.

Một giáo sư chuyên về ngoại giao của Hoa K ỳ nhận định, điểm mạnh trong nhiệm kỳ rồi của ông Ban Ki-moon được thể hiện trong lĩnh vực chống thay đổi khí hậu, thành lập văn phòng phụ nữ LHQ, đấu tranh giảm tỷ lệ tử ở bà mẹ và trẻ em.

Tuy vậy, đa số đều thừa nhận rằng, mùa xuân Ả Rập đã tạo ra một bước ngoặc cho ông Ban Ki-moon. Ông đã thoát khỏi sự e dè của mình để ủng hộ hăng hái những người nổi dậy. Thậm chí có khi ông còn lên tiếng trước cả các nước phương Tây và Hội đồng Bảo an LHQ. Nhất là đối với Ai Cập và Libya. Ông cũng giữ thái độ này với Yemen và Syria. Human Rights Wach cho rằng, đó là một chuyển biến tích cực của ông Ban Ki-moon , và ông nên tiếp tục phát huy nó. Và trong nhiệm kỳ hai, ông nên đặt trọng tâm vào vấn đề nhân quyền.

Ông Richard Gowan , thuộc Trung tâm hợp tác quốc tế Đại học New York nhận định : Phản ứng đầy xúc cảm của ông Ban đối với mùa xuân Ả Rập cho thấy ông rất quan tâm đến vấn đề dân chủ, điều đó khiến một số nhà ngoại giao đã có cái nhìn tích cực hơn đối với ông.

Braxin, cường quốc nông nghiệp số 1 thế giới trong 10 năm nữa

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Le Monde có bài viết: « Braxin, nông trường mới của thế giới », cho biết, nước này có thể sẽ trở thành nước sản xuất nông nghiệp số 1 thế giới trong 10 năm tới. Tờ báo nhận định, trong các buổi thảo luận về nông nghiệp của khối G20 được tổ chức vào hôm nay và ngày mai tại Paris, lời nói của Braxin sẽ nặng kí, bởi nước này không phải xuất hiện với tư cách « một nước mới phát triển », mà với tư cách là « cường quốc xuất khẩu nông sản ».

Thành tích của Braxin rất ấn tượng : là nước sản xuất và xuất khẩu đường, cà phê và nước ép cam số một thế giới; nước xuất khẩu thịt bò, đậu nành và thuốc lá lớn nhất thế giới ; đứng thứ nhì về xuất khẩu thịt gà. Hơn 2/3 sản phẩm nông nghiệp của nước này được tiêu thụ trong nước, còn lại là xuất đến khoảng 180 quốc gia trên thế giới. Hiện tại, Trung quốc là bạn hàng lớn nhất của Braxin với hơn 14% lượng hàng xuất khẩu của nước này.

Chính phủ Braxin đang rất quyết tâm để trở thành nước số một thế giới về nông nghiệp. Theo kế hoạch của chính phủ, năm 2020, trên thị trường thế giới, nước này sẽ cung cấp 44% thịt bò và 48% lượng thịt gia cầm, với tỷ lệ tăng trưởng thường niên là từ 2 đến 5%. Tình thế hiện tại, đang rất thuận lợi, theo Le Monde, như thể « là không còn gì có thể cản được đà phát triển này ».

Giải thích cho nguyên nhân nông nghiệp Braxin phát triển mạnh như vậy, trong khi vào những năm 1970, nước này là nước nhập khẩu lương thực, Le Monde đưa ra nhiều yếu tố.

Trước tiên là sự đa dạng về hệ sinh thái và khí hậu của nước này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc trồng được nhiều loại cây trồng khác nhau. Kế đến là việc mở rộng diện tích canh tác và cải tiến kỷ thuật canh tác. Đặc biệt đáng chú ý, là từ năm 1973, nước này đã bắt đầu tiến hành cải tiến giống cây trồng. Nước này cũng canh tác có hiệu quả các loại giống biến đổi gien. Bên cạnh đó, là biện pháp tăng cường luân canh, để vừa có thể làm được nhiều vụ, vừa tranh việc phá rừng làm rẫy.

Chỉ trong vòng 20 năm, Braxin đã tăng lượng sản xuất nông nghiệp đến 141%. Trong giai đoạn 1990-2000, sản xuất nông nghiệp tăng gấp 2,5 lần. Hiện tại, đất canh tác nông nghiệp của nước này chiếm 35% diện tích lãnh thổ. Trong khi đó, nước này còn một số vùng đất tiềm năng chưa khai thác

Tuy nhiên, bên cạnh « chiến công » đó, Le Monde không quên nhắc lại rằng, Braxin là một trong những nước sử dụng chất diệt cỏ nhiều nhất thế giới.

Pháp : cảnh báo về tai nạn giao thông do tài xế ngủ gật

Cuối cùng, Le Figaro mang đến một thông tin đáng chú ý liên quan đến lĩnh vực an toàn giao thông tại Pháp với bài viết cảnh báo « Trên 10 người lái xe, có đến 7 người bị chứng ngủ gật trên tay lái».

Theo các chuyên gia, tại Pháp, ngủ gật là nguyên nhân số một của tai nạn giao thông trên xa lộ. Năm 2008, có 176 người chết, năm 2009 có 151 người và năm 2010 là 153 người. Trong đó, 1/3 trường hợp có liên quan đến ngủ gật. Theo một nghiên cứu năm 2008, trên 35 triệu tài xế, có đến 1,5 triệu suýt gây tai nạn do ngủ gật.

Tình trạng ngủ gật ngày càng trầm trọng. Nguyên nhân có thể là do giấc ngủ của mọi người từ vài năm nay bị thu ngắn lại khoảng 1 tiếng đồng hồ. Vì thế, khi lái xe trạng thái uể oải là khó tránh khỏi. Để tránh gây tai nạn, biện pháp tốt nhất không phải là mở cửa sổ xe vào mùa đông hay tăng lượng âm thanh của radio trong xe như nhiều tài xế lầm tưởng, mà theo một chuyên gia, là nên dừng xe nghỉ ngơi khoảng 10 phút.

Từ nhiều năm nay, Hội các công ty khai thác xa lộ Pháp (ASFA) đã không ngừng kêu gọi chính quyền có biện pháp kiểm soát tình hình. ASFA cũng tổ chức một hội thảo vào hôm nay và ngày mai tại Paris trong mục đích này.

Trang nhất các báo Pháp ngày 22/6/2011

Nhật báo Le Monde chạy tít lớn « Nicolas Sarkozy thông báo tạm ngừng đóng cửa 1 500 lớp học vào năm 2012 ». Tờ báo cho biết, trước làn sóng phản đối trong xã hội, tổng thống Pháp đã có bước nhượng bộ trong kế hoạch giảm biên chế và giảm lớp học. Ông đã thông báo sẽ không xóa bỏ 1500 lóp học như dự kiến vào năm 2012, nhưng chính sách giảm biên chế trong các trường học là không thay đổi, nhằm đảm bảo mục tiêu hạn chế chi tiêu của chính phủ.

Cũng trong lĩnh vực giáo dục, Le Figaro cho biết, bộ Giáo dục quốc gia Pháp quyết định tăng cường giảng dạy đạo đức cho học sinh cấp 1 bằng những câu ngạn ngữ đơn giản. Mục tiêu là để giúp các em nắm được những cơ sỏ và nguyên tắc cơ bản của quyền công dân.

Trang nhất Liberation chạy tựa « Báo cáo xì căn đan của một dân biểu đảng UMP : Là người Pháp, nếu không thì sẽ không được là già cả ». Bài viết cho biết, đề nghị của đại biểu quốc hội thuộc đảng cầm quyền UMP là ông Claude Goasguen về việc cấm mang hai quốc tịch, sẽ được quốc hội xem xét hôm nay. Liberation nhận định, UMP lại đang lấn sân đảng cực hữu Mặt trận quốc gia Pháp.

Nhật báo kinh tế Les Echos dành ưu tiên cho thị trường chứng khoán Paris. Với bài viết « Chuổi đen lạ của thị trường chứng khoán Paris », tờ báo cho hay, kể từ năm 2010, thị trường này đã bị lùi dần so với thị trường của các nước lân cận.

Nhật báo Công giáo La Croix quan tâm đến tình hình tội phạm tại Pháp. Tờ báo cho biết, Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International ) cảnh báo về việc Pháp có quá ít nhân viên điều tra đặc trách công tác đấu tranh chống tội phạm vị thành niên.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.