Vào nội dung chính
ĐIỆN HẠT NHÂN - TRUNG QUỐC

Trung Quốc thừa nhận các lỗ hổng trong hệ thống an toàn hạt nhân

Nhật báo Le Monde hôm nay 18/10/2012 có bài viết đáng chú ý về thực trạng kém cỏi của hệ thống kiểm soát an toàn các nhà máy điện hạt nhân tại Trung Quốc, với tựa đề : “Bắc Kinh thừa nhận các khuyết tật trong hệ thống an toàn hạt nhân”.

Nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc.
Nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc. REUTERS / D. GRAY
Quảng cáo

Le Monde cho biết, ngày thứ ba 16/10/2012 vừa rồi, Bộ Môi trường Trung Quốc vừa công bố một báo cáo chỉ trích rất mạnh hệ thống an toàn hạt nhân tại nước này. Các kết luận của bản báo cáo, được chính quyền đặt hàng sau thảm họa Fukushima 3/2011, đã được Hội đồng Nhà nước và chính quyền trung ương phê chuẩn.

Theo Bộ Môi trường Trung Quốc, cần phải đầu tư khoảng 80 tỷ nhân dân tệ (tương đương 9,7 tỷ euro) để củng cố các cơ sở hạ tầng tại các nhà máy điện hạt nhân.

Hiện tại, Trung Quốc có 16 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động, bên cạnh đó, có 26 lò đang được xây dựng. Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều cho điện hạt nhân, trong khi 70% năng lượng hiện nay là do than đá. Tuy nhiên, sau thảm họa hạt nhân tại Nhật Bản, các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới của Trung Quốc bị đình lại. Đã có lúc dự kiến các nhà máy hạt nhân sẽ sản xuất ra tổng lượng điện là 80 gigawat vào năm 2020. Tuy nhiên, trong hiện tại, nền công nghiệp hạt nhân Trung Quốc đang đợi quyết định mới.

Báo cáo của Bộ Môi trường vừa công bố ngày thứ Ba không chỉ ra thời hạn, cũng như số lượng các nhà máy sẽ được xây dựng.

Một trong các vấn đề được bản báo cáo kể trên nêu ra là sự tồn tại song hành của nhiều hệ tiêu chuẩn, do việc Bắc Kinh có chủ trương chọn nhiều công nghệ khác nhau để không bị phụ thuộc vào một nhà sản xuất duy nhất. Thực tế này đang gây khó khăn cho việc bảo đảm an toàn trong ngành điện hạt nhân.

Bộ Môi trường Trung Quốc khuyến nghị ngưng sử dụng các lò phản ứng cũ nhất để đề phòng tai nạn. Báo cáo cũng chỉ ra là, ngành điện hạt nhân của Trung Quốc đứng trước áp lực phải tăng cường năng lực, trong khi quốc gia này phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân công có trình độ nghề cao. Báo cáo đề ra một số mục tiêu cụ thể để điện hạt nhân Trung Quốc đạt được tiêu chuẩn “quốc tế” vào năm 2020.

Bộ Môi trường Trung Quốc cũng nhấn mạnh đến việc cần tăng cường các biện pháp cứu viện, để bảo đảm làm lạnh các lò phản ứng, trong trường hợp có tai biến khiến các hệ thống làm lạnh tự động bị tê liệt. Bên cạnh đó, vấn đề cải thiện chất lượng các đo lường động đất cũng được đặt ra. Tại một nhà máy ở phía nam Thượng Hải, chính quyền có kế hoạch tăng cường khả năng phòng chống lũ trong năm tới 2013.

Le Monde nhận xét, thảm họa hạt nhân Fukushima đã đánh động một ý thức về những nguy cơ của nền công nghiệp điện hạt nhân tại Trung Quốc, vốn gần như không tồn tại cho đến lúc đó. Đây là điều buộc chính quyền Trung Quốc cuối cùng phải có các thay đổi trong cách nhìn nhận về vấn đề an toàn hạt nhân.

Hội nghị thượng đỉnh : Châu Âu chuẩn bị hội nhập nhanh và mạnh hơn

Hội nghị thượng đỉnh Châu Âu tại Bruxelles diễn ra hôm nay 18/10 và ngày mai 19/10 là chủ đề chính được hầu hết các báo lớn của Pháp quan tâm. Nhật báo Le Monde chạy trên trang nhất hàng tựa : “Khu vực euro : điều tồi tệ nhất đã qua”. Nhân cuộc hội nghị thượng đỉnh quan trọng này, Le Monde có cuộc phỏng vấn đặc biệt với tổng thống Pháp François Hollande, cùng với 5 tờ báo lớn khác của Châu Âu.

Bài phỏng vấn ông Hollande chiếm hơn một trang khổ lớn, được đăng tải trên Phụ trương của Le Monde mang tựa đề : “Làm thế nào để chữa cho Châu Âu khỏi bệnh?”. Tổng thống Pháp đưa ra một nhận định mang màu sắc lạc quan : “chúng ta đã sắp thoát khỏi cuộc khủng hoảng euro. (…). Khả năng tồi tệ nhất – tức là sự tan vỡ của khu vực đồng euro – đã qua. Tuy nhiên, tương lai tốt đẹp chưa ở trước mặt, đây là cái mà chúng ta phải xây dựng”.

Các nhận định của tổng thống Pháp được đưa ra vào thời điểm mà không khí xã hội tại các nước Nam Âu đang có chiều hướng căng thẳng hơn. “Nam Âu : Chính sách thắt lưng buộc bụng đã giết tôi” là hàng tít trên trang nhất Libération. Tờ báo dành các trang đầu cho các phóng sự mô tả tình hình tại chỗ tại ba nước đang khủng hoảng trầm trọng với ghi nhận “Người Hy Lạp tuyên bố tổng bãi công, người Bồ Đào Nha nổi dậy, còn người Tây Ban Nha không còn chịu đựng hơn được nữa”. Bài xã luận Libération thừa nhận, Châu Âu có phần bớt khủng hoảng hơn, tuy nhiên tờ báo muốn đối chiếu các tuyên bố lạc quan của tổng thống Pháp với những cảm nhận và suy nghĩ của cư dân các quốc gia Nam Âu đang đứng trước các thử thách khắc nghiệt.

Tờ Le Figaro không chia sẻ thái độ lạc quan của tổng thống Pháp. Ngược lại, Le Figaro báo động về hàng loạt bất đồng giữa lãnh đạo Pháp và Đức, hai quốc gia trụ cột của Châu Âu với hàng tít trên trang nhất : “Châu Âu : ông Hollande thể hiện các bất đồng với bà Merkel”.

Bất đồng giữa tổng thống Pháp và thủ tướng Đức đặc biệt xoay quanh vấn đề kiểm soát các ngân hàng. Về chủ đề này, Libération có bài “Paris và Berlin không có cùng lịch trình hành động”. Cụ thể là Đức không đồng ý với việc Ủy ban Châu Âu giao việc quản lý 6.000 ngân hàng của các nước trong khu vực đồng euro cho Ngân hàng Trung ương Châu Âu. Theo Libération, lập trường của Đức là gia tăng sự kiểm soát của khối đồng euro đối với ngân sách các quốc gia thành viên, chứ không phải là gia tăng sự kiểm soát đối với các ngân hàng.

Cũng về chủ đề Hội nghị thượng đỉnh Châu Âu, tờ báo kinh tế Les Echos có chùm hồ sơ đáng chú ý, với tựa đề : “Hội nghị thượng đỉnh phác ra một Châu Âu hai tốc độ”. Les Echos ghi nhận, kể từ rất lâu, đây là lần đầu tiên một hội nghị thượng đỉnh của Châu Âu diễn ra trong không khí không bị áp lực của thị trường tài chính. Các quốc gia lâm vào khủng hoảng nợ công nặng nề như Hy Lạp, Tây Ban Nha không còn là chủ đề chính như trong các hội nghị trước đó. Hội nghị tương đối bình yên này là một dịp để các nước Châu Âu suy xét về một triển vọng hội nhập về mặt kinh tế và tiền tệ quyết liệt hơn và khẩn trương hơn.

Theo Les Echos, căn cứ trên các thông tin về dự thảo báo cáo của bốn chủ tịch Châu Âu (Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Hội đồng Châu Âu, Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Khối euro) về tương lai của Liên minh kinh tế và tiền tệ Châu Âu (mà nhóm 27 nước sẽ bàn thảo tối nay), thì có chủ trương thành lập một “năng lực ngân sách” (capacité budgétaire) chung của khu vực đồng euro. Mặc dù số tiền và cách dùng ngân sách này còn chưa rõ, nhưng Les Echos nhấn mạnh “một ngân sách chung của khu vực đồng euro” đang thành hình.

Thiên chúa giáo là tôn giáo bị phân biệt đối xử nhất

Về thời sự quốc tế, báo Le Figaro chú ý đến một bản báo quốc tế cho thấy tình trạng đàn áp nặng nề đối với các tín đồ Thiên chúa giáo trên thế giới, đặc biệt là tại các quốc gia Hồi giáo, qua bài viết “Trên thế giới, người Thiên chúa giáo bị đàn áp nhiều nhất”. Trên tổng số 49 quốc gia mà người theo đạo Hồi chiếm đa số, thì 17 nước không khoan dung với bất cứ tôn giáo nào khác và kiểm soát chặt những tín đồ không theo đạo Hồi. 19 nước, về nguyên tắc, thừa nhận tự do tôn giáo, nhưng không áp dụng trên thực tế.

Đây là năm thứ 9 tổ chức AED – Trợ giúp Giáo hội gặp khó khăn (một tổ chức của Đức thuộc Giáo hội Công giáo) – ra báo cáo về tình trạng tự do tôn giáo trên thế giới. Báo cáo của AED liên quan đến 193 quốc gia, đang nỗ lực để khẳng định như một cơ sở dữ liệu đáng tin cậy trong lĩnh vực này.

Theo ông Marc Fromager, giám đốc chi nhánh Pháp của tổ chức AED, đạo Thiên chúa là nhóm tôn giáo bị phân biệt đối xử nặng nhất. 75% các nạn nhân bị xâm phạm tự do tôn giáo trên thế giới là người kitô giáo.

Giám đốc chi nhánh Pháp của tổ chức AED – nơi tiến hành cuộc điều tra kể trên – nhấn mạnh đến cuộc đấu tranh vì tự do tôn giáo đã được chú ý đến nhiều hơn trong năm 2012 này. Quyền sống với đức tin của mình ngày càng trở thành một trong các quyền tự do căn bản nhất.

Báo cáo của AED đặc biệt ca ngợi ba quốc gia đã có những tiến bộ trong lĩnh vực này, đó là Nam Soudan, Cuba và Miến Điện. Mặc dù không ủng hộ các chế độ tại ba quốc gia kể trên, AED cho rằng, Cuba đã có “những bước tiến nhỏ” trong lĩnh vực tự do tôn giáo, còn Miến Điện đã có một “sự chuyển biến nhất định”. Ngược lại, AED lưu ý đến ba quốc gia khác, nơi tình hình trở nên tồi tệ hơn, đó là Ả Rập Xê Út, Bắc Triều Tiên và Pakistan. AED cũng kêu gọi chú ý đến ba khu vực, nơi tình trạng tự do tôn giáo tiếp tục tồi đi, đó là Nigeria, Trung Quốc và các nước nơi diễn ra Mùa Xuân Ả Rập.

Chòm sao Nhân mã : Điểm đến đầu tiên trong cuộc thám hiểm các vì sao

Libération giới thiệu một phát hiện mới về thiên văn học của các nhà nghiên cứu Châu Âu, qua bài viết : “Thêm một láng giềng trên con đường tới các hành tinh giống như trái đất”.

Tạp chí Nature ra sáng nay cung cấp các thông tin, cho phép nuôi dưỡng những ước mơ con người đi chinh phục các hành tinh trong thiên hà.

Nhóm nghiên cứu Thụy Sĩ-Pháp- Bồ Đào Nha tại đài Quan sát Genève đã phát hiện ra một hành tinh có kích cỡ giống như trái đất, nằm gần ngôi sao Alpha Centauri B, thuộc chòm sao Nhân mã (Alpha Centauri), cách trái đất khoảng 4,3 năm ánh sáng, tức ngôi sao gần hệ mặt trời nhất.

Vì những đặc điểm gần tương tự như Mặt trời, sao Alpha Centauri B hay Nhân mã B, trở thành hướng ưu tiên trong cuộc săn tìm các hành tinh giống như trái đất, tức là người có thể ở được.

Như vậy, hệ hành tinh xoay quan Nhân mã B có thể trở thành một điểm đến đầu tiên trong quá trình thám hiểm các vì sao trong tương lai.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.