Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Mỹ kêu gọi Miến Điện chống tham nhũng và tôn trọng nhân quyền

Theo một bản thông cáo của bộ ngoại giao Mỹ công bố hôm 16/07/2012, một phái đoàn doanh nghiệp hùng hậu của Hoa Kỳ vừa đến Miến Điện trước đó. Nhân dịp này, phía Hoa Kỳ đã lên tiếng kêu gọi chính phủ dân sự Miến Điện nên tăng cường chống tham nhũng và tôn trọng nhân quyền để thu hút đầu tư từ phía Mỹ.

Đại sứ Mỹ tại Myanmar Derek Mitchell và Tổng thống Miến Điện Thein Sein. Ảnh chụp ngày 11/07/2012
Đại sứ Mỹ tại Myanmar Derek Mitchell và Tổng thống Miến Điện Thein Sein. Ảnh chụp ngày 11/07/2012 @president-office.gov.mm
Quảng cáo

Phái đoàn bao gồm 38 nhà doanh nghiệp Mỹ, do hai quan chức cao cấp dẫn đầu : Robert Hormats, trợ lý ngoại trưởng phụ trách tăng trưởng, năng lượng và môi trường, và Francisco Sanchez, trợ lý bộ trưởng thương mại phụ trách giao dịch quốc tế.

Vào hôm thứ bảy và chủ nhật, ngày 14 và 15 tháng 7 năm 2012, phái đoàn đã đến Naypyidaw - thủ đô mới của Miến Điện, và thành phố Rangoon, từng là thủ đô đến năm 2007. Cùng đi có tân đại sứ Mỹ tại Miến Điện Derek Mitchell. Đây là một phái đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ hùng hậu nhất đến Miến Điện kể từ 25 năm nay.

Ông Robert Hormats đã hội kiến với các quan chức chính phủ Miến Điện và lãnh đạo đối lập bà Aung San Suu Kyi. Trong các cuộc hội kiến, ông tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với tiến trình cải tổ chính trị tại Miến Điện. Đồng thời, trưởng phái đoàn Hoa Kỳ còn tuyên bố rằng Mỹ  "quyết tâm làm việc với chính phủ Miến Điện để tăng cường tính minh bạch và đấu tranh chống tham nhũng, ngay cả trong các doanh nghiệp nhà nước".

Hôm 11/7, tổng thống Mỹ Barack Obama đã thông báo nới lỏng biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Miến Điện, và cho phép các công ty Hoa Kỳ đến đầu tư ở nước này, nhưng với điều kiện là « dưới sự giám sát của Washington ».

Như vậy, các doanh nghiệp Mỹ chưa được hoàn toàn tự do trong đầu tư tại Miến Điện, đặc biệt là chưa thể hợp tác làm ăn với các công ty trực thuộc quân đội Miến Điện, hoặc với những người Miến Điện bị các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhắm đến. Thế nhưng, trong điều kiện cụ thể nếu được sự đồng ý của Washington, doanh nhân Mỹ sẽ có thể đầu tư trong lĩnh vực tiềm năng là dầu hỏa và khí đốt với công ty dầu khí quốc gia Miến Điện-Myanma Oil and Gas Enterprise (MOGE).

Trên hồ sơ nhân quyền, ông Hormats cũng không quên nhắc lại rằng, quan hệ giữa hai nước sẽ lệ thuộc nhiều vào biểu hiện của chính phủ Miến Điện trong vấn đề tôn trọng nhân quyền, nhất là quyền lao động, việc đối xử bình đẳng với các tộc người thiểu số và việc trả tự do cho các tù nhân chính trị còn đang bị giam giữ.

Hồi tháng 3 năm 2011, tại Miến Điện, chính phủ quân phiệt đã được thay thế bằng một chính phủ dân sự. Tuy nhiên theo đánh giá của hãng tin AFP, chính phủ dân sự này vẫn luôn bị giới quân đội kiểm soát.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.