Vào nội dung chính
NHÂN QUYỀN - TRUNG QUỐC

Mỹ thúc Trung Quốc trả tự do cho Lưu Hiểu Ba

Trung Quốc bị chính phủ và quốc hội Mỹ gây sức ép. Hôm qua 26/06/2014, Bộ Ngoại giao Mỹ một lần nữa yêu cầu Bắc Kinh trả tự do cho giải Nobel Hòa bình 2010 Lưu Hiểu Ba đang bị lãnh án 11 năm tù. Hai ngày trước, Quốc hội Mỹ chấp thuận dự án lấy tên tác giả Hiến chương 08 đặt tên đường nơi tọa lạc đại sứ quán Trung Quốc ở Washington.

Chiếc ghế dành cho ông Lưu Hiểu Ba bị bỏ trống, tại lễ trao giải Nobel Hòa bình 2010, bên cạnh ông Thorbjoern Jagland, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy
Chiếc ghế dành cho ông Lưu Hiểu Ba bị bỏ trống, tại lễ trao giải Nobel Hòa bình 2010, bên cạnh ông Thorbjoern Jagland, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy REUTERS
Quảng cáo

Số phận tù nhân Lưu Hiểu Ba, tác giả bản Hiến chương 08 kêu gọi dân chủ hóa chính trị, tiếp tục gây xung khắc trong quan hệ Mỹ-Trung.

Giáo sư Lưu Hiểu Ba, qua tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf, đã đóng « vai trò quan trọng thúc đẩy đối thoại tại Trung Quốc ». Bắc Kinh cần phải « thả ông Lưu Hiểu Ba ra khỏi nhà giam và chấm dứt biện pháp quản thúc người vợ của ông là bà Lưu Hà ».

Năm 2008, giáo sư Lưu Hiểu Ba cùng 300 nhà trí thức, luật gia, văn nhân, nghệ sĩ ký và phổ biến một bản kiến nghị lấy tên là Hiến chương 08, một chương trình dân chủ hóa gồm 19 điểm, để cứu dân và cứu đảng cộng sản ra khỏi nguy cơ hỗn loạn xã hội.

Hệ quả là ông bị kết án 11 năm tù trong phiên tòa năm 2009. Hai năm sau, ông được quốc tế ân thưởng giải Nobel Hòa bình.

Theo AFP, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ không muốn phát biểu về dự án của lập pháp đổi tên con đường International Place nơi tọa lạc nhiều cơ quan ngoại giao quốc tế trong đó có sứ quán Trung Quốc tại Washington DC thành đường Lưu Hiểu Ba.

Dự án gây bất bình cho Bắc Kinh nhưng đã được một ủy ban của Hạ viện Mỹ chấp thuận hôm thứ Tư và còn chờ Thượng viện biểu quyết.

Chủ tịch hội đồng thành phố Washington, Phil Mendelson, tán thành sáng kiến lấy tên giải Nobel Hòa bình Trung Quốc đặt tên đường trước sứ quán Trung Quốc, nhưng ông muốn có đèn xanh của Quốc hội.

Sáng kiến này đã từng được thi hành vào năm 1984. Sau khi con đường trước sứ quán Liên Xô được đổi tên mới là Andrei Sakharov, ngay lập tức chính quyền Liên Xô trả tự do cho nhà ly khai và cũng là cha đẻ bom nguyên tử của Liên Xô bị cầm tù vì tư tưởng cải cách dân chủ.

Lãnh đạo cơ quan khiếu kiện Trung Quốc bị khai trừ đảng vì ngoại tình

Hứa Kiệt (Xu Jie), sau khi bị mất chức trợ lý Giám đốc Phòng tiếp dân khiếu kiện, đã bị khai trừ đảng. Lý do là « lợi dụng chức vụ và ngoại tình ». Ngoài Hứa Kiệt, ủy ban bài trừ tham nhũng cho biết thêm là Từ Mạnh Gia (Xu Meng Jia), cựu Bí thư thành phố Nhã An (Ya An), tỉnh Tứ Xuyên, bị cách chức.

Theo giới phân tích, chiến dịch chống tham nhũng tại Trung Quốc chỉ là bình phong che khuất cuộc tranh giành quyền lực.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.