Vào nội dung chính
THÁI LAN

Biểu tình tại Thái Lan, hai người bị trúng đạn

Một tuần lễ quyết định đang mở ra tại Thái Lan. Cả trăm ngàn người biểu tình trên đường phố Bangkok. Lãnh đạo phong trào chống chính phủ bác bỏ kêu gọi đối thoại của thủ tướng Yingluck và hứa hẹn ngày 01/12/2013 sẽ là một ngày « đại thắng ». Phe Áo Đỏ ủng hộ chính phủ cũng xuống đường.

Biểu tình tại Bangkok ngày 30/11/2013
Biểu tình tại Bangkok ngày 30/11/2013 Reuters
Quảng cáo

Theo nguồn tin từ bệnh viện Bangkok, các cuộc biểu tình ngày 30/11/2013 đã làm ít nhất hai người bị thương vì trúng đạn. Bạo động đã xảy ra gần một sân vận động của thành phố nơi có tới 70.000 người thuộc phe Áo Đỏ tập hợp để bày tỏ sự ủng hộ đối với chính quyền của thủ tướng Yingluck. Theo lời phóng viên của hãng thông tấn Pháp, hàng trăm người biểu tình của phe Áo Vàng chống chính phủ, đã ném đá và dùng ghế đập xe buýt chở người biểu tình của phe Áo Đỏ. 

Chính phủ Thái huy động thêm 3.000 lính để tăng viện cho bên cảnh sát. Trong khi đó vào sáng nay tại Bangkok, 10.000 người của phe đối lập Áo Vàng đã xuống đường đòi thủ tướng Yingluck từ chức. Trụ sở của hai tập đoàn viễn thông Thái Lan là TOT và CAT bị chiếm đóng. Tuy nhiên, theo bộ Công nghệ và Thông tin, các hoạt động của hai tập đoàn này không bị gián đoạn.

Lãnh đạo phong trào đối lập, cựu thủ tướng Thái Lan Suthep Thaugsuban, kêu gọi quần chúng gia tăng áp lực trước sinh nhật Quốc vương Thái, Bhumibol vào ngày 05/12/2013. Đối lập Thái Lan lo ngại, sinh nhật nhà vua là một dịp lễ lớn, sẽ làm chìm phong trào của phe chống chính phủ.

Ngoài ra, phe đối lập còn dự trù huy động đông đảo quần chúng hơn vào ngày mai, 01/12/2013, ngày mà ông Suthep Thaugsuban hứa hẹn sẽ là một ngày « quyết định ».

Dự luật ân xá đã châm ngòi cho phong trào chống chính phủ của Thủ tướng Yingluck, em gái của Thủ tướng bị lật đổ Thaksin. Từ một tháng qua, các cuộc xuống đường tại thủ đô Bangkok diễn ra gần như hàng ngày.

Có lúc đã có từ 150.000 đến 180.000 người hưởng ứng kêu gọi của phe đối lập đòi nữ Thủ tướng Yingluck từ chức. Người biểu tình đã chiếm đóng nhiều trụ sở nhà nước, như các bộ Tài chính, Ngoại giao và thậm chí cả trụ sở của quân đội Thái Lan.

Trước mắt chính quyền Bangkok chỉ phản ứng một cách rất chừng mực. Như lời một chuyên gia Úc về Đông Nam Á, Andrew Walker, nội các của bà Yingluck bằng mọi giá muốn tránh lập lại kịch bản đẫm máu của năm 2010.

Vào thời đó, chính quyền của phe Áo Vàng đã ra lệnh cho quân đội mở chiến dịch tấn công nhắm vào phe Áo Đỏ, làm 90 thiệt mạng và khoảng 1.900 người bị thương. Đợt tấn công đó đã đẩy Thái Lan vào cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất trong lịch sử cận đại của quốc gia Đông Nam Á này.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.