Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - Y TẾ

Trung Quốc : Cúm H7N9 lan sang một tỉnh mới

Ngày 23/04/2013, Trung Quốc thông báo dịch cúm do virus H7N9 gây nên đã lan sang một tỉnh mới ở miền đông nước này. Người thứ 105 chính thức bị coi là nhiễm virus cúm mới cư trú tại tỉnh Sơn Đông.  

Trung Quốc trước thách thức của virus H7N9
Trung Quốc trước thách thức của virus H7N9 REUTERS/William Hong
Quảng cáo

Theo thông báo của chính quyền thành phố Tảo Trang (Zaozhuang), tỉnh Sơn Đông, nạn nhân là một người đàn ông 36 tuổi. Như vậy, theo thống kê chính thức, có tổng cộng 105 người bị nhiễm H7N9, trong đó có 21 người đã qua đời.

Kể từ khi Bắc Kinh công bố hai người chết vì virus H7N9 vào ngày 31/03 vừa rồi, phần lớn các trường hợp bị nhiễm H7N9 là tại các tỉnh miền đông Trung Quốc, thoạt tiên là ba tỉnh Chiết Giang, An Huy, Giang Tô và thành phố Thượng Hải - lá phổi kinh tế Trung Quốc. Trước ngày 31/03, thế giới không hề biết là virus H7N9 có thể truyền từ gia cầm hay chim chóc sang người.

Bất chấp nhiều nỗ lực khống chế dịch, cho đến nay H7N9 đã có mặt ít nhất tại 5 tỉnh và hai thành phố lớn, Bắc Kinh và Thượng Hải. Dù bệnh tiến triển chậm, mỗi ngày vẫn có thêm những trường hợp nhiễm mới.

Trong tuần này, một nhóm nghiên cứu gồm 15 chuyên gia, dưới sự điều hành của Tổ chức Y tế Thế giới, đang nỗ lực thu thập các thông tin về H7N9. Thứ Sáu tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố đang nghiên cứu các trường hợp có nhiều người bị nhiễm virus tại cùng một gia đình, để thẩm định xem liệu virus này có nguy cơ lây trực tiếp từ người sang người hay không.

Cũng giống như đối với loại virus cúm gia cầm H5N1, các nhà khoa học lo ngại rằng việc virus mới này biến đổi gen có thể truyền được trực tiếp từ người sang người. Nếu điều này diễn ra, rất có nguy cơ thế giới phải đối mặt với một đại dịch.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.