Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - TRUNG QUỐC

Tokyo phản đối Bắc Kinh dựng đài tưởng niệm kẻ sát hại một Thủ tướng Nhật

Hôm nay 20/01/2014 Nhật Bản đã lên tiếng phản đối việc Trung Quốc khánh thành đài tưởng niệm một người Triều Tiên đã ám sát Thủ tướng Nhật năm 1909, gây ra một sự cố ngoại giao mới giữa Bắc Kinh và Tokyo vốn đang hiềm khích trong tranh chấp lãnh thổ.

Đài tưởng niệm Anh Jung Geun được khánh thành tại Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) ngày 19/01/2014.
Đài tưởng niệm Anh Jung Geun được khánh thành tại Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) ngày 19/01/2014. @Yonhap
Quảng cáo

Đài tưởng niệm được chính quyền Trung Quốc khánh thành hôm qua tại nhà ga Cáp Nhĩ Tân (Harbin) miền đông bắc Trung Quốc nhằm vinh danh Ahn Jung Geun, kẻ sát nhân đã bắn một loạt đạn vào Thủ tướng Nhật Hirobumi Ito ngay tại nhà ga trên vào ngày 26/10/1909.

Vào thời điểm đó, ông Ito được cử làm đại diện nước Nhật tại Triều Tiên đang bị chiếm đóng, sau khi đã làm Thủ tướng bốn nhiệm kỳ. Thủ phạm Ahn Jung Geun bị người Nhật treo cổ vào năm 1910. Cùng năm đó, Nhật Bản thôn tính Triều Tiên, việc chiếm đóng chỉ chấm dứt vào năm 1945.

Tokyo đã phản ứng ngay lập tức. Trong cuộc họp báo, Chánh Văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga tuyên bố : « Chúng tôi coi Ahn Jung Geun là một tên khủng bố đã bị tử hình vì tội sát hại Thủ tướng của chúng tôi ». Theo ông, việc dựng đài tưởng niệm ở Cáp Nhĩ Tân « không góp phần vào việc xây dựng quan hệ hòa bình và hợp tác trong khu vực ». Ông Suga chỉ trích quyết định « đơn phương » về một « sự kiện xảy ra từ thế kỷ trước ».

Về phía Tân Hoa Xã cho rằng « đài tưởng niệm ông Ahn không nhằm làm tổn thương, nhưng để đưa lịch sử Đông Bắc Á ra ánh sáng ».

Chẳng biết có phải là trùng hợp ngẫu nhiên hay không, nhưng cũng trong hôm qua, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố muốn « tổ chức một hội nghị Thượng đỉnh và có các cuộc đối thoại thẳng thắn » với Trung Quốc và Hàn Quốc để giải quyết rốt ráo các bất đồng.

Tokyo thường xuyên đề nghị tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh, nhưng đến nay Bắc Kinh và Seoul vẫn từ chối hội đàm với vị Thủ tướng phe bảo thủ luôn bị hai nước này cho là có khuynh hướng quân phiệt và dân tộc chủ nghĩa.

Quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc lâu nay vẫn bị ảnh hưởng do cách nhìn lịch sử thế kỷ 20 khác nhau, gần đây lại càng xấu đi do tranh chấp chủ quyền trên Biển Hoa Đông. Tokyo xung đột với Bắc Kinh trong hồ sơ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, ngoài ra, còn tranh chấp với Seoul quần đảo Dokdo/Takeshima.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.