Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN - KINH TẾ

ADB : Miến Điện tăng trưởng 8%/năm thập niên tới

Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB - công bố ngày hôm nay, 20/08/2012, được Bloomberg trích dẫn, nền kinh tế Miến Điện có thể đạt được mức tăng trưởng 8% mỗi năm trong vòng một thập niên tới, nếu như lạm phát được kìm giữ thấp và chính phủ tăng cường quan hệ thương mại với các nước láng giềng như Trung Quốc, Ấn Độ.

Một người lao động làm thuê cho một trang trại, thị trấn Kayiklat (miền cực nam Miến Điện), 24/05/2012
Một người lao động làm thuê cho một trang trại, thị trấn Kayiklat (miền cực nam Miến Điện), 24/05/2012 REUTERS/Damir Sagolj
Quảng cáo

ADB đánh giá là trong ngắn hạn, kinh tế Miến Điện tương đối lạc quan do mức đầu tư nước ngoài và trao đổi thương mại sẽ lớn.

Bà Cyn Young Park, trợ lý kinh tế trưởng ADB, đồng tác giả bản báo cáo, nhận định : « Miến Điện giàu tài nguyên thiên nhiên, dân số trẻ và có vị trí chiến lược trong khu vực. Tất cả những yếu tố này sẽ giúp Miến Điện có được mức tăng trưởng nội tại mạnh trong một thời gian rất ngắn ».

Kể từ khi lên cầm quyền vào năm ngoái, tổng thống Thein Sein đã tiến hành hiện đại hóa nền kinh tế và thực hiện nhiều cải tổ chính trị, thúc đẩy các nước phương Tây giảm bớt các biện pháp trừng phạt, thu hút nhiều công ty nước ngoài vào nước này làm ăn như tập đoàn Coca Cola, Visa Inc. Nguyên thủ Miến Điện tìm cách tạo thêm công ăn việc làm trong bối cảnh nước này sẽ có bầu cử tổng thống vào năm 2015.

Chuyên gia Park nhấn mạnh, chính phủ Miến Điện cần « khẩn cấp » phát triển lĩnh vực nông nghiệp, khu vực sử dụng gần 2/3 số lượng lao động toàn quốc. Theo số liệu của ADB, hiện nay, khoảng 20% diện tích đất đai được sử dụng để canh tác và 1/5 diện tích được tưới tiêu. Do vậy, ADB cho rằng, « tiềm năng khai thác các nguồn nông nghiệp để nâng cao năng suất là rất lớn » và việc phát triển nông nghiệp sẽ giúp cho đông đảo người dân nhanh chóng được hưởng các thành quả kinh tế.

Tuy nhiên, các chuyên gia ADB cũng lưu ý một số rủi ro có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Miến Điện. Đó là quản lý kinh tế vĩ mô yếu kém, cơ sở hạ tầng thiếu thốn và nguồn thu thuế thấp. Hiện nay, khoảng 1/4 dân số có điện dùng, mạng internet mới bước đầu phát triển ở một số nơi.

Tháng trước, Miến Điện thông qua một đạo luật khẳng định quy chế độc lập của Ngân hàng Trung ương. Chính vì thế, các nhà hoạch định chính sách của Miến Điện sẽ phải đối mặt với các thách thức giữ cho đồng tiền quốc gia được ổn định và kiểm soát được lạm phát, khi mà nguồn đầu tư ngoại quốc đổ vào nước này. Tháng Tư vừa qua, Miến Điện đã từ bỏ chế độ tỷ giá cố định và đang từng bước nới lỏng các hạn chế đối với đầu tư nước ngoài.

Kinh tế gia Cyn Young Park nhận định : « Đối với Miến Điện, ít nhất là trong trung hạn, việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố chủ chốt. Ngân hàng Trung ương cần phải vững mạnh hơn và độc lập hơn trong các hoạt động tiền tệ và quản lý thuế khóa ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.