Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Ngân hàng Trung Quốc tẩy chay Hội nghị World Bank và IMF tại Tokyo

Trong không khí căng thẳng hiện nay do tranh chấp Trung-Nhật về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, các ngân hàng lớn của Trung Quốc đã quyết định không tham dự các hội nghị thường niên của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ mở ra tại Tokyo vào tuần tới. Nguồn tin được hãng tin Mỹ Dow Jones tiết lộ và đã được thứ trưởng tài chánh Nhật Bản xác nhận vào hôm nay, 03/10/2012.

Trụ sở chính Ngân hàng trung ương Trung Quốc tại Bắc Kinh. (Ảnh chụp ngày 16/02/2009)
Trụ sở chính Ngân hàng trung ương Trung Quốc tại Bắc Kinh. (Ảnh chụp ngày 16/02/2009) REUTERS/Jason Lee/Files
Quảng cáo

Phát biểu với báo chí, thứ trưởng tài chính Nhật Takehino Nakao đã tỏ ý thất vọng trước sự kiện đã có « một vài quyết định hủy bỏ ». Theo ông quan hệ kinh tế và tài chính Nhật-Trung là một vấn đề thiết yếu, và « không nên để khó khăn trên mặt chính trị ảnh hưởng đến quan hệ này ».

Tuy nhiên, ông Takehino Nakao cũng thông báo là không có một đại diện nào của bộ Tài chính hay của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hủy bỏ chuyến đến họp ở Tokyo.

Theo hãng tin Dow Jones, nhiều ngân hàng lớn Trung Quốc đã hủy bỏ việc tham dự cuộc gặp gỡ thường niên của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Tokyo nhưng không giải thích lý do. Tuy nhiên, một viên chức của chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc tại thủ đô Nhật Bản đã nêu ra vụ tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Vẫn theo Dow Jones, quyết định không tham dự cuộc họp của các ngân hàng Trung Quốc liên quan đến tất cả các cuộc tiếp xúc, hoặc một phần các cuộc gặp trong khuôn khổ hay bên lề hội nghị thường niên này.

Xin nhắc lại là Hội nghị thường niên của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế và những cuộc họp bên lề là cuộc tập hợp hàng năm lớn nhất của giới lãnh đạo tài chính, kinh tế và ngân hàng trên thế giới. Ban tổ chức dự kiến đón 20.000 khách, đến tham dự các cuộc họp hay bàn tròn, hội thảo... kéo dài trong sáu ngày, kể từ ngày mùng 9/10 tại thủ đô Nhật Bản.

Riêng tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, bà Christine Lagarde đã kêu gọi Trung Quốc và Nhật Bản tập trung trên vấn đề tăng trưởng kinh tế hơn là tranh chấp lãnh thổ. Bà Lagarde đã đưa ra lời kêu gọi này khi trả lời báo giới Nhật.

Theo giới quan sát, tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư hiện đã có tác động về mặt kinh tế, nhất là đối với Nhật : Sản phẩm Nhật, đặc biệt là xe hơi, bán ra tại Trung Quốc đã giảm hẳn trong mấy tuần qua, trong lúc Bắc Kinh cho kiểm gay gắt hàng nhập từ Nhật ở các cảng Trung Quốc.

Tàu Trung Quốc tiếp tục xâm nhập vùng biển Senkaku/Điếu Ngư

Theo lực lượng tuần duyên Nhật Bản, vào hôm nay, 03/10/2012, ba chiếc tàu Trung Quốc lại trở lại vùng biển quanh quần đảo SenKaku/Điếu Ngư đang bị Bắc Kinh tranh chấp chủ quyền. Đây là 3 chiếc trong số 4 chiếc tàu đã xâm nhập vào vùng hải phận này vào hôm qua, bất chấp khuyến cáo của tuần duyên Nhật, nhưng đã rời khỏi khu vực khoảng 6 tiếng đồng hồ sau đó.

Kịch bản hôm nay không khác gì hôm qua tại vùng quanh đảo Kabushima : Tuần duyên Nhật lên tiếng cảnh báo, tàu Trung Quốc không có phản ứng gì mà vẫn cứ tiến vào.

Xin nhắc lại từ khi Tokyo thông báo quyết định quốc hữu hóa các đảo Senkaku vào đầu tháng Chín vừa qua, căng thẳng giữa hai bên đã lên cao. Tàu hải giảm và tàu ngư chính Trung Quốc đã nhiều lần tiến vào bên trong vùng hải phận Nhật Bản, trải dài trên 22 cây số chung quanh các đảo. Nhưng từ cách nay một tuần lễ, không thấy tàu Trung Quốc không trở lại vùng này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.