Vào nội dung chính
CAM BỐT - THÁI LAN

Cam Bốt đòi Thái Lan đồng thời rút quân khỏi Preah Vihear

Hôm nay 22/7, chính phủ Cam Bốt đã đề nghị với Thái Lan là hai bên rút quân cùng một lúc khỏi khu vực phi quân sự đã được Tòa Án Quốc Tế (CIJ) quy định.

Thủ tướng Cam Bốt Hun Xen trong cuộc họp báo tại Phnom Penh ngày 22/7/11.
Thủ tướng Cam Bốt Hun Xen trong cuộc họp báo tại Phnom Penh ngày 22/7/11. Reuters
Quảng cáo

Trong một cuộc họp báo kéo dài hai giờ đồng hồ tại Phnom Penh, Thủ tướng Hun Sen tuyên bố : Cam Bốt muốn nhanh chóng thi hành phán quyết đã được Tòa án Quốc tế ban hành hôm thứ Hai 18/7. CIJ yêu cầu quân đội Cam Bốt và Thái Lan rút lui ngay lập tức khỏi khu vực và nhanh chóng nối lại đàm phán. Đôi bên đang tranh chấp chủ quyền gần khu đền cổ đã 900 năm tuổi Preah Vihear.

Từ đầu năm tới nay hai bên đã nhiều lần chạm súng và các cuộc giao tranh đã làm 18 người thiệt mạng. Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh : « Đôi bên cùng phải rút quân và phán quyết của Tòa án Quốc tế đòi hai nước liên quan cùng rút quân, chứ không chỉ riêng gì Cam Bốt ».

Hôm đầu tuần, Thái Lan đòi Cam Bốt rút quân khỏi khu vực đang xảy ra tranh chấp và Bangkok coi đây là điều kiện tiên quyết để ngồi vào bàn đàm phán. Về phần mình Phnom Penh đã yêu cầu một quốc gia thứ ba đứng ra làm trọng tài để giải quyết xung đột biên giới giữa hai nước. Thủ tướng Cam Bốt mong muốn Indonesia -nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN - đóng vai trò hòa giải .

Phát biểu hôm nay tại Indonesia bên lề Diễn đàn Khu vực Asean, Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton nhấn mạnh : « ASEAN là diễn đàn tốt nhất để Cam Bốt và Thái Lan giải quyết bất đồng và mỗi bên đều phải kềm chế, tránh để căng thẳng leo thang dẫn tới bạo động ».

Mặc dù là Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Tòa án Quốc tế đã can thiệp nhưng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Cam Bốt và Thái Lan tại khu vực biên giới vẫn gặp bế tắc.

Bangkok nhất quyết từ chối giải quyết xung đột một cách đa phương và không cho phép quan sát viên quốc tế đến hiện trường. Về phần mình Phnom Penh yêu cầu Tòa án Quốc tế diễn giải lại phán quyết của năm 1962. Vào thời đó, văn bản này xác định đền cổ Preah Vihear thuộc chủ quyền của Cam Bốt. Khu di tích này được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.