Vào nội dung chính
HOA KỲ - HÀN QUỐC

Lá chắn chống tên lửa: Seoul bị áp lực của Washington

Trước mối đe dọa đánh phủ đầu của Bắc Triều Tiên, liệu Hàn Quốc sẽ trang bị hệ thống phòng thủ tối tân, nhưng tốn kém của Mỹ hay không ? Vào lúc Bình Nhưỡng tăng tốc cải tiến hỏa tiễn đạn đạo, Washington thúc giục các đồng minh quân sự Đông Bắc Á tham gia vào chương trình lá chắn . Tokyo đã đi bước đầu, còn Seoul lo ngại các hệ quả về ngoại giao và chính trị.

Hàn Quốc trình diễn tên lửa Hyunmoo-3 và Hyunmoo-2 trong dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Quân lực, tại căn cứ không quân Seongnam, phía nam Seoul, ngày 01/10/2013
Hàn Quốc trình diễn tên lửa Hyunmoo-3 và Hyunmoo-2 trong dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Quân lực, tại căn cứ không quân Seongnam, phía nam Seoul, ngày 01/10/2013 REUTERS/Kim Hong-Ji
Quảng cáo

Để đối phó với áp lực quân sự thường trực của Bắc Triều Tiên mà điển hình là lời đe dọa biến Dinh Tổng thống Hàn Quốc thành « biển lửa », Seoul tận dụng triệt để khả năng của một cường quốc công nghiệp để xây dựng một hệ thống phòng thủ riêng.

Mùa thu năm nay, quân đội Hàn Quốc cho biết đã và đang triển khai lá chắn chống tên lửa « bay thấp » KAMD chữ tắt của hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa của Hàn Quốc, phối hợp với tên lửa ngăn chận Patriot do Hoa Kỳ cung cấp. Bộ quốc phòng Hàn Quốc cho biết thêm là đang nghiên cứu một hệ thống thứ hai tối tân hơn,có khả năng phát hiện và phản công trước khi tên lửa Bắc Triều Tiên rời giàn phóng. Bộ trưởng Kim Kwan Jin còn thận trọng tuyên bố vì lý do ngân sách, quân đội Hàn Quốc sẽ không bỏ ra hàng tỷ đôla để mua trang thiết bị của Mỹ và đào tạo chuyên viên sử dụng.

Theo thông tín viên Frédéric Ojardias từ thủ đô Seoul, những lời tuyên bố « tự lực tự cường » trên đây phản ánh nhiều mối ưu tư của chính phủ Hàn Quốc.

Trước hết, về mặt an ninh quốc phòng, Hàn Quốc cần gấp một lá chắn tối tân vì vào năm 2012, Bắc Triều Tiên đã thử nghiệm thành công tên lửa tầm xa vượt xa khả năng ngăn chận của KAMD . Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đáp ứng được nhu cầu này : Phát hiện, ngăn chận, tiêu diệt từ trên không các tên lửa đạn đạo trang bị đầu đạn hạt nhân. Do vậy hệ thống phòng thủ của Mỹ rất phức tạp, phối hợp đồng loạt ra-đa, vệ tinh quan sát và tên lửa chống tên lửa.

Theo báo chí Hàn Quốc, Washington gây sức ép để Seoul mua hệ thống chận tên lửa mới hoàn tất mang tên THAAD và SM3. Vấn đề làm Hàn Quốc do dự là khi trang bị các loại vũ khí mới này, không chóng thì chày, Seoul sẽ rơi vào thế trận phải hội nhập hẳn vào chiến lược « lá chắn chống tên lửa » của Mỹ trải dài từ Âu sang Á.

Đây là trường hợp của Nhật Bản. Tokyo đã thông báo gia nhập chiến lược của Mỹ và đã cho phép Hoa Kỳ thiết lập một hệ thống ra-đa tối tân trên đất Nhật.

Hệ thống phòng thủ này trên thực tế có thể được sử dụng để tấn công. Theo các chuyên gia quân sự và địa chính trị, tuy Hoa Kỳ nhấn mạnh đến yếu tố Bắc Triều Tiên để giải thích nhu cầu bảo vệ các đồng minh Đông Bắc Á, nhưng kỳ thực, mục tiêu chiến lược của Washington là đối phó với chính sách bành trướng của Bắc Kinh.

Thế mà, chính sách của Hàn Quốc là duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc, đối tác thương mại quan trọng nhất trong khu vực. Chuyên gia Hong Hyun Ik thuộc viện nghiên cứu Sejong, Seoul phân tích lợi hại : « Đã từ ba năm nay, Hoa Kỳ yêu cầu Hàn Quốc tham gia vào hệ thống lá chắn chống tên lửa. Nhưng nếu hệ thống phòng thủ của Hàn Quốc gắn vào hệ thống của Mỹ trong khu vực này thì Hàn Quốc bắt buộc trợ giúp đồng minh Hoa Kỳ theo dõi tên lửa Trung Quốc… với hệ quả là quân đội của chúng tôi sẽ bị Trung Quốc xem là kẻ thù tiềm tàng ».

Hàn Quốc trông cậy vào sức mạnh và sự hiện diện quân sự của Mỹ tại phía nam bán đảo Triều Tiên để răn đe Bình Nhưỡng nhưng Seoul không bao giờ muốn khiêu khích Bắc Kinh.

Các tập đoàn công nghiệp quân sự Mỹ tìm cách xuất khẩu hệ thống chống tên lửa đạn đạo mà trị giá lên đến nhiều tỷ đôla. Hoa Kỳ lại có thừa ảnh hưởng để gây sức ép với các đồng minh và đã thành công thuyết phục được Nhật Bản .

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc, hồi trung tuần tháng 10, khẳng định là không có kế hoạch tham gia vào hệ thống lá chắn của Mỹ, nhưng liệu Seoul tiếp tục đi dây giữa Mỹ và Trung Quốc đến bao giờ ?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.