Vào nội dung chính
BẮC TRIÊU TIÊN

Giải mã huyền thoại Bắc Triều Tiên

Các vấn đề nội bộ của nước Pháp là mối quan tâm chính của các nhật báo phát hành tại Paris hôm nay. Nhật báo cánh tả Libération đặt ra vấn đề « Đám cưới giữa những người đồng tính : cánh hữu cố tháo gỡ ». Le Figaro chú ý đến việc « Sau Lille, vi khuẩn E.coli tấn công Bordeaux ». Còn nhật báo công giáo La Croix nói về « Một thế hệ không đi nghĩa vụ quân sự », tìm hiểu những đổi thay trong xã hội Pháp, 10 năm sau khi nghị định bãi bỏ chế độ chấm dứt nghĩa vụ quân sự bắt buộc ra đời.

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Il
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Il Reuters
Quảng cáo

Bắc Triều Tiên không phải là nước cộng sản đúng nghĩa

Nhìn sang châu Á, nhật báo cánh tả Libération trong phần điểm sách có bài viết mang tên « Giải mã huyền thoại Bắc Triều Tiên » đã đặt câu hỏi : Quốc gia cuối cùng theo chủ nghĩa Staline trên hành tinh này là nước nào ? Tờ báo cho biết, điều đáng ngạc nhiên là, trong cuốn sách mang tên « Thuần chủng », tác giả Brian Reynolds Myers, chuyên gia về Triều Tiên đã khẳng định : chắc chắn không phải là Bắc Triều Tiên !

Qua tác phẩm này, Myers đả phá quan niệm xưa nay cho rằng quốc gia khép kín trên là thành trì cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản không khoan nhượng. Là chủ nhiệm ban nghiên cứu quốc tế của trường đại học Dongseo, Hàn Quốc, ông Brian Reynolds Myers đã bỏ công đọc vô số tài liệu nguyên bản tiếng Triều Tiên. Từ tiểu thuyết, tự điển, phim truyền hình, phim tài liệu chiến tranh cho đến các tạp chí dành cho phụ nữ và trẻ em, truyền đơn…ông đều nghiên cứu và tìm cách giải mã các thông điệp ẩn chứa bên trong.

Quay lại với thời kỳ Nhật chiếm đóng bán đảo Triều Tiên, từ năm 1905 đến 1945, Meyers cho rằng Bắc Triều Tiên đã noi theo khái niệm thuần chủng của người Nhật. Ông chứng minh là ý thức hệ của Bình Nhưỡng hoàn toàn khác biệt với chủ nghĩa cộng sản, với Khổng giáo và học thuyết bề mặt hiện nay (như chủ trương tự cung tự cấp chẳng hạn). Tác giả kết luận : « Với dòng máu quá thuần chủng, dân tộc Triều Tiên quá … để tồn tại trong một thế giới bất lương nếu không có một lãnh tụ tinh thần vĩ đại và thân thuộc ». Theo ông, thì chính sách của Bắc Triều Tiên được dẫn dắt bởi một chủ nghĩa dân tộc hoang tưởng và phân biệt chủng tộc. Và như thế thì đây là một khuynh hướng « phát-xít » và không thể dung hòa được với chủ nghĩa Mác Lênin.

Một khác biệt nữa là vị trí của lãnh tụ. Khác với Mao Trạch Đông hay Staline, được xem như người cha đầy quyền năng của dân tộc, ông Kim Jong Il thường được xưng tụng như hình mẫu một người mẹ tận tụy, trong một xã hội mà các thiếu nữ tượng trưng cho sự trinh bạch, thuần khiết, và thuần túy Triều Tiên. Tự điển bách khoa chính thức của chế độ Bình Nhưỡng mô tả lãnh tụ là « người mẹ hiền ôm vào lòng tất cả những người con Triều Tiên và nuôi dưỡng bằng dòng sữa mẹ ».

Các nhãn hiệu thời thượng đang quyến rũ các thành phố nhỏ của Trung Quốc

Cũng liên quan đến châu Á, phụ trang kinh tế của Le Figaro đề cập đến sự kiện các nhãn hiệu thời thượng đang quyến rũ các thành phố nhỏ của Trung Quốc.

Đặc phái viên của tờ báo tại Hàng Châu mô tả trang phục một doanh nhân ở An Huy : chiếc áo thun tuy kiểu dáng đơn giản nhưng là hàng hiệu Gucci, chiếc túi xách nhỏ là của Louis Vuitton, còn chiếc quần jean và đôi giày hiệu Armani. Người doanh nhân ở thành phố thuộc loại nghèo nhất của miền Đông Trung Quốc chẳng cần phải đi đâu xa để mua sắm các loại hàng hiệu, vì hiện nay các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới đã bắt đầu có mặt ở các thành phố thuộc loại hạng hai, hạng ba của Trung Quốc để có thêm nguồn thu nhập bổ sung.

Ở Hàng Châu, thủ phủ có 8 triệu dân của tỉnh Chiết Giang, cách không xa Thượng Hải, các tên tuổi thế giới đều hiện diện, thậm chí có nhãn hiệu mở đến hai cửa hàng. Bảng hiệu Louis Vuitton chiếm hai tầng lầu của tòa cao ốc ngay trung tâm thành phố, hiệu Chanel chiếm tòa nhà bên cạnh. Con đường chạy dọc theo bờ hồ chen chúc các nhãn hiệu từ Hermès, Versace cho đến Lamborghini, Rolls-Royce, còn cửa hàng Prada sắp mở cửa cũng trương bảng tuyển người. Các nhân viên cửa hàng Dior cho biết Hàng Châu đứng thứ ba về doanh số bán hàng của hiệu này trên toàn quốc.

Cơ quan tư vấn PricewaterhouseCoopers ghi nhận, có hơn một trăm thành phố Trung Quốc có dân số hơn một triệu người, trong đó có những người có cùng sức mua và yêu thích hàng hiệu như người Thượng Hải hoặc Bắc Kinh. Vì thế mà Cartier đã hiện diện tại 22 thành phố, L’Oréal mở cửa hàng cả ở thành phố công nghiệp Đông Hoản gần Quảng Châu, hoặc Lanzhou đến tận tỉnh Cam Túc xa xôi hẻo lánh. Tờ báo kết luận : Trong vương quốc tiêu thụ mới này, các biên giới không ngừng được đẩy lùi.

Một chuyên gia nhận định, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng sành sỏi và tế nhị. Trong một cuộc khảo sát gần đây, có đến 57 nhãn hiệu quốc tế được nhận biết so với trước đây chỉ có 45. Việc tiêu thụ hàng hiệu được dư luận đánh giá cao, và động cơ đầu tiên để người ta quyết định mua một món hàng hiệu là để chứng tỏ mình là người « sành điệu ».

Tính toán sai lầm của Kissinger có thể đã giúp Mao Trạch Đông giữ nguyên quyền lực

Nhìn lại lịch sử quan hệ Mỹ - Trung, tờ báo Úc The Australian cho rằng có thể sự tính toán sai lầm của Henry Kissinger đã giúp Mao Trạch Đông củng cố được quyền lực.

Bài báo nêu nhận định của Jasper Becker, nhà văn, nhà báo từng là thông tín viên trong suốt hai thập kỷ tại Trung Quốc, tác giả của một cuốn sách mô tả lại nạn đói do chính sách đại nhảy vọt của Mao đã khiến cho trên 30 triệu người chết. Becker nhìn nhận Kissinger đúng là kiến trúc sư xây dựng nên quan hệ Mỹ - Trung. Vào thời đó, ông Kissinger nhận định, Liên Xô có vẻ nguy hiểm hơn Trung Quốc về chính sách bành trướng. Nhưng Becker đặt câu hỏi : « Mỹ được lợi gì trong việc này ? Các lãnh đạo độc tài Trung Quốc tiếp tục nắm quyền, bất chấp sai lầm tai hại của Mao. Nếu Bắc Kinh và Matxcơva lao vào chiến tranh, chắc chắn là sẽ có lợi hơn cho Mỹ » với Cam Bốt được cứu vãn khỏi bọn Khmer Đỏ diệt chủng, khả năng chiến thắng tại Việt Nam, và dập tắt được mối đe dọa đối với Đài Loan và Hàn Quốc.

Thay vào đó, Trung Quốc đã thuyết phục được người Mỹ rút khỏi Đài Loan, rồi sau đó ủng hộ những kẻ sát nhân dưới trướng của Bắc Kinh là Khmer Đỏ, khiến Mỹ phải thua trong chiến tranh Việt Nam, và hy sinh Tây Tạng.

Ông Becker kết luận : « Thực sự mà nói, người Trung Quốc không thể tin nổi may mắn của mình, khi tìm ra được một đối tác ngây thơ và dễ bảo như Kissinger. Ông ta ngoan ngoãn tin theo bất cứ lời nói thơn thớt cửa miệng nào của các lãnh đạo Bắc Kinh ».

Cảnh sát điều tra việc lộ đề thi tú tài ở Pháp

Quay lại với nước Pháp, Le Figaro cho biết vì sao cảnh sát đã lần ra được manh mối vụ lộ đề thi toán trong kỳ thi tú tài năm nay hôm thứ Ba 21/6 vừa qua.

Ba chục điều tra viên với sự hỗ trợ của các chuyên gia thuộc bộ phận tin học của cảnh sát Paris, đã xác định được nghi phạm tung đề thi lên internet, và đồng phạm đã chuyển đi bằng tin nhắn SMS. Nhưng cảnh sát vẫn tiếp tục tìm kiếm người đầu tiên đã làm lộ đề thi, mà theo họ thì là người nặng tội nhất.

Đầu tiên các điều tra viên đã lần theo dấu vết của người đã tung ảnh chụp đề thi lên trang web jeuxvideo.com, dưới biệt danh Chaldeen. Địa chỉ IP được xác định là thuộc một gia đình ở Val-d’Oise ngoại ô Paris, người con trai thứ trong gia đình này là sinh viên ngành tin học đã bị câu lưu. Người đã chuyển phiếu thông tin cho sinh viên trên đã tự thú, cho biết một học sinh trung học Paris đã chụp lại đề thi. Kết quả điều tra cho thấy đề toán được chụp lại bằng điện thoại thông minh BlackBerry vào ngày 11/6, tức 10 ngày trước thời điểm thi chính thức. Người đã làm lộ đề này là nhân viên ngành in ấn hay trong ngành giáo dục ? Cảnh sát cho biết sẽ tìm được câu trả lời trong thời gian ngắn. Nhưng các nghi phạm tham gia vào vụ lộ đề đã không hình dung được hình phạt sẽ dành cho họ : có thể lên đến ba năm tù và 9.000 euro tiền phạt.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.