Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Ngoại giao : Bắc Kinh thích khách hàng hơn bạn hữu

Dùng ảnh hưởng thương mại làm sức mạnh ngoại giao thay cho chiến lược liên minh là nhận xét của chuyên gia phân tích phương Tây và trong nước về chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Chủ đề này được tờ thiên tả Libération số ra hôm nay 04/10/2013 phản ảnh lại qua bài phân tích tỉ mỉ đề tựa « Ngoại giao : Bắc Kinh thích khách hàng hơn bạn bè ». Một chính sách được giới chuyên gia cho là rất thực dụng và không theo một hệ tư tưởng nào.

REUTERS/Stringer
Quảng cáo

 Ông Jean-Pierre Cabestan, giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế thuộc trường đại học Hồng Kông tóm tắt ngắn gọn chính sách ngoại giao của Trung Quốc như sau : Bất luận thế giới đánh giá xấu về đất nước, lãnh đạo Bắc Kinh quan niệm rằng sức mạnh tài chính và uy thế đang lên của họ sẽ có ích cho họ và buộc các nước phải tôn trọng. Bắc Kinh không cần người ta thích, mà muốn được tôn trọng. Chính vì vậy, tuy có mặt ở hầu hết khắp châu lục, Trung Quốc không có lấy một người bạn hay đồng minh thực sự nào, « duy nhất chỉ có lợi ích và các đối tác » như quan sát của ông Cabestan.

Còn trên những hồ sơ quốc tế nóng, Bắc Kinh thực hiện một chính sách cân bằng sức mạnh với mục đích làm đối trọng với Hoa Kỳ, bằng cách khẳng định chủ nghĩa chống can thiệp nội bộ, mà điển hình rõ nét là trên hồ sơ Syria, theo như nhận xét của nữ ký giả Trung Quốc Cao Dục. Nhưng Philippe Grangereau lưu ý là chính sách đó chưa bao giờ được các lãnh đạo Trung Quốc tôn trọng.
Kể từ khi thành lập nước vào năm 1949 cho đến 1979, Bắc Kinh liên tục tài trợ tài chính cho các cuộc chiến du kích theo chủ nghĩa cộng sản ở các nước láng giềng như tại Nepal, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Cam Bốt và Việt Nam. Khi Đặng Tiểu Bình thực hiện công cuộc cải cách kinh tế, Trung Quốc mới quyết định không can thiệp vào bất cứ xung đột nào. Theo đó, Bắc Kinh cần phải ẩn mình để có thời gian củng cố nền kinh tế quốc gia.

Thế nhưng, nhiều năm gần đây, ông Jean-Pierre Cabestan nhận thấy là Trung Quốc lại bắt đầu có những hành động can thiệp tại một số nước châu Phi.

Theo ông « ở những nơi nào các ứng viên có những chương trình đi ngược lại với quyền lợi Trung Quốc, Bắc Kinh tìm cách gây ảnh hưởng lên các tiến trình tranh cử », thông qua các chương trình trợ giúp. Đây chính là một hình thái tân thực dân, Jean-Pierre Cabestan nhận định. 

Về điểm này, nữ ký giả Cao Dục cũng phải nhìn nhận. Bài nói : « Chính phủ chúng tôi mua chuộc các vị lãnh đạo của nhiều nước châu Phi để cắm rễ. Đây là cách chúng tôi làm. Vì các vị quan chức tại châu Phi cũng dễ hối lộ như là tại Trung Quốc ».

Thế nhưng, chiến lược « trọng khách hàng hơn bạn bè » của Trung Quốc cũng có mặt trái. Theo phân tích của giáo sư Chu Phong, chuyên ngành Quan hệ Quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, « Việc thiếu gay gắt đồng minh là một vấn đề chiến lược thật sự cho Trung Quốc, vì điều đó có nghĩa là sự hiện diện của chúng tôi trên thế giới không có cơ sở vững chắc ». Điều này có thực tại châu Á. Ngoại trừ Lào và Campuchia, do ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc, các nước láng giềng khác xung quanh tỏ ra rất dè chừng Bắc Kinh. Các quốc gia này gia tăng ngân sách quân sự và ngày càng xích gần với Hoa Kỳ.

TTP và FTAAP : những khu vực tự do trao đổi mậu dịch lớn của thế giới ?

Tương lai của nền kinh tế thế giới có thể sẽ được định hình vào cuối tuần này. Từ hôm thứ Ba 01/10, các nhà thương thuyết của 12 quốc gia thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương họp liên tục nhằm đưa ra một thỏa thuận sơ bộ về một đối tác thương mại được cho là lớn nhất hành tinh. Liên quan đến chủ đề này, nhật báo Les Echos có bài nhận định đề tựa « Tại Bali, các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương thương thuyết một thỏa hiệp thương mại lịch sử ».

Các cuộc họp nối tiếp nhau diễn ra từ hôm đầu tháng 10 giữa các nhà thương thuyết thuộc 12 quốc gia thuộc khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Ngoài việc thương thảo để đưa ra một thỏa thuận đầu tiên cho Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các quốc gia này, với mức tổng sản phẩm nội địa là 27 ngàn tỷ đô-la, hiện đang tìm cách tự do hóa trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa họ lẫn nhau.

Cả 12 quốc gia mơ tưởng đến việc xây dựng một khối kinh tế chung rộng lớn hơn, đó là hình thành Khu vực tự do trao đổi mậu dịch châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP) cùng với khối Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC). Les Echos nhấn mạnh là riêng khối APEC bao gồm 21 nước, gồm cả Trung Quốc, Peru và Mêhicô, khối lượng giao dịch thương mại đã chiếm đến 50% tỷ trọng của toàn cầu.

Thế nhưng, theo Les Echos, để đạt được các thỏa thuận TTP và FTAAP, các quốc gia trên cũng cần nhiều cuộc đàm phán tỉ mỉ. Nhiều điểm bất đồng vẫn còn tồn tại. Chỉ có 6 trong số 29 chương đàm phán của TTP là đã hoàn tất. Trong đó, theo nhật báo, những hồ sơ nhạy cảm nhất là vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong các nền kinh tế tân hưng, bảo vệ bản quyền, giảm hay hủy bỏ hàng rào thuế quan.

Lampedusa : thảm kịch di cư

Một chủ đề khác được các báo Pháp đồng quan tâm là thảm kịch chìm tàu ngoài khơi đảo Lampedusa, của Ý. Chiếc tàu xuất bến từ Libya, chở 500 người nhập cư trái phép chủ yếu gốc vùng sừng châu Phi đã bị đắm. Theo thống kê sơ bộ, hơn 130 người chết và 250 người mất tích. Nhật báo Công giáo La Croix chạy tít lớn trên trang nhất « Lampedusa, thảm kịch ».

« Ngoài khơi Lampedusa, hơn 130 người chết chìm và 250 người bị mất tích » là tựa đề bài viết trên tờ thiên tả Libération. « Những người di cư bị giam hãm giữa nước và lửa », L’Humanité chua xót chạy tựa. Hầu hết, các tờ báo đều phác họa lại sự việc. 500 thuyền nhân gốc Somali và Eritrea, trên một chiếc thuyền có chiều dài chừng 20 mét, xuất bến từ Libya. Nguyên nhân đắm tàu xuất phát từ việc trong một phút tuyệt vọng, các thuyền nhân trên đã đốt tấm chăn để làm tín hiệu cầu cứu, nhưng chẳng may lửa bén sang cả mạn thuyền và chiếc thuyền đã bị đắm khi cách không xa đảo Lampedusa của Ý.

Hầu hết các báo Pháp đều có chung nhận định : đây là một thảm kịch nhân loại tệ hại nhất từ trước đến nay. Thị trưởng đảo Lampedusa vốn dĩ cũng đã quá quen thuộc trong chuyện chia sẻ nỗi buồn cho các thảm kịch nhập cư, nhưng lần này bà cũng phải nghẹn ngào nói rằng « Thật là khủng khiếp, quá khủng khiếp ! ». Khi nhìn thấy một dãy thi thể nằm xếp hàng trên nền đất, bà cũng đã không cầm được nước mắt, theo mô tả của Libération. Sự việc đau lòng khiến Đức Giáo hoàng Phanxico phải thốt lên : « Từ mà ta muốn nói chính là xấu hổ ! Đây chính là một sự hổ thẹn », La Croix thuật lại. Ngài cũng kêu gọi các giáo dân hãy « cầu nguyện cho các nạn nhân đến từ châu Phi trong hy vọng tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn ». Có thể nói, « Lampedusa, chính là một thảm kịch nhập cư » như tựa đề kết luận trên Le Figaro. Một thảm kịch mà theo tờ báo trách nhiệm giờ đây thuộc về Liên hiệp châu Âu hơn bản thân nước Ý.

Ẩm thực Trung Hoa qua cái nhìn nhà nghiên cứu Pháp

Về ẩm thực, Libération có đăng một bài viết của giáo sư Gilles Fumey, thuộc trường đại học Paris-Sorbonne phản ảnh quan niệm ăn uống của người Trung Hoa qua hàng tựa « Ẩm thực Trung Hoa, món ngon là món bổ ». Đối với người Trung Quốc, thức ăn phải hợp với nhu cầu và sức khỏe. Đây là một phương pháp tiếp cận y khoa đang lan tỏa trên khắp thế giới.

Bài viết được minh họa bằng một sơ đồ mô tả ngũ tạng Tim, Gan, Thận, Phổi và Lách, lần lượt tương ứng với năm yếu tố Hỏa, Mộc, Thủy, Kim và Thổ và ứng với năm mùa Hạ, Xuân, Đông, Thu và thời điểm giao mùa Thu-Đông, tác giả bài viết cho rằng đối với người Trung Quốc và một số dân thuộc châu Á, chuyện ăn uống cũng phải biết cách. Nhất là tại Trung Quốc, cách ăn uống có liên hệ mật thiết với y học, còn với công nghiệp chỉ là hàng thứ yếu.

Tác giả quan sát thấy là ẩm thực Trung Hoa theo từng vùng có mặt tại châu Âu từ thế kỷ XIX, được chia làm ít nhất 8 trường phái lớn, tựu chung thành 4 gia đình ẩm thực : Đông-Bắc (Sơn Đông), Đông-Nam (Giang Tô, An Huy và Chiết Giang), Nam (Phúc Kiến và Quảng Đông) và Tây-Nam (Hồ Nam và Tứ Xuyên). Ẩm thực Trung Hoa còn thể hiện trong sự tương phản giữa phía Bắc lúa mì như nuôi, mì sợi và phía Nam là gạo ; giữa các món ăn rất mặn phía Bắc, ngọt phía Nam, chua phía Đông và đầy gia vị phía Tây.

Ngoài sự ghi nhận có sự khác biệt trong cách thức trình bày các món ăn trong bữa ăn giữa Trung Quốc và phương Tây, tác giả nhận thấy là dưới thời phong kiến, món ăn phản ảnh thứ bậc xã hội và nghi lễ tại bàn ăn. Sự kết hợp hài hòa giữa các loại rau củ và gia vị cũng là một yếu tố quan trọng trong cách chế biến. Theo quan sát của tác giả, món ăn Trung Hoa là một thế giới rau củ vô tận.

Ẩm thực Trung Hoa còn bao hàm cả một ý nghĩa y học. Triết lý của Khổng giáo và Lão giáo chia vũ trụ làm hai mặt đối lập Âm và Dương. Nếu y khoa sử dụng khái niệm này để chẩn đoán và chữa bệnh, trong ngành khoa học ẩm thực khái niệm trên được thể hiện rõ qua hai tính chất nóng-lạnh. Xa hơn nữa, khái niệm luồng sinh khí đòi hỏi thực phẩm phải càng tươi càng tốt để nuôi dưỡng sinh lực cho con người, như là cá trong bể vậy.

Cuối cùng, tác giả nhận thấy là tăng cường sinh khí còn thông qua việc trữ các yếu tố tự nhiên ở ngũ tạng có sự kết hợp với năm loại ngũ cốc, năm loại rau củ, năm loại thịt cá và năm loại trái cây. Việc xây dựng một khái niệm ăn uống giải thích vì sao sự đa dạng các món ăn trong bữa ăn Trung Hoa nhằm kết hợp một nguồn thực phẩm hài hòa với nhu cầu và sức khỏe.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.