Vào nội dung chính
PAKISTAN - BẦU CỬ

Bầu cử Quốc hội Pakistan: Cựu thủ tướng Nawaz Sharif về đầu

Theo các phương tiện truyền thông Pakistan, sau khi kiểm hơn một nửa số phiếu bầu, liên minh của cựu thủ tướng Nawaz Sharif có được hơn 115 ghế trong tổng số 272 ghế tại Quốc hội. Còn Đảng Nhân dân Pakistan – PPP, nòng cốt của liên minh cầm quyền mãn nhiệm, chỉ được khoảng 30 ghế. Tối qua, 11/05/2013, ông Sharif đã tự tuyên bố thắng cử.

Cựu thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đi bầu cử tại Lahore ngày 11/05/ 2013.
Cựu thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đi bầu cử tại Lahore ngày 11/05/ 2013. REUTERS/Mohsin Raza
Quảng cáo

Cựu thủ tướng Nawaz Sharif sẵn sàng đứng ra thành lập một chính phủ liên minh để giải quyết các vấn đề của Pakistan, sau khi đảng của ông, Liên đoàn Hồi giáo ( PML-N), về đầu trong cuộc bầu cử Quốc hội.

Mặc dù còn phải chờ đợi Ủy ban bầu cử ra thông báo chính thức về kết quả kiểm phiếu toàn bộ, việc ông Nawaz Sharif quay lại làm thủ tướng là điều chắc chắn. Năm 1999, ông Sharif bị lật đổ sau cuộc đảo chính do tướng Pervez Musharaf tiến hành.

Đối thủ chính của ông Nawar Sharif trong cuộc bầu cử Quốc hội lần này là đảng Phong trào vì Công lý – (PTI) của cựu vận động viên criket Imran Khan, đã thừa nhận thất bại.

Đảng Nhân dân Pakistan (PPP), nòng cốt của liên minh cầm quyền tại Pakistan từ 5 năm qua, bị thảm bại, hầu như bị xóa khỏi bản đồ chính trị Pakistan, ngoại trừ ở tỉnh Sind, phía nam, thành trì của đảng này.

Để có được đa số tuyệt đối tại Quốc hội, Liên đoàn Hồi giáo của ông Nawar Sharif sẽ phải liên minh với một số đảng phái khác để có được 172 dân biểu ủng hộ.

Cuộc bầu cử lần này được đánh giá mang tính lịch sử, bởi vì trong một đất nước mà quân đội thường xuyên tiến hành đảo chính, thì đây là lần đầu tiên, một chính phủ dân sự đã có thể lãnh đạo đất nước trong nhiệm kỳ trọn vẹn 5 năm và sẽ chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự khác.

Bất chấp tình trạng bạo lực với các vụ khủng bố, nổ bom diễn ra trước và ngay trong ngày bỏ phiếu, hôm qua, tỷ lệ cử tri tham gia cuộc bầu cử này lên tới gần 60%, mức cao nhất kể từ cuộc bầu cử năm 1977.

Theo giới phân tích, có hai thách thức chính đối với tân chính phủ Pakistan: Đó là kinh tế và tàn quân Taliban.

Hiện nay, Pakistan phải nhập khẩu nhiên liệu cho các nhà máy điện. Sản lượng điện không đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước. Tình trạng này làm gia tăng nợ công và dự trữ quốc gia về ngoại tệ bị giảm mạnh. Trong thời gian tới, Pakistan có thể cần đến nguồn tín dụng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Về an ninh, tân chính phủ Pakisan sẽ phải đối mặt với tình trạng bạo động mà thủ phạm là các phần tử Taliban. Mặt khác, sự ổn định của Pakistan còn phụ thuộc vào tiến trình bình định hóa tại Afghanistan, đặc biệt là sau năm 2014, khi quân đội Mỹ rút hết khỏi Afghanistan.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.